Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

SỚM THU


Yên bình ngõ vắng sớm thu
Ngập ngừng thèn thẹn tiếng gù chim câu
Thèm thuồng nắng nép gié cau
Ghen hờn gió giật lá giầu loáng sương

Dấu  thu ram ráp ven đường
Ríu ran chim nhịp yêu thương rộn mùa.

Kìa, dàn hoa dẻ đong đưa...


HatCat 26/10/2015

NỖI NHỚ

Nỗi nhớ

Bắt đầu bao giờ nỗi nhớ cũng bâng quơ
Nhớ như nhớ. Mà lại không như nhớ
Một thoáng như băng, một hồi như lửa
Rồi đêm về xòe bàn tay rỗng không...

Nỗi nhớ giống như một nụ sen hồng
Nửa muốn khoe ai, nửa còn e ấp
Khẽ khàng ẩn mình tầng xanh cao thấp
Ngắm dáng hình gờn gợn nước lăn tăn...

Nỗi nhớ cồn cào, nỗi nhớ bâng khuâng
Mơ hồ xa xôi.
Diết da gần gụi
Một thời ngây thơ, một thời trẻ dại
Tháng năm mỏi mòn
Nỗi nhớ vẫn trinh nguyên!

Dấu kín hình ai trong bối rối con tim.
Ngàn năm trước... ngàn năm sau vẫn vậy
Trăng nghịch ngợm dắt mây chìm tận đáy
Chơi trốn tìm tôm cá óng ánh sao...

Hồ nước vắt trong, hồ nước ngọt ngào
Tha thướt rêu rong mướt mát
Nỗi nhớ ảo huyền xoe xoe bóng nước
Dắt díu nhau trôi đến bao la.

Bảng lảng đêm rung ngọn gió ngẩn ngơ
Nhớ, nỗi nhớ... đến sắt se gan ruột 
Cánh nhạn thu xuyên nắng ngang bất chợt
Thả nghẹn ngào rơi lịm thinh không!


Hat Cat 2610/2013

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

THƯ GỬI BỐ




Trọn vòng thế kỷ.
Bố ơi! 
thời gian tròn đất vuông trời ngoài kia.
một nghĩa đạo, một túi thơ
nổi trôi ngược bến xuôi bờ trăm năm.
con dưới gối, cháu chật sân
xum xuê cội phúc, trong ngần hạnh hoa.


mây gần mà gió lại xa
xạc xào vàng lá nhuộm loà bóng trăng
sao xe óng sợi tơ giăng
neo cũ xa những tháng năm cõi người

Ngọn nguồn nước vẫn dào xuôi 
Thái sơn núi chắn che trời bão giông.
Mênh mông trộn với mênh mông
Vơi đầy rót cuộc sắc - không vơi đầy.
Theo đêm... ngày cứ hao gầy
Luân hồi thả nghiệp mỏng dầy hư vô.

Bao giờ... cũng vẫn ngày xưa.
Quế hoè vẫn ngát bốn mùa Thôn Vân.


Hat Cat 25/10/ 2015







Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

NÊN ĐỌC VÀ HỌC THEO : MỘT BÀI VIẾT TUYỆT VỜI VỀ Y ĐỨC

                                Giáo sư Viên Chung diễn thuyết tại Hội nghị. (Ảnh: Internet).

Trong “Hội nghị Quốc tế thường niên về Quản lý khoa Lâm sàng”, Giáo sư Viên Chung, Giám đốc nhà xuất bản Đại học Y khoa Dung Hợp TQ đã phát biểu chủ đề diễn thuyết mang tên “Bác sĩ làm việc thích ứng với văn hóa”. Ngữ điệu của ông bình thường nhưng lại chỉ ra những sai lầm khắp nơi, rất nhiều ví dụ làm cho người ta phải suy nghĩ sâu sắc; Hội trường với hơn 300 người nghe đều lặng ngắt như tờ. Rốt cục, Giáo sư Viên Chung đã nói đến những điều gì?

Dưới đây là toàn bộ bài diễn thuyết của ông:

Một người tìm anh xem bệnh, họ đem hết những việc riêng tư của mình nói cho anh biết, cởi hết quần áo cho anh kiểm tra, đem hết những thống khổ kể cho anh, đem cả sinh mệnh mà giao cho anh, những người này (Bác sĩ) chỉ đứng thứ hai sau Thần, chứ không còn là một người bình thường nữa .

Bởi vì có thương yêu mới có việc chữa bệnh và bệnh viện, nếu như sự yêu thương này mất đi thì không thể gọi là chữa bệnh, mà nó trở thành giao dịch, một giao dịch sẽ không có sự tôn nghiêm.


Khi đài Truyền hình Trung ương truyền bá những quảng cáo giả dối: “Ngậm ăn đông trùng hạ thảo”, “Cuộc sống số một”…, thì chúng ta có thể nói trắng ra rằng: toàn bộ các nhánh sông đều đã bị ô nhiễm, không có con cá nào có thể thoát khỏi bị ô nhiễm, phương pháp hành xử ô nhiễm chỉ có thể là bắt đầu từ thượng du.


Thường xuyên có nhiều Sinh viên hỏi tôi tính Nhân văn của Y khoa có chỗ lợi ích nào? Tôi muốn từ hai mặt mà nói: mặt thứ nhất là giá trị Quan, mặt thứ hai là giá trị Nhân văn. Giá trị Quan là Đạo, giá trị Nhân văn là Thuật.


Sự tôn nghiêm bên trong giá trị Quan:


Đầu tiên, tôi muốn nói một chút về “Đạo”. Hiện nay đã đến cuối năm rồi, rất nhiều bệnh viện đều sẽ mở Đại hội tổng kết trong tháng này. Tôi có nghe qua một chút khi Viện trưởng bệnh viện bắt đầu Đại hội, ông nói:“Một năm đã qua, trải qua nỗ lực không ngừng của toàn thể công nhân viên chức bệnh viện, bệnh nhân nằm ở viện chúng ta tăng 20%, bệnh nhân ở phòng khám bệnh của chúng ta tăng 30%, thu nhập của chúng ta tăng thêm 10%”.


