Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Nói Chuyện Đời Thường Vê DU TỬ LÊ -- Nguyễn Hữu Trí ( trích )


(07/08/2015 08:50 PM) (Xem: 736)

Bây giờ thì tôi tin một cách khá chắc chắn rằng hễ còn sống ngày nào tất phải đối diện với những chuyện "lạ đời" bất chợt xảy đến cho mình. Tôi mà được "mời" nói chuyện về nhà thơ Du Tử Lê thì thật không còn gì lạ lẫm cho bằng! Một người văn chương chữ nghĩa ăn đong mà đi giới thiệu một ngôi sao bắc đẩu trên thi đàn Việt Nam thì quả thật không có câu chuyện nào tréo cẳng ngỗng hơn. Đã vậy, tôi lại không được cái hân hạnh là "bạn nối khố", là "người bạn năm xưa", là "người được quen biết anh Du Tử Lê từ hồi còn ngồi ở quán Cái Chùa ngó mông ra con đường Tự Do ở Sài gòn"…thì thử hỏi tôi lấy tư cách gì để bình, bàn về con người, hay thi phú của nhà thơ lớn trước mặt những người khách chọn lọc yêu văn thơ? Thế nhưng chuyện lạ đã xảy ra, và hoàn cảnh đẩy đưa, tới một lúc không còn "rút lui có trật tự" được nữa, tôi đành đánh liều đóng vai một kẻ "điếc không sợ súng". Thú thật, vì bản tính nhút nhát, tôi rất ít khi dám liều lĩnh như vậy.

Tôi nhận lời làm một trong các "diễn giả" tại buổi giới thiệu các tác phẩm của Du Tử Lê do Hội Người Việt Cao Niên ở Philadelphia bảo trợ. Đó là vào cuối tháng 9 năm 1997. Tiếp đến, vào đầu tháng 11, tôi lại bay sang tận miền Tây bắc để làm "kẻ điếc" thêm một lần nữa! Và lần này là Chiều Thơ Nhạc Du Tử Lê, được tổ chức ở thành phố Seattle. ....

Sáng chủ nhật hôm ấy, tôi lái xe từ miền Bắc bang Virginia lên Philadelphia để kịp dự buổi giới thiệu vào lúc 3 giờ chiều. Trên đường đi, tôi vẫn còn phân vân chưa biết phải nói những gì trong buổi sinh hoạt đó. Số là cách đấy khoảng một tuần, tôi có nhận được cuốn du tử, tác giả & tác phẩm do nhà thơ Du Tử Lê từ California gửi qua. Đồng thời, qua điện thoại, nhà thơ cho tôi biết, tôi sẽ nói chuyện về tác phẩm mới này. Thế rồi, nhà thơ sang Virginia trước mấy hôm. Nhưng như bao lần, vì bận bịu bạn bè nên ông quên bẵng không liên lạc với người diễn giả tay mơ. (Đây là chuyện bình thường của ông, tôi thông cảm và không có ý trách ông đâu nhé!) Tôi lục lạo mãi mới "bắt" được ông ta vào tối thứ bảy. Lúc ấy, nhà thơ cho tôi hay một mẫu tin có thể nói là "sét đánh lưng trời" --ít ra là đối với tôi! Ông ta báo cho tôi biết, đã đưa cho ban tổ chức đề tài bài nói chuyện của tôi là "Một chân dung khác của Du Tử Lê". Qua điện thoại, tôi phản ứng ngay rằng "Bộ ông ỷ ông là nhà thơ lớn rồi ông muốn đổi đề tài lúc nào cũng được sao?!" Ông nhà thơ không trả lời câu hỏi mà chỉ cười với một "giọng cười rổn rảng" dễ mến như bao giờ. Đặt điện thoại xuống, tôi mới chợt nhận ra rằng cái tin tôi tưởng là "sét đánh ngang tai" kia lại là một chi tiết đáng mừng: có gì lạ đâu, giờ đây, ngoài chuyện bàn luận về tác phẩm mới, tôi còn được phép "đụng" thẳng vào cá nhân nhà thơ lớn của chúng ta nữa. Nghĩ là nghĩ vậy, chứ vào lúc ấy tôi cũng chưa quyết định nói những gì.


