Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Đọc chọn cho dự án sách VƯỜN THƠ NĂM NHÀ/ Tập 1/ Thơ Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh Đạo diễn, nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn  
Đọc chọn cho dự án sách VƯỜN THƠ NĂM NHÀ,1
  Thơ Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Đọc chọn cho dự án sách VƯỜN THƠ NĂM NHÀ/ Tập 1/ Thơ Lý Phương Liên


Đọc chọn cho dự án sách VƯỜN THƠ NĂM NHÀ

/ Tập 1/ Thơ Lý Phương Liên


Thơ LÝ PHƯƠNG LIÊN 


Thơ Lý Phương Liên,
GIỌNG CA NHÂN ÁI, GIÀU TÍNH TRIẾT LÝ
VÀ MANG
 NHIỀU HOÀI NIỆM

Nguyễn Văn Hòa, đò đưa


Ca bình minh
 của thi sĩ Lý Phương Liên là một tập thơ mà nó chất chứa  biết bao tình cảm thiết tha, nồng ấm. Cả tập gồm 46 bài, phần lớn là thơ tự do, chỉ có 14 bài lục bát nhưng tôi đánh giá cao những bài thơ lục bát của chị bởi lối viết uyển chuyển, sáng tạo và có sự cách tân. Dù số lượng thơ lục bát không nhiều nhưng nó làm nên chất đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên, trong sáng của hồn thơ Lý Phương Liên. Việc chị ưu tiên sử dụng thể thơ tự do trong sáng tác của chị cũng có cái lý của nó. Phải chăng Lý Phương Liên chọn thể thơ ấy để dễ bày tỏ tình cảm, cảm xúc, thể hiện một cách tận cùng sâu thẳm mọi cung bậc cảm xúc và mọi ngõ ngách của tâm hồn.Điều đặc biệt ở Ca bình minh, đó là tất cả 46 bài thơ đều được chị viết vào thời điểm những năm của thập niên 60, 70 của thế kỉ XX. Viết ở thời điểm ấy mà chị có những cách tân và sáng tạo trong ý tứ, câu chữ, thể thơ như vậy thì quả là điều đáng được ghi nhận.
Danh hiệu nhà thơ theo đúng nghĩa của nó vô cùng cao sang và đáng trân trọng, càng đáng ghi nhận và tôn vinh hơn nữa nếu họ có những bài thơ để đời sống mãi với thời gian. Lý Phương Liên xứng đáng là nhà thơ theo đúng nghĩa của từ này. Chị đến với thơ khá sớm, ngay từ những năm chị mười tám đôi mươi, chị làm thơ không phải với ý định muốn mình trở thành một nhà thơ tên tuổi, thực thụ mà chị làm thơ để ghi chép lại những cảm xúc, những tiếng lòng, những nỗi niềm gan ruột của cuộc đời mình. Có lẽ vì vậy mà thơ Lý Phương Liên thực sự hay, thực sự có giá trị và sống được trong lòng bạn đọc. Dù rằng tên tuổi của Lý Phương Liên xuất hiện chỉ vài năm rồi đột ngột im hơi lặng tiếng trên thi đàn. Sự im lặng và vắng bóng của một giọng thơ lạ và tài hoa ấy nó càng gây thêm sự tò mò, chú ý của những người yêu thơ và thực sự quan tâm đến thơ suốt hơn 40 năm qua. Thơ chị viết ra là những cảm xúc chân thực, không hề giả tạo, nó cứ dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc, nói bằng chính con tim, bằng những gì chân thành và sâu thẳm nhất tận đáy tâm hồn mình chứ không hề có sự đẽo gọt, trau chuốt chữ nghĩa một cách cầu kỳ, giả tạo. Nói thế không có nghĩa là thơ chị không sử dụng ngôn từ độc đáo mà có chỗ chị dùng rất đắc địa. Do vậy, không khó để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay, tứ thơ lạ trong tập Ca bình minh. Nhiều bài thơ của chị đã được các chiến sĩ chép vào sổ tay mang ra chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ đọc cho nhau nghe với một niềm yêu mến và kính phục. Có thể kể ra một số bài thơ để lại ấn tượng sâu đậm, được nhiều người nhắc đến khi nói về thơ Lý Phương Liên như: Ca bình minh, Trò chuyện với Thúy Kiều, Em mơ có một phiên tòa, Lời ru với anh, Lời ru trong đêm, Chờ anh dưới cột đồng hồ, Xin phép mẹ đi lấy chồng … 
Điều đáng quý ở Lý Phương Liên đó là sự khiêm tốn, một sự khiêm tốn đáng kính trọng, dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời, thơ chị cũng đã sống được và khẳng định giá trị đích thực của nó với thời gian nhưng chưa bao giờ chị nhận mình là nhà thơ. Chị từng giãi bày: “Lý Phương Liên tôi, cha mẹ mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố những năm 1970 và dài theo nhiều năm sau đó”. Thi sĩ Lý Phương Liên cũng từng khẳng định: “Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao nhiêu người tài hoa thời ấy, được học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh với họ”. Con đường đến với thơ của chị như một cơ duyên, chị mượn thơ để nói lên tấm chân tình của mình, lấy thơ để ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống của chính mình, quanh mình và của thời đại mình. Cũng chính vì thơ, yêu thơ mà người thi sĩ họ Lý kia phải chịu bao hệ lụy đáng tiếc. Tai nạn nghề nghiệp là cái rủi cho thi sĩ Lý Phương Liên và gia đình chị nhưng cũng là cái may cho nền văn học nước nhà. Vì có được thêm một giọng thơ lạ và độc đáo.

Có thể nói rằng, chị đã quá may mắn khi được gặp Nguyễn Nguyễn Bảy và hạnh phúc khi phu-thê cùng Nguyễn Nguyên Bảy. Đời thơ, đời người với bao thăng trầm, bao dâu bể, lên thác xuống ghềnh của Lý Phương Liên đều liên quan và gắn liền với Nguyễn Nguyên Bảy. Có lẽ vì thế mà chị có rất nhiều bài thơ viết về “anh”, nhắc đến “anh” với một niềm kính trọng và yêu thương da diết (trong tập thơ Ca bình minh có khoảng 2/3 số bài thơ chị viết về Nguyễn Nguyên Bảy). Cho nên chị có ước muốn: Em muốn anh như bàn tay/ Xòe ra là gặp. Dù có đi đâu, làm gì, hình ảnh của “anh” vẫn luôn hiện hữu, vẫn luôn thường trực trong trái tim của chị. Để rồi có lúc chị phải thốt lên: Xa anh nói nhớ làm sao/ Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành/ Lẽ nào em buộc cánh anh/ Buộc cánh anh/ Buộc cánhanh cũng chẳng thành tình yêu.

Có đau khổ, mất mát nào lớn hơn khi mà mình không còn bố, không còn mẹ? Càng hụt hẫng và đau đớn gấp bội phần khi bố mẹ mình mất trong thảm cảnh? Chị đã phải gánh chịu liên tiếp những nỗi đau chồng chất. Chị không những đau nỗi đau riêng của gia đình mình mà còn thêm nỗi đau cho đất nước, cho nhân dân; nỗi đau của một người dân sống trong cảnh chiến tranh tang tóc:



Tôi sinh ra giữa cơn lốc xoáy tròn đất nước

Một nghìn chín trăm năm mươi

Cả dân tộc đổ xuống đầu giặc Pháp

Cơn phẫn nộ muốn làm người

Gian nan chỉ thấy môi cười

Bao máu đỏ nhuộm nên cờ chiến thắng

Hai mươi năm không ai ngồi đếm ngày đếm tháng

Những ngày sáu chín bảy mươi

Chẳng có nơi đâu tuyệt diệu con người

Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt

Mỗi người dân đều nhận phần mất mát

Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn

Khổ chẳng riêng ai nên khổ chẳng một mình

Chung số phận với nhân dân mà chiến đấu

Thúy Kiều ơi, thời tôi sống biết bao người đổ máu

(Trò chuyện với Thúy Kiều)
 
