Không biết từ bao giờ?
Bắt đầu ở đâu? Do ai phát hiện ra? Mà cứ mỗi khi mùa hè về lại có tiếng ve cất lên. Nếu có phải bộn bề công việc mưu sinh hoặc do nơi sinh sống chẳng phân ra ranh giới bốn mùa rõ rệt, thì cứ nghe tiếng râm ran của dàn đồng ca ấy cất lên là biết hạ đã về…
Hạ về! lại là khởi nguồn cho bao hoài niệm của thời tuổi hồng. Mỗi tuổi mỗi hoài niệm khác nhau. Hình như không ai giống ai cả…
Mùa hạ cũng là khởi nguồn cho cảm xúc thơ ca dâng trào…Thơ về mùa hạ thì nhiều vô kể như lớp lớp sóng trên sông. Không con sóng nào, giống con sóng nào cả… Và Bến Đợi của tác giả Lê Thanh Bình là một con sóng đặc biệt trên dòng sông thơ mùa hạ.
Bến Đợi
(Tặng Một Người)
Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề ...bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời...
Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời...
Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Bài thơ với lời đề tựa “Tặng một người”.Mạch thơ như một tiếng lòng kìm nén lâu năm nay bật lên…Một chủ đề cũ, một thể thơ cổ, được tác giả viết về một hoàn cảnh ra đời không mới ( chia tay, đợi chờ, mong nhớ) Nhưng để chuyên chở được những cái cũ, tưởng như đã rất cũ ấy lại là những ngôn từ mới , những ý thơ mới trẻ trung và khác lạ..mang dấu ấn riêng của người cầm bút rất riêng biệt.
Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề… bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời…
Khiến người day dứt lời thề… bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời…
Người ta thường cảm nhận tiếng ve rộn rã gọi hè! ở đây tác giả thấy tiếng ve thao thiết như tiếng lòng đang bồi hồi trong “day dứt lời thề…” . Bến xưa có một người, tiễn một người! bến sông ấy ở con sông nào vậy? Suốt dải đất hình chữ S chẳng có vùng nào có hiện tượng thời tiết "ác" đến vậy…Vậy chỉ có thể đấy là một con sông vô hình ngăn cách dòng tình cảm. Bởi nó chia đôi thành: “Nửa bên nắng, nửa bên mưa”... Bên mưa thì “rối bời”…nhưng còn “bên nắng” thì sao? Hay vì bên mưa rối bời mà không để ý tới bên nắng cũng đang như mối tơ vò đấy thôi!
Một khổ thơ đầy tâm trạng nhưng tràn ý thơ …Tiếng ve thao thiết này liệu có tiên tri như :
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu ( Chiếc Lá Đầu Tiên- Hoàng Nhuận Cầm)…
Tiếng ve và hai nửa bên mưa, bên nắng ra sao? Ta đành phải nhờ tác giả trả lời để cùng đi tiếp
Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời…
Có lẽ bên nắng đã là “người đi…” mà đi mải miết như “cánh chim trời”. Không hẹn ngày trở lại và chắc cũng chưa một lần trở lại Bến Xưa…
Bên mưa ở lại…nhạt nhoà …dõi mắt “ngóng trông”, mà trong lòng thì “bời bời” nỗi nhớ! Biết là chẳng thể quên đồng nghĩa với nhớ ùa về…Biết là đã mắt nói với mắt, lòng dặn với lòng. Hai trái tim nói với nhau “giấu nhớ vào trong”. Dặn thì dặn thế… Nhưng biết giấu đi đâu? Nơi nào đồng loã cho cất giấu nỗi nhớ ? lại không có ai chỉ đường dẫn lối cho biết. Có khi càng muốn giấu, lại chính là không thể giấu được , cho nên: “Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời”…
Hai câu thơ này cũng chính là hai tia sáng lấp lánh nhất làm điểm nhấn trong bài thơ!
Ngày trước nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có những nỗi nhớ rất đặc biệt
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi (Chiếc Lá Bên Thềm)
Có nỗi nhớ nào trong số nỗi nhớ của thơ Hoàng Nhuận Cầm ở trên đây, là nỗi nhớ mà hai nửa bên mưa, bên nắng dặn nhau “giấu nhớ vào trong” không?.. Điều này có lẽ chỉ có tác giả và “một người”được tặng bài thơ này mới trả lời được…
Căn nguyên dẫn đến nỗi nhớ mong mỏi phải bật lên bài thơ này đã phần nào lộ diện qua khổ kết:
Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???
Chỉ vì một lời yêu, nào có phải dành cho mình đã đành! Ai là ai? Mưa hay nắng?. Mà đang tâm đành đoạn mang “thả cuối trời”! Để rồi mỗi khi hạ về bằng lăng tím nở bên đường…bầy ve rộn ràng ca hát chào cái nắng nồng mùa hạ…đẹp là thế, sống động vui tươi là thế…mà để ai kia bồi hồi thổn thức mà ngỡ chúng “khản tiếng”.
Hạ sang, nỗi nhớ ùa về ngổn ngang…Ai nỡ cắt đi một nửa vầng trăng? phải chăng là “nửa bên nắng” bay đi như cánh chim trời mang theo cả lời yêu “thả cuối trời” xa tít…Nửa bên mưa ở lại…ngóng chờ, mong nhớ để rồi năm tháng lạnh lùng trôi qua…Tóc đã phai màu nắng, mây tím hoàng hôn đang buông rất gần…Chẳng thể đong đếm được kể từ buổi tiễn đưa “rối bời” ấy. Mỗi bên đã giấu được bao nhiêu nỗi “nhớ vào trong”…Biết bao nhiêu lần thao thiết nhớ thương thả hồn theo những âm thanh gọi mùa sang…nghèn nghẹn…Nén lòng…để rồi bật lên tiếng than! Không… hình như là câu hỏi! mà có lẽ là một sự đánh đố “Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???”. Ba dấu hỏi mà tác giả đặt ở cuối bài cùng câu thơ ấy. Tôi thấy lấp lánh viên đá quý chứa đựng trong nó chiều dài của nỗi nhớ mong, chiều rộng của nỗi nhớ thương, có sức nặng của chữ tình…
Một Bến Xưa ngọt ngào không hề xưa cũ chính là Bến Đợi mà tác giả mong “tặng một người”…
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc Tình Nhớ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết cho bài viết này và cũng là một lời chia sẻ gửi tới “nửa bên mưa” của tác giả Lê Thanh Bình.
Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang…Tình ngỡ đã phôi pha. Nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa. Nhưng người vẫn quanh đây ….( Tình Nhớ- Trịnh Công Sơn)
Sài Gòn 9/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
2 nhận xét:
Xuân Sơn Bình thơ hay quá phải không chị! Em sang thăm chị nè! Buổi tối vui chị yêu nhé!
Hì hì... chắc chị của em thích nên bê về .
Đăng nhận xét