Xin trở lại với Du Tử  Lê, tác giả & tác phẩm. Khi nhận được cuốn sách, nhìn ở bìa trước, xong rồi nhìn ở bìa sau và xem qua Mục Lục, tôi thấy choáng váng vì 50 tên tuổi những người làm văn học nghệ thuật in ở bìa sau. Mục lục lại càng làm tôi chóng mặt thêm: nhà thơ của chúng ta là tất cả và thật tình ông xứng đáng với bất cứ một danh hiệu mà những tác giả kia dành cho ông. Sau đấy, tôi đọc hầu hết những bài viết trong tác phẩm này.

Nội dung đầy đủ của cuốn sách giúp tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ và lý thú --đối với tôi-- về nhà thơ Du Tử Lê. Tôi bối rối vì chưa biết phải nói gì về tác phẩm này. Về sau, khi được nhà thơ giao thêm cái trọng trách nói về "một chân dung khác" của ông, tôi lại càng lúng túng hơn nữa. Nhưng tôi biết chắc, sẽ không dám đụng tới những nhan đề cao xa như vừa kể. Lý do giản dị là vì sau khi lượng sức mình, tôi biết, tôi không tài nào vói tới chúng được.

Chính nhờ ý nghĩ này và nhờ trong khi lái xe đi Philadelphia nhìn cảnh đời thường diễn ra trước mặt, tôi đã quyết định nói chuyện "đời thường" về nhà thơ Du Tử Lê. Vì là chuyện đời thường, nên nội dung những điều tôi nói chẳng có gì là cao xa hay bí hiểm. Vì là chuyện đời thường, nên hình thức và ngôn ngữ tôi dùng cũng rất ư là thường tình!

Tôi bắt đầu câu chuyện đời thường bằng cách nói một chút về cuốn sách Du Tử Lê, tác giả & tác phẩm. Thoạt nhìn tấm hình của tác giả ở bìa trước, tôi thấy ông có vẻ đăm chiêu như đang chiêm nghiệm về một khúc mắc nào đó trong cuộc đời. Nói khác đi, trông ông giống như một triết gia đang nghĩ ngợi rất lung về ý nghĩa của đời người; hay về sự phi lý trong cuộc sống phù du này. Nhưng nhìn kỹ, tôi lại thấy đôi mắt ông trông giống như của một kẻ rình mồi. Và những con mồi của ông không ai khác hơn là những bóng giai nhân mà ông đã, đang và sẽ chụp lấy. Ông túm lấy họ không phải để làm những chuyện quàng xiêng như những kẻ vũ phu cộc cằn. Vì ông là thi sĩ, cho nên ông chỉ nhẹ nhàng dìu những bóng hồng kia vào cõi thơ của ông. Và nhờ những "nạn nhân" đó và óc sáng tạo mãnh liệt của ông, ông đã và sẽ để lại cho đời những bài thơ tình tuyệt diệu. Về hình thức cuốn sách, tôi có nói thêm là cách trình bày rất hấp dẫn dễ thu hút được sự chú ý của độc giả. Riêng về nội dung phong phú của tác phẩm, tôi không có thì giờ đi vào chi tiết nên chỉ khẩn khoản "mời" cử tọa mua lấy về đọc để hiểu thêm về con người và thi ca của nhà thơ Du Tử Lê. Tôi kết luận, đây là một tác phẩm cần có trong tủ sách gia đình và tôi đã thừa cơ hội "trình diễn" một màn quảng cáo bằng tiếng Anh. Tôi hứa với thính giả là sẽ trả tiền lại nếu họ không hài lòng (kiểu Mỹ mà!). Mọi người biết tôi hứa cuội nên đã cười ồ!

