Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

TRANH CHỮ NÔM CỦA BÙI HẠNH CẨN



Tranh Chữ Nôm Của Bùi Hạnh Cẩn




Bùi Hạnh Cẩn, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa lão thành là người mà nhiều đồng nghiệp vẫn gọi vui và vô cùng trìu mến là “một con người đa tài, đa tình và đa sự”. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc đời làm báo, hoạt động văn hóa, nghệ thuật của ông. Một trong những cống hiến của con người sống gần trọn thế kỷ này cho văn hóa dân tộc là tranh chữ nôm, một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Một con người tài hoa
  Bùi Hạnh Cẩn sinh năm 1919 tại Vụ Bản, Nam Định. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo như Quyền Tổng biên tập báo Hà Nội Mới, Chủ tịch Hội Văn học – nghệ thuật thành phố Hà Nội.
Độc giả những năm kháng chiến chống Mỹ đã từng biết đến tên tuổi của nhà báo trong những mục châm biếm và đả kích đế quốc Mỹ hết sức sâu cay và thâm thúy, những người thuộc lứa tuổi U60-U70 đã từng rất say mê tờ báo dành cho thiếu niên, tờ “Ngựa Gióng”. Ông chính là người đã sáng lập và là cây bút đạo của tờ báo này với bút danh Bút Thép nổi tiếng
Với tâm huyết nhiệt thành của một nhà báo, một chiến sĩ cách mạng và khả năng vận dụng vốn văn học dân gian một cách nhuần nhuyễn, nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã được Bùi Hạnh Cẩn thổi hồn chuyển thành các bài ca dao dễ đọc, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, như trong diễn ca “Đẹp giàu đất nước, vui tươi gia đình”, “Diễn ca Nghị quyết 22” của Đảng và nhiều diễn ca khác.
  Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng như Gia đình của Ba Kim, Tây du ký của Ngô Thừa Ân,Luyện mãi thành thép của Ngải Vu, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Thơ của Victor Hugo… đã được ông dịch và trân trọng giới thiệu với đông đảo bạn đọc ngay từ những năm 1960, 1970.
  Đặc biệt ông dành tâm huyết cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc, từ việc sưu tầm, biên soạn, khảo sát giới thiệu những tác phẩm và tác giả văn học nổi tiếng, những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta đến những khảo sát thực địa và nghiên cứu, khảo luận về các phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng của Hà Nội. Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Bính, tục ngữ và ca dao… từng là niềm say mê của nhà nghiên cứu đa tài này. Nhiều công trình của ông đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ Việt Nam ngày ấy.
  Năm nay 98 tuổi, đã nghỉ hưu từ lâu nhưng ông vẫn luôn làm việc, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Trò chuyện với ông thật thú vị, tuổi tác có thể làm ông già đi, nhưng chưa thể lão hóa được sự minh triết, thông tuệ của một học giả, sự trong trẻo của tâm hồn. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thâm thúy, sâu sắc, từng trải không làm nhòe sự trẻ trung, hóm hỉnh đôi khi nghịch ngợm của một tâm hồn nhạy cảm, phong phú và luôn luôn phá cách, luôn luôn yêu và tìm tòi cái mới, cái đẹp, cái sáng tạo.

Tranh chữ
   Hơn 30 năm nay, bên cạnh việc nghiên cứu, khảo dịch các công trình Hán Nôm của văn hóa dân tộc, Bùi Hạnh Cẩn còn say mê sáng tạo, thể nghiệm một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là tranh chữ. Đây là một loại nghệ thuật đặc sắc của dân tộc vừa mang tính hội họa vừa mang tính thi pháp.
    Cái riêng, cái độc đáo của Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn là không những tác giả sử dụng tính tượng hình và hội ý của chữ Nôm, một loại văn tự mà ông gọi là chữ quốc ngữ lần thứ nhất, mà còn kết hợp cả chữ viết la-tinh mà ông gọi là chữ quốc ngữ lần thứ 2 để tạo thành một bức tranh. Cảm hứng để ông sáng tạo những bức tranh chữ này đều xuất phát từ những bài ca dao, những tứ thơ trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. 
    Những thông điệp mà những bức tranh ông gửi đến người xem không chỉ là sự nhận thức, sự rung động trước những tinh hoa và ý nghĩa nhân văn cao cả của các câu ca, tứ thơ đó mà nó còn là những trải nghiệm của cả cuộc đời của một nghệ sĩ với tâm hồn lãng mạn, của nhà báo với trí tuệ sắc sảo, của nhà nghiên cứu khoa học với một tư duy logic, chặt chẽ.
   Tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn đã tham dự hàng chục cuộc triển lãm chung và riêng trong toàn quốc như: Triển lãm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, tại tòa soạn báo Nhân Dân, tại TP.HCM, tại Vũng Tàu, tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội. 
    Tranh của ông được nhiều người Việt Nam và cả người nước ngoài yêu thích. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động chính trị – xã hội đã tới dự các cuộc triển lãm trước đây và để lại những dòng cảm tưởng chân thành thể hiện sự ngưỡng mộ, thú vị và khâm phục khi xem tranh của Bùi Hạnh Cẩn.
     Ông Bùi Đặng Dũng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã phát biểu khi xem phòng tranh: “Thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng… Căn phòng treo kín những suy ngẫm, liên tưởng, tổng kết của cả một đời người, của mọi đời người. Cám ơn bác đã giúp cháu hiểu thêm một phương thức, một phong cách thể hiện mới của nghệ thuật hội họa. Thông qua những con chữ của cha ông từ bao đời nay bác đã thổi hồn, đắp da, đắp thịt cho chúng để cho lớp trẻ chúng cháu hiểu thêm về tinh hoa, về sự thâm thúy sâu sắc… của văn hóa tinh thần dân tộc, và không chỉ dừng lại ở các con chữ – hình họa, đó còn mang cả linh hồn của thời đại”.
  Cái độc đáo tinh túy của Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn còn thể hiện ở chỗ bức tranh mà tác giả tạo ra bởi sự cách điệu các đường nét của chữ Nôm sẽ là những gọi mở cho người xem tiếp tục suy nghĩ, cảm nhận để tạo ra một cách hiểu, một tác phẩm của chính mình. Phỏng vấn các em sinh viên trong cuộc triển lãm Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội năm 2011 cho thấy rất rõ điều ấy.
Ví như: 
Bức ĐỢI ĐÒ
Chữ Đò được viết cách điệu như hình ảnh cánh buồm và khoang thuyền. Một con đò chênh chao bến vắng, căng buồm đợi hoài tiếng gọi của khách sang sông. Trong khi đó chữ Đợi lại được cách điệu như một đôi tình nhân đang đứng tâm tình. Vì mải tâm tình nên họ không nhận ra con đò đang chờ gọi. Đợi đò hay để đò chờ?
   Bức ĐẠO
  Được lấy cảm hứng từ câu thơ của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”. Đạo muốn đi vào lòng người phải mềm mại, linh hoạt uyển chuyển. Vì vậy mà chữ Đạo được tác họa như một dải lụa múa trong ngày hội, như một ngọn cờ phất trong gió bay, mềm mại thế, uyển chuyển thế chở bao nhiêu cũng thấm.
    Bức VÂNG
    Chữ Vâng được viết cách điệu tựa như gương mặt e ấp của người con gái. Và theo lời tác giả thì tiếng “vâng” có lẽ là tiếng dịu dàng nhất trên thế gian này mà cánh nam giới luôn xao xuyến, mềm lòng, luôn mong muốn được nghe từ những người phụ nữ mà họ yêu mến.
Bức MÚA RỒNG
    Hai chữ Múa Rồng được cách điệu đúng như một điệu múa rồng.     Chữ Rồng với những nét cách điệu kéo dài bay lên giống như một con rồng vẫn được tả trong cổ tích. 
     Chữ Múa được cách điệu như hình một người trong địệu múa dân gian. 
     Múa rồng là hội làng, là mùa xuân hay Tết Trung thu. Chỉ có hai chữ mà gợi cho ta cả một không khí tưng bừng, cả một hồi ức tuổi thơ. Khó ai có thể tưởng tượng được một cụ già gần trăm tuổi lại có thể viết hai chữ bay nhảy, nghịch ngợm như vậy.
   Chữ Thông được viết cách điệu hệt như một cây thông. 
   Nét bút khoáng đạt và khỏe khoắn tạo cho cây thông một sức sống, sức vươn lên mãnh liệt, kiêu dũng.
    Phía dưới viết bằng chữ quốc ngữ vừa để giải thích cho chữ Nôm, vừa như tạo thành một thảm cỏ dưới chân cây thông. Bức tranh này như gợi nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ:
“Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
  Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn, đúng như cố nhà báo, nhà văn Thép Mới đã nói: “Thử nghiệm của Bùi Hạnh Cẩn gợi nhiều suy nghĩ về những cách tiếp cận văn hóa dân tộc, làm sống lại hồn xưa, không theo phương châm bình cũ rượu mới mà có một sự cố gắng với một tâm hồn đương đại, cảm một cái gì lâu lắng và bền vững của quê hương”. Không phải ngẫu nhiên mà một thanh niên khi xem tranh chữ đã bất giác thốt lên: “Chữ của ông bà mình như có phép!”.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Yến

Không có nhận xét nào: