Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

 MÌNH ĐÃ HOÀN TOÀN QUÊN CÁCH ĐĂNG RỒI À. 

 NẮNG LỬA 


Chiều đổ lửa

chiều cháy đỏ 

chiều bay


Lảo đảo lá 

say

Lạc mưa 

rộp phỏng

gió rát bỏng

cong queo giời


tối rồi

ráng vụn vướng cành khô nỏ 

bóc xóc phố đêm mất ngủ 

vò nhàu mây côi..


 nóng nung cười

khuya 

bánh đa giòn rụm.


HatCat 23/ 6/2020

 LẠI QUAY VỀ  

lại quay về với blog này 

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ ANH Du Tử Lê ( Lê Cự Phách)

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ ANH Du Tử Lê ( Lê Cự Phách)
——-++++——————-
Xin đọc lại bài cũ
DU TỬ LÊ --- "điều duy nhất / cuối đời / em nên biết " - MỘT VÀI CẢM NHẬN
—————
Lời thưa với tác giả Du Tử Lê và các bạn: Cho tói khi bắt gặp bải thơ" điều duy nhất/ cuối đời / em nên biết "này, tôi hầu như chưa biết gì về ông và thơ ông nói chung.

Là một người lính không dính đến văn chương cũng như chính trị - Tôi ít có thời gian giành cho thơ văn.  Nhung bài thơ này thật sự làm cho  tôi ngay lập tức bị mê hoặc, bị cuốn hút và choáng luôn!...
Tôi xin lỗi tác giả về sự mạo muội khi viết vài cảm nhận nông cạn của mình về thơ ông!
Xin lượng thứ nếu có gì không hài lòng, thưa nhà thơ!
Và dù Du Tử Lê có là ai, ở chiến tuyến nào thì tôi vẫn cứ yêu bài thơ này đến xa xót quặn lòng...

1--Tôi đã cop bài thơ " điều duy nhất / cuối đời / em nên biết" này của Du Tử Lê về nhà mình từ năm ngoái rồi nhâm nhi đọc nó.. Lần nào cũng vậy, mỗi lần đọc là tim tôi như thắt lại. Mặc dù rất muốn nói điều cảm nhận khi đọc bài thơ này. Nhưng... Tôi không biết gì về tác gi nên không dám viết.( Tôi được dạy rằng không biết gì về ai thì đừng nói về họ.)
Rồi khi vào Google, mới hay tác giả vốn là sĩ quan tâm lý chiến của quân đội Việt nam CH; hiện đang sống ở Mỹ làm tôi càng ngại ngần, càng thêm né tránh.

Ngại vì một điều đơn giản: tôi cũng vốn là một sĩ quan Quân đội NDVN. Hai chúng tôi từng ở trên hai chiến tuyến, đối địch về tất cả mọi phương diện trong cuộc chiến tranh dài vô nghĩa, nấu thịt nồi da trên chính mảnh đất quê hương mình: dù thời gian đã đủ dài để quên đi... nhưng dư âm thì hình như vẫn váng vất...
Nhưng bài thơ " Điều duy nhất / cuối đời / em nên nhớ " ắp đầy tình cảm này cuốn hút tôi, khiến tôi vượt mọi nỗi đắn đo, để đọc đi đọc lai và cảm nhận nó. Và tôi chợt ngộ rằng, giống như bao người thuộc thế hệ chúng tôi, tình yêu sáng trong thường giản dị đến đơn sơ và rất mực, thuỷ chung vẹn tròn... như bài thơ này thì thế hệ chúng tôi đâu có gì khác biệt, đâu có gì để phân chia thù hận?!

Và tôi nghĩ: một người biết yêu thương như người viết bài thơ này không thể là người ác độc được. Cái gọi là hận thù bị dựng lên bởi những tầng lớp, những chủ nghĩa và tư tưởng khác biệt mà thế hệ chúng tôi bị áp đặt đã chia rẽ sự cảm thông của người dân Việt với nhau. Chúng tôi bị đẩy sang hai phía. Sao chúng tôi không phá bỏ hệ tư tưởng đã chia rẽ con người mà lại đi chống phá, nghi ngại lẫn nhau?...
Rồi may mắn  tôi được một người bạn tặng cho cuốn thơ Du Tử Lê...
Tôi gặp ở đó không phải người đối địch mũ áo rằn ri như bao năm tôi vẫn mường tượng theo những điều tôi được học, được đọc. Mà chỉ thấy hiển hiện một tâm hồn mỏng manh , nhạy cảm đến tận cùng...

2-- Nhà thơ Du Tử Lê quá nổi tiếng... Tôi vốn ngại người nổi tiếng, tuy rất ngưỡng mộ họ, nhưng tôi chưa bao giờ bị sự nổi tiếng cuả ai đó làm choáng ngợp.
( tôi cũng từng hân hạnh được biết và quen một ít người nổi tiếng, trong đó có cả những người là người thân của tôi... Thường trong cuộc sống của tôi, nhưng ai giống tôi về suy nghĩ, thân thiện chân thành trong cuộc sống mà tôi yêu quý được họ và ngược lại thì thành bè bạn thân yêu. Ai quá cao ngạo ta đây: nhìn xung quanh kiểu " mục hạ vô nhân"thì họ dần dần mờ nhạt trong bộ nhớ của tôi cho đến khi mất hẳn.... Tính tôi vốn gàn quải vậy! )
Với lạị tôi vốn là dân kỹ thuật, công việc chuyên môn không có chỗ cho mơ mộng bay bổng và thêm nữa. tôi không mấy cảm tình với giới văn nghệ sĩ ( mặc dù cha chú tôi có nhiều người trong giới " lãng mạn " này...)
Vì những điều e ngại ấy, nên khi gặp bài thơ " Điều duy nhất..." làm tôi gần như bị choáng này... tôi cứ im lìm nhâm nhi, nhấm nháp kỷ niêm giản dị như hơi thở, đời thường  như vốn vậy và nỗi đau mất mát do vô nghĩa gây ra...