Đến đây, tôi chuyển qua phần thứ hai trong câu chuyện "đời thường". Tôi kể lại những "chặng đường" quen biết khá nhiêu khê tôi đã đi qua để đến gần nhà thơ. Mục đích chỉ giản dị là để trình bày với cử tọa cái "chân dung khác" của nhà thơ mà tôi có bổn phận phải đề cập tới trong buổi giới thiệu. Tôi bí không biết phải dùng phương pháp nào nên đành dựa vào sự mô tả những chặng đường quen biết nọ. Chặng đường đầu tiên tôi đặt tên là "chặng đường thán phục". Sau một thời gian xa nhà khá lâu và làm quen với các nền văn chương Âu Mỹ, tôi trở về quê hương để chợt nhận ra, đất nước mình cũng có một nền văn học chẳng thua kém gì ai. Và trong số những tên tuổi làm nên nền văn học khả kính đó có nhà thơ Du Tử Lê. Đó là vào khoảng giữa thập niên 1960, lúc bấy giờ ông là một nhà thơ đã thành danh. Vì vậy, sự cảm phục của tôi dành cho ông là một chuyện tất nhiên, mặc dầu tôi chưa được hân hạnh gặp ông. Vào thời gian đó, vì mới ra đời bận bịu với mưu sinh, tôi không có thì giờ để đọc nhiều những nhà văn nhà thơ nổi tiếng đương thời như mình muốn.

Vào cuối thập niên 1960, tôi lại "bỏ nước ra đi" một lần nữa, để tiếp tục việc học dở dang của mình. Ở ngoài nước, tôi lại không có nhiều dịp đọc thơ văn nước nhà. Nhưng tôi có theo dõi tin tức về văn học nghệ thuật trong nước. Nhờ vậy, tôi biết tin nhà thơ Du Tử Lê được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thơ năm 1973. Sự việc này đưa tôi tới chặng đường có tên là "chặng đường sợ hãi". Dĩ nhiên, tôi sợ là sợ con người thi sĩ tài hoa, chứ tôi có biết ông ta "thân dài vai rộng" cỡ nào đâu mà sợ ông hung hăng! Chặng đường này khá dài và nó chập chờn trước mắt tôi qua một thời gian khá lâu. Cho đến ngày tôi được cái hân hạnh thật sự gặp nhà thơ "bằng xương bằng thịt" của chúng ta. Đó là vào mùa Lễ Tạ Ơn năm 1996 tôi được may mắn bắt tay ông ở miền Bắc bang Virginia. Ngay sau khi gặp ông, tôi đã bước sang "chặng đường ngỡ ngàng". Không ngỡ ngàng sao được khi mà đứng bên cạnh ông, thầm lặng so sánh với vóc dáng ông, tôi chợt nhận ra rằng tôi có thể quật ngã ông một cách không mấy khó khăn. Thật tình tôi không hiểu tại sao mình lại có thể "sợ" nhà thơ đến thế trong suốt mấy mươi năm trời. Thế nhưng suy nghĩ kỹ, tôi đã nói với cử tọa rằng đối diện với ông, tôi có phần an tâm về mặt thể chất. Nhưng nỗi sợ sệt vì cái tài làm thơ của ông thì vẫn không suy giảm chút nào. Chặng đường "ngỡ ngàng" qua nhanh sau lần gặp gỡ nọ, tôi đã đặt chân lên "chặng đường bực dọc". Tôi cảm thấy "bực bội" khi biết được tên tuổi nhà thơ của chúng ta vang dội khắp nơi, không những trên nước Mỹ này mà ở cả Châu âu, châu Úc nữa! Tôi gằn giọng hỏi rằng ở hải ngoại này chẳng lẽ không có một nhà thơ nào ngang "tầm cỡ" với thi sĩ Du Tử Lê hay sao? Tôi kể ra một số tên tuổi các nhà thơ khác và nhân dịp này, tôi đã xin phép cử tọa đọc một bài thơ "của tôi," để quí vị ấy thử so sánh xem thơ tôi có hay bằng thơ của ông Lê Cự Phách không. Tôi nhận thấy mọi người đều chăm chú nghe:

thân ngựa chạy một đêm sầu phố núi
mắt chim theo giọng suối đứng riêng trời
hơi thở ngọt em một đời phong kín
nhớ nhung gì em buộc tóc chia hai
.
con sóc nhỏ đem hồn lên núi lạ
ta chim rừng cánh mỏi đã đau thương
hương cỏ dại mát dưới chân ngà ngọc
em bảng đen vôi trắng giết đời nhau
.
trăm con bướm phải về chung một ngõ
suối xôn xao phải suối xưống tự nguồn
em áo lụa dáng gầy hơn bóng núi
rừng ơi rừng cây đợi đã trăm năm
.
em thanh khiết giữa đời ta bụi bặm
gọi ta về trong bóng nắng thơ ngây
em mới lớn nên tình như thác gội
ôi-bạn-ta, thân ngựa sớm xa bầy


Tôi vừa đọc dứt bài thơ thì tiếng vỗ tay tán thưởng đã vang dậy thính phòng. Mọi người có vẻ nghĩ rằng tài làm thơ của tôi cũng chẳng kém gì nhà thơ Du Tử Lê. Nhưng đó cũng chính là lúc "lương tâm tôi cắn rứt," nên tôi vội vàng xin cử tọa một phút im lặng, để báo cho mọi người biết rằng họ vừa chứng kiến một vụ đạo văn lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Tôi nói: "Sự thật bài thơ này không phải của tôi! Đó là bài thơ nhan đề "bài t. ng." của nhà thơ Du Tử Lê mà tôi còn giữ được. Ông Du Tử Lê làm bài thơ này năm 1973, hình như cùng lúc với các bài "Đời Mãi Ở Mãi Phương Đông, Cơn Mưa, Sinh Nhật, 12," vân…vân. Tôi phải nói ngay như thế kẻo ông ta kiện tôi về tội đánh cắp bản quyền thì phiền lắm". Từ trên bục nhìn xuống cử tọa, tôi có cảm tưởng hầu hết đều tiếc rẻ vì đã lỡ vỗ tay khen tôi. Nhưng quan khách dường cũng quên rằng, vô hình trung họ đã công nhận tài năng thi phú của nhà thơ Du Tử Lê.

Trong hai buổi giới thiệu nhà thơ, tôi kể lể dông dài như trên cốt ý để trình bày đôi điều tôi nghĩ về con người Du Tử Lê, và về thơ của ông ta. Về con người họ Lê, vì mới quen biết ông, tôi không dám đưa ra một khẳng định nào về cá tính. Tôi chỉ nói với cử tọa một cách giản dị rằng nhà thơ Du Tử Lê là một người dễ mến. Tôi trích một đoạn trong bài thơ cuối cùng, cho một người con gái Mỹ để chứng minh điều tôi nghĩ. Vào cuối thập niên 1960, trong thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ, nhà thơ của chúng ta đã mơ ước một ngày nào đó người bạn gái Donna của ông được "đặt chân trên quê hương anh nhỏ bé":

để mỗi bước chân đi
em sẽ thấy xứ sở anh có phần còn đẹp hơn nước Mỹ
để em nhận ra
không ở đâu có thể có được
một giống dân hiền lành nhưng quả cảm
một giống dân cần cù nhẫn nại
và dễ mến như dân tộc anh

Tôi trích đoạn thơ này để nói rằng khi mới quen biết ông, tôi có cảm tưởng ông là một người dễ mến; và cho đến nay cái ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn. Tôi có nói với cử tọa, tôi nghĩ, khi trình bày với Donna những đức tính đáng yêu nọ của người Việt Nam chắc hẳn nhà thơ của chúng ta không quên nói với nàng "và dĩ nhiên, anh không phải là một biệt lệ".