Thế đấy, những lời này có phải là có vấn đề gì không? Có thể các vị Giám đốc, và các Bác sĩ ngồi đây đều sẽ cảm thấy đây là một việc rất tự nhiên. Kỳ thực, tôi nói cho mọi người biết: những lời này không nên được nói ra từ một Viện trưởng, mà phải là lời của nhà Kinh doanh, Viện trưởng chúng ta nên nói những điều gì? Điều chúng ta nên nói là: “Chúng ta đã chữa khỏi cho bao nhiêu người, chúng ta đã giúp được cho bao nhiêu người” ?.


Chúng ta đã quên mất cái gì gọi là bệnh viện, chẳng phải giá trị Quan đã gặp bất trắc. Cũng có Bác sĩ nói cho tôi biết: bản thân anh ta làm Bác sĩ là để kiếm tiền. Điều này vốn không sai, nhưng tôi muốn nói cho các vị rằng: nếu chỉ muốn kiếm tiền thì đừng bao giờ làm Bác sĩ !. Có nhiều công việc trong xã hội này so với nghề Bác sĩ vẫn kiếm được rất nhiều tiền, buôn bán bất động sản, khai thác mỏ, tài chính, IT… Thế nhưng, chỉ có hai nghề vừa kiếm ra tiền vừa được sự tôn nghiêm, một là Bác sĩ, hai là Giáo viên. Ở Nhật Bản, chỉ có hai nghề có thể được gọi là “Tiên sinh”, đó chính là hai nghề này: Bác sĩ và Giáo viên !.


Tôi có một người bạn, là Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh TQ, ông ta là người Tân Cương. Ông ấy từng kể cho tôi một chuyện, người Duy Ngô Nhĩ tin rằng: con người khi chết đi có thể lên trời, nhưng không phải ai cũng có cơ hội lên trên đó, mà phải trải qua thảo luận tập thể. Tham quan, công an xấu, trật tự đô thị xấu ... phải bị đọa xuống địa ngục; nhưng chỉ có hai nghề có thể lên trời mà chẳng cần bàn cãi nhiều, đó chính là nghề Bác sĩ và Giáo viên !.


Điều gì gọi là tôn nghiêm? Tôi cũng là một Bác sĩ, tôi cũng có nhận thức về điều này. Một người tìm tôi xem bệnh, đem hết những tâm tư thầm kín kể cho tôi nghe, cởi hết quần áo cho tôi kiểm tra, đem hết những thống khổ nói cho tôi biết, giao cả sinh mệnh cho tôi, loại người này chỉ xếp sau Thần mà thôi, không phải người bình thường. Nếu như Bác sĩ không xem thật kỹ bệnh mà chỉ xem túi tiền của người bệnh, người bệnh sẽ hận các vị đến chết !.


Cơ Đốc Giáo có hai điều rất quan trọng: một là quan niệm Thần thánh, hai là tinh thần Bác ái. Quan niệm Thần thánh cho tôi biết Bác sĩ là tập thể những người ưu tú. Hội trưởng Hiệp hội Bác sĩ TQ là Trương Nhạn Linh từng nói với tôi, ông ấy đến Nhật Bản vào thập niên 90. Ở Nhật lúc đó có một người thường xuyên đến thăm hỏi các Bác sĩ, điều này khiến tập thể Bác sĩ TQ rất lấy làm lạ, “Chúng tôi không phải đoàn đại biểu chính trị, cũng không phải đoàn đại biểu kinh tế, cũng không phải đoàn đại biểu ngoại giao, chỉ là một nhóm Bác sĩ” !. Cuối cùng, người kia mới nói một câu: “Tôi cả đời muốn làm Bác sĩ, nhưng thi không đậu, thế nên tôi tôn kính Bác sĩ” !.


Chủ tịch bệnh viện Hòa Mục Gia, Bắc Kinh, Lý Bích Tinh, là người Do Thái, bà từng nói với tôi vì sao người Do Thái nhiều người thành công, thông minh hơn những người khác. Kỳ thực là vì người Do Thái có quan niệm Thần thánh. Người Do Thái tin rằng: họ là con dân của Thượng Đế, cho nên họ so với người khác càng nỗ lực, càng chăm chỉ, cũng càng dễ thành công !.


Bác sĩ nếu có được quan niệm Thần thánh, họ sẽ là những người ưu tú nhất, bất kể là ở phương diện nào, dù cho là thầy thuốc làng, họ cũng sẽ là những người ưu tú nhất nơi đó !. Hai ngày trước, Đài Loan có một Bác sĩ rất ưu tú là Kha Văn Triết, hiện đã thành Thị trưởng thành phố Đài Bắc. Không chỉ là Bác sĩ, ông còn là Lãnh đạo, một Bác sĩ giỏi không chỉ về chuyên môn, mà còn về nhân phẩm, nó giúp ông sự ủng hộ và tán thành của mọi người.


Tuy nhiên, ai ai trong chúng ta cũng biết, mấy năm nay xã hội chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Sinh viên Y khoa Đại học Phúc (? ) Thượng Hải, đầu độc chết chính bạn học cùng ký túc xá, cậu ta đã nói một câu: “Tôi là ‘cái xác người trống rỗng’, không có giá trị Quan”!.

Tôi không biết mọi người có từng nghĩ tới chưa, tại sao cậu ta là “cái xác người trống rỗng”? Suy nghĩ một chút mấy năm nay, vẫn có một số Sinh viên Đại học giết người, như Mã Gia Tước, Dược Gia Hâm. Những năm nay chúng ta đã sáng tạo ra tài phú vật chất cực lớn, thế nhưng chúng ta đã sáng tạo được tài phú tinh thần chưa? Mọi người có thể để tay lên ngực tự hỏi lòng mình. Quốc gia chúng ta có rất nhiều mỹ đức truyền thống, lòng yêu nước, yêu quê hương, giảng hiếu tận, giảng cần kiệm, giảng lấy đức phục người, giảng thiên hạ công bằng, giảng tiết kiệm phục lễ, khắc kỷ phục lễ (lời của Khổng Tử: ước chế tự thân khôi phục lễ nghĩa), giảng lễ nghĩa nhân trí tín, thế nhưng dường như hiện nay chẳng ai giảng về điều này nữa !.


Sự cứu rỗi của tinh thần Nhân văn:


Thư cục Trung Hoa vừa xuất bản hai cuốn tài liệu giảng dạy cơ sở văn hóa truyền thống Trung Hoa của Đài Loan. Các bạn Đài Loan của tôi đều cho tôi biết, họ từ nhỏ đều đọc “Luận ngữ”, còn chúng ta thì làm gì? Bài học đạo đức phẩm cách tư tưởng của chúng ta ở tập thể là “bịt tai lại mà đi trộm chuông”. Có Giáo sư Bắc Đại nói rằng: chúng ta mấy năm nay đều bồi dưỡng rất nhiều “người tư tưởng ích kỷ một cách tinh xảo”, cái gì gọi là người tư tưởng ích kỷ một cách tinh xảo? “Tinh xảo” là thông minh, “tư lợi” là mọi thứ đều lấy tự ngã làm trung tâm.


Chúng ta nên thật sự phản tỉnh lại, có một lần tôi và Sa Beining nói chuyện tại Vũ Hán, ông ta hỏi tôi: “Ngành nghề chữa bệnh như thế nào?”. Tôi liền đáp lại: “Trước hết đừng nói ngành nghề chữa bệnh như thế nào, khi Đài Truyền hình Trung ương truyền bá những quảng cáo giả dối như “Ngậm ăn đông trùng hạ thảo” “Life No.1”…, đã nói rõ toàn thể dòng sông đã bị ô nhiễm, không có con cá nào thoát khỏi ô nhiễm, cách hành xử ô nhiễm là khởi từ thượng du. Tổng bí thư trung ương Đảng là họ Tập, hiện đang xử lý thượng du, dòng sông có lẽ rất nhanh sạch sẽ” !.


Điều này kỳ thực là giá trị Quan. Các vị đều là những Chuyên gia lớn nắm giữ kỹ thuật tiên tiến các loại, có đầy người bản lĩnh có thể làm hai chuyện. Một là thấy việc nghĩa hăng hái làm, thấy việc bất bình ra tay tương trợ; hai là chặn đường cướp bóc. Làm tốt làm xấu, bản chất văn hóa trong nội tâm người ấy sẽ quyết định lựa chọn cuối cùng của mình.


Có vị Bác sĩ cho tôi biết: ông ta trong ngày đầu tiên đi làm ở khoa Tiêu hóa, mỗi ngày ít nhất phải hoàn thành chỉ tiêu là chữa bệnh được cho 1 người. Thế nhưng hôm đó ông ta cả ngày 1 bệnh nhân cũng không có, mà giờ tan ca sắp đến. Khi ấy, một nông dân bị bệnh tim mạch, vì bị đeo sai số nhầm Khoa và tìm đến. Do đó, ông đã làm trái lương tâm mà xem bệnh, và kê thuốc cho người nông dân này. Khi bệnh nhân lấy thuốc rồi quay lại hỏi, ông ta cảm thấy nội tâm thật sự áy náy. Ông ta bèn bảo người nông dân này hãy tới lấy số lần nữa để đi khám tim mạch, người nông dân đó đột nhiên khóc ròng nói: “Tôi đã dùng hết tiền rồi !”. Vị Bác sĩ này sau khi đã bộc bạch chuyện của mình với đồng nghiệp, thì cảm giác xấu hổ cứ vây lấy tâm can, từ đó rời bỏ bệnh viện, không làm Bác sĩ nữa.


Khi các Viện trưởng, cán bộ cấp trên chế định chính sách, đừng bao giờ để Bác sĩ chúng ta phải phải hy sinh sự lương thiện để đổi lấy quyền lợi chính đáng lúc đó. Vốn dĩ anh ta nên có tiền lương 1 vạn đồng, nhưng chỉ phát cho anh ta 2.000, còn 8.000 đồng để anh ta tự mình kiếm lời; đây là hành vi gian ác !.

Cái gì là bệnh viện? Trong thời Trung cổ, xã hội của Cơ Đốc giáo có rất nhiều người nghèo là ăn mày lang thang khắp nơi, không ai quản đến. Vì thế, họ đã bố trí một nơi để họ giảm bớt khổ cực, cuối cùng từ từ tạo thành bệnh viện. Cái gì là chữa bệnh? Chữa bệnh khởi nguyên là một tấm lòng đồng cảm, con người quý ở chỗ có tâm đồng cảm, lòng thương xót. Vì chứng kiến thấy người khác bị đau khổ, chịu khổ chịu nạn mà mình cũng cảm thấy thương xót mà giúp đỡ người ta, đây mới gọi là chữa bệnh.. Bởi vì yêu thương mới có chữa bệnh và bệnh viện, nếu mất đi tinh thần này thì không thể gọi là bệnh viện, mà gọi là giao dịch, nó không có tôn nghiêm.

Chúng ta cơ hồ đem bệnh viện trở thành một cái xí nghiệp, nhóm lãnh đạo của chúng ta cả đám mở hội họp, điều thích nhất nói đến là “Bệnh viện chúng ta 500 triệu, bệnh viện chúng ta 800 triệu, bệnh viện chúng ta 900 triệu, bệnh viện chúng ta 1,2 tỷ, bệnh viện chúng ta 2 tỷ !”. Tại sao Trưởng khoa Phụ sản bệnh viện Hiệp Hòa, Lang Cảnh, và Viện sĩ nói rằng: nhân viên phòng Y tế mỗi tuần phải đọc một cuốn sách ngoài chuyên môn, chính là vì để mở rộng mặt tri thức. Bác sĩ chúng ta nên học được cách giao tiếp với người, chúng ta không thể chỉ học mỗi cách giao tiếp với bệnh tật thôi !.


“Có khi đi trị liệu, thường xuyên giúp đỡ, lại luôn là an ủi”, luôn là an ủi, thế nhưng chúng ta có năng lực an ủi không? Cái này hoàn toàn là nhân văn Y học phải được bồi đắp. Chỗ khác biệt giữa Bác sĩ TQ, và bác sĩ Mỹ Quốc là ở chỗ nào? Bác sĩ TQ hiện nay kinh nghiệm lâm sàng vô cùng phong phú, chúng ta đã làm nhiều giải phẫu như thế. Thế nhưng so sánh Bác sĩ TQ và Mỹ Quốc một chút, điều khác biệt ở chỗ “thương yêu”. Bác sĩ Mỹ Quốc làm bệnh nhân cảm nhận được tình yêu, bác sĩ TQ không làm được !.

Không đủ tin tưởng khoa học kỹ thuật, đây là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa truyền thống dân tộc chúng ta. Toàn thế giới đại đa số dân tộc đều tin rằng: con người chết rồi có thể luân hồi, có cuộc đời sau này. Thế nhưng dân tộc chúng ta muốn truy cầu trường sinh bất tử, thế nên chúng ta phát minh ra rất nhiều phương pháp trường sinh bất tử. Chúng ta tuyệt đối là một dân tộc không có sự chuẩn bị cho cái chết. Người TQ nào cũng có thể nhẫn chịu, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn công việc, mâu thuẫn xã hội đều có thể nhẫn, thế nhưng khi đối mặt với cái chết thì không nhẫn chịu được. Chúng ta không có chuẩn bị, đối mặt với cái chết, hành động tâm lý đầu tiên là phẫn nộ và khiếp sợ. Do đó, văn hóa truyền thống của chúng ta quá cần tinh thần Nhân văn Y học !.


Tôi nói một vấn đề cuối cùng, cũng là vấn đề làm thế nào để trở thành một người Bác sĩ tốt. Thứ nhất, tôi không muốn nói mọi người ai cũng phải đi học Lôi Phong, học Bạch Cầu Ân, tôi chỉ cần nói cho các vị Chuyên gia và Lão sư, các vị nhất định phải nghĩ đến khi mình già rồi thì cũng sẽ rơi vào trong tay một Bác sĩ nào đó. Các vị trước hết làm một Bác sĩ tốt, học trò của các vị mới có thể là Bác sĩ tốt, đợi khi các vị già rồi, vị Bác sĩ này sẽ chăm sóc các vị. Hiện nay các vị không làm được một Bác sĩ tốt, đợi khi các vị già rồi, học trò của các vị sẽ chiếu theo phương pháp của các vị mà trừng phạt các vị. Chúng ta không thể khiến học trò học Lôi Phong khi chính mình đang học theo Hòa Thân.

Thứ hai, vì con cái mà làm một người tốt. Rất nhiều việc, người Tàu chỉ có vì con mới làm, vì con mới cải biến. Tôi từng giảng về vấn đề cai thuốc, tuy chúng ta học người nước ngoài trên hộp thuốc lá in hình đầu lâu và phổi đen, nhưng rất nhiều người căn bản sẽ không cai thuốc. Chúng ta dưới tình huống nào mới cai được? Chỉ có khi trên bao thuốc có viết “Hút thuốc sẽ khiến cho con của các bạn biến thành dị dạng”, tôi nghĩ người đọc câu đó nhất định sẽ cai !.

Thứ ba, con người cả đời này vì cái gì mà đến đây? Nếu như có cơ hội đi trong sa mạc Tân Cương để quan sát 1 lần, nếu như có một vũng nước, thì nhất định phải trồng cỏ, có cỏ mới có dê bò, có dê bò mới có người. Giá trị của cỏ là vì để cho dê bò sống tốt, giá trị của dê bò là để cho con người sống tốt, giá trị của con người là khiến cho những sinh vật khác sống tốt. Xã hội này vì có bạn mới có thêm 1 phần tốt đẹp, đừng vì có bạn mà lại thêm lại một phần thống khổ hoặc bất hảo nào khác !.


Theo sina.cn

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

ĐAY NGHIẾN ( giả vờ thui )


ĐỂ VẾT THƯƠNG MAU LÀNH


( tự răn mình) 

1-- Lúc mới bị thương, chỗ bị thương đau không chịu nổi, có thể chảy máu ( trong hoặc ngoài), vết thương sâu và hiểm, có  thể  bị choáng sốc ( y học gọi là choáng phản vệ) tòan thân thường co quắp, tay thường ôm lấy vị trí tổn thương...thạm chí hôn mê.
2-- Khi bị thương, nhất là Vết thương tinh thần, thường Người bị thương  chỉ có một mình vớ đối thủ; vậy nên phải hết sức tỉnh táo và bình tĩnh ođể  tự sơ cứu...
Người gây thương tích cho ta lúc đó Thái độ thường hể hả hay hầm hầm, họ hoặc còn có mặt hoăc rời xa chỗ xảy ra vụ việc. Không có ai giúp mình, nhất là vết thương kín ở những nơi vắng vẻ
HÃY:  a -  không để ý đến kẻ gây tai hoạ
          b - cổ vũ toàn bộ sức lực vốn có và dồn tất cả tình yêu thương cho vị trí tổn thương, tự nhủ "TA KHÔNG SAO, KHÔNG SAO, RỒI SẼ QUA, RỒI SẼ QUA..."
          c - hít thật sâu rồi dùng phép vận khí và gom luôn tình thương mà trời đất ban cho gửi tới chỗ bị thương. Bàn tay phải xoa nhẹ ngược chiều kim đồng hồ cách chỗ bị tổn thương khoảng 1cm. ( Thương biểu hiện đau thắt ngực và loạn nhịp tim) 
Sau dăm ba lần lần thở thật sâu và thoải mái, óc thầm nghĩ " không sao, không sao, sẽ qua, sẽ qua..." Hoặc niệm Phật và quán tưởng hào quang Phật toả lan và nhiếp tâm ánh mắt hiền từ của Phật... Bạn sẽ thấy cơn đau dịu hẳn. 
 3- Chăm sóc vết thương : 
  -  bạn không nên nghĩ về tác nhân gây vết thương
  -  luôn nghĩ đây là nhân quả và nạn tai do kiếp nghiệp mang đến
  Mỗi ngày nên quán thảnh thơi và gửi tình yêu thương thẳm sâu tràn trề tới xoa dịu vết thương
 4 - Ngay khi bị tổn thương, bình thản hít thở sâu và điều là quan trọng nhất
    - không khởi niệm hờn căm và trả thù kẻ gây dau đớn cho mình, mà hãy càu nguyện cho họ thoát khỏi báo ứng, thường NHÂN QUẢ NHỠ TIỀN
    - Sau đó là QUÊN là biên pháp tối thượng. NẾU khó quên thì cư niêm 
Nam Mô A DI ĐÀ PHẬT hau OM MA NI PAD ME HONG 
là an tĩnh dần...

RỒI...
LẦN LẦN VẾT THƯƠNG sẽ LÀNH, có thể để lại một VẾT BẦM hoặc SẸO. Những vết đó khi bạn nhìn / hay sờ vào bạn hãy mỉm cười với nó như với một cái gì đó thân yêu, và nó là điều cảnh tỉnh luôn nhắc cho bạn nhớ một điều CUỘC SỐNG NÀY CÒN NHIỀU CÁI TỆ HƠN VẾT THƯƠNG mình đã chịu.
Và bạn hãy cười , cười thật sảng khoái ... HA HAAAAAAA...AAA...A...A..
  


Hat Cat 20/2015

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Q uà 20/10 cho BẠN GÁI ---- MỪNG HỤT




MỪNG HỤT chuyện kể về giấc mơ đấy nhé,!)
... Chiều nay bận việc, mình về nhà muộn hơn mọi ngày.
Nhà mình đã sáng đèn.
Con không đi học thêm, đã về chơi bà ngoại. 
Nhưng không thể là chồng, vì thường thì gà gáy canh một may mình mới được chiêm ngưỡng... phu nhan !  Vừa tra chìa khóa vào cửa vặn được một vòng thì nghe thấy tiếng dép lê lẹp xẹp, và giọng nói hồ hởi : - Em đã về đấy à? Chờ anh dắt xe cho.
Tiếng chồng mình!? Chồng mình còn chào đón mình và đòi dắt xe cho mình!? 
Mình không nghe nhầm đấy chứ?Dứt khoát là không ! Cho dù giữa đám đông ngàn người, mình cũng nhận ra được giọng nói quen thuộc ấy. Hay mình mơ ngủ giữa ban ngày? Hay hôm nay trời đi vắng?Mình véo vào tay: đau. Vậy là mình đang thức. Còn trời thì vẫn đang còn đấy: trời thu, gió hiu hiu thổi làm tóc mình bay bay... Đúng là ngàn lẻ một chuyện lạ rồiVà... chồng mình xuất hiện thật, ngực choàng tap-dề, mặt lấm tấm mồ hôi. Anh xăng xái dắt xe, vồn vã:- Anh về sớm, tiện dọn dẹp và lau cầu thang luôn thể.Khi đó mình mới chú ý đến hai ống quần xắn ống thấp, ống cao của anh, lại thấy vẻ mặt thành khẩn đến thánh thiện của anh mới dám tin đúng là ông chồng yêu quý của mình đang hiện diện tại nhà vào giờ khắc sớm sủa này.Quả thật là mớ hổ lốn anh để lại khi đi làm không còn nữa. Gạt tàn thuốc lá, tách ca-fe đã được rửa sạch bóng và xếp đúng vị trí. Mấy tờ báo anh vo viên đêm qua cũng được xếp phẳng vào giá gọn gàng... Lại cả hoa nữa... Như đoán được ý mình, anh cười:-Ồ, anh mua mấy bông cẩm chướng em thích.Mình ngạc nhiên tới mức không thể thốt lên một lời nào. Sao hôm nay chồng mình có nhiều cái lạ thế nhỉ?Này nhé : Đi làm về sớm là một; về sớm lại còn tự động dọn nhà là hai; đã về sớm dọn nhà lại còn chào đón vợ hồ hởi nữa là ba. Mua hoa là bốn. Và còn nhớ được vợ thích hoa cẩm chướng nữa thì...Đúng là...!Hay anh ấy bị chập mạch? Bác sĩ bảo rằng người bình thường có lúc còn bị chập mạch nữa là người thường xuyên say bí tỉ. Bác sĩ còn bảo là người mà bỗng dưng thay đổi tâm tính thì không bị tinh thần phân liệt cũng là dở hơi, cám hấp. Thế thì nguy to rồi!!Hay anh ấy bị ma làm ?Người ta bảo : Cho dù con ma tốt bụng nào đó có làm anh ấy trở nên chăm chỉ thì cũng chỉ trong chốc lát, không lâu bền, sau đó con ma xấu sẽ đến hành hạ khổ hết biết.Nhưng người bị ma ám thì ngây dại, còn chồng mình trông tinh nhanh lắm.Hay là anh ấy có âm mưu gi? Nhà tâm lý học bảo rằng : có một số ông chồng đi ngoại tình bỗng dưng trở nên chăm chỉ khác thường. Như vậy thì đúng là thậm cấp chí nguy!Thậm cấp chí nguy thật rồi!!!...Mình lan man, phấp phỏng đến nỗi khi tắm, để nguyên vòi nước nóng mà xả vào người.Khi tắm xong, thì đã thấy anh bưng cơm dọn canh đâu đấy cả rồi. Mình chẳng còn tâm trạng nào mà ăn với uống. Và khi ăn xong , xin mãi mới được anh cho rửa bát .Thấy mình im lặng, anh lo lắng hỏi :- Em sao thế?- Có anh làm sao thì có ấy!Anh cười rất tươi và nhìn mình âu yếm. Mình lại càng hoảng. Ý nghĩ chồng mình bị điên hoặc ngoại tình xoắn chặt lấy đầu mình...Bỗng mình chợt nhớ là gần đây cơ quan anh ấy mới kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm như vô tình mình hỏi :- Hôm nọ kiểm tra sức khỏe, anh có bị làm sao không?-Không, anh không sao.-Thế gan giếc, dạ dày dạ mỏng, thần kinh nọ kia cũng bình thường chứ? - Em đừng lo, anh được A hoa về sức khỏe.Chồng mình không ốm. Hay Trời Phật độ trì? Nghĩ vậy mình bèn chuyển hướng :-Dạo này anh có hay đi chùa không?- Đi với em từ dạoTết. Anh không có duyên với cửa Phật.Lại cũng không phải trời Phật phù hộ. Vậy thì đúng là anh ấy... chồng mình ngoại tình rồi! Mình đứng dậy, thở hắt ra:-Anh có người khác rồi phải không?- Em nói gì? Người khác nào?Anh cười ( cái cười lúc này sao trông nó giả dối thế không biết ?!)Mình sôi sục:-Người ta bảo rằng...
- Em thật là... Anh cười tươi hơn: 
- Anh làm gì có gan hùm để ăn mà dám qua mặt vợ? Em ngốc ạ...Anh ôm mình vào lòng khe khe dỗ dành, hai tay đu đưa và cất giọng "ống bơ rỉ" hát bài hát anh thích theo kiểu của riêng anh;' Cuộc đời mãi đẹp tươi...Tình yêu mãi còn đây..." Mình nhắm mắt lại. Thây kệ, anh có bị ma làm, có bị tâm thần hay thâm chí đã ngoại tình đi nưa thì mình cứ tận hưởng giây phút âu yếm hiếm hoi này đã... Mình chìm sâu vào giấc ngủ ...
Nhưng chẳng hiểu sao , vẫn cứ thấy văng vẳng bên tai tiếng hát ..." cuộc đời ... mơ ơ ...ãi đẹp ...t ...ư ...ơ..i ''với cái giọng khê nồng, đứt quãng của anh.


***

Bỗng tiếng chuông gấp gáp, giục giã liên hồi ...Rồi tiếng đập cửa... từng nhát , từng nhát một rời rạc...rồi lại thình thình... thình thình ...rồi lại chuông...
  Mình nháo nhào choàng dậy, nghĩ trong cơn ngái ngủ: Quái lạ, kẻ nào lại chọn
 đúng đêm hôm nay để bắt chước đúng 
kiểu gọi cửa của chồng mình vậy?!Mình bật đèn: Lại lạ hơn là chồng mình biến đi đâu mất rồi ?? Rõ ràng hồi hôm anh còn ru mình ngủ cơ mà .Mình hốt hoảng gọi to:- Anh ơi! Anh đâu rồi?
- Anh... ý à? Anh đang... ở ngoài cửa đ...a... i n... à... i. Hự... ự... ự.
Mình tỉnh ngủ hẳn.
Hé cửa nhìn : Té ra ông chồng quý hóa của mình đang đứng xiên xiên ở ngoài cửa thật
.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Chuyện cổ tích cho U 70 - NÀNG TRĂNG ( tân LIÊU TRAI )

NÀNG TRĂNG ( Tiếp )

2--  BÀN TAY

1- " Mình ơi! "
Tiếng gọi như sóng lan... lan... lan... Nàng khép mi, hàng mị rợp khẽ lay động. Nàng lùa tay vào mớ tóc khô cứng không rối mà như rối của chàng. Năm tháng trôi qua, hằn lại trên sợi tóc lổn nhổn những khúc to nhỏ  không đều quăn queo, sàn sạn...
Cơm áo gạo tiền kéo xã đôi vai chàng, và một tiếng rên rỉ vô thanh từ tim chàng vẳng lại...
Chàng run rẩy úp mặt vào lòng nàng, nàng cảm thấy những sơi ria cng hơn tóc xén tỉa không đều ran ran trên đùi nàng, qua lần vải mềm của chiếc đầm dài xoà phủ một khoảng rã rượu ánh trăng.
Nàng thấy tim mình thắt lại... Nàng vỗ nhè nhẹ lên bờ vai gầy xô nghiêng trong lòng mình như vỗ về em bé.
Vô thanh chàng thốt lên: 
- Sao báy giờ tôi mới đươc gặp nàng?
Nàng nhìn ánh trăng mơ hồ trên li ti sương giọt trên búp sấu non cong cong, nhoẻn cười cũng mơ hồ nốt
- Chàng sao gặp được em... Ngày xưa ấy! ...
- Sao vậy? 
- Khi chang còn trẻ - chú ý nhé! Khi chàng còn trẻ...nàng mỉm cười rồi đặt hai ngón trỏ  nhỏ mềm  miết nhẹ lên gồ xương lông mày của chàng vuốt nhẹ về phía thái dương. Hai ngón tay cái ấm nóng cũng mịn mềm như thế  day nhẹ huyệt Ấn đường của chàng. Bàn tay tay như có phép màu đưa chàng về ngày xa...
Có một cánh của mở rất nhẹ mở ra.

2--- Chàng nhìn thấy một sinh viên tóc quăn bồng bềnh hơi rũ xuống vầng trán cao, một món xoà hẳn che phía tai trái của khuôn mặt gầy gầy hơi hốc hác, duy chỉ có đôi mắt sâu thông  minh hóm hỉnh thăm thẳm mơ màng  chăm chú nhìn về đâu đó... 
Rất xa... Rất xa. 
 Một cánh đồng xanh lúa con gái gợn sóng uể oải trong chiều nắng nhạt ốm yếu.
Chàng mơ một bát cơm thơm không có mùi mốc gạo, không có mọt mì, không mùi khói dầu hoả quyến vào. Giấc mơ đến miếng ăn bao giờ cũng tầm thường, tầm thường đến nỗi thiên hạ phải thốt 
lên: 
" Miếng ăn quá khẩu thành tàn
Miếng ăn miếng xấu, ta van các người.."
Miếng ăn là nhục -  nhất là với kẻ sĩ; chàng là kẻ sĩ, sao lại không mơ công danh sự nghiệp, lại mơ miếng ăn, mà mơ miếng ăn, sao không mơ sơn hào hải vị, lại chỉ mơ NHÕN BÁT CƠM..?
Chàng thấy mình tầm thường, tầm thường đến khốn khổ, tầm thường đến đáng thương...
Phẩy tay để xua đuổi ao ước tầm thường đó, chàng lim dim mắt...chàng vẫn quanh quẩn với CÁI ĂN.
Mâm cơm sinh viên sơ tán hiện ra với mấy cái " nắp hầm" mì
luộc: ngoài não nhét, trong còn nguyên bột sống lăn lóc trên mẹt, một xô canh " toàn quốc" lều bều vài lát rau muống già xắt khúc bơi tự do... Thảng có thịt... nhưng cả bọn bảo nhau "đừng thở mạnh kẻo miếng thịt mỏng tang chỉ bì với mỡ bay mất" 
 và một bát nước chấm đen sì rặt màu kẹo đắng và muối thả dàn...


***

3--- Chàng ngước đôi mắt nhìn nàng cười bẽn lẽn. Nàng luồn tay 
vuốt ve mớ tóc rễ tre loi thoi, ánh nâu vàng dịu dàng từ mắt nàng thấu xuyên tận đáy qua khói mờ tuổi tác hằn in nhoè nhoè ranh giới đen trắng, nhưng vẫn ấm nồng đăm đắm của của sổ tâm hồn chàng.
Chàng về lại bé bỏng thơ ngây. Nàng đầm ấm gần gũi như người mẹ thân thương. Chàng ôm lấy hông nàng và nép cái đầu bướng bỉnh già nua vào nàng - Vòng ôm tin tưởng, dựa dẫm và yếu mm thân thiết thơ trẻ.
Tay trái nàng đỡ gáy chàng, và bàn tay phải xoa nhẹ lên vùng Ngọc chẩm, Phong trì...
Nàng đưa đầu ngón trỏ bấm nhanh rất đau vào huyệt Á môn - nơi lưu dấu mọi uẩn ức cõi người...
Chàng giật thót mình... Khẽ "a áaa..." bật lên tiếng kêu. Như một luồng điện, một năng lượng lạ khoan xoáy vào tâm can cứng đanh của chàng. Một cái gì đó oà vỡ, bùng nổ...
, sự giải thoát xâm chiếm đáy thẳm sâu nơi chàng, toàn thân thôi căng thẳng, sự thư dãn hạnh phúc chiếm lĩnh tâm trí, chàng dụi dụi trán vào tà áo nàng, cảm nhận thấy hơi ấm từ da thịt nàng lan toả, cái khuy trai đính chỗ nào đó trên áo man mát
trơn trơn đánh thức  tâm thức ngủ kỹ của chàng... Một khao khát rất người rất tình dâng lên nơi con tim cằn khô hoang vu của chàng...

4---... Một khu rừng khộp rất cao, tán ken nhau ẩm mát. Mùi thum thủm của lá mốc, mùi hôi nồng của mồ hôi, mùi tanh lợm giọng của cá suối chết phơi bụng đen đỏ bu đầy ruồi muỗi ong kiến, và cả bướm, những cánh bướm muôn màu mỏng manh và rực rỡ như ngàn hoa chốn tiên giới cũng chen, cũng vẫy, cũng tranh cướp sự thối rữa từ những sinh vật khác. Tất cả sâu bọ  tụ thành từng bãi, từng bãi không hình thù vo vo chen lấn trên đá cuội lổn nhổn của khúc suối trơ lòng... 
Những cái võng ẩm mốc giang ngang, vắt chéo, nhũng cái tăng trùm kín những hình hài lính tráng ngủ vật vã sau hành quân.

Trưa bãi nghỉ thật yên ắng, vài sợi nắng chiếu thảng như vết rạch ngẫu nhiên rơi vào chỗ nào đó, hoăc lá xanh vàng khô ướt, hoạc bông hoa tươi hồng hay héo rũ... Hoặc cái dây dù mắc võng, hoặc cái áo lính chiến tay vẫn còn quắn bết mồ hôi và, cái quần rách bẩn, giầy lòng thòng gút dây... Lính muốn vát bỏ sau chặng hành quân toạc máu, rách phổi...
Chỉ có đôi dép cao su đúc là thuỷ chung trên đôi chân chầy xước gai cào, đôi chân rạch ngang xiên chéo vết gãi, mụn đỏ toea vết gãi mưng mủ vàng.
Chợt vang lên dưới tăng tiếng nói mớ, tiếng gào đứt quãng sợ hai, tiếng gọi mẹ, gọi con... Vang lên từ cơn mê chập chờn giấc ngủ lính...
Chàng không ngủ nữa, hai vai ê ẩm vì chiếc ba lô có quân dụng với trăm thứ quân nhu quân trang cần thiết. Cái bàn chải chỉ còn đúng mẩu có tua chải nhiều lần chàng muốn vứt đi, thư từ công từ cuộc hành quân trước cú lọc, cứ lọc để vứt đi ... Cuối cùng còn lại thư cha mẹ, và một mẩu rất ngắn của cô bạn gái có đôi mông mọng đỏ dầy dặn và đôi mắt một mí rất á đông...

Chơt chàng nghe thấy tiếng khúc khích từ một cãi võng rung quằn quại gần đó... Chàng biết chuyện gì đang diễn ra ở đó.
Chàng bổng cảm thấy buồn nôn. Cái gì đó tanh lợm dâng ứ họng chàng... Chàng nôn, nôn thốc nôn tháo...
... Chàng không hiểu nổi nhân tính của đa phần những người đi cùng chàng. Cuộc sống cạn kiệt sức lực, phô bầy đói khát tuyệt vọng... Ranh giới mù mờ giũa sống chết, nỗi hoảng loạn giữa danh dự và nỗi lo đứng trước toà án binh xáo trộn nháo nhào. Nó làm ngắn lại ranh giới giữa con với người... , nó làm bản lĩnh con người chỉ còn ở chỗ SỢ, sợ cho mình, sợ cho cha mẹ, anh chị, sợ cho gia tộc xóm làng... Nỗi sợ xuyên suốt, dai dẳng, khi là giọt nước mắt chắt mặn, khi là vốc mồ hôi trắng áo quần, có lúc lại là dòng máu chảy từ vết răng khoé miệng...
Thế mà họ vẫn làm cái việc... 
Gọi là giao hoan ư! Hoan hỉ gì lúc này
Gọi là đỉnh cao của tình cảm ư? Tình cảm gì khi chỉ sờ cái muốn và cần từ nhau mà không thèm biết chứ nói gì đến nhớ mặt nhau?!...
... Sau này, chính cô gái giao liên đó nói với chàng:" Em chỉ sợ là mình chết mà không được biết mùi đời thì tiếc lắm.". Chàng hỏi : " Nhỡ có con". Cô thở ra: " Chắc gì sốt rét rừng tha cho em được chín tháng mười ngày? " chàng hỏi: " Cô làm thế với nhiều người à? " " Vâng, họ cũng cần quên cái chết, và em cũng thế...! "

" Trời ơi, là trời! " chàng kêu to và bật khóc..." Trời đất ơi! ..."

( còn tiếp )
Hat Cat 15;10;2015

VÀI MẨU THƠ





DẠI - KHÔN
(Trộm hoạ thơ TRẠNG TRÌNH )

Trót dại, bao giờ mới biết khôn 
Sat na một thoáng biết ai khôn 
Dại xui yên phận là không dại
Khôn chuốc hoạ tai chả phải khôn 
Dại chốn bon chen đâu kẻ dại
Khôn nơi nghĩa khí đó người khôn 
Dại khôn phải biết thời khôn dại
Thuận kiếp ngộ duyên, dại hoá khôn.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

PHÉP MẦU


THIÊN NGA


Mướt mịn tinh khôi trắng nõn nà
Dịu dàng e ấp dáng Tiên Nga
Soi hình nước biếc màu ngà ngọc 
Mơ chốn thiên đàng mây gió xa. 

Hat Cat Dieu Sinh 12/10/2015

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

TỰ CHÚC MÌNH nhân SINH NHẬT


Tự chúc gì đây, chúc gì đây? 
Không màng bán đắt chẳng mua may
Đời men mép đất còn chưa ngán
Tính vút đỉnh trời vẫn cứ say
Nhặt ánh trăng rơi treo dọc tối
Gom tia nắng rụng tãi ngang ngày
Bình an năm tháng mây cùng gió
Qua được một ngày, lãi một ngày.

Hat Cat 06/10/2015
67 tuổi tròn












Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Cụ BÙI HẠNH CẨN, " GIANG HỒ VẶT", DẠO CHƠI TRÊN MÁY TÍNH / Vương Tâm


ANTĐ - "Với tôi, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn là một mẫu người nho giáo tài hoa bậc nhất còn sót lại của đầu thế kỷ 21. Khiêm tốn nhã nhặn, thâm sâu trong ý tưởng và đặc biệt hóm hỉnh trong giao tiếp. Nói về chữ nghĩa thì dân “nho nhe” tí tẹo như chúng tôi coi ông là bậc “Giáo sư” lão trưởng và nức tiếng..."

Nghiện trầu và vẽ tranh chữ

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

LÁ PHONG ĐỎ BƠ VƠ


TỰ NHIÊN NHỚ LẠI THỜI  SINH VIÊN RẤT XA...                                                                                   Gửi LÝ HQ
Bắc Kinh mùa thu
            một thời ngây thơ
            một thời bỡ ngỡ.
Lá phong sẫm đỏ
            hoàng hôn
                        chiều
                             vương nhẹ
                                             bờ vai.

Bắc Kinh
 Mùa thu đơn sai
 Da diết ngày về
                      không ước hẹn.
Thăm thẳm
             trời
                    xanh biếc.
Lang thang
             gió lạnh 
                       bay
Muà thu
            nghiêng nghiêng
                         bóng Trường thành
                         lấp ló trong mây.
Tay nắm chặt tay
 mồ hôi nhỏ giọt.
              Lưng núi 
              vẹt gót giầy
                            học Thần Nông hái thuốc .
              Gùi cỏ cây trĩu đôi vai gầy guộc
              vẫn bay bổng ước mơ.
***

Rồi...
Bất thần
Mây vần
Bão nổi _ Mùa thu
Trường học không mở cửa.
       Không một ai đến cả!
- Anh đi đâu?
               không thấy bóng người 
               không nhắn gửi nửa lời .
- Anh ở đâu? 
- Công xã?- Thảo nguyên?
Hay góc rừng, xó núi?!
Em không dám hỏi.
               Vì nếu mà em hỏi 
               Người ta sẽ không cho anh trở lại
                                                   với em,
                                                    đi hái thuốc                                                                                          Trường Thành.
... Sân trường
                Lần gặp cuối
                                 vô tình.
                 Tóc em xõa dài. Gió nổi
                 Anh ngập ngừng, bối rối
                lúng túng mỉm cười:"Tóc em ... ''
                           vời vợi mắt ai trong
                          biêng biếc trời thu  long lanh.
Lá phong theo ngọn gió
              rạc rời    
                        lả tả
                               bay bay.

Bần thần. Mong manh.
Ngơ ngác.
                   Tháng ngày.
... Bắc Kinh
      Mùa thu tiếp mùa thu
                           Âm u
         Trường vẫn không mở lại
          Chỉ màu xanh quân đội .
                khắp mọi nơi mọi lối.
Xa?   Xa!
   Xa mãi  mãi!..

***

Bắc Kinh! Bắc Kinh!
Bao lần em trở lại.
                Nhớ? Quên?
               Một thời thơ dại
... Bắc Kinh.
              Mùa xuân hoa rực rỡ đầu cành
               Mùa hè thơm ngọt trái
               Mùa thu
                chỉ có mùa thu xa ngái...

Lá phong rực ráng chiều
                vương
                         đường qua lối lại
                                                    bơ vơ!




Vĩ thanh:
 Cho đến hơn 40 năm sau,
Lá phong bay đến từ nửa kia địa cầu
trắng xóa
Kỷ niệm xưa nghẹn ứ
sầu