3-- Tôi đọc như tụng như niệm bài thơ.... Tôi nghe ai đó thủ thỉ với Người con gái thân yêu xa cũ của mình...  nếu có quay về nơi chốn xưa, thì lòng hãy lắng nghe xôi xa nhắn gửi từ trái tim khắc khoải đau đáu của Người dĩ vãng:
" khi em tới, băng ghế này đã có người ngồi.
phố thay da và, cây áo mới.
dù rất muốn, những con chim bồ câu già, lười chẩy thây
cũng chẳng thể nói gì với em
về kỷ niệm sót, rớt của đôi ta"
Tôi nếm tứng tí một dư âm chát đắng lẫn ngọt ngào và lặng lẽ theo bước chân của hai người từng yêu nhau ....
... "khi em tới, ngôi quán kia đã treo bảng closed
sorry we’re closed.
vĩnh viễn closed.
nghe đâu vợ chồng chủ nhân ly dị....
dù rất muốn, đám bàn, ghế thất nghiệp
cũng không thể kể cho em nghe
những lần một mình anh tìm đến"
..." khi em tới, ngôi nhà kia đã có chủ mới.
viên gạch rêu dưới vòi nước rỉ còn đấy.
chỉ những con dế cư ngụ nơi hàng rào xi măng bị bệnh đậu mùa
(ca hát suốt bao nhiêu mùa hè của tình yêu ta!)
là không còn .
chúng đã chết.
dường chỉ ít ngày..."
Cứ thế âm thầm, chốn xưa không như cũ, người xưa cũng biệt xa..
Ngôn từ đơn sơ, lời thủ thỉ không chau chuốt bóng bẩy, liệt kê những nét cũ bàng bạc như cào vào quá khứ bằng gai mây rối rắm xây xát dọc ngang... Để lại trên thịt da quá khứ những vết xước cào rướm máu. nỗi đau bật máu mà vẫn nhẹ nhàng lặng câm...
Có lẽ vì tôi cũng có những kỷ niệm nao lòng với xưa xa thành phố và tuổi học trò thơ ngây thánh thiện một thời... Nên ở bài thơ " điều duy nhất ..." tôi tìm thấy tuổi thơ tôi ở đó , tình yêu tôi ở đó, xót xa cũng đó và tiếc nuối cũng ứ dồn nơi đó - nơi tình yêu tôi và thành phố tôi yêu đắm chìm trong ký ức xôn xao...
Tôi đau với nỗi đau của người đàn ông thầm thì nhán nhủ lời nhẹ khẽ chỉ đủ cho người nghe gợi nhớ về những quán hàng, những con phố họ qua....
Ngác ngơ vì xưa cũ cả cảnh lẫn người đều đã lụị tàn, những con chim, con dế già nua cũng không còn lưu chút gì của ngày tháng ấy.
Một xôi xa lặp đi lặp lại " khi em tới..." đến cồn cào, đến chuếnh choáng trong hoài niệm như yên ngủ, như bị vùi sâu dưới tận cùng quá khứ...
Rồi sự khẳng định ở khổ thơ nào cũng như đinh đóng cột - như khảng định tình yêu bất biến bắt rễ trong lòng:
...." chỉ riêng trái tim ta còn băng ghế trống.
...."chỉ riêng trái tim ta
có ngôi quán ....
chẳng bao giờ đóng cửa.
..."chỉ riêng trái tim ta
còn nguyên ngôi nhà, xưa;
..."chỉ với riêng trái tim ta:
thành phố không bao giờ thay đổi....
Người yêu xa cũ với cuộc đời dành cho tình yêu thánh thiện ngày xưa, sự thẳng thắn như áp đặt trong ngôn từ với em ... của tác giả như khẳng định một sự bất biến không gì phá vỡ nổi cho tình yêu của họ...
"em có thể trở lại bất cứ lúc nào
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết/
Câu nói thơ lặp đi lặp lại khẳng định tất cả cái gì xưa cũ vẫn đây,  người xa xôi xưa cũ vẫn còn có một nơi ấm áp để về bất kỳ lúc nào nếu cô muốn
Và để không như sự mời có vẻ ép buộc, lời nhắn nhủ thoáng như một mong đợi từ chốn an lành
:em có thể yên tâm trở lại lúc nào em thích
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết/"
Điều duy nhất ấy là điều một nửa thế gian này mông đợi. nếu mà ai cũng có trái tim rộng mở và lòng yêu thuỷ chung, sự bao dung và tôn thờ... thì làm gì có chiến tranh, có hận thù, làm gì con người bị đẩy đau thương, chết chóc vô lý và chia ly vô vọng?!
Tôi tin là Du Tử Lê làm được điều này. vi Thơ là Người.
 Thơ càng sâu sắc thì càng giản đơn như cuộc sống vốn vậy, thì Người thơ Du Tử Lê này nhất định phải là như thế!
Đó là:
,.." khi em tới
bất cứ nơi nào,
nhớ cất trong xắc tay
hay trong túi đeo vai
những chiếc khăn giấy rút ra từ hộp tình yêu ta
bất hạnh.
Cũng chính là:
"điều duy nhất /cuối đời /em nên nhớ/
giống như ta? – chẳng có được bao người!?!!

Đọc đến đây thì tôi chợt oà lên, ngộ ra đây chính  là điều mà bao giấy mực đã viết về nhà thơ" vĩ đại của mọi thời đại" này. Tôi gần như nghẹt thở và trào dâng sự ngưỡng mộ tự đáy lòng với bậc thày thi ca Du Tử Lê, và thấy đời thật đáng sống biết bao khi vẫn còn tình chung thuỷ, và người chung thuỷ đến thế!

Và dù Du Tử Lê có là ai, ở chiến tuyến nào thì Tôi vẫn cứ yêu bài thơ này đến xa xót quặn lòng...

4-- Tôi không phải là nhà thơ, càng không là người biết bình thơ.  Nhưng khi đọc bài thơ " điều duy nhất / cuối đời / em nên biết" với những lời lẽ giản dị như tình yêu chân thành thuỷ chung luôn vốn vậy... thì nước mắt cứ ậng lên. ... Bây giờ khi đang gõ những dòng này... tôi cũng thế!

May mắn thay trong cói lộn xộn, dối lừa này vẫn có tình trong veo, có người chung thuỷ.!

Nhà thơ Du Tử Lê - Một đam mê / một mơ mộng/ một triết lý / một thực thể Ông với chắc chắc NIỀM YÊU khiến thế gian dù bị dối lừa, bị bội phản hay được yêu thương... neo lại niềm tin mãi mãi ở Cõi yêu trong trắng
Dù biết Thơ cũng vẫn chỉ là Thơ
Nhưng đọc bài thơ này, Cuộc đời bỗng nhẹ bẫng và tình yêu thành bất tử!
Cám ơn nhà thơ Du Tử Lê
*
 điều duy nhất cuối đời /em nên biết/
(12/07/2014 02:52 PM) Tác giả : Du Tử Lê
1.
khi em tới, băng ghế này đã có người ngồi.
phố thay da và, cây áo mới.
dù rất muốn, những con chim bồ câu già, lười chẩy thây
cũng chẳng thể nói gì với em
về kỷ niệm sót, rớt của đôi ta
hạnh phúc: - những cọng rác chứng gian, mục trong 
tổ ấm hoác. 
chỉ riêng trái tim ta còn băng ghế trống.
em có thể trở lại bất cứ lúc nào
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết/ 
2.
khi em tới, ngôi quán kia đã treo bảng closed
sorry we’re closed.
vĩnh viễn closed.
nghe đâu vợ chồng chủ nhân ly dị
những món ăn hợp với khẩu vị và, sự kiêng khem của em
(thí dụ: ít đường, muối và, mỡ…)
đã theo họ (mỗi người) về một nơi chốn khác.
dù rất muốn, đám bàn, ghế thất nghiệp
cũng không thể kể cho em nghe
những lần một mình anh tìm đến. 
chỉ riêng trái tim ta
có ngôi quán
mở cho những người có khẩu vị và, sự kiêng khem như em
(thí dụ: ít đường, muối và, mỡ…)
chẳng bao giờ đóng cửa.
em có thể trở lại bất cứ lúc nào
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết/
3
khi em tới, ngôi nhà kia đã có chủ mới.
viên gạch rêu dưới vòi nước rỉ còn đấy.
chỉ những con dế cư ngụ nơi hàng rào xi măng bị bệnh đậu
mùa
(ca hát suốt bao nhiêu mùa hè của tình yêu ta!)
là không còn .
chúng đã chết.
dường chỉ ít ngày
trước khi con mèo tam thể của ông bà Smith
hàng xóm ta
bị tai biến mạch máu não.
(ngay giò lan treo dưới mái hiên xám
cũng còn không sống nổi giữa đợi, chờ bặt, bặt
nói chi tình yêu!)
chỉ riêng trái tim ta
còn nguyên ngôi nhà, xưa;
còn nguyên mưa, nắng, cũ.
chẳng một ổ khóa nào bị thay
dù thời gian có thể đã rỉ cứt sắt trong chúng.
em có thể trở lại bất cứ lúc nào
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết.
4
khi em tới thành phố này đã đổi thay nhiều quá.
em có thể đi lạc.
em có thể không tìm ra cái ngã ba, ngã tư
(nơi chúng ta giận nhau /hôn nhau /chửi nhau / đánh nhau…
và khóc…/)
dù rất muốn, nhưng không một ai đủ kiên nhẫn nán chờ
để kể em nghe
chuyện một người (rất giống anh)
đã sống thêm nhiều năm ở đây.
nhưng, tiếc thay
chính ông ta lại là người bỏ đi… trước nhất!

chỉ với riêng trái tim ta:
thành phố không bao giờ thay đổi
(nên chẳng ai bị đi…lạc bao giờ!)
em có thể yên tâm trở lại lúc nào em thích
điều duy nhất /cuối đời /em nên biết/
5
khi em tới
bất cứ nơi nào,
nhớ cất trong xắc tay
hay trong túi đeo vai
những chiếc khăn giấy rút ra từ hộp tình yêu ta
bất hạnh.

điều duy nhất /cuối đời /em nên nhớ/
giống như ta? – chẳng có được bao người!?!!
***********************************
Tác giả : Du Tử Lê
ĐÊM ĐI HOANG

Đêm đi hoang rủ gió đi hoang
vàng trăng ngọn cỏ 
sương đầm lá
có gì đau rát lối khuya? 

Đêm đi hoang rủ mây đi hoang
chạm sao cánh mẻ
con nhện già hối hả 
giăng tơ buộc cánh gió hoang

Tiếng chim hoang thảng thốt gọi đàn
Gom ấm về hơi tổ
trời tây tắt gió
chợt giống cuốn bụi mù đêm.

Chim đi hoang nham nhở vệt đen
Gió đi hoang phà làn hơi lạnh
Mây đi hoang Ngân hà đổ bệnh
Đêm đi hoang 
hơ huếch 
trống 
sao trăng.

Hat Cat 18/06/2017


Vũ trụ quá rộng lớn và luôn ẩn chứa những điều huyền bí mà khoa học chưa thể lý giải. Từ xưa đến nay, các triết gia, nhà khoa học, vật lý học không ngừng đưa ra giải thích về vũ trụ và thời-không, trong đó có thuyết về các thế giới song song hay đa thế giới. Dưới đây là 4 hiện tượng đời thực củng cố cho lý thuyết này.

“Thuyết vũ trụ song song” hay “Khái niệm đa thực tại” (Relative State Formulation) được Hugh Evereett III đưa ra lần đầu tiên vào năm 1957. Không lâu sau đó, Bryce Seligman DeWitt đổi tên lý thuyết của Evereet và giới thiệu nó đến với công chúng, và đưa ra thuật ngữ phổ biến ngày nay “Sự diễn dịch về đa thế giới” (Many-worlds Interpretation).
Cũng có những người khác, mỗi người cố gắng giải quyết vấn đề thuyết lượng tử và khái niệm của Everett. Nhiều bộ óc khác nhau và nhiều nhân vật đã đi vào lịch sử cũng đã đưa ra rất nhiều lý luận.

Tuy nhiên, không cần biết có bao nhiêu lý thuyết được đưa ra, cũng không cần biết người ta làm cách nào để chứng minh cho việc tồn tại một thế giới song song; những hiện tượng vẫn thường diễn ra trong đời sống và được lan truyền trên khắp thế giới dường như đã đủ khiến chúng ta tin rằng có một thế giới khác tồn tại cùng với thế giới chúng ta.
1. Ma và những hiện tượng huyền bí
Đây là ảnh chụp một hồn ma xuất hiện ở cung điện của vua Henry VIII vào thế kỷ 16. Bức ảnh xuất hiện trên đoạn phim CCTV sau khi nhân viên bảo vệ được thông báo về một người nào đó nhiều lần mở cửa thoát hiểm.
Ngoài những hình ảnh ma quái, nhiều trường hợp kì dị xảy ra khiến chúng ta kinh ngạc, và chỉ có thể giải thích rằng, những thế giới song song đang đan xen vào nhau. Một bóng ma, một nỗi ám ảnh, hình ảnh người đã khuất, đều cho thấy có lẽ cá nhân đó vẫn sống và đang ở thế giới khác, và đơn giản là chúng ta may mắn nhìn thấy thế giới của họ.
Chính xác hơn đó có thể là một “thế giới song song” dành cho người đã chết.
2. Túc mệnh thông và sự biến đổi của dòng thời-không

Túc mệnh thông là một loại hiện tượng tâm linh kỳ lạ. Túc mệnh thông xảy ra khi bạn có cảm giác rằng mình đã trải qua sự việc tương tự từ trước đó và nó đang lặp lại. Với túc mệnh thông, bạn thậm chí có thể biết trước được chuyện sẽ diễn ra tiếp theo.

Sự biến đổi của dòng thời-không(*) (Alter vus) là hiện tượng xuất hiện trong câu chuyện của John Titor khi ông diễn tả về việc một người nhớ đến một dòng thời-không khác nhau. Đó là sự mâu thuẫn trong trí nhớ, một sự thay đổi trong thế giới họ đang sống.
(*): Dòng thời-không (Worldline) mô tả về tất cả sự việc mà một đối tượng trải qua khi di chuyển trong cả không gian và thời gian, thường được gọi là thời không. Dòng thời-không của một đời người bắt đầu từ khi người đó được sinh ra và nơi họ được sinh ra.
Người có năng lực túc mệnh thông có thể nhìn thấy hoặc “nhớ” nhiều thứ trong nhiều dòng thời-không
.Cả hai sự việc trên điều có thể giải thích dựa trên vấn đề thần kinh và trí nhớ, nhưng liệu có thể Túc mệnh thông có là một loại “trí nhớ” từ sinh mệnh khác của chính chúng ta trong thế giới khác, hay biến đổi dòng thời không là trí nhớ từ một dòng thế giới đã được thay đổi?
3. Giấc mơ và thế giới song song
Nếu giấc ngủ là giấc chết, vậy giấc mơ là gì?
Chúng ta có thể nhớ được một số giấc mơ, còn một số thì không. Mặc dù cơ chế của giấc mơ vẫn đã được giải thích rõ ràng (nó thường xuất hiện trong giai đoạn REM của giấc ngủ), nhưng chúng ta vẫn không biết mục đích thực sự của giấc mơ là gì. Một cái nhìn của vô thức, hay là một cách để bộ não sắp xếp lại thông tin? Tại sao trong mơ chúng ta lại có thể nhìn thấy những điều hoàn toàn khác với đời thực? Còn hiện tượng báo mộng, phải chăng giấc mơ là phương tiện để những người từ thế giới khác tìm đến chúng ta, hoặc ngược lại là cách để chúng ta có thể du hành sang thế giới khác.
Chúng ta có thể dùng khoa học để giải thích mọi cơ chế rườm rà của bộ não liên quan đến giấc mơ, nhưng thực chất của việc khám phá giấc mơ này chỉ sáng tỏ khi chính bản thân trải nghiệm nó.
4. Những câu chuyện về thế giới song song

Hai câu chuyện này kể về trải nghiệm của một người khi thế giới quanh họ bỗng dưng khác đi, dĩ nhiên tin hay không là quyết định của bạn
  • Lerina García thức dậy trong một thế giới khác, chính là thế giới của chúng ta nhưng không thuộc về cô
Theo những gì được kể lại, mỗi ngày cô nhận ra những “khác biệt” nhỏ, những thứ nho nhỏ đã thay đổi. Nhưng cũng có một vấn đề lớn:
Khi tôi đi đến xe của mình, tôi luôn để nó ở bãi đậu xe quen thuộc và thường đi đến văn phòng, nơi tôi đã làm việc ở đó 20 năm. Nhưng khi tôi về căn hộ của mình, nó không phải là căn hộ của tôi nữa. Nó có tên trên cửa ra vào và tên tôi không có trên đó. Tôi nghĩ là tôi đã nhầm tầng, nhưng không, đó là tầng của tôi. Khi tôi gọi điện đến văn phòng và tìm kiếm tên mình. Tôi vẫn làm việc ở đây, nhưng trong một bộ phận khác, tôi thậm chí không biết phải báo cáo lên cấp trên như thế nào”.
  • Người đàn ông kỳ lạ đến Tokyo năm 1954 với một hộ chiếu từ một quốc gia không tồn tại, tên là Taured.
Những nhân viên hải quan đã tạm giam ông, nhưng hộ chiếu của ông không phải là giả: Nó có con dấu được đóng bởi quốc gia Taured, và thậm chỉ cả con dấu của Nhật Bản từ lần viếng thăm trước đó. Người đàn ông thề rằng Taured là một quốc gia ở châu Âu đã có lịch sử 1000 năm, và ông cũng lấy ra các giấy tờ khác như báo cáo của ngân hàng, với tên quốc gia trong đó.
Sau nhiều giờ, những nhân viên hải quan đã tạm giữ ông trong khách sạn, với bảo vệ gần đó để đảm bảo rằng ông không rời khỏi căn phòng, trong khi họ kiểm tra mọi thứ.
Sáng hôm sau, ông đã biến mất. Không dấu vết. Cảnh sát đã tìm kiếm, nhưng không tìm thấy được gì; ông ta chỉ đơn giản là đã biến mất.
Rõ ràng là tính chân thực của hai câu chuyện không thể xác nhận, ít nhất là theo hiểu biết của tôi.
Vậy thế giới song song thực sự tồn tại?
Những hiện tượng trên đây là “bằng chứng” theo một ý nghĩa nào đó, giúp chúng ra hình dung về khả năng tồn tại của một thế giới khác. Di nhiên, vũ trụ quá rộng lớn và bí ẩn, điều con người có thể tin thật vô chừng.
Thanh Phong – Dịch từ Stranger Dimension








Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

ĐƯỜNG VĂN bình bài thơ TA DÌU NHAU ĐI HẾT CÕI ĐỜI NÀY


( cop từ  VĂN ĐÀN BNN)
TA DÌU NHAU ĐI HẾT CÕI ĐỜI NÀYn

Thơ Hạt Cát Diệu Sinh
Lời bình: Đường văn

Dựa vào vai tôi, mình ạ.
Nắm chặt tay tôi, mình ạ.
nào cùng đi, mình nhé!
như ngày nào ta dung dẻ, dung dăng..       
   
Mình nhìn xem: 
lá lúa trăng
đậu trên mái tóc mình óng bạc.
Kìa kìa:
lưng trời cánh hạc
rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay.

Mình ơi,
sáng nay
nắng hồng đọng trên môi mình.
Thật đó!
cặp môi ngày nào mọng đỏ 
cả đời tôi trộm khát khao.


Mình ơi, ngàn vì sao
không có ngôi nào trong như mắt mình đâu nhé!
không có ngôi sao nào nồng nàn như thế!
như đôi mắt đen tròn sưởi ấm suốt đời tôi.

Nào mình ơi, khoác tay tôi
mang thêm chiếc áo dài ấm mỏng
chiều Tết này người vắng
tôi đưa mình dạo phố xá thân quen.
tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên
kỷ niệm thời cắp sách
ta nghịch đùa nơi vườn hoa bóng mát
nhặt búp đa, ngắm lá hoa bay
ngắm Cột cờ* vòi vọi trong mây.
cười nắc nẻ đuổi hoa bắt bướm...

Qua rồi, mình ơi
chộn rộn
tháng ngày đói khổ
tháng ngày gian lao
qua máu đào
qua lửa đỏ. 

.... Đủ cánh lông
chim ra ràng 
rời tổ.
Còn lại Mình và Tôi

Mình của Tôi
còn đây.
Mình của Tôi
trọn vẹn.
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này..
                                                                                                                                

12-02-2011
Thơ Hạt Cát/ Blog cùng tên

TÌNH CA U70
ĐƯỜNG VĂN

Thu đang tàn. Trời đầy mây xám, âm u. Khí đêm lành lạnh luồn qua khe cửa sổ, rập rờn quanh phòng như muốn trêu ngươi người thơ nhọc nhằn khó ngủ, chợt tỉnh giấc lúc nửa khuya, một mình vò võ. Mùa đông Đinh Dậu đang nhớm nhớm về, càng trở nên hiu hắt, hanh hao hơn đối với những lão ông, lão bà tròm trèm U70, 80... Trong cái đầu đã bắt đầu xơ nhão, hoài niệm cứ bập bỗng, chập chờn... Bỗng vang lên đâu đây giai điệu ngọt ngào, đắm đuối bài Người tình mùa đông. Và kỳ lạ, khó hiểu làm sao, lời ca dặt dìu, êm êm và day dứt lại chính là lời thơ bài Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này của bạn thơ Hạt Cát Diệu Sinh (Bùi Cửu Trường – ái nữ của nhà thơ, nhà thư pháp lừng danh đất Thăng Long: Bùi Hạnh Cẩn)?! 
Không thể đặng đừng, tôi vùng dậy, bật máy tính, vào file, đọc lại bài thơ từng đồng cảm, yêu thích, đã copy vào computer, laptop của mình. Lần này đọc kỹ, thấy cảm xúc không chỉ giống như lần đầu mà cơ hồ có phần sâu đậm hơn, ám ảnh hơn. Hạt Cát là một người nữ làm thơ tài tử. Hình như nghề chuyên môn chính của chị trước đây là bác sỹ? Vì thế, bài thơ này, theo tôi, tựa như 1 phương thuốc hay, quý, lại giản dị, dễ tìm, rất công hiệu, dùng để chữa cho những ai mắc bệnh tim nặng tình yêu ở độ tuổi gần đất xa trời, vẫn muốn sống thêm, yêu thêm bên người tình mùa đông, trên thế gian này, một, hai kỷ (12 năm) nữa!... 
Và tôi gọi nó là bản Tình ca U70.
Vậy, Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này xúc động và hay cụ thể như thế nào?
Dưới đây là một vài cảm nhận và phân giải chủ quan của kẻ đọc vụng về này. 

