Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

CHÙNG



Cố thôi không giận không hờn
Cố không vướng bận lo toan cuộc người
Vẫn cồn cào những xa vời
Lo mai nay... Những kiếp đời đa đoan.

Vàn muôn xưa đã nát tan
Đâu biển bạc, đâu rừng vàng. Ta ơi
Quặn đau tức tưởi đất giời
Đồng tiền đen bạc, tanh hôi ngập đầu
Giết núi thẳm, diệt vực sâu
Chuột to, mọt lớn lâu nhâu một bầy...
...
Thôi
Chùng cho đắm giấc say
Cho ngơ ngất
Suốt
 đêm ngày
 để quên.

Hat Cat
30/07/2016k

PHÉP MÀU


Rơi mưa cánh hồng
Gom thu giọt lặng
Vương tình sợi nắng
đa mang.

Rớt trăng ánh vàng
Tao tác tiếng  khuya húng hắng
Lộp bộp  sương gieo thềm vắng.
đầm tóc mai buông

Sao ngủ suông
Mây căng vồng ngực mọng
Ngả ngớn heo may
Dan díu đêm.
loạng choạng
giấc tình xanh.

Dắt díu nhau
ta - mình
chốn Đào nguyên
say tỉnh.

Phép mầu sóng sánh
Vòng yêu.

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

NÓI VỚI TUỔI GIÀ


Sao mà dè sẻn thế,
Giọt lệ già?
đùng đục cát pha
sạn cắn nơi đáy mắt.
... giọt lệ chiu chắt
lắng đầy vơi
xé vụn tơi
muôn nỗi lòng dâu bể.

Sao mà khô khan thế,
tình già?
vét nắng tà
gom mưa rớt
Lặn vào trai ngọc
 tinh khiết hiện hồn trong.

Tuổi già
chốc mòng khổ ải
 Đời
Bơ bải
Kiếp ta bà mông lung...

HÃY LÀM MÂY NHÉ, CÙNG TA !


Mình làm mây với ta không?!
Kiếp đời thôi hết long đong kiếp đời.
Tươi xanh mầm cỏ xanh tươi
Hồn non tơ lá, tâm ngời giọt sương.
Tắm trong  sông nhớ, suối thương
Một vương vấn mấy nẻo đường nổi trôi...
Vô thường một cõi cũng rồi...
Lâu mau cánh hạc cuối  trời mù xa.

Hãy làm mây nhé, cùng ta!
Nghe vượn hót, lắng chim ca núi rừng
Thảnh thơi xanh ngắt cánh đồng
Rì rào sóng lúa nhuộm hồng ban mai

Bao. hiêu cũng bấy nhiêu thôi
Thân bèo, phận bọt nỗi trôi bập bềnh

Nam mô!
chuông mõ kệ kinh
Nẻo chót cùng
Tựa  an bình mà vui.

Cùng ta...  lánh nhốn nháo đời
Cùng làm một áng mây trôi.
Nhé mình!

Hat Cat
30/07/2016j

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

HÌNH NHƯ

HÌNH NHƯ...

Hình như mưa biển nhớ ai
Nên chi đêm bỗng hoá dài lê thê...
Loay hoay gió hẹn mây thề
Giọt thu buôn buốt lối mê nẻo hờn...

ĐỒ RẰNG...


( gặp một cụ nói với mình: Đồ rẳng... Có một người... Nghĩa là HÌNH NHƯ...)

Đồ rằng xuân bất tái lai
Mà sao nắng lẳng lơ cười cợt hoa
Lưng ong gần, cánh bướm xa
Đồ rằng hội hết đêm qua
 tàn rồi...

Leng keng vung méo kênh nồi
Đồ rằng úp lệch thì xôi sao rền?
Nuột nà gió lọn gơ thềm
Trộn hương nếp cẩm quyến đêm dụ người...

Đồ rằng phận đất duyên trời
Cũng cau mẹt, cũng trầu cơi, vôi nồng...

Chống sào buông nước dòng trong
Đồ rằng xuôi ngược mặc lòng...
Đò ơi! ...

Hat Cat
27/03/2016

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

VẨN VƠ TRƯA



Oi oi nắng gắt trưa nay
Buồn vui ai cứ vơi đầy riêng ai
Lâng châng tôi với mình tôi
Nủa trắng mây, nửa xanh giời... Lâng châng

Nhìn cây xoe bóng tròn sân
Búp non héo quắt che phần gốc gai...
Đời người khúc ngắn khúc dài
So đo chán cũng một hai cùn mòn.

Nằm nghe biển động sóng cồn
Thấy rầu rĩ gió cơn cơn gợi sầu.
Ngạt ngào hương Quế mùi Ngâu
Lỡ tay khẳm đáy dòng sâu qua thời.
Rồi ra nhạt phấn bạc vôi
Bao nhiêu... Cũng chỉ bấy lời đà đưa.

Ao bèo ngầu sủi bùn chua
Lập lờ vỏ ốc,  mai cua nổi chìm.

Mỏi mòn biển rã cánh chim
Dịu dàng sóng
khép lim dim
mép bờ...

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

THEO AI ĐI TÌM CÂU HÁT " LÝ THƯƠNG NHAU

THEO AI ĐI TÌM CÂU HAT " LÝ THƯƠNG NHAU"
********************

Theo ai đi tìm câu hát “ Lý thương nhau”
Buốt dọc Trường Sơn mồ hôi túa áo.
Một thời đã xa… một thời mộng ảo 
Bỗng ùa vê trong điệu “ Lý thương nhau”…

Tìm anh ở đâu? Mưa tạt ngang đầu
Gió thốc ngược rát tê nửa mặt
Lặng nhìn nhau, không cất lời giã biệt
Bím tóc dài mưa ướt dính bết tay

Em về phố xưa nhìn lá vàng bay
Ngắm trăng khuya treo ngang cửa sổ
Nghe tiếng còi đêm xập xình xe lửa 
Chở từng đoàn lính trẻ ra đi…

Người ra đi…có ai hẹn trở về? 
Đê sông Hồng bập bềnh mùa nước nổi
Đoàn thuyền cá sớm chiều lầm lũi
Ngắm thương đau què quặt những mố cầu. 

…Chiến tranh qua, em đi tìm điệu “ Lý thương nhau”
Chỉ có tiếng hú dài vách núi
Chỉ có ì ào tiếng suối
Tiếng dơi đan chéo đêm rừng…
Những nấm đất im lìm... những cánh bướm chập chờn
Hoa cỏ năm lại năm rũ héo
Trống vắng đường xưa lắt léo
Ký ức mỏi mòn.

Xung quanh em sẫm tím hoàng hôn
Nhớ anh! Nhớ anh! Nhớ anh biết mấy!
Hoa ngày lễ muôn sắc màu lộng lẫy…
Em vẫn ngóng chờ Đoá Hoa Anh Hư Vô!
*
“Lý thương nhau “ xui chiều nắng ngẩn ngơ!

Hat Cat Diệu Sinh

Mùa tưởng nhớ 27/7/2012 -2017  

RU SÓNG

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, đám mây, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên
Đêm ngồi với gió nghe sóng..,

RU SÓNG
Sóng ơi...  Đêm đã khuya rồi
Ngoan ngủ nhé để ban mai ửng hồng

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

ÁC ÔN

Quỷ kế ma mưu chước dại khôn?
Diều căng vén áo vội chùi mồm
Kết bè kéo cánh vơ đầy miệng
Tạo nhóm lập băng ních chặt trôn
Quan lớn tội to tuyên miễn án
Dân đen lỗi nhỏ phạt tù luôn
Tiền vàng băng hoại bao nhân phẩm
Tham nhũng khiến người hoá ác ôn.

( Câu cũ :
Ngó thấy muốn văng lũ mặt... Ch...ồn)

Hat Cát
25/07/2016

BẤT NHÂN

Giết biển phá rừng chúng có khôn?
Bọn này chui nhủi hệt loài chồn
Ăn giày, ăn tất, ăn muông thú
Phá núi, phá sông, phá xã thôn.
Tiên tổ không tha bày quỷ dữ
Cháu con chả thứ bọn cô hồn
Bất nhân đất diệt trời tru đấy
Ác đức khi toi chả chỗ chôn!j

VỊNH CHỢ XƯA



Nắng xói cỏ khô, nẻ ruộng bùn
Tắt dần lối rẽ chuyện à uôm
Mái lều chơ chỏng mươi đòn gánh
Sàn đất ngổn ngang mấy vỉ buồm
Ông lão chổi quơ vun rác rến
Bà già xoè lửa đốt lôm nhôm.
Một phiên đông vắng vui buồn chợ
Cũng  cuộc ngao du nơi xóm thôn .

Hat Cat 24/07/2017

TÍCH ROI MÂY - thơ Nguyễn Nguyên Bảy

Thơ đính kèm đò đưa
Thơ Nguyễn Nguyên Bảy
Đò đưa, HatCat Diệu Sinh 

TÍCH ROI MÂY



Giá Như..
Làm gì có chuyện Giá Như..
Bởi mẹ đã về trời làm hoa nắng
Đem theo cả roi mây dậy dỗ hiền từ..

Giá Như..
Mình đừng một mình cà phê sáng
Để Em Mèo (1) lười lại bập môi
Vui xuất ra khói, buồn nhập vào cười
Đầy lòng tôi những cười câm nín

Câm nín xa lắc, xa lơ..
Bữa kia đi học về buột mồm hỏi mẹ
Sao bàn thờ nhà ta lại thờ ông Mác, ông Nin ?
Mẹ không đáp, chỉ roi mây bảo im
Mẹ không đánh mới sợ, tôi nín..

Câm nín xa lơ..
Xin mẹ cho cùng sang chùa
Chứng cảnh ông Lai cúi lạy trước Hai Bà (2)
Tạ lỗi ông cha xưa cướp Nước..
Mẹ nói một chữ : Không, mắt lừ nhìn roi mây
Dù biết mẹ chỉ dọa
Mẹ không đánh mới sợ, tôi nín.

Câm nín xa xa..
Hôm ấy Mẹ nghiêm trọng lắm
Mắt phóng ra roi
Nói với con hai điều
Điều một : Bồng bế nhau đi lễ Nhà Thờ
Nhớ lấy Giáng sinh này là Giáng sinh Bảy Hai (3)
Điều hai : Hãy đốt bài thơ Quả Mặt Trời (4)
Phải nhớ, Mặt Trời không có máu..
Tôi, điều một nghe theo
Và điều hai cãi lại
Sau này, bài thơ ấy vẫn in ra..

Câm nín xa..
Ngày thống nhất Bắc Nam
Lúc này Mẹ đã già
Chân đi không nổi tay làm sao cầm nổi roi mây..
Mẹ khóc mừng cùng dân tộc
Nhân mẹ khóc, tôi thưa xin Mẹ tha hương Sài Gòn
Mẹ hỏi nuốt nước mắt
Bỏ quê, bỏ Mẹ ư con?
Con cúi đầu
Khẩn khoản xin Mẹ cây roi mây
Mẹ không cho
Mẹ chỉ cho nước mắt..

Câm nín Vu Lan..
Ngày nào tôi cũng thấy Mẹ tôi
Ở trên Trời
Và ngày nào tôi cũng muốn hỏi mẹ tôi
Vì sao không cho tôi cây roi mây
Nhưng mãi sợ Mẹ buồn không dám hỏi
Bữa nay Vu Lan xin Người xá tội lời con
Mẹ cười trang trang nắng
Ta hóa roi rồi..

... (Khóc không thành tiếng)

Mẹ hóa roi rồi
Tôi nghe cười trong lòng sằng sặc
Thì ra Mẹ không muốn tôi dậy cháu con tôi
Bài roi câm nín..
Nói xong, Mẹ bảo vội đi việc nắng
Tôi nũng già hỏi thêm
Mẹ biết đấy, lòng con đầy tiếng cười câm nín
Biết rồi phải xả vào đâu..
Mẹ cười:  Khóc đi cho cười hóa nước
Rồi Trời sẽ đổ trận mưa hoa..

Câm nín..bây giờ
Tôi một mình ngồi cà phê sáng
Bụng đầy cười
Chờ Trời đổ xuống trận mưa hoa..
&&&

(2) Thủ tướng Chu Ân Lai (TQ) thời 1960, đến nhà thờ Hai Bà Trưng/ Hà Nội thắp hương tạ lỗi Hai Bà việc cha ông họ xâm lược và gây ra biết bao tang tóc cho VN, Ngài hứa, chuyện xấu này sau này không bao giờ xầy ra nữa.(2) Giáng sinh 1972, là mốc tích tàn khốc nhất của bom đan Mỹ ném xuống Hà Nội trước đó.(4). Bài thơ " Quả Mặt Trời" viết thời bom đạn khốc liệt nhất tại Hà Nội.(1) Thuốc lá hiệu "Con Mèo"




TÍCH ROI MÂY
Những Ngữ lạ trong một bài thơ siêu thơ cũng lạ.
1.Nhà thơ tài hoa Nguyễn Nguyên Bảy luôn làm tôi tò mò bởi những bài thơ siêu thơ! "Tích Roi Mây" chính là một trong những bài đó.
Ông không tuân theo phép vần, câu điệu thông thường mà “ độp’’ một nhát, ném người đọc vào giữa những điều ông muốn nói.
Không có sự dẫn dắt, không có lối ra... người đọc chỉ  có mỗi cách men theo hướng ông đã “ rạch” ( Không phải vạch ) sẵn mà đi, mà tư duy kiểu búa bổ, mà vanh mắt nhìn mọi thứ qua cái kính mà ông đã đặt sẵn. 
Mở ra hai chữ “ Giá như”... để léo ngay với câu thứ 3, bỏ lửng câu thứ hai, như rời rạc, ta đành cố lần qua đầu dây không thắt nút, gặp hình bóng cái “ roi mây” của Mẹ Hiền đã về Cõi lặng.

2
Xuyên suốt bài thơ là cái “roi mây” và sự “ câm nín”.  Sự câm nín chỉ có khi roi mây trong tay mẹ hiền. Mẹ  luôn là gần gũi, là thiêng liêng, là tấm lá chắn: luôn vì sự an nguy của cuộc đời, của gia tộc, của con cái, muốn con tránh khỏi tai ương hoạ hại rập rình... nên dùng “ roi mây” để răn con “ câm nín”, tránh hoạ tai rập rình ụp xuống bất thình lình bất cứ lúc nào.
3.
Tôi mê cái lối diến tả sự đe nẹt từ “roi mây” của không chỉ từ một Mẹ - ở cái thời những thế hệ chúng tôi mới chỉ nghe / chưa thấy bóng roi đã nín im thin thít. Cái nỗi sợ từ Mẹ, lan sang bọn trẻ, vì Mẹ cũng nín câm vì cái “roi mây” -  Khi nó - cái Roi mây ấy không trong bàn tay hiền từ Mẹ , mà trong tay kẻ nào đó thì luôn gắn cùng nỗi hãi hùng... hữu hình / vô hình, như có /như không... hiện hữu quanh nơi Mẹ. Mẹ không biết nói sao cho con hiểu, vì chính Mẹ cũng không biết giải thích với chính mình vì sao bàn thờ tổ tiên lại thờ những người xa xôi, không họ hàng, không ân nghĩa. Tôi mường tượng cái “roi mây” trắng, dai, dài khoanh mấy vòng treo lơ lửng... ngay chính trên đầu người mẹ và gia tộc, con cái mẹ.
Đó là lần thứ nhất bên bàn thờ với câu hỏi “vì sao thờ...” của người con.
Mẹ không đáp, chỉ roi mây bảo im/
Lần thứ hai là khi thấy một người khác ở cửa chùa, để nói câu xin lỗi kiểu “ nước bọt” “roi mây” lại là hiện thân đe nẹt. bắt người con “câm nín” Mẹ nói một chữ : Không, mắt lừ nhìn roi mây/ Mà hai lần đe nẹt ấy lai đều ở nới tôn nghiêm, vì những lý do vô cớ nào đó mà Mẹ cũng không dám nói cho con hiểu.
4.
Mẹ không đánh mới sợ, tôi nín. Tác giả bỗng nhét người ta vào một không gian to đùng của năm tháng mà luôn chật nghẹn như cạn kiệt không khí để thở. Ai đã sống những ngày B52 Hà Nội thì mới thấy cảnh im lìm tan hoang của chiến tranh nó lạnh lẽo và run rợn thế nào... Nỗi kinh hoàng chiến tranh huỷ diệt Thủ đô một dân tộc do sự thoả thuận giữa những thế lực hung tàn dạy cho con người Việt nam trong cuộc biết thế nào khi dân tộc trở thành “ vật tế thần” là quân tốt trên bàn cờ của hai kẻ giàu có hiếu chiến...
Người con xin Mẹ "Roi mây ". Cái “roi mây” Mẹ không cho, cái “câm nín “ vẫn luôn tồn tại... Mãi tới lúc: "/ Mẹ cười trang trang nắng/ Ta hóa roi rồi." Thì lúc đó hình như Mẹ - Mẹ linh thiêng cũng như hạ được gánh nặng, như ngộ ra một điều, mà xưa nay Mẹ vẫn vu vơ nửa tin nửa ngờ, nửa nghi nửa ngại một cách không chắc chắn...
Và “Mẹ hoá roi rồi.” Cái gốc rễ , cái cội nguồn của nỗi sợ ám ảnh để cho người con phải "câm nín" giờ chỉ thu gọn vào Mẹ, vào Lương Tâm và Lẽ Phải của con người.
5.
“Mẹ hoá roi rồi” như một lời reo, như một sự giải thoát tự trong sâu thẳm con người. Cái "câm nín" giờ chỉ còn là "câm nín Vu lan" cùng Mẹ. 
Và...
Khi người con hỏi “Mẹ biết đấy, lòng con đầy tiếng cười câm nín/ Nhưng lúc bấy giờ nỗi câm nín Vu Lan đã chuyển trạng thái, không còn là “roi mây” đe nẹt; vì “Mẹ hoá roi rồi ‘’  nên “ : Mẹ cười:  Khóc đi cho cười hóa nước/ Rồi Trời sẽ đổ trận mưa hoa... sau khi tác giả đẩy (hay kéo một cách khiên cưỡng ) người đọc đi quá các cung bậc câm nín: "từ “Câm nín xa lắc, xa lơ../ Câm nín xa lơ .../câm nín xa xa / Câm nín xa/...
6.
Thì chắc chắn sẽ có một ngày
Trời sẽ đổ trận mưa hoa...
Với " Câm nín .. bây giờ", khi ngồi giữa quê hương Lê Nin - người ngày xưa được thờ phụng trên bàn thơ gia tiên, người con của Mẹ " Bụng đầy cười/ Chờ Trời đổ xuống trận mưa hoa.." có phải vì đang nhớ đền peretrôika của Gorbachop năm nào? 
7.
Một bài thơ ngữ lạ, từ lạ quay quanh "roi mây" và "câm nín" trong một quãng thời gian kéo dài hai thế kỷ ( là mấy chục năm cho đủ đây?!) bàn đến chuyện xa hơn mà không lộ ý. Người đọc cứ phải lật từng con chữ lên mà nhìn ngó, mà ngẫm nghĩ, mà suy tư, mà lý giải và tự tìm ánh sáng để nhìn lên, nhìn ra xa, nhìn tâm điểm mà tác giả muốn hướng tới
Một bài thơ siêu thơ..đọc bằng tâm, bằng trí và bằng cả sự khôn ngoan suy đoán lẽ đời. Chả biết là còn bao lâu nữa, nhưng tôi tin là sẽ có ngày chúng ta cùng tác giả Nguyễn Nguyên Bảy đón Trời đổ xuống trận mưa hoa..
HatCat DiêuSinh 01.07.2015

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

THANH MINH - thơ Nguyễn Nguyên Bảy


Thơ đính kèm đò đưa
Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Đò đưa: HatCat Diêu Sinh


THANH MINH


Lạy Mẹ, việc non sông thiêng nghiêm vô cùng
Lòng yêu nước già nua e thẹn lời chém gió

Lạy Mẹ, việc xã tắc của muôn dân, trăm họ

Quấy quả Diên Hồng e phạm tội xiềng gông

Lạy Mẹ, con đang quỳ chịu tội ngoài sân..


Tấc đất Mẹ nằm với con là Tổ Quốc
Tấc đất mẹ nằm với con là xã tắc
Tấc đất Mẹ nằm với con là làng quê
Là thân bằng quyến thuộc
Là bài thơ nhân nghĩa đi về..

Lạy Mẹ, cho tay con thanh minh hoang cỏ ngoài vườn
Cho con chuốt sắc từng mắt gai xương rồng ngũ sắc
Cho con đốt lá thời gian xếp phủ cửa thông thiên..
Cho con se nắng se gió thành nhang
Thắp cho mỗi nắng lên, gió lên, Mẹ lại hồn về..

Lạy Mẹ cho con sang thanh minh nhà bên, nhà bên
Chia nén nhang nắng gió cho anh con tử sĩ
Chia nén nhang nắng gió cho bạn con tử sĩ
Chia nén nhang nắng gió cho học trò con tử sĩ..
Âm gian ơi, cứ mỗi nắng lên gió lên lại thức nhé, hồn..

Lạy Mẹ về tha tội cho con
Mẹ ru thanh khí lên đi chân con đã ôm cầm hồn đất
Lời Ru Mẹ tôi, lời ru Mẹ tôi..
Lạy Mẹ ru con chân cứng đá mềm để chân trèo được non, lội được bể
Tay con gieo được chữ, miệng con hát được vần
Mắt con nhìn mặt giặc, mắt con không mù hèn..

Lạy Mẹ, con đang quỳ chịu tội ngoài sân
Xin tha tội cho đứa con thanh minh bất lực
Chỉ còn một lời nguyền gìa nua mở ngực:
Kẻ cướp đất Mẹ nằm, bán đất Mẹ nằm

Phải bước qua xác con!

Thơ BNN. Sài Gòn, 6.14

HatCat Diệu Sinh đò đưa
Thơ THANH MINH của Nguyễn Nguyên Bảy 


Tôi đọc Anh được một ít…
Dù biết đọc Anh khó như “trèo núi đá tai mèo”, nhưng tôi hứa sẽ đọc, tuy nhiên không biết bao giờ tôi đọc được hết những trang viết ngồn ngộn của Anh. Còn hiểu được ý tứ văn thơ Anh… với kẻ ngoại đạo như tôi – càng gian nan.
Nhưng “Thanh Minh“ là một bài thơ mà tôi phục, tôi thích.
Tôi phục vì bài thơ này nói đúng không chỉ tâm trạng Anh, tâm trạng của một con dân, mà của nhiều con dân, của một tầng lớp con dân yêu nước nồng nàn, qua bao thăng trầm nổi chìm của cuộc đời chông gai bão tố vẫn canh cánh với “việc non sông thiêng nghiêm vô cùng”
Anh – với sự cẩn trọng cuả người chin chắn từng trải trong cách nhìn chính sự: “ Quấy quả Diên Hồng e phạm tội xiềng gông”.
Không có địa danh cụ thể nào được nhắc đến, Tổ Quốc là “ Tấc đât Mẹ” yêu thương trong anh, trong chúng ta… Điệp từ da diết, “Tấc đất Mẹ “ như sờ được, như cầm nắm được trong lòng bàn tay, như cất được nơi túi ngực, như gói ghém gọn để cất đầu giường, mà thuận tay lấy ra hít hà khi nhung nhớ…
Tôi thích bài thơ này vì kêu gọi chiến đấu chống xâm lăng, mà bài thơ không có súng ống gươm đao, không có khẩu hiệu, biểu ngữ, trống mõ thanh la… mà lại chỉ có một việc làm nhẹ như hơi thở, nhưng mang hết ruột gan tâm não để làm: “Cho con chuốt sắc từng mắt gai xương rồng ngũ sắc/ Cho con đốt lá thời gian xếp phủ cửa thông thiên…’’
Bài thơ làm người đọc nghẹn lòng:
” Cho con se nắng se gió thành nhangThắp cho mỗi nắng lên, gió lên, Mẹ lại hồn về…”
Mặc dù mỗi chúng ta đều có Mẹ riêng…Nhưng  Mẹ trong bài thơ của Anh là Mẹ chung mà lại rất riêng của mỗi con tim, của mỗi tấm lòng. Tình yêu từ Mẹ, lòng bao dung rộng lớn nhưng dịu hiền ấm áp được Mẹ truyền trọn sang tấm lòng người Con – Anh riêng, và Anh chung, Con dân của Đất Việt đau thương anh dũng… 
Cái cách Anh chăm chú  để se nắng se gió quê hương, lấy tâm huyết mình làm chất dính kết thành Nhang thơm dâng lên – không riêng Mẹ, mà dâng lên cho tất cả “
 ….”cho anh con tử sĩcho bạn con tử sĩcho học trò con tử sĩ…
Và lớn hơn, mênh  mông hơn là: 
” Âm gian…  cứ mỗi nắng lên gió lên lại thức nhé, hồn…”
.Mẹ xương thịt cho Anh hình hài, dạy Anh nói tiếng quê hương, dạy Anh yêu con người, yêu đất nước. Mẹ Tổ Quốc cho Anh tâm hồn  và dáng đứng Con Dân Việt
….Thế mà Con Dân Anh bỗng thấy như có lỗi, cái lỗi của người quân tử “ lực bất tòng tâm” , cái lỗi của trái tim yêu nước của con người bôn ba qua thác ghềnh cuộc sống, bươn bả qua khét cháy khói lửa  nhiều cuộc chiến tranh và  chật vật nghiệt ngã của cái gì đó như bình yên thường nhật.

Lạy Mẹ, con đang quỳ chịu tội ngoài sân
Xin tha tội cho đứa con thanh minh bất lực
Chỉ còn một lời nguyền gìa nua mở ngực:
Kẻ cướp đất Mẹ nằm, bán đất Mẹ nằm
Phải bước qua xác con!

Những điều cần nói thì bài thơ đã nói. Vậy còn biết nói thêm gì về bài thơ Thanh Minh đây?!
Với riêng tôi thì Thanh Minh là Bài thơ hay nhất trong những bài thơ hay về lòng yêu nước và tâm hồn con dân Việt mà tôi được đọc từ sau 7/5/2014 trong loạt bài thơ nói về Tổ Quốc và kêu gọi bảo vệ chủ quyền. Tôi gặp ở đây một tấm lòng yêu nước nồng nàn trong sáng mà bình dị; quật khởi mà nhỏ nhẹ thầm thì vào tâm can, máu thịt…

Hạt Cát.Diệu Sinh

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

MÙA TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ 27/7


**********************

LỜI LIỆT SĨ _ Kính tặng hương hồn các Liệt sĩ Trẻ tuổi cùng thời tôi!

Đạn thù
Găm giữa tim Anh;
Xương thịt trả về đất
Hồn thiêng gửi đến trời.
Chỉ nỗi đau nghẹn lời
Nguyên vẹn gửi về cha mẹ.
Chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau vất vả.
Mười tám năm cha thắt lưng chiu chắt / lạnh lẽo đêm dài / rát bỏng nắng trưa.
...
Chết rồi
Anh thành ngôi sao mờ đêm mưa
Chát mặn nước mắt ròng ròng ngóng mẹ.
Thèm hơi ấm bàn tay gầy, thèm lời ru khe khẽ
..." cái bống cái bang..."

Anh khát giọt giọt mồ hôi cha như mưa tháng năm
Ướt đẫm đường cầy ngả ải.
Thèm tiếng cha mắng và thèm được cãi.
Anh lén ngồi cạnh cha khi cha rít điếu cày
- cái mùi thuốc lào Vĩnh Bảo cay cay
Sóc Vọng nào mẹ cũng gửỉ theo ngọn lửa!
Anh vô hình nép vào bên mẹ
xem mẹ sàng gạo, tưới rau.
Anh vẫn đi theo cha thả trâu
nghe cha " vắt... họ".
...
Anh chỉ không dám tìm cô bạn nhỏ
chia nhau con muồm muỗm nướng ngày xưa.
Cô ấy lấy chồng xa
Giờ đã lên bà ngoại.
Lần nào qua nhà, vẫn mang theo con gà, bơ gạo.
Mái tóc bạc vẫn thoảng mùi hương nhu.
Cô ấy đặt lên bàn thờ
Thi thoảng vẫn con muồm muỗm nướng.

Anh len lén nhìn vào đôi mắt
Ngấn lệ hoen dài vết nứt chân chim.
Cô ấy lặng im.
Mẹ cha lặng im.
Anh lặng im.

Lặng im...
Đất trời
thăm thẳm!

(22-07-2011)

NHÀ THƠ LIỆT SĨ VŨ ĐÌNH VĂN

NHÀ THƠ - LIỆT SĨ quê Vụ bản - Nam định

  Vũ Đình Văn: Mà thơ là nợ, mà tình là đau

-/-----------/-------

ANTĐ - Nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn nguyên là một trắc thủ tên lửa. Năm 20 tuổi, Vũ Đình Văn cùng đơn vị hành quân vào miền Trung “đón lõng” B52. Gần một năm nơi chiến trường ác liệt, rất nhiều đồng đội của Văn cùng ra đi từ giảng đường đại học đã hy sinh nhưng Văn vẫn nguyên lành trở về. Để rồi trong những ngày cuối cùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội, Văn đã ngã xuống và mang theo những nỗi niềm riêng chung của chàng trai 22 tuổi đa tình.

*_. Từ cậu bé đa cảm đến người lính dũng cảm

Chị Vũ Thị Kim Dung, em gái nhà thơ - liệt sĩ Vũ Đình Văn kém anh 2 tuổi (SN 1953) giờ đã lên chức bà nội. Trong gian hàng sực nức mùi thuốc bắc trên phố Lãn Ông, chị Dung đọc gần như thuộc làu tất cả những câu thơ của anh mình.
     Chị kể, gia đình có 5 anh chị em, Văn là con trai thứ 3. Quê gốc của gia đình ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
    Năm Văn lên 6 tuổi thì anh chị em mồ côi mẹ. Vũ Đình Văn yêu thơ tha thiết và làm thơ rất sớm. Bình thường Văn nhút nhát, ít nói, hay tỏ ra suy tư, có phần ủy mị.
     Cuộc sống khắc nghiệt, cảnh nhà điêu đứng, mọi gánh nặng dồn cả lên đôi vai người cha. Vậy nên trước cậu con suốt ngày trầm tư, đa cảm, nhiều lúc ông rất bực và có lúc Văn không tránh khỏi ăn đòn.
     Năm 1970, Văn thi vào khoa Văn - Đại học Sư phạm. Toàn bộ bài thi đã được Văn thể hiện bằng một bài thơ dài 12 trang. Giáo viên không biết chấm như thế nào, hay thì có hay nhưng lại không đúng, cuối cùng đành hạ bút cho điểm 3+, thừa nửa điểm để Văn đủ điều kiện vào nhập học.

     Năm 1971, gác lại những khát vọng riêng tư, chàng sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, trong nhịp sống, chiến đấu hối hả, trong bom đạn, tưởng rằng những cảm xúc thơ văn trong anh sẽ bị triệt tiêu, nhưng theo bước đường hành quân những bài thơ ngày càng nở rộ.
     Qua những lá thư Văn viết về cho gia đình, người thân, ít ai ngờ rằng, cậu bé đa cảm ngày nào giờ đã trở thành một người lính tên lửa gan dạ, sẵn sàng đối mặt với cái chết, nói đến cái chết rất tự nhiên, chẳng hề tỏ ra lo sợ.

  -** -- Người tình thơ và người tình thực

    Ngoài niềm đam mê vô tận là thơ Vũ Đình Văn còn có một người yêu bằng xương bằng thịt.
      Trong tập “Tuổi hai mươi” in chung với Hoàng Nhuận Cầm trước đây cũng như tập “Nửa sau khoảng đời” của Vũ Đình Văn do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt năm 2007 có rất nhiều bài nhắc đến Long hay Kim Hương.
      Phần in những lá thư của Văn gửi về cho gia đình, người thân, chiếm phần lớn trong số đó cũng là những lá thư gửi một người con gái tên Long.

    Qua những bức thư anh để lại, người đọc có thể cảm nhận một trái tim mãnh liệt, đa cảm, đầy niềm tin và sự gửi trao của chàng trai tuổi hai mươi giữa chiến trường ác liệt.
    Anh đã đặt cho người yêu mình cái tên “Kim Hương” đầy tha thiết. Cô gái ấy tên thật là Long, kém Văn một tuổi. Hai gia đình cũng đã đi lại, Văn gọi bố mẹ Long là cậu mợ và ngược lại. Rồi Văn vào chiến trường, những lá thư vẫn liên tiếp gửi về.
     Đọc những lá thư Văn gửi cho Long, có thể thấy một tình yêu mãnh liệt nhưng cũng rất độ lượng, thực tế và đức hy sinh cao cả. Văn tự quy ước sau 4 năm mà anh vẫn chưa về thì Long có thể đến với người khác.
     Cuộc đời lắm nỗi éo le. Chỉ một năm sau, cuối năm 1972, trước khi giặc Mỹ đem B52 đánh Hà Nội, khi Văn từ Quảng Trị hành quân trở lại Thủ đô thì Kim Long đã có người khác và tránh mặt không gặp anh.

     Sau 35 năm, chị Dung vẫn nhớ hình ảnh người anh trai trong bộ quân phục bộ đội tên lửa gày gò và tội nghiệp, lặng lẽ đạp xe từ nhà bạn gái trở về trong dịp nghỉ phép hiếm hoi. Mấy ngày phép đó không đêm nào Văn ngủ, chỉ ngồi một mình đốt thuốc lá cả đêm.

    Một tháng sau đơn vị anh bước vào chiến dịch 12 ngày đêm. Văn đã không còn về phép lần nào nữa, bởi anh đã hi sinh trong một trận đánh khi đơn vị đối đầu với B52.

*---"Mà Văn khóc mẹ mà mình khóc Văn”…

    Trong những bài thơ Vũ Đình Văn để lại, có một bài gắn với những kỷ niệm về mẹ của anh, đó là bài thơ “Lạy mẹ con đi”. Bài thơ này Vũ Đình Văn làm sau khi về quê viếng mộ mẹ mình năm 1972.    

    Trong một lần nghỉ phép Văn về quê thắp hương viếng mẹ. Ngôi mộ nằm giữa đồng ở Vụ Bản, Nam Định lâu ngày không có người chăm nom nên gần như bị san bằng, tìm mãi mới thấy.     Thương mẹ một mình nằm giữa đồng chua nước mặn hiu hắt, lòng anh tràn đầy xúc cảm, từ đó mà những vần thơ hình thành trên chuyến tàu từ Nam Định về lại Hà Nội.

      Đọc lại bài thơ, gần như hình dung ra hình bóng chàng thanh niên trên chuyến tàu lủi thủi với những giọt nước mắt lã chã bật thốt những lời thơ khóc mẹ: “Một tia mây trắng cuối trời / Cũng không làm lại được đời mẹ đâu / Thôi từ nay trở về sau / Sống sao cho mẹ khỏi đau cỏ mồ” . Văn đã hồi tưởng lại hình ảnh đám tang của mẹ trong nước mắt: “Đường làng là mảnh khăn xô / Lắt lay ngọn nến dật dờ xe tang / Cha mày con ngựa phũ phàng / Đi đâu giận vó vội vàng ngựa ơi / Nhẹ thôi ông lão nhẹ thôi / Trên xe còn có mẹ tôi đang nằm” .
     Hai câu cuối của bài thơ, dù biết là không thể nhưng Văn vẫn mong mọi thứ đừng theo quy luật khắc nghiệt của cuộc đời, để mẹ anh được sống: “Giá đời đừng có hoàng hôn / Cứ chiều buông cứ chiều buông hết chiều...”.

     Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, Hoàng Nhuận Cầm, người bạn thơ cùng lứa với Vũ Đình Văn trở lại Hà Nội. Anh được bạn bè đọc cho nghe nhiều bài thơ của Vũ Đình Văn. Bài “Lạy mẹ con đi”, Vũ Đình Văn làm khóc mẹ đã khiến tác giả “Xúc xắc mùa thu” cảm động. Có thể nói bài thơ này đã khiến những cảm xúc của một con người nhạy cảm là Hoàng Nhuận Cầm vỡ òa. Từ những cảm xúc đó bài thơ “Nhớ Vũ Đình Văn” đã ra đời với những câu thơ da diết: “Thôi cho mình thắp nhang này / Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm / Ngàn sao Cầm đã kiếm tìm / Nhưng ngàn sao chỉ im lìm như nhau / Văn ơi nằm ở nơi đâu / Người ta lại hát qua cầu gió bay…”. Từ đó Hoàng Nhuận Cầm đi lại với gia đình Vũ Đình Văn như người nhà. Bài thơ “Nhớ Vũ Đình Văn” sau này được anh đưa vào một số tập thơ của mình, đã khiến độc giả rất xúc động.

( Nguyễn Xuân Thủy)

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Ổ LẠI ĐÔ THÀNH


CHIA NỬA CƠN MƯA

CHIA NỬA CƠN MƯA
22:27 28 thg 7 2012 

1-- Người về chia nửa cơn mưa
Sóng Lô giang tạt con đò ngang sông.
Ngầu ngầu củi cuộn rác vòng
Ào áo xoáy nước tóe tung tứ bề.

Người về chia nửa cơn mưa
Nửa giời sũng ướt đầm đìa bến sông.

Ù ù gió buốt sống lưng
Ràn rạt mưa tái tê lòng đôi ta
Rạch giời sấm chớp phong ba
Vòng tay ấm… có gỡ ra được nào!?

Chia nhau một hạt mưa rào

Xé đôi ngọn gió làm sao hả người!
Hẹn thề cuối bể cùng giời
Bỗng dưng hờn giận bẻ đôi cuộc tình!

Người về bứt lá giầu xanh
Soi nghiêng chum nước bập bềnh tầu cau.

Ta chơi với giữa ngàn sao
Nối làn mây biếc bắc cầu sông Ngân....


sửa
CHIA NỬA CƠN MƯA
23:27 28 thg 7 2012Công khai19 


Mình về chia nửa cơn mưa
Ngô non sũng ướt đầm đìa bãi sông.
 
Ù ù gió thốc buốt lưng
Ràn rạt mưa tái tê lòng hai ta
Rạch giời sấm sét chói lòa
Vòng tay ấm… Cố gỡ ra được nào!?


Chia nhau một hạt mưa rào
Xé đôi ngọn gió... làm sao hả mình?
Đầu giời _ cuối bể đinh ninh
Bỗng dưng hờn giận cuộc tình bẻ đôi!

Mình về vội vã tôi vôi
Têm giầu quế, bỏ cau tươi.... mời làng.

Ta vi vu giữa mây ngàn
Ngược Ngân Hà...
Bắc cầu sang hai bờ!


alt

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

THÔI MÀ

THÔI MÀ

Thôi mà mình, 
Thôi mà tình,
giá tê mưa tàn hạ
Cây thu vàng mùa lá
Lòng buốt lạnh hơi đông...
...
Vắt trong
trăng miên thảo 
Nỗi nhớ suông 
phập phồng gối bông mây.

Thôi mà tình
Thôi mà mình 
một thoáng  say
không đủ trăm năm cõi mộng
gió cơn  rát bỏng 
Thiêu khắc giờ thành tro...


Lụi giấc mơ
Hôm qua không về lại.

Hat Cat 19/07/2017
  

THONG DONG TÔI



Ném cả  đời khôn dại
Đổi về thoáng vô minh
Cuốn tơ vò trăm mối
Buộc nhoi nhỏ cuộc tình

Thít chặt niềm cô lẻ
Nén buồn đau rã rời...
Long tong mươi sợi nắng
Quệt ngang làn gió côi.

Gửi trong veo giọt ước
Về suối nguồn xa xôi
Gửi biếc xanh cõi mộng
Đến vòm mây đỉnh trời.
*

An bình sân thiền lặng
Thong dong tôi với tôi...

SÀI GÒN GIÓ ĐÊM NAY


( Viết cho xưa xa)

Gió Sài Gòn se sắt tóc bờ vai
u hoài
câm nín
xưa xa bịn rịn
em một mình lặng lẽ biệt hương sông.

Mưa Thành đô oi nồng
Nắng Thành đô rẫy bỏng
Ngược cầu Văn Thánh
Sông Sài Gòn gờn gợn sóng lô xô
mưa chiều lộn lạo phố hè
tàn chiều váo vơ quán xá...

…Làn tơ nhẹ
 xưa xa Thành đô… ánh lại vẻ xưa xa.
đêm Thành đô mỏng như cánh hoa
bập bùng ghi  - ta quán vắng.
bàn tay ai nắm tay ai im lặng
nghe Sài Gòn trôi trôi…
trôi... và trôi…

Bao năm không em.
Sài Gòn chưa khi nào của tôi.
Biền biệt mùa đông xứ Bắc
heo may gió ngày xa lăng lắc
mùa thu xưa rất xưa…
em và tôi cũng rất xưa.

Em ơi!
Sài Gòn mưa
hạt mưa rớt em khoé mắt
loang chân chim nét nhạt
long lanh mưa hay lệ giọt nhoà?!

... Em!
Sài Gòn đêm mưa hoa
Sài Gòn đêm gió nụ
Tôi vòng tay ôm em, ôm trọn tình thơ bé
Ém trong lòng muôn kiếp
nhé Em!

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

27/7 : GIỌT NƯỚC MẮT

Nước mắt nhăn nheo méo mó
Chảy từ mắt mẹ miệt vườn
Nước mắt lấm lem bùn ruộng
Nhểu trên
 bàn tay c
áu đen.

27/7: CHIỀU THẠCH HÃN

Chiều Thạch Hãn nắng thấu đáy sông
Nóng nung cát rang bốc lửa
Gió Lào nửa cơn dang dở
Bần bật sóng run...

NHẶT CHƠI VƠI



Mình về lượm nhặt chơi vơi
một vô vi giữa góc trời có không.

Ta đi bứt chút mênh mông
chèo thuyền bát - nhã trên dòng hư vô.

Xưa là cho, mai là cho
Thiên Thai nay
mướt mát bờ 
không nhau.

....
Hat Cat 18/07/2017




BAN MAI

BAN MAI
( viết cho hai bạn cũ)

Vai gầy tựa tường khô
Vách tróc long  từng mảng
hanh heo gió loãng
đủ rên bản lề gỉ sét thời gian.

đắm chìm em
đêm cuối xa, dài thế!
Mai
anh dắt em thơ bé
nắm tay đến lớp i tờ
tan học rồi
em đứng  gốc me
chờ anh leo cây bứt quả
lẫn hoa lẫn lá
Em này...
 Anh này...
Còn đây chia nửa...
dung dăng nụ cười sún răng...

Tàn mùa
phố xá lạnh tanh
chậm chậm tháng ngày lụ khụ.
nợ đời trả đủ
trôi tiếng hão, danh hư.

Em ơi!
Sống một lần có dư?
Chết một lần có đủ?
Vẹn tình trọn nghĩa
than hồng chút này
ta nhen sao đêm.

Đêm cuối cùng xa em
Dài hơn ngàn tháng ngày chờ đợi
Cành khô chất củi
Thắp lửa soi khuya...
***
Bàn tay gầy trát mịn tường khô
sơn hồng cánh cửa

Mát lành gió
ban mai.

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

MÙA TRI ÂN THƯƠNG BINH LIỆT SĨ - TAY ÁO THÕNG BUÔNG

MÙA TRI ÂN THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ 27/ 7

TAY ÁO THÕNG BUÔNG
( Tâm sự của một thương binh)

... Có nhưng đêm tôi quờ tay ôm em
Em vẫn đều đều yên bình nhịp thở
Em mặc tôi
khát khao dang dở...
Tôi nghẹn ngào thầm trách em thờ ơ.

Tôi đưa tay vuốt món tóc lòa xòa
bết dính vầng trán mịn
Em
bỏ lại ban ngày nhọc mệt
 nép bên tôi mềm yếu dịu dàng...
Bàn tay tôi nhè nhẹ vuốt má em
Mấy sợi tóc vẫn yên chỗ cũ
Bên thái dương phập phồng gân xanh đỏ
Thoáng nét cười phảng phất trên môi.

... Em giở mình xộc xệch áo vai
Ánh trăng khuya lọt qua rèm cửa mỏng
đậu trên ngực em hồng hồng chín mọng
Tôi vòng tay ghì em vào lòng
Em thản nhiên như không
An lành
Chìm sâu giấc ngủ!

... Tôi ắng lòng buồn bã.
buồn bã
tàn đêm!

- Em không cần tôi nữa.
Hả em?!
...

Không ngủ.
Tôi nhún vai _ giang tay ủ rũ.
   
Chợt bàng hoàng
đôi tay áo
thõng buông!
************************

( ảnh cop trên mạng)

VUI NGÀY MƯA BÃO : HÌNH. NHƯ HỌ ẤY...

VUI CƯỜI NGÀY BÃO - HÌNH NHƯ HỌ ẤY... 

1-- Hinh như họ ấy ... hình như... 
Lúc nghêng ngang, lúc ngù ngờ... đến hay
Rượu chua dốc ực vò say
Giỏi giang thiên hạ dở hay ... chỉ mình.
...
Ổi ương nửa chín nửa xanh
Người ương... 
một nhịn chín lành cho qua.

Phiêu bồng nụ, mộng tưởng hoa
Hươ tay họ ngỡ...  sơn hà trong tay.
...
2-- Ta... 
Đành vờ dại, giả ngây
Nhìn nghiêng ngả họ  tỉnh say cuộc người.
Mắt nheo
 le lé 
mím cười
Ôm tung toé cả đất giời... khẽ ru.

Hình như họ ấy... hình như...
Kệ 
Ta ngoắng nước ao tù 
vớt sao.


Hat Cat 17/7/2017

TRIẾT LÝ VẶT



Cuộc đời là cuộc chơi
Là vé số muôn lần không giải thưởng
Không ai thua và cũng không ai được
Không mất cũng chả còn.

Tụ ru mình an lạc cọi thiền
Rớt chèo là bến
Không tiễn người đi và cũng không chờ
kẻ đến
Mặc may rủi sat - na...

Loay hoay thần tiên, nhốn nháo quỷ ma
 hư - thực
Loài người trằn lưng đánh vật
Quanh quanh cõi  đời -Trò tạo hoá trêu ngươi.

Vô nghĩa cuộc chơi
Lấm lem dâu bể.

Ta dấu hồn dưới cỏ
Nghé đảo điên đời...

43 --- VỀ ĐÊM

Hình ảnh có liên quan


Mặt trời chui ổ ngủ rồi
Vệt tà dương nhọn cứ cời rách đêm.

VỤN ĐỜI CHỢT THẤY



Nỗi oan khiên thấm mép đường khâu
Chỉ công lý ngắn dài xơ tướp
Áo đời chó táp
Mụn gấm thêu không vá kín nỗi đau.

Méo tròn kiếp ruồi bâu
Bẹp dúm lề lễ giáo
linh hồn lảo đảo
khô đét gộc tre.

Mưa say nhè
cát sỏi tốc mù mắt gió
Chớp loé
Tầm sét ngàn cân rỉ vụn rời.

Manh lá áo tơi
Toạc xễ te tua sợi móc
Váy vá đụp
Gió thốc khe
 Lẩy bẩy chân cò.

Năm tháng gồ ghề, năm tháng muội tro
 đời than bụi.
 bù xù lầm lụi
cười héo hắt môi khô.
...
Giơ xương vè gầy mõ con bò
Móp bụng lê đuôi ngoằng dài thân lợn
Lưỡi thè lè liếm đất
Sục ăn vô vọng lầy mùn.

 phận dế giun
loài sâu kiến
Uốn éo chuồn chuồn lười biếng
Cặm cụi ong oằn lưng siêng năng
Trơn như lươn, mãnh như trăn
Lừa mị Hồ ly...
Ác như cọp sói
Hỗn độn vì miếng ăn...
Giết chóc vì miếng ăn...

Nhắm mắt chờ rằm
hé mắt nhìn rằm.
Mơ trăng thanh
Hong trời biếc
 vô thủy vô chung
Vô luân sống chết
...
..,,
Đời bùng nhùng
Vụn đời be bét
vun một đống
Quẹt diêm.
Thiêu hết!

Cháy! Cháy!...
Cháy tiệt
Ngọn lửa điên
Ngọn gió điên
Tôi cũng điên...
hô trời
bùng giông
giật bão!

Hat Cat Dieu Sinh 10/01/2016





i


Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

CHIẾC ÁO BẠC MÀU

MÙA TRI ÂN & TƯỞNG NHỚ  --27/7.

CẢM NHẬN về  Bài thơ CHIẾC ÁO BẠC MÀU
nghĩ về lòng chung thuỷ

                     (Bài của Trần Thanh Blog)
 
 Bài thơ của chị Diệu Sinh viết tặng một người đồng đội của mình thời đánh Mỹ. Gọi là thơ nhưng thực ra đây là câu chuyện tình cảm động, trong trắng , hồn nhiên của một đôi trai gái yêu nhau thời đạn lửa...
Mở đầu bài thơ là câu chuyện giữ gìn kỷ vật của một người con gái. Chị cất giữ trong rương những thứ tưởng bình thường nhưng đối với chị thì nó thật là thiêng liêng, quí hơn vàng bạc. Đó là một chiếc áo bạc màu, sạm đen khói đạn, là một món tóc thề, xanh một đời con gái, là một nhành hoa be bé đã héo mòn khô quắt bởi thời gian...Và còn nữa, chị luôn giữ bên mình bài thơ viết về người lính Nga thuở nào nói với người yêu trước lúc lên đường ra trận, với một lời hẹn thề nóng bỏng: đợi anh về...mặc "thời gian cứ lầm lũi trôi đi":

Chị vẫn giữ trong rương chiếc áo bạc màu
tháng rồi năm cứ trôi lặng lẽ...
một món tóc xanh,
một nhành hoa be bé
khô quắt, héo mòn giữa nếp áo chẳng còn xanh!
Chị vẫn giữ bên mình
một bài thơ chép trên giấy mỏng
Lời người đi nóng bỏng:
"Em ơi! Đợi anh về..." #
mặc thời gian lầm lũi qua đi.
...
Và ở trong tim người con gái ấy, vẫn nhớ mãi không quên một thời tuổi trẻ. Mối tình đầu bỏng cháy yêu thương. 17 tuổi, bắt đầu yêu bằng trái tim chẳng biết sợ đạn bom, nhưng nước mắt lại cứ rơi khi tiễn người yêu ra trận :

... mười bảy tuổi
Tình yêu trong veo, sôi nổi
Coi thường khói lửa đạn bom.
Đôi má hồng, đôi mắt đen
nhòe nước mắt
tiễn người yêu ra trận.
...
Rồi người lính ấy ra đi mãi mãi không về. Còn người con gái vẫn cứ đợi chờ, hy vọng...vẫn giữ gìn chiếc áo bạc màu, vẫn nhớ ghi lời hẹn đợi anh về. Thời gian vẫn cứ nối tiếp nhau, tuần hoàn trôi theo qui luật muôn đời của nó. Xuân qua, hạ tới, Thu về...rồi mùa đông lạnh lẽo lại sang. Thời gian không có tuổi nhưng con người có tuổi. Bốn mươi năm đợi chờ, chỉ có thể chưa đủ dài làm ai hóa đá mà thôi. Còn con người thì đã già nua, cũ kỹ:

                ...  bạc trắng mái tóc xanh óng ả
 Nhăn nheo đôi má
 Mắt rạn chân chim...

Còn phố phường , vạn vật cũng tất nhiên có vô vàn thay đổi. Bao nhiêu người lạ đến, chẳng phải người xưa vương hoa sữa mùa thu xe cộ ầm ào, gào thét tứ phương, Hà Nội đã có nhà cao hơn mây, sừng sững...
Riêng anh ấy đi 40 năm- không về. "Người ấy- không về..."một loạt câu phủ định lạnh lùng như vết cứa vào tim. Người phụ nữ vẫn lặng thầm dõi mắt đêm đêm, dù nước mắt đã khô rồi thì con tim của chị lại không bao giờ ngủ. Nó thổn thức mơ về tiếng tàu điện xa vời... nó bâng khuâng đếm những vì sao cô đơn lạc lõng... Nó nhớ hoài nhớ mãi một lời thơ : EM ƠI, ĐỢI ANH VỀ!

   Bài thơ kết thúc bằng tiếng vọng vang lên từ miền ký ức thẳm sâu của người con gái. 40 năm là một nửa cuộc đời...chiếc áo bạc màu vì thời gian đã làm cho tình người thấm đẫm màu chung thủy. Một bài thơ, một câu chuyện tình nghe như cổ tích về hòn Vọng phu.

***************************************************************
CHIẾC ÁO BẠC MÀU
Hat Cat Diệu Sinh
-----
    Chị vẫn giữ trong rương chiếc áo bạc màu
tháng rồi năm cứ trôi lặng lẽ...
               một món tóc xanh,
                        một nhành hoa be bé
khô quắt héo mòn giữa nếp áo chẳng còn xanh!

      Chị vẫn giữ bên mình
một bài thơ chép trên giấy mỏng
Lời người đi nóng bỏng:
"Em ơi! Đợi anh về..." *
mặc thời gian lầm lũi qua đi.

     Thơ ngây học trò
             mười bảy tuổi
Tình yêu trong veo, sôi nổi
Coi thường khói lửa đạn bom.
Đôi má hồng, đôi mắt đen
nhòe nước mắt
                    tiễn người yêu ra trận.

    Bốn mươi năm!
           Người đi.
                 Không về.
         Vâng !
               Người ấy không về!

Con phố ồn ào giờ lặng ngắt.
 Đến rồi đi
những người lạ mặt
không có trong ký ức
không vương mùi hoa sữa mùa thu.

... Mùa xuân đến rồi đi
Mùa đông đến rồi đi
Mùa nào cũng thế
Chị âm thầm
dõi về hướng cũ
 nơi tiếng tàu điện khuya rung nỗi nhớ
... bốn mươi năm!

     Bốn mươi năm
Hà nội:
Nhà cao hơn mây
Phố xá đặc khói đen, xe đỏ.
Chị đếm sao trời ngoài cửa sổ
xung quanh khoảng trống bơ vơ..!

     Chiếc áo bạc màu, vết đạn xạm mờ
khô nước mắt những đêm dài thương nhớ
bạc trắng mái tóc xanh óng ả
nhăn nheo đôi má
mắt rạn chân chim.

Mặt trời lặn
          trăng lên...
                   Đắp đổi.
                             Im lìm.

     Bốn mươi năm.
         Mấy chục ngàn ngày
                 mấy chục ngàn đêm...
                        mãi mãi.
                            Thiết tha tiêng gọi:
                            "ĐỢI ANH VỀ ! EM ƠI"*

Hat Cat 2010 /7
--------------------------------------------------
( ĐỢI ANH VỀ
của nhà thơ Nga Xô Viết . Tố Hữu dịch )

THU . EM và TÔI

THU. EM và TÔI

 Làn gió chơi vơi
 Trời hanh hanh nắng
Thu. Em và Tôi
Vai chiều oằn nặng.

Lọn tóc heo may
Bốc cơn gió lốc
Men tình rượu cay
Ngất ngư cười khóc...

Ngày cũ xa rồi
Hình em còn đọng
Nụ hôn bờ môi
Nung tôi lửa bỏng.

Em đeo cánh mây
Tôi vin ngọn thác
Qua đêm... qua ngày
Ngân nga tiếng hạc

Em giận nắng mưa
Tôi hờn nóng rét
Cuộc chơi chót mùa
Lặn vào ly biệt...

... Đây rượu thu em
Sương trong dịu ngọt
Đây men thu em
Lắng hồn trai ngọc.

Tình tôi lửa hồng
Đằm hương mộng mị
Tình tôi đuốc bồng
Đốt trời, thiêu bể.

Tôi nhỉ? Em nhỉ?
Tình về thu xa...

Hat Cat
16/07/2016
******
Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.
( Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP TRONG THƠ HẠT CAT

XUÂN LAN - ORCHID KHÁM PHÁ TỨ THƠ HAY & ĐẸP của HAT CAT

I
Xuân Lan 
    1 * --  Mùa hè năm nay (2016), với tình cảm quý mến thi sĩ Hạt Cát, quý mến bạn bè và yêu thích Thơ, tôi viết những dòng chia sẻ về cảm nghĩ của mình khi đọc thơ của thi sĩ Hạt Cát như chia sẻ chén rượu nồng, cay, ngọt say cùng các bạn.


Xuất phát từ đặc điểm sau: khi làm thơ có thể có nhiều người cùng có những ý thơ tương tự nhau, nhưng tứ thơ là cái rất riêng của thi sĩ. Tứ thơ bao gồm trong đó cảm xúc, ngôn từ, nhạc điệu thơ, hình tượng thơ từ cái nhìn rất riêng của thi sĩ,được thi sĩ chuyển tải cùng ý thơ qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ, qua năng khiếu và cảm xúc của riêng thi sĩ đó. Có những bài thơ của Hạt Cát ý tứ hay và đẹp, đọc lên làm ta xúc động đến thẳm sâu trái tim. Cho nên bài viết lần này tôi sẽ chia sẻ cùng bạn bè theo chủ đề: “Xuân Lan – orchid khám phá những tứ thơ hay và đẹp của thi sĩ Hạt Cát”, trong khuôn khổ bài viết này tôi chọn bốn bài thơ: “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”, “Chuyện tầm phào”; “Chỉ khi chạm đến đáy đắng nỗi buồn”, “Sắc không an lành” bàn luận cùng các bạn.

Trước hết ta hãy đến với bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này” để khởi động hành trình khám phá các thi tứ độc đáo của nhà thơ Hạt Cát. Với thể thơ tự do, mở đầu bài thơ là những câu thơ với nhịp điệu chậm rãi, cách gieo vần đọc lên nghe ở những âm trầm, câu chữ ngôn từ nhẹ nhàng. Cùng với âm điệu đó, Hạt Cát đã tinh tế chọn đại từ nhân xưng “tôi và mình”; hình ảnh “dựa vào vai”, “nắm chặt tay”của hai nhân vật trữ tình trong bài thơ cho chúng ta nhận ra những lời âu yếm là của người chồng giành cho người vợ, mà cả hai đã vào tuổi hạc tóc nhuốm màu sương, vẫn tâm thái an nhiên, tình cảm yêu thương trìu mến:

“Dựa vào vai tôi, mình ạ.
Nắm chặt tay tôi, mình ạ.
nào cùng đi, mình nhé!
như ngày nào ta dung dẻ, dung dăng...”


Trong cả bài thơ nếu ta thay cặp đại từ nhân xưng “mình và tôi” hoán chuyển thành cặp đại từ “anh và em” rồi so sánh, thì bài thơ cũng có ý hay nhưng không đặc sắc. Bởi vì những cặp vợ chồng sồn sồn độ tuổi 5X trở lại đây chỉ còn xưng hô “anh anh, em em”, việc còn tán tỉnh nhau, hâm nóng tình yêu là chuyện thường có. Ở đây, ta hãy lắng nghe cụ ông âu yếm nói với cụ bà bằng lời chân thành, ân cần; để rồi mặc dù ta không phải là bà cụ ấy, vẫn xao xuyến xúc động và lặng đi ngẫm nghĩ bài học cho bản thân về cách ứng xử trong đời sống vợ chồng:

“Mình nhìn xem:
lá lúa trăng
đậu trên mái tóc mình óng bạc.
Kìa kìa:
lưng trời cánh hạc
rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay”
Mình ơi,
sáng nay
nắng hồng đọng trên môi mình.
Thật đó!
cặp môi ngày nào mọng đỏ
cả đời tôi trộm khát khao.

Mình ơi, ngàn vì sao
không có ngôi nào trong như mắt mình đâu nhé!
không có ngôi sao nào nồng nàn như thế!
như đôi mắt đen tròn sưởi ấm suốt đời tôi”.


Không chỉ dừng ở lời nói, cụ ông còn rủ cụ bà dạo phố chiều Tết và chăm sóc cho nhau từ chiếc áo ấm: 

“Nào mình ơi, khoác tay tôi
mang thêm chiếc áo dài ấm mỏng
chiều Tết này người vắng
tôi đưa mình dạo phố xá thân quen”


Hạt Cát thật xuất sắc khi chọn thi tứ như đã nêu ở trên để khắc họa nên hình tượng một cặp đôi hạnh phúc, không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài. Hãy đọc những câu thơ tiếp theo để thấy hai cụ già tinh thần trẻ trung, yêu đời và độ lượng với cháu con. 

Ta thấy họ nghĩ về những kỉ niệm đẹp thời son trẻ để lòng thêm vui qua khổ thơ:

“tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên
kỷ niệm thời cắp sách
ta nghịch đùa nơi vườn hoa bóng mát
nhặt búp đa, ngắm lá hoa bay
ngắm Cột cờ* vòi vọi trong mây.
cười nắc nẻ đuổi hoa bắt bướm...”


Đọc tới đây thơ thay đổi từ nhịp chậm, âm trầm sang nhịp nhanh hơn, thanh âm cao hơn, khi càng xuống các câu dưới của khổ thơ. Phải chăng trái tim hai cụ đang cùng rộn ràng đập khi nghĩ về những kỉ niệm đẹp khắc ghi trong tâm khảm, trải dài theo năm tháng sống bên nhau.
Ta thấy họ coi những gian lao, đói khổ từng trải là chuyện đã qua, không còn gì để bận lòng. Hạt Cát đã cho nhịp thơ nhanh, câu thơ ngắn đơn giản:

“Qua rồi, mình ơi
chộn rộn
tháng ngày đói khổ
tháng ngày gian lao
qua máu đào
qua lửa đỏ...”


Họ nghĩ về cháu con thì hài lòng, thanh thản, họ sống cùng nhau hạnh phúc viên mãn, nghĩa tình vẹn nguyên:

“.... Đủ cánh lông
chim ra ràng
rời tổ.

Còn lại mình và tôi.

....
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”


Nhà thơ Hạt Cát rất tinh tế khi chọn cho bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này” tiết tấu chậm rãi hay nhanh lên, âm điệu trầm ấm hay tươi vui đều rất hữu ý, ngôn từ giản dị tường minh, chú trọng xây dựng hình tượng thơ “hai vợ chồng tuổi hạc tóc nhuốm màu sương” đẹp từ vẻ bề ngoài đến nội tâm. Hạt Cát thiên về sử dụng nhịp điệu, không dùng quá nhiều thủ pháp tu từ trong bài thơ, tô điểm cho bức thi họa những đường nét duyên dáng hợp lí, tất cả những điều này đã làm thành một tứ thơ hay và đẹp. Ý thơ hòa quyện cùng tứ thơ rất đẹp xuyên suốt bài thơ, truyền cho ta tình cảm mến phục, ý nguyện sẽ noi theo gương thế hệ đi trước giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của gia đình Vi

2*-- Ta hãy đặt bài thơ: “Chuyện tầm phào” cạnh bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”, đọc và ngẫm để thấy Hạt Cát rất khéo léo khi chọn tứ thơ song hành với ý thơ, nhà thơ rất tinh ý khi quan sát đời sống hàng ngày và tài tình dùng ngôn từ để diễn tả lại bằng câu chuyện bằng thơ như sau:

Một Ai: ngồi đuổi gió ngày
Ngất ngư dở dở ngây ngây... mặc đời.
Che nón rách dấu miệng cười
Vươn dài cổ nghé cậu giời gọi mưa.

Một Tôi: ngồi gói nắng trưa
Chia làm đôi ngọn cỏ lùa ngách hang
Xắn quần đi bắt cua càng
Vơ ào rác rến ném sang láng giềng.

Một Em: hai lúm đồng tiền
Chân mày lá liễu, lưỡi liềm mi cong
Môi thắm đỏ, má ửng hồng
Tôi và Ai... ngả nghiêng lòng đắm mê.

Một hôm gió lộng bờ đê
Mặc Ai, tôi rủ em về ...nhà tôi!


Đây là bài thơ kể “chuyện ba người”, một kiểu cốt truyện phổ biến được các nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc hay dùng. Việt Nam ta có bài thơ nổi tiếng “Hai sắc hoa Ti-gôn” được cho là của TTKh, nhân vật “tôi” kể chuyện là người con gái;hoặc trong âm nhạc thì có bài hát một thời vang bóng: “Đập vỡ cây đàn” của nhóm nhạc Lê Minh Bằng, nhân vật “tôi” kể chuyện là người nam thất tình. Bài thơ “Chuyện tầm phào” của Hạt Cát cũng có cốt truyện như thế, nhưng mang sắc thái riêng của Hạt Cát, đó là một bài thơ vui, có một chút ý nhắn nhe đến các cậu trai trẻ đang tán gái.

Ta thấy ở đây có một anh chàng ở vùng thôn quê vừa cưới vợ xong và tâm trạng vui sướng đang kể lại kết quả, kinh nghiệm tán gái. Do đó tác giả đã chọn thể thơ lục bát dân dã, lời thơ hóm hỉnh, nhịp điệu tươi vui, thủ pháp nghệ thuật tu từ phong phú và hình ảnh chọn lọc lột tả tính cách từng nhân vật. (Bài viết dài nên tôi không dẫn chứng minh họa kĩ cho các nhận xét này)
Rất độc đáo khi Hạt Cát cho nhân vật Tôi kể lại “câu chuyện ba người” với giọng điệu của kẻ đắc thắng, một tâm thế của kẻ thắng cuộc rất hay xảy ra trong đời thường. Tôi kể rằng cả hai Tôi và Ai đều làm những chuyện không đâu vào đâu vì tương tư Em: “ngồi đuổi gió ngày”, “ngồi gói nắng trưa”, vì“ngả nghiêng lòng đắm mê” Em.
Ở vị thế của kẻ thắng Tôi rất coi thường và chê Ai nhút nhát đến độ nhìn con cóc mà cũng chỉ dám “vươn dài cổ” để “nghé”, chứ không phải là “đến tận nơi” để “nhìn”, hình ảnh này làm rõ cái vẻ “dở dở ngây ngây” của Ai. 

Còn khi Tôi kể về bản thân qua hình ảnh: “Chia làm đôi ngọn cỏ lùa ngách hang./Xắn quần đi bắt cua càng. /Vơ ào rác rến ném sang láng giềng”, ta thấy chàng Tôi tính tình táo bạo, khôn ngoan láu lỉnh, có chút ít liều lĩnh: “Vơ ào rác rến ném sang láng giềng”
Tôi càng tăng giá trị bản thân khi kể rằng Em rất xinh: “Một Em: hai lúm đồng tiền./Chân mày lá liễu, lưỡi liềm mi cong. Môi thắm đỏ, má ửng hồng” 
Câu chuyện được kể ngắn gọn mà cuốn hút bởi các tình tiết chọn lọc đối ngẫu, sinh động, lời thơ dí dỏm, nhip điệu tươi vui tung hứng làm thành tứ thơ độc đáo.

Hạt Cát chỉ cần hai câu thơ để kết lại câu chuyện với đầy đủ “thành tích và kinh nghiệm tán gái” của nhân vật Tôi: “Một hôm gió lộng bờ đê. Mặc Ai, tôi rủ em về ...nhà tôi!” Thành tích đã quá rõ thể hiện qua từ “rủ” mà không phải là các từ “đón”, “đưa” hay “rước”; cho thấy Em đồng ý về cùng Tôi mà không miễn cưỡng. Kinh nghiệm tán gái trong cụm từ “mặc Ai”, có lẽ nhân vật Tôi muốn nói: khi tán gái không nên nhút nhát, chùn bước.

Đọc xong bài thơ ta không khỏi bật cười thú vị. Ngoài việc bài thơ đem lại giá trịgiải trí qua câu chuyện kể bằng thơ, còn phản ánh được quy luật cuộc sống: trai gái đến tuổi đem lòng tương tư nhau là chuyện thường tình, nhưng nhắn nhe đến các cậu con trai muốn được vợ thì đừng quá kém cỏi, thắng cuộc thì chớ quá ba hoa,thấy xấu!  

Bài viết đến đây đã dài, xin hẹn các bạn bài viết sau cũng nói về chủ đề: “bàn luận về một số bài thơ có ý tứ đẹp và độc đáo của thi sĩ Hạt Cát” qua hai bài thơ: “Chỉ khi chạm đến đáy đắng nỗi buồn”, “Sắc không an lành”.