Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

THAM KHẢO HỮU ÍCH

 CÁCH ĐỌC KẾT QUẢ SINH HÓA MÁU

GLUCOSE là đường trong máu. Giới hạn bình thường từ 4,1-6,1 mnol/l.

XIN ĐỪNG ĐÁNH ĐU CÙNG GIÓ


chao đảo đu tình
như nghẹt thở, như hụt hơi
Mình ơi!
xin đừng đánh đu cùng gió!

Cột tình veo vọ
dây tình mỏng tang.
nắng sợi vàng
mây bông trắng
hút vào trống vắng.
oà về rỗng không.

Gió xoáy vòng
gió lạc xua tình cạn kiệt.
Tình hoang đường
 tình oan nghiệt
thắt cỏ gió đồng trinh.

thôi mình
xin đừng đánh đu cùng gió!

Hat Cat 28/04/2017

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

VỤN

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, ngoài trời và thiên nhiên
( toát mồ hôi cho cả 2 giờ đồng hồ đi tìm chìa khoá cửa. Lúc hết hy vọng mới lần lại cái túi đựng cuộng hoa lá. 
Nó nằm đấy - Cái chìa khoá! May mà chiều quên không đổ rác! 
Rồi bỗng sính Triết lý)

CUỐI CÙNG RỒI SẼ BÊN NHAU

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên
... Mặc cho vẫn gió ngược xuôi
Đất vẫn đất, giời vẫn giời.
Muôn năm

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

CÀNG ĐỌC CÀNG THÈM ĐỌC - ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN



ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN CỦA GÖDEL: KHÁM PHÁ TOÁN HỌC SỐ I CỦA THẾ KỶ XX

Dường như Einstein không tìm thấy ai hiểu mình hơn Gödel, đến nỗi có lần ông nói với mọi người rằng ông đến văn phòng của ông trong Đại học Princeton “chỉ để có cái đặc ân được cùng đi bộ với Gödel về nhà”. (Ảnh: Internet) 

Bài giảng của Perry Marshall
( bản lược dịch củaPhạm Việt Hưng.)

Gottfried Leibniz:

“Không có toán học chúng ta không thể đi sâu vào triết học. Không có triết học chúng ta không thể đi sâu vào toán học. Không có cả hai chúng ta không thể đi sâu vào bất cứ thứ gì”.

Galileo Galilei:

“Toán học là ngôn ngữ Chúa [1] viết trong vũ trụ”

NỖI NHỚ



Liu riu là nỗi nhớ mình
Cài khuya, sao đính bồng bềnh ngọn cây
Giở giời khiến gió cay cay
Khiến mưa đăng đắng gáo đầy, gầu vơi.
Sẻn so cả ánh ma trơi
Tằn tiện đêm ém củi vùi trăng suông.

...Lửng lơ một tiếng vạc buông
Giật mình.
Gà bỗng gáy dồn sang canh.

Liu riu là nỗi nhớ mình.

Hat Cat 24/04/2017 



Đỗ Thị Xuân Lan TẢN MẠN VỀ YÊU VÀ CHIA XA

TẢN MẠN VỀ YÊU VÀ CHIA XA
(Cảm nghĩ của Orchid về bài thơ BẾN SÔNG XƯA của HẠT CÁT)


    Mấy hôm nay ngày hè rảnh rỗi, tôi lang thang đọc trên mạng nhiều hơn, thấy ở đâu đó trong cuộc sống người ta yêu nhau, rồi lại ghét nhau, rồi hận nhau sao mà dữ dội quá. Những giá trị đẹp trong tình yêu phải chăng đã bị lu mờ nhạt nhòa bởi tiền, bởi nhịp sống gấp gáp vội vã. Tôi lần giở tập thơ Hạt Cát ra đọc những bài thơ tình cô ấy viết, những vần thơ khi thì bay bổng dịu dàng, khi sổi nổi cuồng si, khi buồn đến se lòng nhưng đều là nhịp đập của yêu thương, hướng đến vẻ đẹp trong tình yêu, tôi thì thầm một mình: “Yêu nhau nếu phải chia xa, ứng xử như hai nhân vật trong bài thơ  BẾN SÔNG XƯA

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

HỆ LUỴ



Tơi bở mối tơ
đời hệ luỵ
phù sa cuộn dòng xô bể
cửa sông tướp xơ.

Xộc xệch doi cát bờ
nước ào lấp liếm
dấu chân xiên
lưỡi sóng rát bước ai.

gió dai
nắng dài
 xuyên thấu nước
dòng trong mang mang ánh bạc.
...
xác xơ ai
ảo huyền ai 
tội nghiệp riêng chung.

Hat Cat Diệu Sinh
19/04/2017

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

BỜ CÁT RÊU PHONG



mỏi rồi ngóng trông
mòn rồi chờ đợi
 phiêu du bơ bải.

Tình
bệt ngồi bờ cát rêu phong.

lòng rỗng không
dạ rỗng không
 khát giá đồng lều chợ
vét rượu men rớt hũ.

Tình
bệt ngồi bờ cát rêu phong.

thôi! 
xong.
Ta về cửa thiền buông gió
ta về chốn mây gài cửa

Hoang vu người
hoang vu đời
trả đủ.

Tình
bệt ngồi  bờ cát rêu phong. 

Hat Cat 19/04/2017

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

NGÀN NĂM ƠI!...


CẢM NGHĨ của ORCHID KHI ĐỌC BÀI THƠ “NÕN NÀ ƠI” của Hat Cat Diệu Sinh


        Tình yêu đôi lứa là
 đề tài phổ biến trong thơ, hầu như nhà thơ nào cũng có làm thơ về chủ đề này. Thơ giúp con người diễn tả mọi cảm xúc trong yêu đương như nhớ thương, đợi chờ hò hẹn, hờn dỗi, hạnh phúc, khổ đau, chia ly… nhưng cảm xúc của những phút thăng hoa trong tình yêu vợ chồng thì rất ít nhà thơ chạm tới, bởi đó là một chủ đề khó. Cái khó ở chỗ người ta thường định kiến về chuyện chăn gối là thô, là tục, là thấp kém, là cần che đậy dấu diếm,… Vậy mà nhà thơ Hạt Cát đã làm thơ về chủ đề ấy, bài NÕN NÀ ƠI vượt qua được định kiến khi nói về cái tình chăn gối vợ chồng, mang đến cho ta những ý thơ đẹp đẽ chân thực và đầy chất thi ca.

       Vào một buổi sáng lang thang Facebook trong khi đợi đến tiết dạy, tôi đọc bài thơ NÕN NÀ ƠI của Hạt Cát và cảm thấy rất thú vị.  Hôm nay ngày hè rảnh rỗi, tôi chia sẻ điều thú vị đó cùng các bạn. Trước hết giới thiệu với các bạn nội dung bài thơ NÕN NÀ ƠI (Xem ở link: https://www.facebook.com/hat.cat.92/posts/626099877525140?comment_id=626596477475480&notif_t=like)
        Ở khổ thơ đầu:  “Nõn nà là nõn nà ơi!
                                   Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?
                                   Khum tay nhẹ vợt hương hoa
                                   Trái là mật ngọt, phải là nhuỵ thơm.
                                   Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn
                                   Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn.
        Tác giả chẳng nói đến một nhân vật nào, tuy nhiên chỉ qua câu cảm thán, nhẹ nhàng như hơi thở “Nõn nà là nõn nà ơi!”, liền sau đó là câu hỏi dịu dàng: “Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?” ta thấy có hai người nam nữ đang yêu, rất dịu dàng thì thầm cùng nhau. Trong khung cảnh khuya đêm, sương rơi nhẹ trên búp hoa trà tỏa hương thanh khiết, hai người yêu nhau đến bên nhau thật là tự nhiên, trao cho nhau những nồng nàn, dịu ngọt của tình yêu: “Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn - Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn”. Lối ẩn dụ tu từ trong hai câu này thật đặc sắc, rõ ràng chẳng phải mùa xuân đang “khẽ khàng hôn” và “nồng nàn ôm” một ai, hiểu như thế ta thấy ngay sự vô lí. Ở đây từ “xuân” là chỉ hai người yêu bên nhau, tình yêu đã làm cho họ thành mùa xuân của nhau trong đêm yêu. Cỏ cây dâng hương thơm vị ngọt cho đêm tình yêu, hay tình yêu của họ mang hương thơm vị ngọt cho cỏ cây thì không thể phân biệt được nữa, chỉ còn lại: “nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn”.
       Hai câu thơ tiếp theo là lời thủ thỉ trao gửi yêu đương, tâm tình nhớ thương của người nam nói với người nữ:
                                 “Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn
                                 Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai”
      Tác giả đã rất khéo léo khi diễn tả sự tinh tế của người phụ nữ ở chỗ nàng đền đáp lại tâm tình của chàng trai không bằng lời nói, mà bằng dáng vẻ yêu kiều, quyến rũ, trẻ trung, gợi tình: 
                                  “Mịn mềm buông lọn tóc mai
                                  Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê”
      Trong bốn câu trên, cũng vẫn với biện pháp ẩn dụ tác giả dùng từ “xuân” lúc là chàng, lúc lại là nàng rất tài tình. Tác giả cho nhân vật nam dùng từ “xuân” để xưng hô với người yêu: “Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn. Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai”nghĩa là chàng nói với nàng: “ngày tháng trôi qua anh vẫn hoài yêu và nhớ em”, còn câu: “Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê” thì đích thị là cử chỉ dáng diệu của nàng, không thể lẫn lộn.
      Tác giả diễn tả cuộc yêu đương mê đắm, cuồng si chỉ có hai người biết:
                                  Nụ yêu đắm đuối đê mê
                                 Chốn đào nguyên má môi kề má môi! 
                                  Yêu cho lật đất, sụt giời
                                 Cho tương tư rối bời bời áo khăn.
      Bằng lời thơ tự nhiên phóng khoáng, tả thực nhưng không thô bởi cách dùng từ độc đáo, biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng tinh tế, những “nụ yêu”, “má môi kề má môi”, hoặc cho đến đỉnh cao của các cung bậc cảm xúc yêu đương: “ Yêu cho lật đất, sụt giời, Cho tương tư rối bời bời áo khăn”, làm cho người đọc sẽ liên tưởng chuyện gối chăn, tác giả tả rất thật nhưng vẫn cứ tự nhiên, cứ đẹp đẽ ngời ngời vẻ đẹp phồn sinh mà tạo hóa đã đem đến cho cuộc sống lứa đôi. Hạt Cát đã rất tài tình viết những vần thơ vượt qua được định kiến mà người đời vẫn thường nhìn nhận về cuộc yêu là thú vui xác thịt, là thô tục. Hạt Cát phải có tài thơ thiên phú mới xử lí được tình huống này hay đến vậy, vẻ đẹp phồn thực được khắc họa thanh thoát bởi ngôn từ đặc sắc, nâng cánh cho cảm xúc thăng hoa đến vậy. Đọc thơ Hạt Cát tả vợ chồng chăn gối, tôi bất giác nhớ đến nữ thi nhân Hồ Xuân Hương, bà cũng có những tuyệt bút khiến người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp phồn thực của Thiếu nữ ngủ ngày: “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm. Một lạch đào nguyên suối chửa thông”.
    Người ta thường nói đến vẻ đẹp trong quan hệ tình cảm là: “ sống có tình, có nghĩa”.  Sau khi “yêu cho lật đất, sụt giời”, hai người nam nữ đã nghĩ gì về nhau, ta hãy đọc tiếp bốn câu thơ tiếp theo để thấy nét đẹp nhân văn trong đoạn kết. Ân tình hẹn thề thủy chung họ giành cho nhau, hứa hẹn mở ra cái kết có hậu, tình nghĩa bền lâu : 
                                        Là duyên là nợ vạn năm,
                                        Là tơ vương rút ruột tằm chuốt tơ.
                                        Là xưa đợi, là mai chờ...
                                        Là muôn kiếp dệt áng thơ tặng tình.
     Dư vị của cuộc yêu còn theo mãi trong kí ức:
                                      Nõn nà dáng, nõn nà hình
                                      Xuân tình trong vắt ngọt lành hương mây
                                      Nõn nà tỉnh, nõn nà say 
                                     Vòng tay bỏng rát vòng tay lửa bồng.
                                      Khát khao tình ém đáy lòng...
                                      Nõn nà nhé! 
                                      Đợi tương phùng một mai!
     Một điều độc đáo phải nói đến trong bài thơ là tác giả cho người nam gọi người nữ bằng từ NÕN NÀ, như người ta hay gọi người yêu âu yếm là “mèo con”, “honey”….. Ta hãy tìm hiểu về “nõn nà” trong dân gian Việt Nam. Tôi đã đọc được bài “Nõ (nõn) nường _ An Chi (KTNN 224, ngày 10-10-1996)” – link http://tunguyenhoc.blogspot.com/2012/01/no-non-nuong-chi-ktnn-224-ngay-10-10.html, xin trích nội dung sau “Trong tiếng Việt, âm xưa của noãn là nõn. Nghĩa gốc của từ này trong tiếng Việt có xê dịch một tí so với nghĩa của nguyên từ trong tiếng Hán; nõn là dương vật như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tại mục “nõn nường”: “Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng cho dương vật (nõn) và âm hộ (nường) do nhân dân ở miền Dị-nậu và Khúc-lạc (Phú-thọ) xưa làm ra để rước thần; khi rước, những người khiêng kiệu vừa đi vừa hát: Ba mươi sáu cái nõn nường, Cái để đầu giường cái để đầu tay. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõn và nường cho mọi người cướp; con trai cướp được nường, con gái cướp được nõn là điềm tốt”.  Do vậy khi ghép chung thành NÕN NÀ để gọi người yêu trong cuộc yêu thì thật là thông minh, gợi tình, quyến rũ.
     Đọc đến đây ta cảm nhận được một tứ thơ độc đáo: hai người nam nữ trao gửi yêu thương, cả hai cùng toát lên vẻ nồng nàn dâng hiến, mỗi giới một vẻ, tuy hai mà một, tuy một mà hai, người nam chủ động, người nữ giấu vẻ quyến rũ trong cái e lệ kín đáo. Đó là VẺ ĐẸP XƯA trong thể hiện tình yêu trai gái của người Việt ta, đặc biệt là ở người nữ, nàng yêu đó, thương đó, say đắm đó, mà lại e ấp thẹn thùng, vẻ quyến rũ rất đàn bà Việt Nam. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát gần gũi, nhịp thơ linh hoạt để diễn tả tình cảm phù hợp với phát triển tâm lí tình cảm nhân vật, khi  chậm rãi theo nhịp 2-2-2: “Khuya đêm/ ai hứng/ sương lơi/ búp trà?. Khum tay/  nhẹ vợt/ hương hoa. Trái là/  mật ngọt, phải là/ nhuỵ thơm”; lúc nhanh câu 6 chữ nhịp 2-4, câu tám chữ nhịp 2-2-4: “Mùa tàn/ Tình vẫn chửa tàn; Mộng mơ/  xuân vẫn/  bàn hoàn bóng ai”; hoặc “Mịn mềm/  buông lọn tóc mai; Mọng xuân/  yếm thắm/ hoa cài tuyết lê”….
       Ngoài nghệ thuật dùng ngôn ngữ rất tài tình trong thơ tình của Hạt Cát như đã minh họa qua 2 bài thơ “Bến song xưa” và “Nõn nà ơi”, ta có thể thấy Hạt Cát đã cho nhân vật trữ tình trong thơ của mình dù chia xa hay mãi bên nhau đều hướng tới tính nhân văn, chan chứa tình người.


Tác giả Đỗ Thị Xuân Lan ( Lúa Bông ) gửi bài

NÕN NÀ ƠI

Nõn nà là nõn nà ơi!|
Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?
Khum tay nhẹ vợt hương hoa
Trái là mật ngọt, phải là nhuỵ thơm.
Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn
Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn.
Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn 
Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai
Mịn mềm buông lọn tóc mai
Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê.
Nụ yêu đắm đuối đê mê
Chốn đào nguyên má môi kề má môi! 
Yêu cho lật đất, sụt giời 
Cho tương tư rối bời bời áo khăn. 
Là duyên là nợ vạn năm
Là tơ vương rút ruột tằm chuốt tơ
Là xưa đợi, là mai chờ
Là muôn kiếp dệt áng thơ tặng tình. 

Nõn nà dáng, nõn nà hình
Xuân tình trong vắt ngọt lành hương mây
Nõn nà tỉnh, nõn nà say 
Vòng tay bỏng rát vòng tay lửa bồng.
Khát khao tình ém đáy lòng
..Nõn nà nhé!
Đợi tương phùng một mai!


202 - VU LAN: ĐƯỜNG VỀ NHỚ MẸ


Non Côi

200 - GIẤC MƠ ĐÔ THÀNH


Đô Thành
với yên bình trong veo phố
với hiếm hoi  dài rộng ngõ 
Tôi nghe Hà Nội giãn cốt xương...

Sau khấp khểnh oằn mình khét cháy bụi đường
Hà Nội trút bụi mờ nhẹ nhõm
Vẻ xưa xa duyên dáng 
về tươi tắn thanh tân

Lá mịn màng đu nắng dịu dàng xuân
cây xoè mơn man ve vuốt gió
Mảng xanh mây ôm hình hài phố 
Ngụp lặn tung bọt nước tắm táp bờ

Đèn thảnh thơi rắc sáng giọt khuya
 Giọt khuya sánh mật
Sao tinh nghịch chéo xiên
Nghịch ngợm đu trời thả long lanh phủ đất
Mặt đất mấy ngày nay phong quang
Mặt đất mấy ngày nay bớt chật
Không hăng xì khói tắc đường
Không phơi phố trưa cháy mặt 
Không xấu xí khẩu trang hùm hụp mắt
Không kính đen che ánh long lanh.

Em gái xinh...lại  tha thướt dáng xinh
Bà già chợ lại nhẩn nha phố chợ...
...
Có những giấc mơ 
Giấc mơ Đô Thành rất bé - 
Một vài ngày cho thư giãn hiếm hoi
Hà Nội tôi cũng buồn vui nỗi người 
muốn thảnh thơi sau bộn bề chen chúc.

Hà Nội mơ
Một giấc mơ có một ngày là thật
tĩnh lặng trời xanh
ngan ngát hương lành
thảnh thơi gió lùa ngõ vắng 
mềm mịn bầu trời mây trắng
Hà Nội 
Yên bình.
Hà Nội
Tinh khôi.

   

199 -- CHIẾC LÁ RỤNG ( 3 TẾT)


198 -- LÀM SAO? EM... (23 thg 10 2012)




Em sao về sớm được
Biết về với ai đây?
Trăng hạ tuần bàng bạc
Vương bờ vai em gầy

Em  sao về muộn được
Biết ai chờ ai đây?
Hàng cây đêm hoang lạnh
Bồn chồn gió lắt lay

Em về cùng đơn côi
Với bóng em lủi thủi
Nghe lộp độp sương rơi
Rung rinh tàu lá chuối!

Em nhặt câu  ly biệt
Gói ghém lá thu vàng

Ướp hương thu ngan ngát
Chờ  thu sau lại sang.

Người khuất sau ngã tư
Đông đặc đêm thành phố.
Sao phập phù nhen lửa
Sưởi trăng ấm cùng em!

197 - CŨNG THÌ...


Chiếu chèo cuộc đã tàn rồi
Vẽ râu bôi mặt mấy hồi còn không?
Trống chiêng lạc nhịp binh bông
Buông tơ, con nhện mấy vòng giăng dây?

Nhá nhem trời tối mé tây
Lả lơi bóng lá hình cây rắc đường.
Chiều dài lịm lịm màn sương
Khuya dài bóc xóc canh trường mị đêm.

Lối xưa nẻo cũ lạ, quen
Xé xôi xa gói nỗi niềm vò tơ.
Nhạt nhèo mộng cũ, mơ xưa
Rã tàn canh những bơ vơ nỗi người.

Cũng thì... Thì cũng thế thôi.
Mỉm cười gọi tối ru đời giấc  khuya

Hat Cat 05/04/2017





TÌNH YÊU CHIA XA qua BẾN SÔNG XƯA của Hat Cat

TẢN MẠN VỀ YÊU VÀ CHIA XA
(Cảm nghĩ của Orchid về bài thơ BẾN SÔNG XƯA của HẠT CÁT)


    Mấy hôm nay ngày hè rảnh rỗi, tôi lang thang đọc trên mạng nhiều hơn, thấy ở đâu đó trong cuộc sống người ta yêu nhau, rồi lại ghét nhau, rồi hận nhau sao mà dữ dội quá. Những giá trị đẹp trong tình yêu phải chăng đã bị lu mờ nhạt nhòa bởi tiền, bởi nhịp sống gấp gáp vội vã. Tôi lần giở tập thơ Hạt Cát ra đọc những bài thơ tình cô ấy viết, những vần thơ khi thì bay bổng dịu dàng, khi sổi nổi cuồng si, khi buồn đến se lòng nhưng đều là nhịp đập của yêu thương, hướng đến vẻ đẹp trong tình yêu, tôi thì thầm một mình: “Yêu nhau nếu phải chia xa, ứng xử như hai nhân vật trong bài thơ  BẾN SÔNG XƯA của cô Hạt Cát thì cuộc đời đẹp đẽ biết bao”.  Tôi viết những dòng tản mạn suy nghĩ của mình về hai nhân vật trong bài thơ đó, ước cho những đôi tình nhân phải chia xa hôm nay, họ còn có thể gặp lại nhau ngày sau mà cùng mỉm cười khi nghĩ về kỉ niệm, hoặc sẽ gặp nhau hạnh phúc ở kiếp sau.
     Ta có thể  thấy tình yêu dù chia xa nhưng vẫn đẹp qua nghệ thuật tả cảnh tinh tế thể hiện trong bài thơ BẾN SÔNG XƯA. Ở bốn câu thơ đầu với cách tả cảnh ngụ tình cho ta mường tượng có một người trai, lòng xao xuyến khi trở về bến sông của ngày xưa: “Sông xưa, bến cũ đây rồi”. Có phải vì cảnh vật nên thơ hay vì cảnh cũ gợi nhớ đến bóng hình xưa mà chàng thốt lên:
“Sông Xưa, bến cũ đây rồi
Ai đem vệt nắng rắc ngoài thềm trưa?
Bướm hong vàng cánh dậu thưa
Hoa xoan tím gió đong đưa đầu cành”
      Qua một chữ “Ai” được Hạt Cát đặt rất tài tình trong khổ thơ tả cảnh giàu hình ảnh, sắc màu, ta thấy người trai ngày trở về nhìn cảnh vật thì nhớ đến một người. Nếu thử bỏ chữ “Ai” thay vào đó bằng chữ khác, sẽ  không còn thấy cái tình của người trở về bến cũ, mà chỉ là một khổ thơ tả cảnh đơn thuần.  Ở khổ thơ thứ hai chàng trai tự hỏi “Là duyên? là nợ? là tình?”  khi bồi hồi nhớ về kỉ niệm :
“Giếng soi vành nón bóng mình bóng ta
Búp đa rụng đỏ gốc đa
Rễ si quấn quýt vài ba bốn vòng”
       Các câu hỏi dồn dập, nội dung câu hỏi và cách tả cảnh nhằm để tượng trưng, chàng trai dạ bồi hồi nhớ người yêu cũ cùng kỉ niệm xưa mà chẳng cần nói đến hai chữ  “người yêu.  Bởi vì chỉ có trai gái yêu nhau thì mới có hình ảnh lòng giếng soi bóng một vành nón che mình và ta. Kỉ niệm cũ ùa về trong tâm trí chàng, ngày xưa ấy họ đã bên nhau thật lâu, thời gian đủ để:  “Búp đa rụng đỏ gốc đa”; và bên nhau thật gần “ Rễ si quấn quýt vài ba bốn vòng”.
      Nhưng rồi thực tại đã kéo chàng ra khỏi hồi ức, người yêu của chàng không còn ở chốn cũ đợi chàng nữa, với vẻ ngoài bình thản chàng trai che giấu tấm tình bâng khuâng, nuối tiếc, được thể hiện trong cảnh vật của 4 câu thơ tiếp theo:
“ Cắm sào ngồi đợi nước trong
Cầu tre chênh chếch, bóng lồng trăng nghiêng
Âm thầm rêu níu mạn thuyền
Bến Xưa vẫn đấy, mà duyên đâu rồi?!
        Bốn câu này là cao trào của cảm xúc nhớ nhung nhưng được kìm lại, bởi đây là một chàng trai có nội tâm mạnh mẽ, giữ vẻ ngoài điềm nhiên chàng lặng lẽ ngồi đợi ngày tàn dần, trăng lên trên bến sông : “Cắm sào ngồi đợi nước trong - Cầu tre chênh chếch, bóng lồng trăng nghiêng”.  Chẳng gặp lại được người yêu xưa, lòng chàng cô đơn, trống vắng nhưng chỉ là âm thầm thôi, trong tâm tưởng chàng biết rằng duyên phận đã hết:: “Âm thầm rêu níu mạn thuyền - Bến Xưa vẫn đấy, mà duyên đâu rồi?!”
       Hai câu đầu của khổ thơ cuối bằng cách tả thực về thực tại hôm nay của 2 người đã từng yêu nhau:  “Em theo ai chuyến đò xuôi - Ngược sông, con nước lưng trời mình ta”. Theo thứ tự thời gian và cảnh vật của cả bài thơ, ta thấy chàng về thăm chốn cũ 1 ngày, khi biết được nàng không còn ở chốn cũ vì đã đi lấy chồng, với chí trai tung hoành chàng lại tiếp tục cất bước mạnh mẽ ra đi, lòng còn vương vấn hụt hẫng, bâng khuâng. Cảnh mây ngàn, nắng đổ chiều tà liêu xiêu đã nói hộ tâm trạng hụt hẫng của người trai lúc ra đi.  Đoạn kết buồn nhưng người trai không bi lụy cũng không oán trách:
Em theo ai chyến đò xuôi
Ngược sông con nước lưng trời mình ta
Mây ngàn quyện bóng nẻo xa
Bâng khuâng nắng đổ chiều tà liêu xiêu”
       Câu chuyện tình yêu như vậy trong cuộc sống rất phổ biến, bằng những vần thơ lục bát mộc mạc gần gũi, nhà thơ Hạt Cát đã vẽ nên một bức thi họa giao hòa sống động giữa cảnh vật và con người, trong đó tác giả dùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tả cảnh tượng trưng hay tả thực đều hài hòa, ý nhị, mang cảm xúc dạt dào đến cho người đọc.


       Tình đến, tình ở lại hay tình chia xa, hãy giữ lại trong nhau những đẹp đẽ của kỉ niệm, những ngọt ngào của cảm xúc, những yêu thương vấn vương sâu thẳm trong tim mà cả hai đã cùng trải qua. Đó là thông điệp quý giá, mang tính giáo dục nhẹ nhàng, đậm đà vẻ đẹp nhân văn trong tình yêu mà tác giả Hạt Cát đã gửi gắm trong bài thơ BẾN SÔNG XƯA.


***
      Tôi có cái thú là giành thời gian để bay bổng cùng thơ của những nhà thơ mà tôi yêu thích, hoặc nghe những bài hát trữ tình của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn. Cách đây hơn 4 năm, khi lang thang trên Yahoo 3600 Plus, tôi đã có một nhân duyên thú vị khi được đọc thơ Hạt Cát Diệu Sinh. Có những bài thơ của Hạt Cát cuốn hút bạn bè trên blog bởi nét cá tính của người bác sĩ quân y già làm thơ với một hồn thơ giàu cảm xúc, những tứ thơ độc đáo, ý thơ hàm súc, lời thơ tự nhiên phóng khoáng, nhưng không vì thế mà dễ dãi trong ngôn từ. Thơ Hạt Cát truyền cảm, khi thì dẫn dắt ta vào cái tình say đắm, nồng nàn của những cung bậc yêu thương; có khi dìu tâm hồn ta bay bổng trước thiên nhiên cảnh vật; có khi cùng ta xót xa, phẫn uất trước những cảnh chướng tai gai mắt trong xã hội; lại có khi cho ta cảm xúc bồi hồi lật giở những trang kỉ niệm sâu đậm của tình cảm gia đình, bạn bè, đồng đội,… Đặc biệt hơn nữa có những bài thơ mang tính giáo dục giá trị truyền thống và vẻ đẹp nhân văn trong tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, cách đối nhân xử thế trước sóng gió cuộc đời…


BẾN SÔNG XƯA
          Kính tặng tác giả BẾN SÔNG XƯA
                 Cụ  Bùi Hạnh Cẩn
                    “….Tôi có người chị họ
                               Nhà ở bến sông Xưa…”
Sông Xưa, bến cũ đây rồi
Ai đem vệt nắng rắc ngoài thềm trưa?
Bướm hong vàng cánh dậu thưa
Hoa xoan tím gió đong đưa đầu cành.
Là duyên? là nợ? là tình?
Giếng soi vành nón bóng mình bóng ta
Búp đa rụng đỏ gốc đa
Rễ si quấn quýt vài ba bốn vòng
Cắm sào ngồi đợi nước trong
Cầu tre chênh chếch, bóng lồng trăng nghiêng
Âm thầm rêu níu mạn thuyền
Bến Xưa vẫn đấy, mà duyên lặn rồi?!
Em theo ai chuyến đò xuôi
Ngược sông, con nước lưng trời mình ta
Mây ngàn quyện bóng nẻo xa
Bâng khuâng nắng đổ chiều tà liêu xiêu.
        ■


         Thôn Vân Nam Định 20-03-2011