1.     Về Nhan đề, thể thơ, kết cấu, giọng điệu, nhịp điệu

Nhan đề của bài được rút từ câu thơ dung dị, quan trọng nhất (câu đinh), xuất hiện ở vị trí cuối cùng, khái quát không chỉ 1 khía cạnh chủ đề tư tưởng bài thơ mà còn hé mở nguồn gốccảm hứng của Diệu Sinh. 
Thi cảm đã được khơi dậy, thăng hoa từ một sự việc tuồng như nhỏ nhoi, chẳng có gì đáng nói: Hằng ngày, mỗi buổi sáng (hoặc chiều) vợ cùng chồng rủ nhau xuống phố, ra bờ Hồ (Tây, Hoàn Kiếm, Thuyền Quang?, hoặc vào công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất?)... dạo chơi thư giãn, thanh thản, đầm ấm, một hình thức rèn luyện thể dục nhẹ nhàng vừa sức của không ít anh chị cao tuổi Hà Nội vài chục năm nay. 
Trong hình dung, tưởng tượng mơ màng của tôi: Đó là cảnh hai ông bà lão U70, U80 đi sát bên nhau; ông tựa nhẹ vào vai bà; bà nhìn ông âu yếm, động viên, khích lệ. Hai người khoan thai, chậm rãi bước, lặng lẽ nhìn hàng cây, hồ nước, những người dạo bộ chung quanh, đồng hành, ngược chiều, với vẻ mặt an nhiên, thư thái. Thi thoảng, bà lại nói với ông một câu gì đó, tiếng khẽ khàng, dịu dàng, chỉ đủ để ông nghe. Ông cũng nhè nhẹ gật gật đầu, miệng hơi mỉm cười... Đến một cái ghế đá đôi kê bên bờ hồ, bà khéo léo đỡ ông, cả hai ngồi xuống nghỉ. Ông có vẻ mệt mỏi. Bà khẽ khàng: - Dựa vào vai tôi, mình ạ! Ông nghe lời, tựa nhẹ lên bờ vai của bà. Bà lại đưa tay, nói: - Nắm chặt tay tôi, mình ạ! Ông nhìn bà, ánh nhìn đầy âu yếm, dịu dàng và thương yêu... Cả hai lãng đãng nhìn ra phía Tháp Rùa, phía Trúc Bạch, Quán Gió... Hồi ức trong tâm hồn thơ nơi bà chợt dạt dào dâng lên từng đợt, kết thành những câu thơ tự do: câu ngắn, câu dài nối nhau lăn tăn vỗ nhịp như từng đợt sóng hồ vỗ bờ dưới chân... Gần nửa giờ nhanh chóng trôi qua, bà quay sang ông, thầm thì: - Ông đã thấy thoải mái chưa? Ta đi tiếp nửa vòng nữa rồi trở về chứ? Khi ấy, trong tâm tưởng của bà, bỗng hiện hình câu thơ kết: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này! Ông lại cười, nụ cười sao mà hiền, mà lành, mà hóm, mà thương: - Khỏe rồi! Nào ta đi!...
Tôi nghĩ chính cảm xúc bất ngờ, tứ thơ bất chợt và tình cảm tự nhiên nhi nhiên, chânthành nhất mực ấy đã hòa với tâm thức, xui Hạt Cát lựa chọn thể thơ tự do, toàn bài hầu như không chủ ý gieo vần, nhưng lại rất ăn ý, tương hợp với nội dung và xúc động trong và sau cuộc thả bộ dạo chơi của hai vợ chồng, song hành với dòng suy tư, liên tưởng miên man, hồi ức, hoài niệm đắm đuối về mối tình của họ, kể từ buổi thanh xuân, môi hồng má đỏ cho tới hôm nay đang vào tuổi lá nhặt cuối chiều
Kết cấu bài thơ nương theo dòng cảm xúc chập chờn giữa hiện tại và quá khứ xa gần, đứt nối với một tương lai gần đang chờ đón họ. 
Dòng thơ - dòng tình cảm, nghĩ ngợi dường như cứ muốn kéo dài, trải rộng ra, không muốn dừng lại cho đến lời tự nhắc mình, lời nhắc nhau cuối cùng: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này!  trong tâm thế tự tin, bình thản, thảnh thơi và dung dị. Những điệp ngữ: mình ạ, mình ơiđược láy đi láy lại nhiều lần đầu và cuối các khổ thơ, một cách chủ ý có thể khiến người đọc lầm tưởng đó là lời đối thoại giữa bà với ông. Nhưng thực chất bài thơ trữ tình vẫn chỉ là lời độc thoại thầm thì, lời độc thoại nội tâm tự vang lên trong óc tim nhân vật – chủ thể trữ tình - người vợ yêu chồng đang gắng gỏi trào tuôn, giãi bàydiễn tiến tâm trạng của mình với chính mình... mà thôi!
Nét độc đáo tạo thành ấn tượng đầu tiên trong thức nhận của tôi về bài thơ này là:
Tứ thơ chân mộc, giản phác, sâu sắc một cách tự nhiên, trĩu nặng nghĩa tình biểu hiện trong một kết cấu tưởng chừng dễ dãi, tản mạn bên ngoài mà chặt chẽ, tập trung tự bên trong, từ chieuf sâu tâm trạng; là giọng thơ điềm đạm, thanh thản, nhip điệu từ tốn, tĩnh mạc tương thích với song lão uyên ương tốt phúc trời cho bên nhau như chim liền cánh, cây liền cành. Rất ít vần mà câu thơ không gợn một mảy trúc trắc; ngược lại, vẫn nghe trong từng đoạn, từng khổ, từng câu những âm giai nhạc thơ ngân nga, bổng trầm, nhặt khoan, vang vọng, một thứ nhạc của tình yêu bất chấp tuổi tác, thời gian, khi êm êm, trầm, chậm, khi réo rắt tự sâu thẳm hai tâm hồn cùng chung nhịp đập.