Cũng trong bài thơ cuối cùng, cho một người con gái Mỹ, họ Lê quả quyết:

không bao giờ đâu Donna
dù anh có yêu em hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
quê hương anh với cả trăm ngàn khốn khó…



Du Tử Lê,  Mỹ năm 1969                   Donna (yelltale.blogspot.com)

Nhiều người nói và viết về nhà thơ Du Tử Lê cho rằng đoạn thơ này chứng tỏ ông là một "người Việt Nam yêu quê hương;" nên đã quyết định trở về. Tôi cũng đồng ý như vậy cho đến hôm giới thiệu nhà thơ ở Seattle. Một ý nghĩ hơi lạ chợt đến với tôi, và tôi đã chia sẻ cùng khán giả. Dĩ nhiên, tôi không dám nghi ngờ lòng ái quốc của nhà thơ. Tôi cũng không dám nghi ngờ rằng ngoài Donna ra, vì vốn là người hào hoa, nhà thơ chắc hẳn còn có các bạn Jane, Nancy, Elizabeth… tất cả đều xinh như mộng. Nhưng tôi có đặt ra một nghi vấn: nhỡ Donna không có "một mái tóc dài thả xõa", cũng không có "đôi mắt mở to sáng trong nhẫn nhục", mà là một "mệnh phụ" có dư chừng vài trăm cân Anh, đứng làm thâu ngân viên trong PX, lúc nào cũng hằm hè với nhà thơ, thì chuyện trở về của họ Lê chỉ là cái chiến thuật "tam thập lục kế tẩu vi thượng sách” mà thôi. Thật vậy, trong trường hợp đó, chạy lẹ về "chốn quê hương đẹp hơn cả" là an toàn nhất, có phải thế không, hỡi ông nhà thơ?!

Tôi quay sang thơ của họ Lê để tiếp tục câu chuyện đời thường. Tôi không biết nhiều về thơ, nên ở đây tôi cũng chỉ nói với cử tọa một cách ngắn gọn rằng thơ của thi sĩ họ Lê hay, rất hay và hay vô cùng. Sau khi dùng các từ và đoản ngữ này để mô tả thơ của Du Tử Lê, tôi có cảm tưởng một số người trong cử tọa không mấy hài lòng về cách đánh giá đó. Chắc hẳn quí vị này cho rằng nói chung chung "thơ hay, rất hay và hay vô cùng" thì ai lại chẳng nói được. Do đó, tôi vội vàng nói thêm, theo tôi, thơ trước hết phải có sức truyền cảm và, qua lời thơ và ý thơ, có khả năng gợi lên trong lòng người đọc những rung cảm sâu thẳm nhất. Cũng như những giòng nhạc, nếu những vần thơ làm được điều này thì sao ta không thể gọi đó là một bài thơ hay, mà không cần phải phân tích quá kỹ càng? Theo tôi, thơ của Du Tử Lê có sức truyền cảm rất mạnh mẽ. Hơn nữa, hầu hết những bài thơ của ông không quá xa lạ với bản năng chiêm ngưỡng cái hay, cái đẹp của con người.

Chấm dứt bài nói chuyện đời thường, tôi kết luận rằng thi sĩ Du Tử Lê là nhà thơ của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Sự thực là Du Tử Lê đã bắt đầu làm thơ từ năm mười một tuổi, và tới nay hơn nửa đời người, ông vẫn còn sáng tác rất sung sức. Vì thế, thật khó lòng chối bỏ sự kiện ông là thi sĩ của quá khứ và hiện tại. Nhưng dựa vào đâu để dám nói chắc rằng ông là nhà thơ của ngày mai? Tuy biệt tài của ông là làm thơ, và tuy ông đã chiếm được một địa vị rất vững chắc trên thi đàn Việt Nam, nhưng tôi tin chắc rằng ông sẽ không ngừng viết nên những câu thơ đẹp nhất cho đời. Bên cạnh đó, cũng giống như những người đã trót mang "cái nghiệp sáng tạo" vào thân, ông sẽ cùng họ đi tìm cho ra câu trả lời thỏa đáng để giải đáp thắc mắc "Ta là ai trên cõi đời này?" Vin vào sự tin tưởng đó, tôi xin gọi ông Du Tử Lê là nhà thơ của hôm qua, của hôm nay và của ngày mai.

Không có nhận xét nào: