Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

DẠO VU VƠ


tong-hop-nhung-hinh-nen-thien-nhien-trong-rung

PHẢI CHẶN ĐỨNG NGUY CƠ TÁI DIỄN KỊCH BẢN THÀNH ĐÔ 1990

Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990

(Nguyễn Trung:  nguyên trợ lý Cố Thủ Tướng : Võ Văn Kiệt, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, tác giả loạt bài : "Thời Cơ Vàng", "Dòng Đời", "Lũ",...)

Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam kể từ sau khi đất nước đã hoàn thành sự nghiệp độc lập thống nhất ngày 30-04-1975 cho đến hôm nay, sự kiện hội nghị bí mật Thành Đô tháng 9-1990 giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt – Trung để bình thường hóa quan hệ là một thất bại nhục nhã của nước ta, bẻ ghi con đường phát triển của nước ta dẫn đến tình hình đất nước như hôm nay: Một lần nữa Trung Quốc lại trở thành mối uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và con đường phát triển của nước ta.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

HỎI ĐÁP VU VƠ...

HỎI

Là gì đấy nhỉ? -   Hỡi  vu vơ
Khuya trăng nhạt ánh rạn trời thưa
Ai về hỏi gió giùm ta nhỉ?
Liệu có đầy vơi  những thiếu thừa?...
ĐÁP

Bảo: Có
Nhưng mà chả có  đâu!
Sông nước chênh vênh mấy nhịp cầu
Bến xa bờ cũ thuyền xưa đậu
Sào nào lường được khúc nông sâu?!

MẸƠI ! NẮNG!...

Hình ảnh: 40 độ C Trời & Hoa HÀ NỘI ( Ngõ nhà chị Dậu) .
 Không ngọn gió - Không  gợn mây
Mẹ à …
Nắng rộp đường 
đi
Cây ven đê trụi lối về vườn ta
Sen ao rợp lá nhú hoa

Nắng gay gắt nắng, mây lòa lòa mây
Đứ đừ cá chuội chuội say
Tán che bỏng rẫy nước này có ngoai?

… Nắng xém cháy cả chỗ ngồi

Gió nồm nam cũng chỉ vơi vài phần.
….
Quê xưa sông Bến trong ngần
Dừa xanh xanh biếc Thôn Vân sớm chiều
Nhà mình bờ lũy phong rêu

 Hoa chen lá, rộn tiếng reo chim trời.

…Đất nhà nay hóa của người
Cửa Chùa sông lấp, bãi bồi là đây!
Ao Đào bao cuộc đổi thay
Con về nhặt lá rụng đầy lối đi.


Bước chân oải chặng cuối hè
Nồng oi mặc nắng, dầm dề kệ mưa
Vần xoay mùa hết, lại mùa

Trời xanh hạc trắng giang mờ cánh mây...
Ảnh của Hạt Cát.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

THỬ MỘT LẦN SAY

Lời thưa: Buồn về chuyện chiến sự
Một người bạn mời uống rượu cùng trăng. Thôi thì cũng thử say một lần vậy.
 


Mở tiệc rượu "giao bôi"
Chàng với trăng một cặp
Thiếp quay sang trống vắng
Kết đôi với hư vô.

Rượu thơm nghiêng miệng vò
Sóng sánh tràn môi ướt
Chân thiếp không bén đất
Hồn chàng tít cung mây...

Thiếp ngất ngư ngọn cây

Chàng ngả nghiêng đỉnh núi 
Nồng nàn hương bối rối 
Ngà ngà tình say say…

Kính nhau một chung này
Cùng cạn thêm ly nữa... 
Sao lập lòe vàng đỏ 
Óng ánh dệt lưới tơ.

... Đêm như thực như mơ
Tình như không như có 
Trăng xẻ đôi màn gió 
Ru ta về Thiên thai!


Chén này là chén oan khiên
Cạn đi cho hết ưu phiền gian truân
Chén này tiễn hội đưa xuân
Uống đi mà hát tang bồng tặng nhau
Chén này xin lựa nỗi đau
Thử say với khúc thơ nhàu... dưới trăng.
Em sang say cùng chị!

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

VỊNH NỖI NHỚ


Đêm ao ngày ước thật
 vu vơ
Đứng nhớ ngồi mong đến thẫn thờ
Ốm mạn thuyền xưa đêm nắc nỏm
Dầm chân bến cũ sớm bơ phờ
Bèo trôi nước chảy sao hò hẹn?
Gió cuốn mù sa dám ngóng chờ?!
Giăng mắc chút tình côi cút ấy
Xé trăng vàng ánh kết vần thơ.

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

VỊNH HOA

Bông dẻ cuối vụ

Cuối vụ tàn hoa vẫn ngát thơm
Hoe hoe bông nắng nắng rắc ven vườn
Người xa, hương thắm còn lưu lại
Trầm mặc nỗi lòng bao vấn vương…
_______________________________________________

Hoa Khế
Cả nửa khuông trời tim tím hoa
Nửa phô cánh bổng, nửa đài la
Mai ngày chua ngọt ai nào biết?
Mọi lẽ tại trời, đâu bởi ta!
___________________________________________________________________

Hoa Trinh nữ

Đêm xuống lặng thầm tỏa ngát hương
Dáng nghiêng e ấp nép bên tường
Nhụy hồng rờ rỡ khoe màu thắm
Cánh mướt ngọc ngà in dáng sương.

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

QUYẾT KHÔNG LUNG LẠC


Khơi xa dậy sóng mấy tuần nay
Thấp thỏm đêm thâu, bức bối ngày
Biển thắm sói lang ào chiếm đảo
Đất bằng cầy cáo loạn rung cây
Miệng ngoài thơn thớt chung trời đất
Dạ tối ngấm ngầm đoạt gió mây
Mộng ước xâm lăng ngàn kiếp ấy
Quyết không lung lạc nước non này

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

VÀI KHÚC THƠ

Xa xôi


Thăm thẳm xôi xa mấy độ rày
Hỏi vi vu gió, dịu dàng mây
Có về chốn cũ cùng ta nhỉ?

Tựa liễu nghiêng trời ru chén say.
_____________________ Nhớ
Thổn thức canh trường ai nhớ  ai
Vầng trăng soi chếch giọt trang đài
Chùng đêm khe khẽ màn sương lặng

Lóng lánh sao ngàn gieo ánh mai.


Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

THÁNG TƯ. RẰM. NAM MÔ BỤT


 Tháng tư. Rằm
- ngày Bụt sinh, Bụt đẻ
Nắng như táp lửa
chọc thủng giời, giời chả mưa…
Giời chả mưa
Nước đâu tắm Bụt?
Bụt không tắm
Sao độ chúng sinh?
Chúng sinh không độ
Kiếp đời mỏng tanh
Liệu bao giờ giải thoát?!

Tháng Tư. Rằm
Trăng đùng đục in mây bối bừa
Sao toét mắt kèm nhèm nước hến
Gió vơ vén xốc váy tà xộc xệch
 quét lê từng vệt
Nồng oi…

Trên chin tầng trời cao
Trên mát lạnh Tây Phương cực lạc xa xôi
Trên mã não xà cừ cung Đẩu Xuất
Có Bụt nào chợt he hé mắt
có bàn chân Bụt nào thảng rời tòa sen
Nghe nghé về chốn con người khốn khổ lầm than?!

Nhưng nếu mà Bụt có xuống Trần gian
Bụt cũng được đón rước nơi chùa chiền sáng choang
Dát vàng dát ngọc.
Tượng Bụt tô sáng choang
Điện thờ sáng choang
Bạc vàng chất ngất
Long lanh... lấp lánh
Người đến cúng đồ đoàng sáng choang
Đi xe sáng choang
Giầy bóng lộn và đầu bóng lộn
Tất thảy đều bóng lộn...

Xin Bụt ngó về trần gian hổ lốn
Trăm ngàn khu chế xuất táp nham
Bao cánh đồng dự án bỏ hoang
Bao nông dân bỏ làng vạ vật lê la hè phố?!
Lũ lũ tham ô, đàn đàn hối lộ
Đổi trắng thay đen đời... đầy rẫy bất công.


Con dân cạn kiệt niềm tin
Không  biết ngày mai về phương nao - sáng, tối!?
Chỉ được nghe những điều phải nghe, chỉ được nói những điều được nói
Được thoải mái thở dài, được bấm bụng mỉm cười chịu đói tháng rồi năm…

Bụt có thấy Biển Đông kẻ thù khơi mào lửa chiến tranh
Có thấy bạn bè bỗng tráo trở hòng xâm lăng bờ cõi
Có thấy những kẻ tham tiền bán rẻ lương tâm, đã và đang phá đồi xẻ núi
chặt quang 
rừng, bới cạn tài nguyên, vặn suối, chắn sông...
Vơ vét  đến kiệt cùng của nả cha ông
Phè phỡn tiêu xài, kết băng mua bán
 - mua bán chức quyền, mùa bán hư vinh, mua bán Bụt.
Ráo rào...

Tổ tiên Nước Nam nói đúng sao
“ loại đục khoét dân lành khác nào
 quân xâm lược”
Chúng hút tủy gặm xương Tổ quốc
Chúng dày xéo lên nhân nghĩa nước non mình
Nếu nay mai đất nước khởi đao binh
Dân quyết chiến vì Tự do, Độc lập.
Vòng lửa lại quay, lại máu xương chồng chất.,,
Bọn ô trọc này trốn thật xa rồi 
mai ngày hòa bình về hưởng lợi lạc gấp hai.

Tháng Tư. Rằm
Con quỳ trước Phật đài
Muốn trốn khỏi vàn muôn dây rợ
Muốn bịt tai làm ngơ như không có
Muốn nhắm mắt giả vờ không thấy, không hay...
Mà không xong!

Vì con dân Nước Việt ngàn đời nay
Lòng yêu nước đã thấm sâu máu thịt.

Tháng Tư. Rằm
Nam mô Bụt
Xin linh thiêng phù hộ nước non này! 





Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

PHỐ NÚI - thơ Nguyễn Khôi




          PHỐ NÚI
             -----
Từ buổi ra đi biệt tháng ngày
Ngày về Phố cũ đỉnh đèo mây
Đường Yêu như thể đầy gai góc
Mỗi bước chân vấp một dấu giầy.
                   *
  Anh về Phố Núi không em
Lại ra lội suối để thèm tuổi xuân
  Bến xưa da thịt trắng ngần
Khuya xưa ánh mắt trăng rằm đằm yêu.
  Phố xưa mưa ít nắng nhiều
Núi xưa nghiêng một bóng chiều thướt tha
  Rừng xưa ủ bóng đôi ta
Vui nghe chim hót, bẻ hoa tặng tình.
  Anh về Phố Núi một mình
Đứng trên CẦU TRẮNG mơ hình dáng xưa
  Từ em xa biệt đến giờ
Trở về Phố Núi làm thơ dâng Đời.
  Phố xưa đã khác xưa rồi
Tình xưa còn để một người quên Yêu.
        Tp. Sơn La 1-5-2014
            NGUYỄN KHÔI

ẢNH ĐẸP SƠN LA.
 
Trong xanh thác bạc vùng trời,
Cảnh đẹp Sơn La núi tuyệt vời.
Đất nước xa em anh cảm nhận,
Tình nhân nhớ mãi để yêu đời.
 
Cao nguyên núi phố không "cờ đỏ",
Hứa sẽ thăm em lúc ngỏ lời !
Cảm nghĩ yên bình em quí mến.
Sao quên lỡ hẹn tuổi xuân thời.
 
PHANNGY
California. 2014

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

GỌI MÙA MỘC MIÊN HOA ĐỎ



Mộc Miên ơi!...
Khi Hoa nở biên giới trời rực đỏ
Lúc Hoa tàn biên giới mãn địa hồng
... “Máu hai dân tộc anh hùng… hòa trong núi rừng”*
Câu hát nghĩa tình tha thiết
Mộc Miên đỏ môi em gái Dao nước Việt  

Mộc Miên hồng má em gái Mèo nước Hoa
Mắt biếc xanh màu lá Mộc Miên ngút ngát mượt mà

Thầm thì tiếng cọn guồng nước về bếp lửa
Ngọt ngào trong veo suối nguồn tịnh thủy.
Kết muôn đời anh em yêu thương.


Gọi mùa Mộc Miên vi vu gió nương
Ruộng bậc thang mùa mùa trĩu mẩy

Hạt nếp thơm, củ sắn bùi, ngô bắp vàng nắng dậy
Dặt dìu khèn môi, tiếng sáo ái ân…


Gọi mùa Mộc Miên… đậu khuôn ngực trần
nõn nà cô gái Thái
ngà ngọc thân hình…
trong ngần dòng suối

Nước Cam lồ thiêng liêng gột sạch bụi trần.

Gọi mùa Mộc Miên dẻo vai cha năm lại năm
Săn cánh tay anh mùa tháng ba phát rẫy
Chắc tiếng búa dựng nhà sàn tháng bảy
Lộp cộp móng trâu gõ lối bản chiều buông.

Gọi mùa Mộc Miên đời đời thân thương...

Sao
Bỗng chốc đứt đôi tình nghĩa?!
Súng đạn khạc lửa thiêu thành than nương lúa
Mìn nổ tóe tung ruộng bậc thang
Chất độc ngâm trong sắn lát, ngô rang...
Sông Bằng Giang đỏ lừ sắc máu
Rừng cháy khô chim không chỗ đậu
Thú không nẻo về...
Chú bác, anh em thành thâm thù
Bạn bè thân yêu thành cừu hận.

Gọi mùa Mộc Miên hồng thắm
Về hỏi tội kẻ xâm lăng
Mấy đời tham tàn, bao kiếp hung hăng…
Gây chiến tranh
Cắt chia hai dân tộc !!

Mùa Mộc Miên hoa lửa bừng cháy rực
Máu nhuốm đỏ trời. 
Chiến tranh biên giớiTháng /2/ 1979
______________________________
* Lời trong bài " MỘC MIÊN HOA" ca ngợi tình hữu nghị Trung Việt
17 Tháng 2 / 1979 : Trung quốc xâm lược nước ta

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tạo thế cân bằng mới trên Biển Đông

Thứ bảy, 10/5/2014 | 15:36 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Tạo thế cân bằng mới trên Biển Đông

Ngày 8/5 chưa bao giờ thị trường chứng khoán rớt thê thảm như vậy trong hơn chục năm qua. Ngay cả những công ty có chỉ số tài chính tốt cũng chứng kiến giá chứng khoán sặc màu đỏ chạm tới sàn.c




Ngoài sự kiện biển Đông, các thông tin vĩ mô đều không có gì đặc biệt. Điều này cho thấy, dù con người chỉ muốn an cư làm ăn thì họ cũng không thể hững hờ trước những biến động của sinh mệnh dân tộc. Nhiều người đang trong trạng thái rất dễ bị kích động.


Chúng ta phải thấy, hiểu rõ đúng bản chất của cuộc chiến này, cùng với Chính phủ đưa ra những tính toán sáng suốt, chiến lược lâu dài để chiến thắng. Dựa vào các bài học từ Binh pháp Tôn Tử, Lý thuyết Trò chơi trong kinh tế học và vấn đề cải cách thể chế được áp dụng để phân tích diễn biến sự kiện trên biển Đông xem ra là một chuỗi móc nối rất logic với nhau.


Chúng ta thường ngộ nhận câu nói của Binh pháp Tôn Tử là “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Theo tôi, Binh pháp Tôn Tử không nói vậy mà chính xác là: "Biết địch biết ta trăm trận không nguy". Nếu theo cách hiểu thứ nhất, chúng ta “biết địch”, “biết ta” và đối thủ của chúng ta cũng “biết địch”, “biết ta” thì cả hai bên đều thắng? Vậy ai bại đây? Thực ra câu nói thứ hai mới thực sự đầy đủ hơn khi cả hai bên đều “biết địch”, “biết ta” thì sẽ chẳng có bên nào thắng cả mà chỉ duy trì thế cân bằng mà thôi (không nguy). Tuy nhiên, khi một trong hai bên mắc sai lầm (tức là “không biết địch” hoặc “không biết ta”) thì thế cân bằng cũ sẽ bị phá vỡ và dịch chuyển sang thế có lợi cho “bên thắng” (có bên thắng, có bên thua).


Cái này nếu giải thích theo Lý thuyết Trò chơi trong Kinh tế học thì chúng ta sẽ hiểu rằng, khi cả hai bên đều có hiểu biết đầy đủ về chiến lược của đối thủ và của mình thì cuộc chơi sẽ tiến đến một trạng thái cân bằng bền vững. Tuy nhiên, khi một trong hai bên mắc sai lầm về mặt chiến lược thì trạng thái cân bằng cũ sẽ bị phá vỡ và trạng thái cân bằng mới được thiết lập nơi mà đối thủ sẽ có lợi hơn.


Quan sát cách mà người Trung Hoa đã và đang làm ở biển Đông thì có vẻ họ rất "biết địch, biết ta", còn cách mà một số người phản ứng lại thì có vẻ như họ mới chỉ "biết ta”, mà "chưa biết địch". Quay lại nhìn những vấn đề trên biển Đông dưới góc nhìn của Lý thuyết Trò chơi, nhìn vào bối cảnh chiến lược để phân tích tương quan giữa Trung Quốc và Việt Nam.


Trung Quốc, theo tiếng Hán nghĩa là “quốc gia trung tâm của thế giới”. Vậy là ngay thời lập quốc những kẻ cai trị, họ đã mang mộng bá chủ thế giới rồi. Tuy nhiên, người Trung Hoa mà phần đa là người Hán phải chịu sự cai trị của dân tộc ngoại lai Mãn Thanh, sau đó là sự xâu xé của các nước đế quốc như Anh, Pháp, Mỹ... và đặc biệt là sự chiếm đóng của người Nhật. Thực tế kéo dài hàng trăm năm đó đã nung nấu một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hàng thế kỷ của người Trung Hoa. Đây là lúc kinh tế, quân sự Trung Quốc đạt được sự chín muồi để thực hiện giấc mộng bá quyền và tinh thần phục hận hàng thế kỷ trước đó.


Về kinh tế, năm 1999, Trung Quốc bình quân thu nhập đầu người bằng Việt Nam. Nhưng đến 2014, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã gấp gần 3 lần so với chúng ta và họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi Việt Nam là vẫn là một trong những nền kinh tế kém nhất ở Đông Nam Á, thậm chí hiện nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn bị cả Lào và Campuchia vượt qua. Về quân sự, kinh tế vượt trội kéo theo khả năng mua sắm thiết bị quân sự vượt trội. Mình có thể mua được một tàu ngầm thì Trung Quốc có thể mua được mười, thậm chí một trăm và hơn nữa.


Những nhân tố quan trọng khác trong bối cảnh cuộc chơi trên biển Đông thì sao?


Nước Mỹ, khi không may có cuộc chiến xảy, liệu sẽ ủng hộ chúng ta? Trung Quốc đã xâm lược Hoàng Sa năm 1974 sau khi Tổng thống Nixon và Mao Trạch Đông gặp nhau. Nếu không có sự thỏa hiệp từ Mỹ thì sẽ không bao giờ Trung Quốc dám chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lúc đó. Sau sự kiện Crimea, nếu người Nga và người Trung bắt tay với nhau thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lực độc tôn của Mỹ. Do đó tôi cho rằng, nước Mỹ sẽ quan tâm tới việc Nga – Trung đang chuẩn bị tập trận với nhau hơn là việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở thềm lục địa Việt Nam.


Nước Nga sẽ ủng hộ ta? Năm 1978, Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Liên Xô - Việt Nam, trong đó điều 6, hai bên thoả thuận: trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công thì bên kia sẽ áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực. Hiệp định có giá trị trong 25 năm, tuy nhiên chỉ một năm sau, năm 1979 Trung Quốc đưa quân sang xâm lược Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc, Liên Xô đã làm gì? Hiện nay Trung Quốc đã đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam trên biển Đông thì nước Nga vẫn im lặng.


Mỗi khi lẽ phải và luật pháp quốc tế bị chà đạp thì tất cả quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ, sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất. Hãy đừng quên lực lượng thứ ba là những người bạn như Philipinnes, Maylaysia, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, những quốc gia đang có chung hiểm họa với chúng ta trước mộng bá quyền của Trung Hoa.


Vậy chúng ta phải làm sao đây? Theo tôi, chúng ta phải phát triển các yếu tố dẫn đến kiến tạo một vị thế cân bằng mới có lợi cho ta trên biển Đông.


Thứ nhất, hãy coi đây là cơ hội để chúng ta thay đổi nhằm phát huy được năng lực nội tại của toàn dân từ đó tạo ra một thế cân bằng mới cho quốc gia. Lúc này đây, nhân dân, Quốc hội và Chính phủ phải cùng xem đây là lúc thực sự nghiêm túc cải thiện môi trường thể chế (trong đó có cải cách hệ thống luật pháp) theo hướng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để mỗi người dân phát huy hết được năng lực nội tại của mình, từ đó tạo ra một sức mạnh của toàn dân to lớn hơn.


Thứ hai, xây dựng vị thế mới trên chiến trận về kinh tế mà ở đó doanh nhân phải là những chiến sĩ tiên phong. Chỉ có thắng trên mặt trận kinh tế thì chúng ta mới có thể chiến thắng trên biển. Kinh tế tương đối chúng ta so với Trung Quốc càng kém đi, bối cảnh chiến lược biển Đông sẽ luôn xấu dần đi. Sẽ không bao giờ thắng trên mặt trận kinh tế nếu chúng ta không có những doanh nhân giỏi. Động lực làm giàu mỗi người dân sẽ giúp chúng ta có những doanh nhân giỏi hơn và các doanh nghiệp sẽ làm ăn cạnh tranh hơn. Khi nước chúng ta có những doanh nhân giỏi như người Israel, doanh nhân Việt có thể cạnh tranh được với doanh nhân Trung Quốc và thế giới. Đừng bao giờ quên người Israel chỉ có 6,9 triệu dân (năm 2004) luôn bị đe dọa xóa sổ bởi hàng trăm triệu người Ả rập ngay bên cạnh mà họ luôn đứng vững và không những thế còn phát triển và ngày càng trở nên thịnh vượng hơn. Chúng ta có đến 90 triệu dân!


Thứ ba, hãy liên kết với lực lượng thứ ba lại thành một khối. Chúng ta phải nói cho bạn bè trên thế giới (bao gồm cả những người Trung Hoa yêu chuộng hòa bình) lẽ phải và phải để họ hiểu được những đe dọa chung. Tham vọng bá quyền của Trung Hoa là cơ hội để những những nước cùng chung hiểm họa ngồi lại với nhau. Đừng bao giờ mắc sai lầm khi thực hiện đàm phán song phương vì đó là cách mà Trung Quốc chia rẽ sức mạnh tổng hợp chúng ta và những người bạn có cùng mâu thuẫn quyền lợi với Trung Quốc.


Thứ tư, quan trọng nhất là phải lấy dân làm gốc. Sinh mạng của nhân dân là thiêng liêng. Chúng ta yêu hòa bình và sẽ bằng mọi cách tránh chiến tranh nếu chúng ta còn có lựa chọn khác để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, khi không còn lựa chọn nào khác mà chúng ta phải chiến đấu thì hãy luôn lắng nghe nhân dân, hãy học hỏi cách mà ông cha đã làm. Ngày xưa giặc Mông Nguyên chiếm gần cả thế giới nhưng qua xâm chiếm ta cả 3 lần đều bại.


Trong chiến tranh không phải cứ mạnh là thắng mà là sự sáng tạo của một dân tộc bảo vệ lẽ phải sẽ là vô địch. Chúng ta có Điện Biên Phủ ở trên đất, Điện Biên Phủ trên không sao chúng ta lại không làm được một Điện Biên Phủ trên biển?


Lê Hữu Đức

NGÀY CỦA MẸ

Ngày của MẸ: CON GÁI của CON GÁI MẸ chụp ảnh cho MẸ của MẸ CON GÁI MẸ
.................................
Chiến tranh dập dình ngoài kia...
chợt thấy một đời qua 4 cuốc đánh nhau... mất còn vô định.









Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG CÒN


Cập nhật trạng thái
Bởi Nguyen Bich Thuy
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG CÒN?

Việt nam đứng trước một thách thức mới vô cùng nan giải. Làm thế nào tồn tại được trước những con mèo đói khát, hung tợn ? Con chuột nhắt Việt nam phải láu lỉnh như thế nào để không bị chúng xơi hết cả ổ ? Các bài toán đặt ra và nhờ mọi người giải hộ nhé :

1. Bài toán thứ nhất

Để thoát hiểm Việt nam bán các mỏ dầu cho Mỹ, hoặc cho chúng khai thác thoải mái, vậy Mỹ sẽ vì quyền lợi của mình mà kiềm tỏa Trung Quốc ?

Có 2 khả năng xảy ra :

+ Số tiền mà các công ty của Mỹ nợ Trung quốc ít hơn món hời từ khai thác trữ lượng dầu của Việt nam. Việt nam có khả năng thoát hiểm ?

+ Số tiền nợ lớn hơn trữ lượng dầu ở Việt nam. Mỹ chỉ cần lờ đi cho Trung Quốc nhai sống Việt nam và được xóa nợ. Như thế nếu Việt nam có bán rẻ, hoặc cho không thềm lục địa, Mỹ cũng nói : No, con yêu, bố không có tiền.

2. Bài toán thứ hai : Những nhà tài phiệt của Mỹ mua các cổ đông trong các công ty khai thác dầu mỏ của Trung Quốc mọi người nghĩ thế nào ?

Lúc này con chuột nhắt phải chiến đấu đến cùng để không bị cả hai thằng mèo cắn xé ?

Việt Nam có gì để đổi chác ngoài tài nguyên ?
Trước đây còn có phe XHCN, nhất là Liên xô nên Mỹ và Nato còn phải kiềng.
Trung Quốc ngưng viện trợ cho Việt nam không phải là mong Việt nam chấm dứt chiến tranh, mà họ đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới. Chả ai dại đưa súng cho kẻ sắp bị mình bóp cổ. Âm mưu thôn tín Việt nam được chuẩn bị từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Không phải tự nhiên các cố vấn quân sự Trung quốc sang giúp Việt nam. Họ sang để do thám con người, địa lý, tài nguyên của ta.
Từ sau cuộc viếng thăm của Kisinger họ đã ngấm ngầm bắt tay với Mỹ. Việc xúi dục Khơ me đỏ quấy nhiễu biên giới Tây Nam làm suy yếu Việt nam là quốc sách của Trung quốc. Năm 1979 Trung quốc đánh sang Việt nam, chắc chắn có sự hậu thuẫn của Mỹ, nhưng buộc phải rút quân vì lúc đấy Liên Xô vẫn còn mạnh. Bây giờ Nga đang loay hoay đối phó với sự bao vây của EU. Việt nam đứng chơ vơ một mình. Đây là thời cơ tốt nhất.

Vậy Việt nam làm thế nào thoát hiểm ?
Bài toán đặt ra, nếu Mỹ có cổ đông trong các công ty khai thác dầu mỏ của Trung Quốc, điều này là chắc chắn.

Việt nam phải quyết một trận sống còn và kêu goi sự thức tỉnh của nhân dân Trung Quốc không tham chiến, nhân dân tiến bộ của cả thế giới như Hồ Chí Minh đã từng làm. Nhưng bây giờ cục diện đã thay đổi, ngày xưa nước Nga còn mạnh, che chắn cho chúng ta. Không phải vì họ tốt hoàn toàn, mà cũng vì những quyền lợi của họ khai thác tài nguyên hoặc nguồn lợi nào đó từ ta. Bây giờ ai lo phận nấy. Chị Dậu có lạy lục van xin bán con, bán chó cũng chẳng ai mua, vì thằng khác nó cho nghị Hách máy giặt, máy rửa bát, máy cày, máy bay, cần con và chó của chị Dậu để làm gì ?

Tất cả đã được nhà nước Trung Quốc dự tính. Nếu giết sạch 90 triệu người Việt nam, mạng đổi mạng, thì Trung Quốc vẫn còn hơn 2 tỷ dân. Chiến dịch biển người lại được áp dụng. Dân Trung Quốc bị lừa dối, cứ xem TV mà xem, biểu tình ở Bắc Kinh, dân Tàu hung hăng muốn gây chiến với Nhật như thế nào ? Ở Trung Quốc chúng đưa vào sách giáo khoa từ lâu đường lưỡi bò và quần Đảo Hoàng Sa, v Trường Sa của ta, có restaurant ở Trung Quốc : cấm chó, người Nhật và người Việt nam vào.
Thế nên nhà nước Việt nam tìm cách trì hoãn đối đầu với Trung quốc ngay cả việc cho các công ty Trung quốc vào khai thác trên đất Việt nam cũng hòng mong chúng vì lợi ích của chúng mà tha cho. Bên cạnh ấy ích nước lợi nhà.

Nhưng nếu con mèo cứ khăng khăng muốn ăn con chuột nhắt, thì con chuột sẽ làm gì để thoát thân ?
TỪ FB Nguyễn Bích Thủy 

Thực chất bức thư năm 1958 của TTg Phạm Văn Đồng


Thực chất bức thư năm 1958
của TTg Phạm Văn Đồng



Ngày 4/9/1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). 
Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi bức thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau: 


"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.


Nhìn lại bối cảnh năm 1958, Việt Nam mới qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đất nước còn nghèo, lại bị Mỹ chà đạp Hiệp định Genève 20-7-1954, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm  để thực hiện âm mưu xây dựng chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Trước đó, ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến sát vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự ra tay bảo hộ chính quyền Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. 
Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra phương án tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự việc sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự can dự của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến với Trung Quốc . 
Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường việc nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng lý Chu Ân Lai và ngoại trưởng Nga Andrei Gromyko cùng đến Genève dự hội nghị

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), "Công hàm 1958" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc đó đang  "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Thực chất chính phủ Hà Nội lúc đó nêu quan điểm ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc là muốn cho Hạm đội 7 của Mỹ tôn trọng vùng biển như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà không gây hấn trên vùng biển vịnh Bắc bộ, nhằm tránh sự xung đột, tranh chấp phức tạp để VN yên tâm bảo vệ nền hòa bình mới được lập lại trên miền Bắc và xây dựng cuộc sống mới.
Về vấn đề này, ngày 24-1-2008 phóng viên đài BBC (Tiếng Việt) đã phỏng vẫn Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á đang sống ở Hungary. Theo Tiến sĩ Balazs Szalontai: Trong các năm 1955-1958, ban lãnh đạo Bắc Việt chưa đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước vì phải đối phó với khó khăn nội bộ và thiếu ủng hộ của quốc tế. Đồng minh chính của họ lúc này là Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, Hà Nội không thể hy vọng xác lập quyền kiểm soát đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong tương lai gần, và vì vậy họ không thể có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về các hòn đảo. Lúc này, chính phủ Bắc Việt tìm cách có được giúp đỡ của Trung Quốc, và họ chỉ cố gắng tránh đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ những tuyên bố chủ quyền cụ thể của Trung Quốc hay ký vào một văn kiện bắt buộc mà sẽ công khai từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo này. Cái mà  Trung Quốc gọi là “công hàm” thực chất chỉ là một lá thư ngắn, mà ông Phạm Văn Đồng gửi cho cá nhân Thủ tướng Chu Ân Lai, gọi thân mật, hữu nghị là “Đồng chí Tổng lý”, hoàn toàn không phải là Tuyên bố của nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa..
Sang năm 1974, tình hình hoàn toàn khác. Việc thống nhất Việt Nam không còn là khả năng xa vời. Giả sử Trung Quốc không can thiệp, Hà Nội có thể dễ dàng lấy các đảo cùng với phần còn lại của miền Nam. Từ 1968 đến 1974, quan hệ Việt - Trung đã xuống rất thấp, trong khi Liên Xô tăng cường ủng hộ cho miền Bắc. Trong tình hình đó, quan điểm của Bắc Việt dĩ nhiên trở nên cứng cỏi hơn trước Trung Quốc so với thập niên 1950.
Vì những lý do tương tự, thái độ của Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn hơn. Đến năm 1974, Bắc Kinh không còn hy vọng Hà Nội sẽ theo họ để chống Moscow. Thực sự vào cuối 1973 và đầu 1974, Liên Xô lại cảm thấy sự hòa hoãn Mỹ - Trung đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ. Washington không từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan cũng không bỏ đi ý định tìm kiếm hòa hoãn với Liên Xô. Ngược lại, quan hệ Xô - Mỹ lại tiến triển tốt. Vì thế trong năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc lại một lần nữa cảm thấy bị bao vây. Vì vậy họ muốn cải thiện vị trí chiến lược ở Đông Nam Á bằng hành động chiếm Hoàng Sa, và tăng cường ủng hộ cho Khmer Đỏ và du kích cộng sản ở Miến Điện. Nếu Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ thì suốt thập kỷ 60 họ đã đánh chiếm hai quần đảo này, không để cho quân đội VNCH chiếm giữ. Nhưng TQ đã không đả động gì. Năm 1973 Mỹ rút khỏi miền Nam VN, Trung quốc mới ra chiếm đảo Hoàng Sa vào ngày 19 -1-1974, nhưng cũng chưa dám đụng đến Trường Sa, có lẽ còn sợ Mỹ quay lại…

Có thể nói "Công hàm" 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao thân thiện thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trong bối cảnh vấn đề chủ quyền lãnh hải đang được tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế và trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan như đã đề cập ở trên. 
Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình bán đảo Đài Loan đang đứng trước nguy cơ bị tách rời, độc lập với lãnh thổ Trung Quốc , cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ phái tàu chiến đến can thiệp. Để đối phó với những động thái đang gây sức ép về quân sự và ngoại giao, Trung Quốc đã vội vã ra tuyên bố về lãnh hải trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. 
Trong tình thế này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa ra lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan, đe dọa Trung Quốc mà trực tiếp là Vịnh Bắc bộ của Việt Nam. Như chúng ta thấy nội dung "Công hàm 1958"(theo chúng tôi đây thực ra là một bức thư riêng  gửi đồng chí Tổng Lý  không viết theo văn phong của một "công hàm ngoại giao"--Note Verbale--mà chúng ta thường thấy) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã được thể hiện một cách thận trọng, đặc biệt là không hề có bao hàm nội dung tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như phía Trung Quốc bóp méo và xuyên tạc. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( và cả Chu Ân Lai lẫn bất cứ lãnh đạo một nhà nước nào khác) cũng thấu hiểu quyền tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu và cũng là trách nhiệm hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán từ thời kháng Pháp đến giai đoạn chống Mỹ sau này. Đây cũng là một nguyên tắc bất di bất dịch của mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới.
Xin nhắc lại là "Công hàm" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như không có một dòng chữ nào thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc! Hơn thế nữa, đây mới chỉ là văn bản mang tính chất liên lạc thân tình giữa hai thủ tướng , chưa phải là văn bản pháp luật của một quốc gia để cường điệu như một số người cố tình hiểu sai theo luận điệu của bá quyền Trung Quốc. Đọc kỹ, chúng ta thấy "Công hàm" 1958 có hai nội dung rất rõ rệt: Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. 
Mặt khác, sở dĩ trong "Công hàm" 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. 
Nếu chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao đi nữa thì cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng “Công hàm 1958” đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. 
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, đại diện cho Việt Nam là ông Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Nói khác đi điều này có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi tiếp quản sau chiến thắng 30/4/1975 cho đến ngày nay, Việt Nam  tiếp tục gìn giữ chủ quyền không thể chối cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Như đã nói ở trên, năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. 
Trong khi đó, ở miền Nam Chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Mỹ bảo trợ, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi các quyền chủ quyền thực tế trên hai quần đảo.  Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, Trung Quốc vẫn nghiễm nhiên công nhận việc bảo vệ chủ quyền của lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa, mà không có ý kiến gì. Lý do dễ hiểu là TQ rất ngán Mỹ thọc tay vào vấn đề này, phần khác là TQ cũng tự thấy không đủ căn cứ pháp lý để tranh giành chủ quyền với chính quyền miền Nam. Thỏa hiệp với chính quyền Nixon để bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ vào năm 1972 TQ không còn ai để phải sợ, xoay sang “bắt nạt” Việt Nam để tranh giành chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974


Một bức thư mà Trung Quốc gọi là "công hàm"(chứ không phải là hiệp định được quốc hội mỗi nước phê chuẩn)  thời bấy giờ vỏn vẹn chỉ có 127 chữ, thế mà gần đây Trung Quốc luôn lấy ra rêu rao cái gọi là VN đã thừa nhận chủ quyền "không thể tranh cãi" của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói, giải thích xuyên tạc "Công hàm 1958" là một trong chuỗi  hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tóm lại việc Trung Quốc diễn giải nội dung "Công hàm" ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức chủ quan và thể hiện rõ dã tâm xâm lấn Biển Đông, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời, không thể xem là văn bản pháp lý để đưa ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 
Sắp tới, ban hành Luật Biển Việt Nam theo biểu quyết thông qua của 99,2% số phiếu tán thành tại Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIII), ngày 21/6 mới là văn bản pháp lý chính thức của nước Việt nam về chủ quyền biển-đảo. Luật Biển của VN lần này sẽ thực sự chấm dứt mối nghi ngờ và đưa ra lắm ý kiến nhũng nhiễu về "công hàm" chỉ có tính chất liên hệ giữa hai người "đồng chí" thời bấy giờ, phù hợp với ứng phó tình huống thời cuộc vô cùng tế nhị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. 
Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quản lý của chính phủ ở miền Nam. Nên nhớ rằng các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 
Nói tóm lại, Luật Biển mà Việt Nam sắp ban hành để thực thi cũng dựa trên những giá trị các chứng cứ lịch sử đó và hoàn toàn phù hợp với Công pháp Quốc tế về Luật biển năm 1982 và chủ trương nhất quán của nhà nước VN, không có gì để chỉ trích gay gắt như người phát ngôn Bộ Ngoại Giao TQ lớn tiếng trong buổi họp báo hôm qua.

Bùi Văn Bồng
              6/2012