2.    Về những thi hình, thi ảnh và thi cảm cụ thể:

Khổ 1: (Dựa vào vai tôi... dung dẻ dung dăng...”).
4 câu đầu là 2 lời, 2 lần nhắc ông lão của tôi một cách hết sức tình cảm, tình tứ, đầy thương yêu, dịu dàng đến mức nâng niu, gượng nhẹ. Hai tiếng mình ạ hơi chùng xuống và vuốt dài âm cuối như còn vấn vương đến tận bây giờ, một thói quen nũng nịu, lễ phép với chồng, duyên dáng tự thuở mới phải lòng nhau, mới về làm dâu nhà ông ấy, của người vợ đảm tào khang, tấm mẳn...
Mở đầu và thống nhất cho tới cuối bài một lối xưng hô thường gặp của không ít cặp vợ chồng đã đề huề, xum xuê con cháu: Mình - tôi, Ta: thân mật, đầm ấm, đằm thắm mà cẩn mực, kính trọng nhau, tương kính như tân, như khách, rất phương Đông, rất Hà Nội, Việt Nam. Và mở đầu cho dòng liên tưởng, hồi cố xa xôi tới tận thời kỳ ấu thơ, khi cả đôi còn là hai đứa trẻ con dung dẻ dung dăng trong những trò chơi bất tận...
Khổ 2: (“Mình nhìn xem... cùng bay”)
Lạ một điều là theo lô gich tư duy và hướng phát triển của tứ thơ, tưởng chừng khổ 2 phải tái hiện ngay những kỷ niệm thời ấu niên của hai người. Nhưng không, thật bất ngờ và thú vị, tiếp theo lại là cảnh hiện tại hòa với cảnh và những ý nghĩ thoáng hiện về tương lai:
Hình ảnh  lúa trăng đậu trên mái tóc mình óng bạc là thi hình ẩn dụ sáng tạo, khá mới mẻ. Bởi nó kết nối khéo léo và đầy gợi tả, gợi cảm giữa dĩ vãng và hiện tại, cảnh vật thiên nhiên quen thuộc với con người thân yêu, qua cái nhìn tinh tế của người thơ. Động từ đậu biến những hình ảnh, sự vật nửa thực nửa ảo ấy trở thành hoàn toàn hư ảo, bồng bềnh trong hồi ức và tưởng tượng.
Hình ảnh:..lưng trời cánh hạc/Rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay
đẫm chất Đường thi (Vương Bột: Lạc hà cô lộ tề phi, thu thủy trường thiên nhất sắc..., Thôi Hiệu (Hoàng hạc lâu), nhưng lại kéo được cái uyên ảo xa xưa nhập hòa cùng cái gần gụi, thương yêu bây giờ. Đó là chỗ khéo, tài và cái tình của người viết.
Lưng trời cánh hạc/ rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay chính là lời vẫy gọi hạc giá tiên dutừ Đài hoá thân hoàn vũ sang thế giới không màu vĩnh viễn vừa hối hả vừa giục giã. Người nghe cũng thiết tha, nhẹ nhàng và sẵn sàng đón đợi.
Khổ 4: (“Mình ơi, sáng nay... trộm khát khao”)
 Từ vị thế tương lai sắp sửa giã từ cõi thế thoắt lại trở về hiện tại cụ thể (sáng nay, nắng hồng đọng trên môi mình thật đỏ) chen cùng hình dung quá khứ (cặp môi ngày nào mọng đỏ). Có lẽ đã lâu lắm, người vợ mới dám tự hé lộ niềm khát khao yêu đương thầm kín của mình từ thời thiếu nữ ngây thơ: (cả đời tôi trộm khát khao). Thì ra đến tuổi này mà vợ yêu chồng vẫn chỉ là chuyện buồng the kín đáo; chỉ dám trộm khát khao! Nỗi niềm canh cánh ấy, khát khao sẻ chia và hưởng thụ hạnh phúc cực kỳ chính đáng ấy, biểu hiện ra bên ngoài như thế, đáng phục hay là đáng thương, hở bạn thơ đáng quý?! Tôi cũng trộm nghĩ, rằng chẳng qua điều đó có lẽ xuất phát từ tính cách – tâm hồn của mỗi con người.
Tôi ngờ rằng khổ 5: (“Mình ơi, ngàn vì sao... suốt đời tôi”) 
là khổ thơ thuần mộng ảo, tưởng tượng lãng mạn, chắp cánh và thơ hóa, trẻ hóa, thanh xuân hóa đôi mắt, màu mắt và ánh mắt của người chồng, trong cái nhìn chứa chan tình yêu thủy chung vô bờ và sự ngưỡng mộ không cùng của vợ. Những thi ảnh - thi hình đăng đối được thi vị hóa bằng 2 so sánh lối phủ định - phiếm chỉ và liên tiếp tăng cấp 2 lần, theo mô hình:    không có X nào như Y, không có X nào như thế, như Y.
Qua đó, khẳng định một xác tín mạnh mẽ, quyết liệt, bất chấp quy luật sắt thời gian. Quy luật Tình yêu sẽ chiến thắng quy luật Sinh  - lão – bệnh – tử
Nhưng người đọc đều biết đó chỉ là khát vọng chủ quan nồng nàn, cực đoan đến mức bất chấp quy luật khách quan của những người đang yêu say đắm đuối; một cảm thức chủ quan ngây thơ, và rất đáng yêu!
Khổ (đoạn) 6: (“Nào mình ơi... đuổi hoa bắt bướm”) 
gồm 10 câu thơ xen kẽ những câu 8 tiếng, 5 tiếng khá đều đặn kể - tả, trở về với hiện thực đời thường, chồng khoác tay vợ trong một buổi chiều Tết (mồng 1, mồng 2, ... gì đó) cùng thả bộ, dạo quanh những con phố thân quen. 
Nhưng đến câu: tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên cho tới hết đoạn thì cả hai lại tiếp tục đắm chìm về quá khứ thời đi học, thời đuổi hoa bắt bướm. Tuổi thần tiên giàu mộng mơ nên mới ngắm Cột Cờ vòi vọi trong mây. Chứ bây giờ có lẽ cả hai chỉ thấy ngọn Kỳ đài bên đường Điện Biên rêu phong trầm mặc! 
Tuy nhiên, ý đoạn thơ này, đặt trong mối tương quan toàn bài, theo tôi, bị trùng lặp với khổ 2; Nhưng xét từ góc độ tâm lý người già thường thích hướng về quá khứ, quanh đi quẩn lại chỉ thích kể mãi chuyện... ngày xưa, thì lại phù hợp với logich ấy. 
Khổ 8 : (“Qua rồi, mình ơi!... mình ạ!”)
Vang lên như những tiếng thở dài tổng kết và chia sẻ: bao vận hạn, gieo neo, trắc trở, tai ương, loạn lạc... tất cả đã qua rồi! May quá! Trời còn thương nhà mình! Nhịp thơ ngắt từng câu ngắn: 4, 3, 2 tiếng như muốn thể hiện  cảnh vợ chồng cùng nhau điểm lại từng khúc đoạn của đời sống gia đình, trải hơn nửa thế kỷ bươn chải mưu sinh, tồn tại.
Khổ 9: (“ Đủ cánh lông... Còn lại Mình và Tôi”):
nhắc đến những đứa con ruột thịt nay đều đã đủ lông đủ cánh, trường thành, tách khỏi tổ ấm gia đình - ngôi nhà chung của cha mẹ, ra ở riêng, lập nghiệp. Bởi vậy, chỉ Còn lại Mình và Tôi, viết hoa chữ M và T: phải chăng là một cách khẳng định, nhấn mạnh lần nữa 2 quy luật cơ bản của cuộc sống gia đình truyền thống và hiện đại: Mỗi gia đình (1 tế bào xã hội) Việt Nam hôm nay phổ biến chỉ bao gồm 2 thế hệ (bố mẹ và các con). Ông bà (cha mẹ) trở lại thời son rỗi: chỉ còn mình và tôi, phải / được hưởng một thời kỳ hạnh phúc hay cô đơn (bất hạnh) mới?!  Và quy luật vĩnh viễn: Con thương cha không bằng bà thương ông!
Đó không chỉ là hiện thực xã hội của các gia đình Việt Nam, châu Á mà là hiện thực xã hội và gia đình mang tính toàn cầu, trong hiện tại và tương lai.
Các cụ nhà ta đúc kết kinh nghiệm nhân sinh quả là sâu sắc, thâm thúy!
Khổ 10 – khổ kết (“Mình của Tôi... hết cõi đời này”)
Không có gì thật đặc sắc, mới mẻ về ý tứ mà chỉ đóng vai trò nhấn mạnh, như một điệp khúc vươn tới cao trào, làm coda kết bài trong một ca khúc. Được nhất, đọng nhất, tình cảm, ý chí, nghị lực nhất là câu thơ cuối cùng, vang lên như một lời hứa hẹn, một niềm tin sắt son của hai trái tim làm nên một mối tình, một tình yêu thủy chung son sắt, suốt đời.
                                                              ***
3.    Kết mở