 
Đất nước những năm chiến tranh đã đặt ra cho con người không ít những thử thách, đặc biệt là trong việc chọn lựa lẽ sống: Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người/ Chọn số phận ở thời mình đang sống.
Hoàn cảnh lịch sử không cho phép con người ngủ yên trong đời chật mà phải ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và nơi họ gặp nhau không đâu khác chính là nơi chiến trường. Họ ra đi vì nghĩa lớn nên có cùng chung một mục đích, một lý tưởng, một con đường, một niềm tin vào tương lai là đất nước sẽ được giải phóng, nhân dân sẽ được sống trong hòa bình: Đất nước chiến tranh nhân dân còn cơ cực/ Khi cái chết vãi từ trên phản lực/ Bom chùm bom lửa bom bi… / Đời còn nhiều gian khổ phải qua/ Để đến được mùa hoa sai quả trĩu/ Cơ thể của nhân dân cơ hàn đang phải chịu/ Số phận mình là số phận của nhân dân.
Hiện thực đau thương trở thành động lực sống và khát khao về một thế giới hòa bình, đất nước độc lập, nhân dân hạnh phúc là động lực để họ vượt qua mọi nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống: Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/ Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp (Trò chuyện với Thúy Kiều).
Đế quốc Mỹ- kẻ cướp nước, làm những điều phi nghĩa, trái với lương tâm đạo lý nên chắc chắn sẽ thất bại. Chân lý thuộc về lẽ phải, chính nghĩa sẽ thuộc về ta. Cái chết bi thảm của người mẹ Lý Phương Liên và 50 con người xấu số khác vào một buổi chiều định mệnh (Trong một chuyến đò ngang trên con sông Hồng trong một trận bom Mỹ đánh phá cầu Long Biên vào năm 1966) là một minh chứng cho tội ác tày trời của đế quốc Mỹ. Trước tội ác của giặc, chị lại có ước mơ là sẽ có một phiên tòa mở ngay trong nhà chị để kết tội kẻ gây ra bao tội ác. Để chúng hiểu rằng gia đình chị và biết bao nhiêu gia đình khác trên nước Việt Nam này đã và đang gánh chịu không biết bao nhiêu nỗi đau do chúng gây ra. “Em mơ có một phiên tòa” là một bài thơ đã làm lay động không biết bao nhiêu con tim, đặt ra bao điều nhức nhối về lẽ sống, về lương tri, giá trị nhân bản của con người và thời đại:
Bom và súng/ Giết một dòng sông/ Giết một con đò/ Có mẹ em và năm mươi cuộc sống./Bom và súng/ Ai dạy mi giết người?/ Bầy giặc lái cúi đầu im lặng/ Có khác chăng sông Hồng/ Dòng PôtôMác nước xanh/ Nước xanh nước hồng đâu cũng nước dòng sông/ Nếu bom đạn Việt Nam đổ xuống dòng Pô Tô Mác?/ Em trừng mắt nhìn lũ người làm giặc/ Chúng im lặng cúi đầu… / Chúng bắn dòng sông Hồng/ Ta không bắn dòng sông PôtôMác/ Chúng đốt nhà ta/ Ta không đốt những vườn nho của chúng/ Chúng giết mẹ ta/ Ta không giết mẹ chúng/ Chúng đến Tổ quốc ta/ Việt Nam/ Ta không sang/ Nước Mỹ/ Không phải dài lời về chân lý/ Súng và bom/ Bom và súng/ Chúng giết ta/ Thì ta tiêu diệt chúng…

Nhà thơ Hoàng Xuân Họa nhớ lại: “Hồi đó ở một cánh rừng già biên giới miền Trung đầy bom đạn, cánh lính trẻ chúng tôi chụm đầu đọc cho nhau nghe bài thơ trên. Nghe xong cả tiểu đội giàn giụa nước mắt, chẳng ai bảo ai, tất cả đều phẫn uất cầm lấy súng hướng lên chốt giặc”.
Dù phải gánh chịu bao nỗi đau, nhưng những điều đó không làm cho chị gục ngã, chị vẫn sống, vẫn cố gắng vươn lên, hướng đến một ngày mai, một tương lai tươi sáng: Tôi cứ đi chuyên cần bền bỉ/ Trông xa về phía trời hồng.
Trong những lúc đi làm ca ba tại nhà máy điện Hà Nội, Lý Phương Liên vẫn hăng say, nồng nhiệt, vui vẻ và gọi ca ba đó là ca bình minh:
Em đi làm ca ba/ Đêm buông dày đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ …/ Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài/ Mười tám, đôi mươi/ Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ/ Bạn bè em có nhiều ý lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh (Ca bình minh).
Từ lời ru của mẹ thuở nào gợi lên trong chị bao suy ngẫm về cuộc đời, về những tháng ngày khó khăn cơ cực, về những hụt hẫng, niềm đau xót đến tận cùng gan ruột. Để rồi có lúc chị lại tự vấn bằng những lời nghe ai oán, não ruột làm sao:Có lẽ nào những lời ru của mẹ/ Hóa những lời tiên tri/ Cò cha cò mẹ bay đi/ Cò con côi cút lấy gì nuôi nhau… Bằng cách nói ẩn dụ : “cò cha”, “cò mẹ”, “cò con” gợi lên cho người đọc bao thương cảm, xót xa.
Mới tám tuổi đầu/ Cha mất/ Mẹ lặn lội thân cò phố chợ bến sông…
(Từ lời ru của mẹ).
Bằng nghị lực, niềm tin, sự yêu thương đùm bọc của bà con hàng xóm- đặc biệt là “những bà mẹ láng giềng”, đã giúp chị và gia đình chị vượt qua thảm cảnh:Nào ngờ thuyền chúng con bị cuốn vào bão lớn/ Năm chị em ôm nhau/ Mẹ mất/ Lời tiên tri đúng thật/ Con là cây buồm mười tám tuổi chông chiêng/ Ôm chúng con là những bà mẹ láng giềng/ Rá gạo mớ rau/ củi lửa/ Con thuyền xô nghiêng, con thuyền xô ngửa/ Cả xóm chung tay không để thuyền chìm... (Từ lời ru của mẹ).
Từ cuộc đời với những tháng ngày nếm trải bao tủi hờn, cơ cực- Lý Phương Liên nghiệm ra rằng:
Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya
Linh thiêng lời mẹ dặn dò
Kiếp người là một gánh lo hãi hùng
 
 
Tình yêu mà chị dành cho người yêu của mình cũng có nhiều điều đặc biệt, thể hiện sự bao dung, nhân ái, hiếm có của một người đang yêu. Tâm lý thường tình của những người con gái đang yêu khi hẹn hò, chờ đợi người tình của mình đến nếu không đúng giờ thì hay dỗi hờn, trách móc; thậm chí còn có những lời lẽ không hay, xúc phạm đến người yêu. Với chị, chị có một thái độ bao dung hiếm có. Lý Phương Liên tin rằng “anh” sẽ không lỡ hẹn, và nếu có lỡ hẹn đi chăng nữa âu đó cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi. Biết vậy nên chị đã cố gắng và kiên trì đợi chờ “anh” mãi  …
Điệp khúc “Anh không nhỡ hẹn bao giờ” trong bài “Chờ anh dưới cột đồng hồ” được lặp lại 4 lần, đã cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối và lòng vị tha của chị .
Anh không nhỡ hẹn bao giờ/ Chẳng giận anh đâu/ Chỉ muốn vặn lại kim đồng hồ (Kim ngắn chỉ vào số bảy/ Kim dài chỉ số mười hai …)/ Để anh khỏi áy náy/ Để anh khỏi xin lỗi em (Chờ anh dưới cột đồng hồ).
Có lắm lúc, chị thật hồn nhiên trong tình yêu. Cách yêu của chị cũng khiêm tốn, chậm rãi, không phải vội vàng, hời hợt. Lời lẽ dịu dàng, nhẹ nhàng, đằm thắm và sâu sắc lắm: Anh hay bỏ quên đồ đạc/ Em muốn khuyên anh/ Em lại muốn khuyên anh/ Đừng bỏ cơm nhỡ bữa/ Ăn vội mẫu bánh mì quanh phố/ Em lại muốn khuyên anh/ Trà chén năm xu đừng nghiện/ Chuyện ngồi lê đôi mách đừng nghe/ Em lại muốn khuyên anh ngủ sớm/ Đêm đông đừng lấy rượu làm bạn/ Đêm hè đừng đốt thuốc tàn canh... (Bài thơ về những điều khó nói). Nhưng cũng có lúc tình yêu và nỗi nhớ trong chị trào dâng một cách nồng nàn, mãnh liệt: Biết anh vắng nhà/ Sao em vẫn đến/ Bởi trong lòng em/ Lửa nhớ đã chín/ Biết anh vắng nhà/ Sao em vẫn đến/ Tình chẳng muốn xa/ Nên lòng cứ hẹn …(Hẹn).


Lòng em như bãi cỏ khô
Tình anh gieo lửa đốt cho mỡ màu
Và từ ngày ấy yêu nhau
Cây đời đã nẩy lộc đầu non xanh

(Bài lục bát nháp dưới lá thư anh)

Lòng em như cốc nước đầy
Cốc nước đầy để trên bàn nhỏ
Cuộc địa chấn yêu rung từng nhịp thở
Sóng sánh nước tràn ra
…………………………
Anh ùa vào đời em như gió như hoa
Như cánh buồm nâu ùa ra cửa biển
Ngoài cửa sổ đôi cánh chim chao liệng
Trên bàn yêu một đĩa sấu chín vàng

(Đôi ta)
 
 
Biết bao gánh nặng áo cơm đè lên đôi vai gầy của Lý Phương Liên, một người con gái mà cả tuổi thơ phải gánh chịu bao nhọc nhằn, cay đắng. Sinh ra trong gia đình đông em và trong thời buổi loạn lạc, bố mẹ lại mất sớm. Cứ nghĩ rằng người con gái chân yếu tay mềm ấy sẽ khó vượt qua. Nhưng với nghị lực phi thường, tình thương và niềm tin đã giúp chị vượt qua mọi thách thức, mọi khắc nghiệt của cuộc đời.
Sông Hồng là đối tượng mà chị cũng thường hay nhắc đến. Có lẽ chính con sông này đã gắn với bao ký ức niềm thương, nó cũng là chứng nhân lịch sử, nó cũng bao dung, nhân hậu, cũng đau đớn trước cảnh tan tác đau thương. Bằng cách dùng thủ pháp nhân hóa, Lý Phương Liên đã cho người đọc thấy rõ điều này:
Chào sông Hồng/ Sao mỗi lần gặp em mặt sông rầu rĩ thế?/ Em hát cho sông nghe lời ru của mẹ/Dẫu gian khổ mấy đừng buồn …/ Sông Hồng ơi cái nắng buổi mai

………………………
Em yêu con sông bởi lẽ chân thành/ Sông là bạn của mẹ em sớm khuya vất vả/ Mẹ thường kể: sáng nay sông êm ả/ Chiều qua sông giận dữ ầm ào …/ Mẹ sang sông về sông không bỏ buổi làm nào/ Sông thương mẹ vẫn cặp đò đúng bến.

Thế rồi một buổi chiều định mệnh, cũng chính từ nơi con sông Hồng phù sa đỏ nặng ấy, mẹ chị lại vĩnh viễn ra đi:
Một buổi chiều sắc tím/ Buổi chiều này có thật hay không?

Cái chết thảm khốc của người mẹ là một sự mất mát quá lớn lao và đột ngột nên chị nấc nghẹn trong một câu hỏi đầy nghẹn ngào:

Buổi chiều này có thật hay không?
Mẹ trôi sông

Gió khản hơi đuổi hoài bóng mẹ …

Những quả bom giặc Mỹ

Để lại cho đời bao trẻ mồ côi

Sông Hồng ơi! Sông Hồng ơi!

Khóc lóc bao nhiêu cũng chỉ là nước mắt

Phù sa đỏ hãy vì đời bồi đắp

Mẹ hồi sinh trong cuộc sống mỡ màu

Qua mất mát này chúng ta thêm yêu nhau …
 
 
Lý Phương Liên tin tưởng và hy vọng rằng: “Mẹ sẽ hồi sinh”, mẹ sẽ sống, mẹ sẽ luôn dõi theo từng bước trưởng thành của chị và các em của chị.
Những triết lý về cuộc đời, về lẽ sinh tử, mất còn được nhà thơ nói đến một cách sâu sắc. Chị nghiệm ra rằng: Khóc lóc bao nhiêu cũng chỉ là nước mắt. Cái quan trọng nhất bây giờ là phải sống, phải sống sao cho đúng nghĩa, sống sao cho thực sự giá trị người. Chị đã ý thức như vậy nên khi bố mẹ không còn trên cõi đời này nữa, cô gái trẻ Lý Phương Liên vẫn nhớ như in những lời mẹ dặn, về niềm tin và lẽ sống: Đời con còn đó mai sau/ Sống là điều mẹ nguyện cầu cho con; Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng (Trò chuyện với Thúy Kiều).
Ngày người em trai duy nhất lên đường ra mặt trận, để động viện, tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin cho em, Lý Phương Liên  đã dặn dò em trai của mình bằng những lời lẽ cảm động, sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa: Nhà ta có mình em ra trận/ Chị nhắc lại điều này vì chị muốn như em/ Thành tầm bay của những mũi tên/ Nhưng chị đã thành trụ cột gia đình ta mồ côi cha mẹ/ Em hãy coi chị như người chiến sĩ/ Dù gia đình ta mình em được lên đường…
Lý Phương Liên dặn em trai rằng: Em sẽ lên đường và chiến đấu, vì mẹ vẫn luôn ở bên em, mẹ cũng sẽ “về” để đưa em lên đường ra mặt trận. Em có nghe hình như đâu đây vẫn còn những tiếng kêu thương thảm thiết của mẹ dưới làn bom của Mỹ?
Hãy lên đường em nhé/ Yên tâm/ Đành là chị ở nhà phải gánh phần vất vả/ Nhưng vất vả nhất là nơi bom lửa/ Nơi ngày mai em tới đạn lên nòng…/ Hãy hoàn thiện đàn ông bằng đời chiến sĩ/ Và nhất định phải trở về… (Dặn em trai).
Cái đáng yêu của Ca bình minh là những cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng, nhiệt thành mà hồn hậu, những ký ức tuổi thơ, tình cảm với quê hương, người thân, những người ở nơi xóm nhỏ, anh thợ kính, chị tráng bánh đa nem, bà bán cau, bác thợ điện… lần lượt ùa về, gợi lên cho người đọc bao nỗi niềm ray rứt.
Chị viết về người cha đã khuất của mình bằng những lời thơ tha thiết, nằng nặng nỗi niềm thương nhớ; hình ảnh người cha như ẩn hiện đâu đây: “Con nhớ dáng ngồi lặng lẽ của cha”, “Khi mắc dây cha thường huýt sáo”, “Bàn tay cha săn như gọng kìm”… Cha của chị dù ra đi đã lâu nhưng bà con vẫn còn nhắc hỏi, bởi vì:Cha em là công nhân sở điện Bờ Hồ/ Điện là bạn của người dân Hà Nội/ Nên cha em vắng lâu rồi bà con còn nhắc hỏi (Về người cha đã khuất).
Nghệ thuật cũng là một cách lý giải cuộc sống. Thay vì dùng một chuỗi luận lý để tìm cách chứng minh, thuyết phục. Lý Phương Liên đã dùng những từ ngữ, lời lẽ, hình ảnh, cảm xúc chân thành, giản dị từ chính trái tim mình- giống như lời trò chuyện, lời thủ thỉ, giãi bày mọi ngõ ngách tâm hồn mình. Vì thế mà thơ chị việc dùng điệp từ, điệp ngữ lặp đi lặp lại với tần số cao và hầu như bài nào cũng có. Phải chăng đó là một trong những nét riêng của thơ Lý Phương Liên và đó là sự thành công của chị trong việc tạo ra những vần thơ êm ái dễ đi vào lòng người, tăng sức biểu hiện, tăng nhạc tính của câu thơ. Nghệ thuật điệp có tác dụng nhấn mạnh ý, vừa tạo ra những điệp khúc độc đáo: Nuôi con suốt đời là dòng máu đỏ/ Gia tài của mẹ của cha/ Nuôi con suốt đời là dòng sữa mẹ/ Con đi hết đường xa …/ Dòng máu đỏ của mẹ cha/ Không phải là sắc màu tưởng tượng/ Không phải là thứ gì dễ trộn/ Chắt từ sắc đỏ của dòng sông/ Từ vị ngọt của lúa thơm/ Từ hương mát của hoa trái/ Từ sức gió chạy trên đồng hoang dại/ Từ bong bóng mưa tháng năm (Cội nguồn).
Cảm thức thời gian cứ trôi chảy cùng cảm thức về đời người, những hoài niệm về quá khứ đã trở thành nỗi khắc khoải, lo âu và cả sự đau đớn, nghẹn ngào:Lịch sử đã bao lần lặp lại/ Một dòng sông xâm lược một dòng sông/ Sông trời thác dữ mênh mông/ Sông quê em ngược lên chống giặc (Viết cho sông Kỳ Cùng).
Trong những bài thơ đặc sắc của Lý Phương Liên, chị đã có những suy nghĩ, khái quát có tầm triết lý về số phận con người, về quá khứ, hiện tại, về sự sống và cái chết, về vẻ đẹp của thời đại và con người Việt Nam.
Bên cạnh những thành công, Ca bình minh của Lý Phương Liên cũng có những điểm hạn chế nhất định. Vì viết theo mạch cảm xúc, lời thơ giống như lời trò chuyện, lời nói hằng ngày nên ở một vài bài chị còn kể lể dài dòng, từ ngữ không được đẽo gọt nên dễ gây cảm giác nhàm chán đối với người đọc.
Đời thơ của chị phải trải qua sóng gió, sau sự kiện bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều (sau này đổi tên là Trò chuyện với Thúy Kiều) đăng trên Báo Văn nghệ năm 1970, chị bị phạt “lên ruộng,xuống bờ”. Thế là hồn thơ tài năng Lý Phương Liên từ đó bỗng dưng biến mất. Gia đình chị phải chịu bao hệ lụy vì nó. Cũng chính từ đó chị có lời nguyền không làm thơ, không công bố thơ, thậm chí cả những người thân yêu nhất như Nguyễn Nguyên Bảy- chồng chị, chị cũng chẳng dám đưa thơ mà đọc. Dù trong tâm can, huyết mạch chị thơ vẫn âm ỉ và dạt dào tuôn chảy:


Thỉnh thoảng buồn em vẫn làm thơ

Trôi trên giấy điệu vần thương nhớ

Ạ ơi những lời ru cũ

Cánh cò chít trắng tang mây …

Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ

Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ

Em đơn chiếc một cánh cò

Mà trời bao la quá

Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ

Chỉ để nhớ để thương thơ …
 
 
Thật đáng tiếc cho hồn thơ tài năng Lý Phương Liên đã không gặp thời, để rồi lại phải im lặng trong suốt hơn 40 năm qua. Điều đáng mừng là qua sự sàng lọc, kiểm chứng của thời gian những gì thuộc về giá trị đích thực của văn chương đã được thừa nhận và trả về vị trí xứng đáng của nó. Ca bình minh ra đời năm 2011 không chỉ là niềm vui riêng của Lý Phương Liên và gia đình chị mà đó còn là niềm vui cho những người yêu thơ chân chính nước nhà.
Một ngày mùa thu tháng tám năm 2012, tôi có dịp ghé thăm nhà người em gái thứ tư của chị, tại số 1 Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội. Tôi mới hiểu và biết nhiều điều hơn về Lý Phương Liên. Em gái của chị kể trong lời nghẹn ngào, xúc động về người chị gái thân yêu của mình. Tôi cũng được trực tiếp xem bức ảnh mà gia đình chị đã vinh dự chụp chung với Bác Hồ, khi Bác về thăm gia đình  Lý Phương Liên vào 19h tối 30 Tết Nhâm Dần - 1962.
Thời gian đã qua đi, cô gái trẻ Lý Phương Liên thuở nào giờ đây mái tóc đã nửa xanh nửa bạc, và dù đã xuất hiện những nếp nhăn, nhưng trên gương mặt chị vẫn mang nét thanh tú, lịch lãm của một người con đất Hà thành. Dù đã xa Hà Nội mấy chục năm nhưng trong tâm can chị vẫn nhớ về nơi đất Bắc, nơi gắn với bao ký ức, niềm thương và cả những nỗi đau xót đến tận cùng.

Ca bình minh
 được in vào năm 2011 cũng là dịp để Lý Phương Liên trở lại với thơ, trả ơn những nguời yêu mến thơ chị một thời và đó cũng là dịp chị được thăm lại những người bạn vong niên; được gặp gỡ, được trao đổi, thông tin với những người đã từng yêu mến thơ mình trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ca bình minh của Lý Phương Liên, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2011 thực sự là một tập thơ mang nhiều ý nghĩa và có giá trị đặc biệt.



TỪ LỜI RU CỦA MẸ


Có lẽ nào những lời ru của mẹ

Hóa những lời tiên tri
Cò cha cò mẹ bay đi
Cò con côi cút lấy gì nuôi nhau...
 
Mới tám tuổi đầu
Cha mất
Mẹ lặn lội thân cò bến chợ bến sông
Em còn vừa mới lọt lòng
Con đưa nôi em ngủ
Con cò bay la con cò bay lả
  Chúng con ngủ lúc nào trong tiếng mẹ ru đêm
 
 
Tiếng ru như có con thuyền

Ra sông Vào biển
 
 Nào ngờ thuyền chúng con bị cuốn vào bão lớn
 
 Năm chị em ôm nhau
 
 Mẹ mất
Lời tiên tri đúng thật
  Con là cây buồm mười tám tuổi chổng chiêng.. 

Ôm chúng con những bà mẹ láng giềng

  Rá gạo mớ rau củi lửa
  Con thuyền xô nghiêng
  Con thuyền xô ngửa
 
 Cả xóm chung tay không để thuyền chìm 

Cái cò ăn ngày cái vạc ăn đêm
 
 Con bền bỉ tay cha dẻo dai vai mẹ
  Những lúc chợt rùng mình kinh sợ
 
 Con lại nghe tiếng mẹ ru hời
 
 Cánh cò trắng muốt như soi
  Lời ru đi suốt cuộc đời chúng con
 
 Áo rách giữ thơm
  Đói lòng ăn sạch
 
 Cánh cò trắng không mầu gì nhuộm được
 
 Con mở buồm đón gió mà đi..


CA BÌNH MINH 


Em đi làm ca ba
Đêm buông dài đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ!
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ
(con gái thường vẫn thế)
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ.
 
Bạn bè em có nhiều ý lạ
 
Khi nói tới ca ba
Ca của nhưng đêm trời đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đôi lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước
 
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những lời sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Ai cũng muốn một ngày là một ngày sống đẹp,
Đêm thao thức cho ngày

Ơi ca ba, ca ba em đi vào đêm nay
Đã thấy bình minh trước mặt.
 


EM MƠ CÓ MỘT PHIÊN TÒA 


Phiên tòa mở trong nhà em
Vòng trong vòng ngoài là bà con hàng phố
Cụ già, cháu nhỏ…
Nét mặt nghiêng trang
Ghế tránh án một hàng
Bạn đại biểu, dân phòng, hộ tịch…
Vành móng ngựa sát góc
Bầy tù binh Mỹ gục đầu
Năm chị em ngồi sát vào nhau
Ngực nén đầy tiếng khóc.
Những vòng hoa thơm ngát
Xếp quanh
Như tấm lòng nhân dân
Vây quanh quan tài mẹ
Sau làn hương trầm thoảng nhẹ
Mẹ em về
Mẹ em về…
Mẹ em về làm người minh chứng.
Ai đã nhìn thấy súng
Ai đã nhìn thấy bom
Ai đã nhìn thấy cảnh mẹ con
Chiều chiều vây mâm cơm có cà và rau muống.
Nhà em nghèo lắm
Nhưng ấm êm là một gia đình
Mẹ em hay lẩy Kiều sang canh
Hàng xóm nghe quen trong im lặng
Sáng nắng
Chiều mưa
Có vất vả, có ước mơ
Đời vẫn sênh sang hạnh phúc…
Thế mà súng chĩa vào lồng ngực
Nơi có quả tim.
Quả bom
Cũng ném vào nơi ấy.
Mẹ em đứng đấy
Người minh chứng của đời
Mẹ ơi,
Con đã nhìn thấy bom và súng.
Bom và súng
Giết một dòng sông
Giết một con đò
Có mẹ em và năm mươi cuộc sống
Cô gái bằng em
Mắt nhìn vào huy vọng
Có em nhỏ bằng em em
Thích chơi bi và chạy trốn…
Bom và súng
Ai dạy mi giết người
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng.
Có khác chăng Sông Hồng
Dòng Pô Tô Mác nước xanh như thạch
Nước xanh, nước hồng đều cùng nước dòng sông
Nếu bom đạn Việt Nam đổ xuống dòng Pô Tô Mác?
Em trừng mắt nhìn lũ người làm giặc
Chúng câm lặng cúi đầu.
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng
Chúng đã tắm tuổi thơ trong lòng mát dòng sông
Chúng đã ngắm biển đêm sau một ráng trời hồng
Chúng đã hái nho về ngâm rượu
Chúng biết mặc áo quần đủ kiểu
Biết hôn mẹ và hái hoa…
Nhưng tay chúng lại biết cầm cả súng.
Cầm cả súng
Tay chúng và tay ta đều cầm súng.
Chúng bắn sông Hồng
Ta không bắn dòng Pô Tô Mác
Chúng đốt nhà ta
Ta không đốt những vườn nho của chúng.
Chúng giết mẹ ta
Ta không giết mẹ chúng
Chúng đến Tổ quốc ta
Việt Nam
Ta không sang
Nước Mỹ
Không phải dài lời nói về chân lý

Mẹ của con ơi, hỡi người minh chứng
Những người sống trông lên đôi mắt cháy ngời
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng.
 


THƯ GỬI NGƯỜI BẠN GÁI MỸ


Nếu bạn và cậu Giôn đến chơi nhà mình
Chắc chắn được đòn là khách quý
Cậu Phát em mình dang đôi tay võ sĩ

  Ôm chầm lấy cậu Giôn
Chúng vật nhau quay tròn

  Đến nát cả sàn nhà lát gạch
  Và sau tràng cười thắng cuộc
  Cậu Giôn kể chuyện gia đình

 
 Chào nhà bạn có vườn nho xanh
  Con đường nhỏ sau nhà xuôi dòng Pôtômác
 
 Kính chào mẹ mái đầu tóc bạc
 
 Sáng đi hái nho chiều dạy cháu học bài
 
 Bạn ơi, sao bạn chửa sang chơi
Có phải vì lý do đường đất? 
Hơn năm nay nhà mình vắng Phát
  Em đi đánh giặc ở chiến trường
Bạn bảo câu Giôn chớ coi thường
 
 Keo vật em thua là nhún nhường bè bạn
Khi nói chuyện với quân thù bằng súng đạn
 
 Em có đôi tay mẹ cho
 
 Mỗi viên đan một quân thù
  Đơn vị em ai cũng là dũng sĩ.. 

Xuân tươi xanh
 Xuân ở đâu chẳng thế
Bạn cùng tuổi trẻ đổ về Oasinhtơn
 
 Chúng muốn đẩy cậu Giôn sang Việt Nam làm giặc Mỹ
Bạn thay mình hôn cậu Giôn yêu quý
 
 Hôn lên vầng trán hằn vết dùi cui
Hôn lên bàn tay khiêng nặng quan tài
Hôn đôi mắt sáng ngời tiếng hát..
 
 Bạn hãy hôn cho cả phần của Phát

Quả đất trỏn
Bạn ơi, quả đất trỏn
Sẽ đến ngày chúng ta gặp mặt
Dù lúc đó tóc râu đều bạc
Cậu Phát vẫn vật lăn đùng cậu Giôn
Quanh chúng mình xúm xít cháu con
Cười rụa ràn nước mắt..


VỀ NGƯỜI CHA ĐÃ KHUẤT 


Cha em là công nhân sở điện Bờ Hồ
Điện là bạn của người Hà Nội
Nên cha em vắng lâu rồi bà con còn nhắc hỏi
 

Cây cột đèn đầu phố rõ cao
Dây gánh nặng hai vai sành sứ
Giống dáng đứng cha em làm sao
 

Trạm biến thế gần ngã tư Hàng Đào
Cửa sắt suốt ngày im khóa
Mà dòng diện vẫn chia đều mọi ngả
Con nhớ dáng ngồi lặng lẽ của cha
 

Điện chạy nhanh trong gió hát đường xa
Khi mắc dây cha thường huýt sáo
Những mối nối chắc bền qua giông bão
Bàn tay cha săn như gọng kìm

Cây bút điện là người báo tin
Tiếng điện gọi ở nơi mạch tắc
Con thấy cha sang bừng tia mắt
và dòng điện lại từ đó hiện ra..
 

Từ ngày em trai vào sở điện nối nghề cha
Ai cũng bảo em giống cha như đúc..


LỜI RU TRONG ĐÊM
 

Hôm nào làm việc hết mình
là đêm ấy ngủ ngon
Đêm nào em cũng ngủ ngon
 

Khi ngủ
Cánh tay trần em gối đầu
Hai chân duỗi thẳng
Và sau giấc mơ thoang thoảng
Cái đầu ngủ say..
 

Khi ngủ chỉ có trái tim không ngủ
Đập nhẹ hơn ban ngày
Nhịp đập êm như nôi say
và văng vẳng giọng ru trầm dìu dặt
 

Ru rằng:
Tay ơi hãy ngủ ngon
Em đáng được ngủ ngon
 

Ru rằng:
Chân ơi hãy ngủ ngon
Em đáng được ngủ ngon
 

Ru rằng:
Đầu ơi hãy ngủ ngon
Em đáng được ngủ ngon
 

Nghe lời ru trong đêm
Em yên lòng ngủ ngon
 
Nghe lời ru trong đêm
Em đi vào ngày mới
 

Và em tin : Ngày qua ngày tiếp nối
Đêm nào em cũng ngủ ngon..


EM VẪN SỐNG NHƯ HỒI CÒN MẸ
 

Chị hỏi em đã sống ra sao
Hai bàn tay nuôi năm miệng khỏe?

Em vẫn sống như hồi còn mẹ
Hà Nội bắn máy bay
Em đi làm trong râm mát hàng cây
Hố cá nhân chở che như tình bạn
Giặc Mỹ rượt theo em em bằng bom đạn
Em đi đường bờ sông
Chúng ném bom bờ sông
Em đi đường phố Huế
Đạn bắn vào phố Huế
Em vẫn đi ngày bốn buổi chuyên cần

Ngày mải làm chừng không nghe tiếng bom
Còi báo động dần quen nhiệm vụ
Chỉ nghe tiếng bom nổ vào giấc ngủ
Bảng trên tường ghi số máy bay rơi

  Ba năm trôi nhanh như không có ngày dài
Cuộc đời bao biến đổi

Em trai lớn xung phong vào bộ đội
Em trai nhỏ đi làm
Nhà em chật tiếng cười vang
 
 Máy bay Mỹ cháy rồi trẻ về đầy xóm nhỏ
 
 Em vẫn sống như hồi còn mẹ..


LỜI RU VỚI ANH
 

Chim bằng ngoan của em ơi
Đêm nay ngon ngủ, sáng mai lên đường
 
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay.
Em muốn anh như bàn tay
Xòa ra là gặp
Chim bằng - trời biếc
Chim bằng – con trai,
Ngủ ngoan anh nhé sớm mai lên đường
Ở nhà bên cạnh người thương
Để chim nghỉ cánh dặm đường đời xa
Lồng con, phòng hẹp đôi ta
Chim bằng chẳng thể quanh ra quẩn vào
Xa anh nói nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành
Lẽ nào em buộc cánh anh,
Buộc cánh anh,
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
Trời rộng chim reo
Mắt em mai sớm dõi theo chim bằng
Nỗi nhớ trong lòng
Cho chim cánh gió…
Cho ngày nắng nỏ
Chim bay.
Ngủ ngoan anh nhé đêm nay
Để mai xa suốt tháng ngày có em.


NGÃ BA 


Nhà em chạy tới nhà anh
Vừa ra khỏi cửa đã thành ngã ba
Ngã ba ở giữa đôi ta
Em đi thẳng đến thềm nhà đón anh
Trên đầu lồng lồng trời xanh
Hình như đưa lối chúng mình tìm nhau
Phố ngang như những nhịp cầu
Phố dọc như những dài lâu đợi chờ
Lối nào cũng thấy ngã ba
Lối nào cũng thấy đôi ta trùng phùng
Vì trong tất cả riêng chung
Trái tim ta nói nhịp cùng yêu thương.
 
Cảm ơn đời đã mở đường
Giữa đôi ta chẳng lối mòn ngã ba.
 


TH
P HƯƠNG


Bà thắp hương. Mẹ thắp hương
Chú cũng hay thắp hương..
Bà tin có trời. Mẹ tin có thần thánh
Chú không tin thần thánh sao chú ũng thắp hương?

Thắp hương
Cháu thấy lạ thường
Mùi hương đưa ý nghĩ trồi về xa xa lắm
và một chiều chắc chắn
Ông bà chúng ta
Cha mẹ chúng ta
Dẫu còn sống hay là đã chết
Đều yêu thương chúng ta

Có phải bằng niềm tin đó
Chú thắp hương
Và cháu cũng thắp hương..
 


TRÁI H
NG


Bài thơ em viết tặng anh
Nắng non lấp ló đầu mành ngẩn ngơ
Nắng ơi người muốn đọc thơ
Tình yêu viết hết bao giờ mà mong
Con gà đẻ một trái hồng
Còn bao trái chín ở trong cuộc đời
Ôi sao cả đến nụ cười
Vào thơ em cũng hóa lời yêu thương
Ôi sao cả đến phố phường
Hôm nay hàng sấu mở gương tơ đàn
Dù em đứng đó lặng im
Hiểu em suốt tận tầm nhìn xa xôi
Giận nhau giọt lệ vừa rơi
Lau rồi vẫn chỉ đôi người thân thương
Tình yêu như một lẽ thường
Mùa xuân chim én tha phương cuối trời
Ở trong nhân thế cuộc đời
Bao nhiêu buồn khổ đừng rời bỏ nhau
Ở trong yêu dấu buổi đầu
Thời gian chẳng thẹn trước sau một lời
Chuyên cần ong nhỏ bay đôi
Thời gian ắt đủ dâng đời đõ thơm..


LỤC BÁT NGƯỜI ĐANG YÊU


Ngôi nhà không ngủ nhà em
Tối nay anh đến hương đêm bồn chồn
Sao treo cửa sổ con con
Mắt anh hay mắt yêu đương của trời
Lặng im im lặng quá thôi
Mà trái tim cứ bồi hồi đập ran

Sao ơi hãy ngả vai gần
Cho ta nói những lời thầm ta yêu..

Bao nhiêu hạnh phúc bao nhiêu
Bảo lòng im lặng cứ reo reo hoài
Rượu gì không uống mà say
Chân ngồi mà bổng cánh bay lên trời
Một bầy sao xuống đùa vui
Giường mơ mơ nhé lạ đời giường mơ

Sao ơi sao có yêu thơ
Vần tình ta đã gieo nhờ vào sao

Trái tim rực sáng xiết bao
Cái gì nhợt nhạt cháy vào sao đêm
Cành cao quả chín đầy thềm
Quả nào anh quả nào em ngọt ngào
Tình yêu quả động xôn xao
Giận nhau chỉ bởi xa nhau đó mà

Sao ơi thân ái đôi ta
Điều gì nói tới cũng là anh anh..

Bởi yêu nên biết dụm dành
Từng lời nói từng quả xanh cây đường
Cái gì cũng thấy yêu thương
Cho dù trái cả lẽ thường anh ơi
Lúc em chưa hiểu nghĩa đời
Là anh lại đến môi cười chín thơm

Bầy sao bay xuống chật giường
ta xin nói thật ta còn mải yêu..

Ngôi nhà nào cũng thức theo
Nhà anh chắc hẳn nghĩ nhiều đến em
Lăng im im lặng trong đêm
Anh nằm bề bộn bao niềm em em
Đêm nay mới thật là đêm
Đôi ta trôi giữa êm đềm thuyền mơ

Sao ơi, này nhé bài thơ
Người đang yêu chẳng bao giờ khác nhau..

Hà Nội, 1970


 SANG THU
 

Sáng nay thành phố sang thu
Áo hoa cây mặc chắc từ hôm qua
Gió đi gọi cửa mọi nhà
Nắng đem lụa khắp gần xa phơi vàng
Em cầm từng bước thu sang
Nghe như thu chuyển vội vàng đi đâu
Cho dù chẳng ở dài lâu
Lòng em cũng đủ nhuộm mầu thu vui


LỤC BÁT TIỄN ĐƯA
 

Mai từ ngõ nhỏ anh đi
 
 Có ô cửa sổ nhớ khi hẹn hò
 
 Nhích dần giây phút cách xa
  Dẫu anh cười nói vẫn là bâng khuâng
 
Bâng khuâng tay nắm mắt cầm
Lên đường anh nhé bước thầm em lo
Gặp sông em sẽ gọi đò
Gặp đêm em ngủ anh lo canh chày
Lỡ cơm lửa chụm gạo vay
Lỡ khát em rót nước đầy ca anh
làm hầm làm cả cành xanh
Che ngày nắng gió cùng anh đường dài
Thương anh bận việc cuộc đời
Em lo chia sẻ đầy vơi tháng ngày
Tháng ngày
Xa nhau ai nỡ
Gian khổ ai thương
Sao em lại muốn lên đường cùng anh
Con trai thật dễ bước chân
Có thời gian nhẹ, có không gian dài
Điều này riêng với anh thôi
Vắng anh em gánh nặng đôi ngày thường
Thương anh gian khổ dặm trường
 


NHỚ
 

Đừng ngồi nhớ em
Những ngày nóng bức
Vì em đang bận làm
Đừng ngồi nhớ em
Những ngày rét mướt
Vì em đang bận làm
Cả những ngày trời đẹp
Cũng đừng ngồi nhớ em
Em  nhớ anh suốt ngày
Dù ngày nóng ngày rét
Dù ngày gió ngày mưa..
Nhưng nếu em ngồi chờ
Nếu em ngồi đợi
Cây đời sẽ héo đi
Nhớ ư?
Tên yêu anh cứ thầm thì
Là đôi ta gặp mặt
..


TÌNH YÊU
 


Hỡi mình nỗi nhớ thương nhau
Trông mây chỉ thấy một mầu lam trôi
Nghe chăng tiếng gió đáp lời
Ước chim không mỏi cánh đời tìm nhau
Tình yêu đã rộng lại sâu
Cũng không chứa nổi một bầu nhớ thương
Nghe rung từng sợi tâm hồn
Từ xa tựa cửa em ngồi ngóng anh
Nguyện lòng làm đám mây xanh
Nguyện hoa đỏ chót vót cành nở tung
Nguyện làm chân song đi cùng
Bao la biển thẳm đã từng hẹn nhau
Hoa thơm ai giắt mái đầu
Mây kia bất tử một mầu nhớ thương 


HOA NHUNG


Bao giờ anh thấy hoa nhung
Hoa nhung thấy giữa phố phường được sao
Chót trên vót chỏm núi cao
Lách trong khe đá lẩn vào khe mây
Sương mù buổi sớm giăng đầy
Nắng chang chang cát suốt ngày muốn khô
Gió thổi xô núi núi xô
Mưa xối lở đá còn trơ núi mòn
Hoa nhung bông nhỏ con con
Nở tươi trên ấy anh nhìn mà xem
Bao giờ anh đi với em
Trèo lên núi ấy trèo lên cao vời
Hái một bôn nhỏ thật tươi
Tặng anh anh tặng một đời em thương
Cài trên ngực tuổi yêu đương
Bông hoa nhung với phi thường tình yêu..


CHỜ ANH DƯỚI CỘT ĐỘNG HỒ


Anh không nhỡ hẹn bao giờ
Kim ngắn chỉ vào số bảy
Kim dài chỉ số mười hai
Anh sắp đến

Anh không nhỡ hẹn bao giờ
Kim ngắn nghiêng về bên số tám
Kim dài chỉ số ba
Sao anh chưa đến!

Anh không nhỡ hẹn bao giờ
Lất phất hột mưa
Kim dài chảy về số sáu
Sao anh trễ nhẹn nửa giờ?

Anh đến
Kim ngắn chỉ vào số tám
Kim dài chỉ vào số mười
Anh nhìn em bối rối

Anh không nhỡ hẹn bao giờ
Chẳng giận anh đâu
Chỉ muốn vặn lại kim đồng hồ
(Kim ngắn chỉ vào số bảy
Kim dài chỉ số mười hai)
Để anh khỏi áy náy
Để anhn khỏi xin lỗi em..


HẸN
Biết anh vắng nhà
Sao em vẫn đến
Bởi trong lòng em
Lửa nhớ đã chin

Bao nhiêu chuyện vui
Gặp anh sẽ kề
Nghe một tiếng cười
Đủ vơi niềm nhớ

Biết anh vắng nhà
Sao em vẫn đến
Tình chẳng muốn xa
Nên lòng cứ hẹn..


TIẾNG ĐÀN BẦU, MIỀN MƠ VÀ BÀ MẸ
 

Vào khuya một khúc đàn bầu
Tiếng buông dìu dặt cùng nhau tâm tình
Lá xanh mọc giữa ngàn xanh
Hoa thơm lọc giữa âm thanh mơ màng
Gió đi chầm chậm dịu dàng
Mưa ngoài thềm vắng ngỡ ngàng giọt rơi
Nghe niềm tin lắng vào đời
Nghe chan chát tiếng thương người thương thân
Nghe lòng từng sợi tơ ngân
Âm thanh đàn gảy tiếng trầm say mê
Xa rồi cái thuở khắt khe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu..
 
Đàn đưa em tới nơi đâu
Miền mơ bát ngát một mầu cỏ xanh
Tung tăng em nắm tay anh
Cùng các em hát chạy quanh sườn đồi
Xa xa bầy nhỏ vui chơi
Mấy cô giáo trẻ đuổi hoài bướm bay
Ôm đàn nhạc sĩ ca say
Đọc thơ gặp gỡ nắm tay bạn bè
Thuyền nghe đàn tiếng say mê
Buồm dương cánh thắm đổ về miền  mơ
Hồn em lặng khúc đàn đưa
Tương lai như cánh tay chờ của anh

Tiếng đàn tắt lúc sang canh
Giường con chen chúc một đàn em thơ
Cháo rau bữa tối bữa trưa
Nhìn nhau em chị mắt đưa mắt buồn
Mụn ngoài vá đụp mụn trong
Nước da xanh những tấm lòng héo hon
Chập chờn mắt chị chập chờn
Thương đàn em nhỏ nỗi buồn đắng đau
Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya
Linh thiêng lời mẹ dặn dò
Kiếp người là một gánh lo hãi hung..

Giọt buồn buồn tới tận cùng
Giây trùng rồi bỗng tưng bừng giọt vui
Giọt vui đổ thác không lời
Miền mơ đến tựa sang mai thật gần
Nếu từ đau khổ dừng chân
Nỗi bi quan gậm nhấm dần đời ta
Cảm ơn đàn tiếng thiết tha
Cho em mắt sang nhìn xa cuộc đời..
 


ĐÔI TA
 

Lòng em như cốc nước đầy
Cốc nước đầy để trên bàn nhỏ
Cuộc địa chấn yêu rung từng nhịp thở
Sóng sánh nước tràn ra
 
Vẫn căn nhà vẫn phố xá hoan ca
Vẫn ngôi trường tuổi nhỏ
Vẫn dòng sông rì rầm song vỗ
Mà hình bong anh đầy trong mắt em

Hình bong anh đầy trong mắt em
Tay em bắt được nắng trời vàng chói
Cái nắng cần cho lòng phơi tội lỗi
Cái nắng đi chia ấm khắp mọi nhà..

Tình yêu đến rồi đụng thật đến thịt da
Anh hãy áp bàn tay lên ngực
Mà nghe con tim thổn thức
Những lời thổn thức ngân nga

Anh ùa vào đời em như gió như hoa
Như cánh buồm nâu ùa ra cửa biển
Ngoài cửa sổ đôi cánh chim chao liệng
Trên bàn yêu một đĩa sấu chín vàng

Anh ve vuốt lòng em những ve vuốt dịu dàng
Cho vơi bớt những khổ buồn ảm đạm
Tình yêu chin ngọt ngào từ tình bạn
Quấn quýt thành đôi ta

Đôi ta
Hai tia lửa cháy thành ngọn lửa
Số phận ư? Nhà ta ta mở cửa
Mai sau ư? Đòi hỏi bước chân mình
Có gì đẹp hơn tình yêu không anh?
Thời trai gái yêu nhau đẹp nhất
Cái đẹp ấy có chắc bền sau bao nhiêu thử thách?
Lời đáp dành cho tháng cho năm

Chỉ biết rằng bây giờ anh yêu em và em yêu anh
Thành trời riêng, đất riêng, thành sông riêng
Thành biển, thành gạo, thành thơ và thành ngọn nến
Thành gì cũng vẫn đôi ta..
 


VÀNG YÊU
 

Anh đạp xe đến cơ quan sáng sáng
Anh đón em tan tầm đêm vắng
Anh cùng em dạo chơi..
Vóc dáng anh không lẫn giữa dòng đời
Nhưng em vẫn muốn kiếm tìm vàng thật
Vàng của tình yêu ơi..
 
Em đến nơi anh làm
Mê đắm nhìn anh say công việc
Em đi thư viện cùng anh đọc sách
Muốn dỗi hờn anh mê sách hơn em
Anh lợp mái nhà cho người bạn mới quen
Mồ hôi trễ tròng kính cận
Anh xốc vác như một người khỏe mạnh
Ngực lép gầy tiếng hát vẫn bay cao
 
Vàng yêu đâu phải cát dễ đào
Trong mắt yêu cát cũng vàng lấp lóa
Em chẳng thể lầm đâu, chẳng thể
Nhìn mắt anh em đọc được tâm hồn..
 
Một tâm hồn tràn ngập yêu thương
Một tâm hồn dễ chịu
Một tâm hồn đồng điệu
Với em em nguyện suốt đời yêu..
 


VÀ MÂY VÀ GIÓ VÀ TRỜI
 

Anh bảo em là mây
Những đám mây lô xô trên trời
Những đám mây khi là đàn cò trắng
Khi là đàn cừu đen
Khi là đồng lúa xanh
Lại khi là biển biếc
 
Anh bảo anh là gió
Giặt áo cho mây
Để mây cừu đen thành mây mùa hạ
Để mây cò trắng thành mây ấm mùa đông
Để mây sang sông về sông
Nghe tiếng hát Trương Chi mát ngọt
 
Tại sao em cứ phải là mây?
Vì mây ở trong trời
Tại sao anh cứ phải là gió?
Bởi vì không có gió mây chưa thành mây
Không có mây gió chưa thành gió
Không gió không mây làm sao có bầu trời
 
Người ví von mây gió của tôi
Vì tình em xin là mây
Vì em anh là gió nhé
Trời yêu của đôi ta vĩnh hằng
 


XA NHAU MÙA ĐÔNG


Anh yêu em
Mùa đông thứ nhất
Trôi qua như chớp mắt
Lò yêu bên lửa đỏ hồng

Rồi lại mùa đông
Lò yêu anh thêm than thêm củi
Hai ngọn lửa cháy lên hôi hổi
Chẳng thấy đêm dài

Mùa đông thứ ba em cầm trên tay
Gió chỉ đến cửa thôi đã cắt da cắt thịt
Thương anh đi xa mưa phùn gió bấc
Đâu chỉ rét buốt bởi mùa đông

Thật lòng em rất sợ mùa đông
Cảnh nghèo tìm đâu chăn lửa
Sợ quá nhiều rồi nên quen không sợ nữa
Thương anh gầy yếu của em ơi

Lò yêu củi nhớ em cời
Than thương em chụm
Mặt em bỗng nóng ran và môi em chin đỏ
Có phải nhớ thương em anh thổi gió lửa về ?

Im lặng em nghe
Nghe qua cách xa nghe qua ngọn lửa tình đang cháy
Anh cười và mùa đông cũng cười bởi mùa đông biết đấy
Lạnh lùng ắt phải qua nhanh..
 


BÀI LỤC BÁT NHÁP DƯỚI LÁ THƯ ANH
 

Lòng em như bãi cỏ khô
Tình anh gieo lửa đốt cho mỡ mầu
và từ ngày ấy yêu nhau
Cây đời đã nẩy lộc đầu non xanh
 
Như tranh vẽ quả trên cành
Quả không ăn được mà dành thơm tho
Tình yêu chuyện tự bao giờ
Hễ vừa nói đến là mơ ước hoài
 
Ai nằm ai lại nhớ ai
Mà chân đi suốt đường dài tới thăm
Yêu nhau xa cũng nên gần
Lòng theo bóng, bóng theo chân cùng đường
 
Tình yêu chớ cháy lửa rơm
Càng bùng lửa sang lại càng tàn mau
Phải chi khi ta yêu nhau
Hai trái tim đâp bền lâu cuộc đời..
 


EM LÀ XINH ĐẸP CỦA ANH
 

Em là xinh đẹp của anh
Bông sen em chẳng hôi tanh mùi bùn
Mặc người mặt phấn áo hương
Mặc ai nhung lụa mặc phường lả lơi
Phải chăng cuộn giữa dòng đời
Cái người đẹp nhất là người yêu anh
Mắt anh gương sáng long lanh
Em soi vào đã hóa thành người thương
Anh ơi, cái lẽ bình thường
Tình yêu phải thật khác thường tình yêu..


BÀI THƠ VỀ NHỮNG ĐIỀU KHÓ NÓI
 

Anh hay bỏ quên đồ đạc
Em muốn khuyên anh
 
Em lại muốn khuyên anh
Đừng bỏ cơm nhỡ bữa
Ăn vội mẩu bánh mỳ quanh phố
 
Em lại muốn khuyên anh
Trà chén năm xu đừng nghiện
Chuyện ngồi lê đôi mách đừng nghe
 
Em lãi muốn khuyên anh ngủ sớm
Đêm đông đừng lấy rượu làm bạn
Đêm hè đừng đốt thuốc tàn canh
 
Muốn khuyên anh nhiều lắm
Gặp nào cũng muốn khuyên
Nhưng gặp lại quên
Vì sao, vì sao em không biết
Cái cười anh thương thương
Thế là em quên hết
 
Rồi về nhà lại lo
Rồi về nhà lại thương
Những điều khó nói
Không đành để mãi trong lòng
Nên viết gửi anh
Bài thơ về những điều khó nói..
 


SAU CƠM MƯA
 

Phố phường sau cơn mưa
Đội mưa anh về
Mấy giọt nước còn đọng trên búp tóc
Không gian bỗng nở ra
Thời gian trong như ngọc
Ai hát hay lòng em hát?
 
Có phải sau cơn mưa
Mắt em tắm sạch
Hàng cây xanh ngăn ngắt
Mây trời óng như tơ
Hay anh về
Mà trong mắt em mọi vật đều trở nên xinh đẹp
 


XIN PHÉP MẸ ĐI LẤY CHỒNG
 

Con gái mẹ đến tuổi lấy chồng
Mà không có cái may như người khác
Sao mẹ cha lại mất
Con côi giờ biết hỏi ai
Trong yêu đương không lẽ có rủi may
Dẫu vậy con vẫn đi lấy chồng, thưa mẹ...

Hãy chọn người tử tế
Hãy chọn người con trai không tầm thường
Hãy chọn một tấm lòng thực sự biết yêu thương
Tấm ảnh mẹ trên tường nhìn con lặng lẽ
Sao nước mắt lại nhiêu đến thế
Con thèm nghe tiếng mẹ thầm thào...
Anh ấy cao cao
Căn nhà cao đồ đạc thường cũng mát
Vẻ thông minh thu vào đôi mắt
Nốt ruồi cửa miệng làm duyên

Anh đến với con choáng ngợp phút đầu tiên
Là đôi mắt say và nụ cười như nói 

Sau choáng ngợp con cảm mình tội tội
Hoài nghi thời buổi vàng thau

Những người mới yêu nhau
Khó phân biệt thanh cao và tầm thường vô nghĩa
Có tâm hồn làm tim đập thiết tha
Chẳng dám đặt cho mình những tiêu chuẩn mộng mơ

Em chỉ xin trái tim mách bảo
Mà tiếng trái tim thì khi chân khi ảo
Một lá thư tình cũng đủ hân hoan
Một lỗi hẹn đủ giận hờn
Một cách xa đủ làm đau nỗi nhớ...
 

Con chỉ ước được cầm ngọn gió
Nhưng không phải ngọn gió Lào
Ước anh là một cánh chim chao
Nhưng đừng lỡ là chim cu đất

Ước anh là con thuyền buồm căng lồng ngực
Gió hát ca và anh vững tay chèo...
 
Con chẳng muốn những hẹn thề trang trọng lúc yêu
Thích thề thốt bởi sợ mình dối trá

Con không thể là khung treo tranh vẽ
Áo quần lòe loẹt chân dung
Con khao khát tình yêu chảy mãi suối nguồn
Qua sỏi đá rong rêu đổ ra sông vào biển

Duyên số của trời đã mang anh đến
Giống điều mẹ mong giống sự con chờ
Biết đâu trời đãi kẻ khờ
Hạt mưa rơi xuống vườn hoa mẹ nhỉ
Dù không thế cũng đành thôi thưa mẹ
Chúng con quấn nhau xin làm vợ làm chồng...
 

Rồi thời gian sẽ đáp lời thủy chung
Rồi thời gian biết gừng cay muối mặn
Trong hương thoảng nghe rõ lời mẹ dặn
Cách làm vợ làm chồng sau đám cưới tình yêu...
 


ĐÁM CƯỚI TÌNH YÊU
 

Đã mơ hai chữ tình yêu
Cớ sao đám cưới tình yêu lại nghèo?
 
Em quá nghèo
và hình như anh cũng nghèo
Đám cưới tình yêu
Vào đầu năm bảy mốt (1971)

Không rượu không thịt
Không xe hoa đón dâu
Không thuốc lá chè tàu
Mà hồi hộp như buổi đầu chờ đợi..
 

Anh đừng lo em tủi
Đám cưới nghèo đã sao
Chữ nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu đêm
Anh chẳng thề cảm bằng em
Trong niềm vui lớn ta quên mình giầu
 

Ngày chúng ta lấy nhau
Giầu nghèo ai cũng biết
Em chợt nghe lòng khẽ hát
Bài ca tỉnh bạn chân thành
Và em tin điều dự đoán của anh
Bạn bè ta sẽ đấn
Bạn bè ta sẽ đến..
 


ĐƯỜNG THƠM
 

Một bên Trúc Bạch gió
Hương sen
Một bên Tây Hồ gió
Hương sen
Chúng mình đi trên đường thơm..
 
Đường thơm
Bao cặp tình nhân gót nhẹ
Hương thơm se sẽ
Hương thơm cho mọi người anh nhé, ta đi
 
Gió lọc hơi thở ta
Bay vào cái đầu thấm mệt
Lùa vào trái tim say ngất
Lòng rượi mát hương thơm
Và bao bụi bẩn tâm hồn
Cuốn đi theo gió
Đường thơm thơm lừng
Một bên Trúc Bạch gió sang
Một bên nước gió mênh mang Tây Hồ
Đường thơm ở giữa như thơ
 
Như thơ và thật bất ngờ đó anh
Chân vui hai đứa chúng mình
Giăng giăng bước với mối tình thênh thang
 



TRÒ TRUYỆN VỚI THÚY KIỀU
 

1

Hai trăm năm và chảy dài vô hạn
Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài
Trái đất chúng mình cho đến hôm nay
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến
Còn những đất đai triền miên chinh chiến
Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài…
 

Cho cả những nơi đã sống thật cuộc đời
Bóng dáng nàng cẫn còn trong tiếng hát
Tuổi nhỏ lớn lên rồi biết
Võng bà đưa, nôi mẹ đẩy… câu ru
Thúy Kiều ơi, quá khứ thật vô tư
Nó tương phản bình minh và đêm tối
Nó đơn giản hơn mọi lời giả dối
Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài ...

Thiên tài của chúng ta đã ôm gọn cuộc đời
Số phận của nhân dân và đất nước
Ai chẳng đã một lần nghe dịu ngọt
Bốn khúc đàn Kiều gẩy từng trang
Bốn tiếng đàn chuyển động không gian
Bốn tiếng đàn lắng thấm vào tâm tưởng
Ôi con người có dễ gì tưởng tượng
Con người khốn khổ thế này chăng?
 

Thúy Kiều ơi, trong cả tiếng đàn thầm
Tôi nghe nàng như Kỳ, Nha hội ngộ
Bốn tiếng đàn khi mờ, khi tỏ
Khi yêu đương duyên lứa hẹn hò
Khi lầu xanh âm chát, cung chua
Khi tái hợp cung buồn, âm gẫy
Năm ngón tay ròng ròng máu chảy
Ruột gan vò xé ruột gan
Người đau đau cả tiếng đàn
Người đau trong sách nỗi đau dặm dài
Thúy Kiều ơi, Thúy Kiều ơi
Bao giờ người mới thoát đời lênh đênh?
Thời gian đọng lại buồn tênh
Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người…
 
Thắp hương lạy hỏi thiên tài
Cuộc đời Kiều phải số trời đó chăng?
Nguyễn Du người đã yên nằm
Mà lời định mệnh vẫn thầm nhắc ai…
 


2.
 
 
Mẹ em bảo
“Có một đấng thiêng đứng trên đầu trái đất
Đôi mắt nhìn khắp cả xa sau…”
Mẹ em tin như thế từ lâu
Và cầu mong số phận đừng phụ bạc
Niềm tin ấy chẳng bao giờ đổi khác
Chết chồng lủi thủi nuôi con
Mẹ không thể làm gì cho đời mẹ vui hơn
Số phận buộc mẹ vào cơ cực
Những lúc mẹ thầm thào với con về hạnh phúc
Cũng là khi lòng mẹ nguyện cầu
Ai đưa mẹ tới mai sau
Thiên đường của một hành tinh khác
Con kinh hoàng nhận nỗi đau mẹ chết

Cuộc đời này có số phận thật chăng?
Từ mộ huyệt cõi âm vọng đáp
Hãy sống đi rồi biết
Vời vợi cao xanh chỉ thấy mây cười
Mỗi người chúng ta đều có riêng một cửa vào đời
Mẹ biết chọn cửa nào để sinh con sung sướng
Ôi thiên cơ sau cửa đóng
Có đấng nào mách bảo mẹ đâu
Đời con còn đó mai sau
Sống là điều mẹ nguyện cầu cho con
Này cửa thiếp vàng sơn son
Này cửa xanh rờn mây biếc
Này cửa nâu đồng ánh bạc…
Cửa nào cũng khóa chốt, cài then
Hỡi oan hồn định mệnh Đạm Tiên
Hỡi réo rắt tiếng đàn Kiều trầm bổng
Xin đừng dọa người yêu cuộc sống
Em bước lên gõ cửa cuộc đời
Đời của tôi ơi
Em mở vòng tay đón 
 
Hỡi trời cao đất rộng
Đời bao nhiêu sắc mầu, bao cung bậc âm thanh
Sắc mầu nào chẳng vẽ nên tranh
Cung bực nào chẳng thành thơ, thành nhạc
Đại dương nào ẩn trong màu nước biếc
Chẳng sóng ngầm, mắt bão với phong ba
Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa
Không có vùng trời nào toàn chim hót
Không có cây khế vàng trong cổ tích
Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng…
Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng
Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại
An phận ư? Mơ hồ sợ hãi
Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
 


3.
 
 
Thúy Kiều ơi, nàng nặng nợ Đạm Tiên
Trói mình trong định mệnh
Bẩy nổi ba chìm, lầu xanh am lạnh
Sắc tài năm tháng tàn phai
Tiền Đường tháo cởi nợ đời
Nợ đời không dứt được
Phật không cho nàng chết
Nàng phải tái hồi Kim Trọng ở trong thơ
Trói mình giấc chết như hoa
Trong đêm giấc chất dần dà như say
Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây
Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên
Kiểu gì chết cũng thấp hèn
Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời
Trên chết chóc muốn dập vùi
Trên đau thương mới là người, người ơi… 
 
Tôi sẽ sống lâu, tôi sẽ sống dài
Tôi tuổi hai mươi, không nơi nào có được
Tôi sinh ra giữa cơn lốc xoáy tròn đất nước
Một ngàn chín trăm năm mươi
Cả dân tộc đổ xuống đầu giặc Pháp
Cơn phẫn nộ muốn làm người
Gian nan chỉ thấy môi cười
Bao máu đỏ nhuộm nên cờ chiến thắng
Hai mươi năm không ai ngồi đếm ngày đếm tháng
Những ngày sáu chín, bẩy mươi
Chẳng có nơi đâu hơn tuyệt diệu con người
Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt
Mỗi người dân đều nhận phần mất mát
Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn
Khó chẳng riêng ai nên khó chẳng một mình
Chung số phận với nhân dân mà chiến đấu
Thúy Kiều ơi, thời tôi sống biết bao người đổ máu
Lúc tuổi hai mươi như nàng
Ai tuổi hai mươi chẳng kháo khát một môi hôn
Ai tuổi hai mươi không hẹn hò, ghen nhớ
Ai tuổi hai mươi chẳng ước ao làm chồng làm vợ
Vậy mà sống mãi tuổi hai mươi…
Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người
Chọn số phận ở thời mình đang sống…
Muốn hỏi Kiều, hồn Đạm Tiên có hiện về báo mộng
Thời những trang Kiều bị tan nát đạn bom
Để một mai ai biết Kiều buồn
Đàn nàng gẩy không còn ai nghe nữa
Định mệnh đây, chúng tôi bay qua lửa
Cứu sống Kiều từng trang
 


4.
 
 
Thúy Kiều ơi, sao chưa hết bàng hoàng
Đàn tan hợp vẫn âm chìm, âm lạnh
Sao cứ mãi oán than thiên định
Sở Khanh, ưng khuyển bầy đàn
Thời nào chẳng có ngay gian
Nhân định cần chi lời khóc thảm
Hai vai tôi kéo lặc lè đồ đạc nặng
Cũng như nàng, có thể nặng hơn
Có khác chăng, nàng chẳng một đoái thương
Xe đồ tôi ai qua đường cũng đẩy 
 
Những mái tóc bạc phơ hay đỏ cháy
Những nét cười duyên dáng cũng xăn tay
Ai cũng nhận xe đồ tôi chở nặng hôm nay
Là chính xe đồ mình chở nặng
Xung quanh tôi không một ngày buồn vắng
Không một đêm cay đắng tủi hờn
Không một ai có thể giầu hơn
Không ruột thịt mà đầy nhà ruột thịt
Không họ hàng mà xum vầy thân thiết
Không mẹ cha mà đầy đủ mẹ cha
Tôi vượt lên mình thực chẳng êm ru
Nhưng đứng lại thì chưa ngày tôi nghỉ
Tôi cứ đi chuyên cần bền bỉ
Trông xa về phía trời hồng

Thúy Kiều ơi, như người sang sông

Tôi đưa đò cập bến
 
Năm chị em côi nghỉ dăm ngày trên bến
  Sắp đến đoạn đường ra biển dài lâu
 
 Cuộc đời mình chưa lặng gió được đâu
 
 Đất nước chiến tranh nhân dân còn cơ cực
  Khi cái chết vãi từ trên phản lực
  Bom chùm, bom lửa, bom bi…
  Đời còn nhiều gian khó phải qua
Để đến được mùa hoa sai, quả trĩu
  Cơ thể của nhân dân cơ hàn đang phải chịu
  Số phận mình là số phận của nhân dân
  Soi gương đời nhìn thấy hết gian truân
  Thấy hết gian truân để mà cười, mà sống…
 
 Đường ra biển có thể dài năm tháng
 
 Mất mát nhiều hơn, gian khổ cũng nhiều hơn
 
 Nhưng một điều chắc chắn phi thường
  Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp…
 

Bạn có nghe tiếng gõ cửa cuộc đời mạnh gấp

  Vọng từ xa đang nối đến gần?
 
 Là thi nhân xin chớ vội gieo vần
 
 Dù hai chữ viết hoa Định Mệnh
  Là nhạc sỹ tài hoa chớ vội ghi lên phím
  Tiếng nhân định âm vang… 
Thúy Kiều ơi, tôi nghe rõ tiếng đàn
 
 Nàng đang gẩy khúc nào mà bổng trầm réo rắt
  Tiếng gõ cửa cuộc đời ngày thêm dồn, thêm gấp
  Lắng nghe, lắng nghe… chính tiếng đập tay người
Chúng ta mở cửa cuộc đời

  Và cầm lái con thuyền nhân định
 
 Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến
 
 Sáng toàn thân ánh sáng của con người!  



Tủ sách THƠ BẠN THƠ
VƯỜN NĂM NHÀ/ Thơ Lý Phương Liên
Nguyễn Văn Hòa, đò đưa