Trong cảm luận của tôi: bài thơ của Diệu Sinh tất nhiên không phải là vế đối tạo nên từmột tình huống hài hóm để chọi lại viên sứ Tàu xưa
Đình tiền túy tửu phụ phù phu (Trước sân, say rượu, vợ dìu chồng)!
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này ... của Hạt Cát khái quát hóa, hình tượng hóa, thơ hóa từ một hiện thực đời thường, trong cuộc sống sinh hoạt vợ chồng hôm nay. Bài thơ thể hiện tình cảm vợ chồng song lão hưu nhàn một cách  giản dị, thành thực và ung dung; xứng đáng là một trong những khúc tâm tình thủ thỉ của người phụ nữ đảm đang, vén khéo, vừa khéo chiều chồng vừa giỏi nuôi con, nhân hậu, tài hoa, đa tình Hà Nội. Bài thơ là bản hòa ca ấm áp, dìu dặt nghĩa tình vợ chồng vắt ngang 2 thế kỷ XX - XXI
Đọc Ta dìu nhau..., tôi lại nhớ và càng yêu thêm bài Thơ tình tặng vợ của cố thi nhân Hồ Dzếnh, đặc biệt nhớ 2 câu đầu nêu bật vai trò 4 trong 1Mình vừa là chị, là em/ Tấm lòng ngườimẹ, trái tim bạn đời... và 2  câu cuối hài hòa chung riêng:
Cuộc đời đâu phải phù sinh!
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!
Nếu cho rằng Thơ tình tặng vợ là một bài thơ nịnh vợ khéo, đẹp và hay, thành thực vào bậc nhất nửa sau thế kỷ XX thì cũng có thể coi Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này là bài thơ nịnh chồng đứng không dưới bậc thứ hai, tỏa sáng ở đầu thập niên thứ 2 thế kỷ XXI, hiểu theo nghĩa đùa vui, hóm hỉnh, tích cực, tốt đẹp nhất của động từ nịnh... Chứ sao?! 
Bài thơ của Bùi Cửu Trường nữ sỹ tuy chưa thật cô đọng, hàm súc và gợi dư ba bằng   4 cặp lục bát của cụ Hồ Dzếnh; nhưng cũng đủ tâm, tầm và sức để tỏa lan sự thấu thị, đồng cảm, thấu cảm sâu xa tới người đọc, nhất là đối với lớp cao tuổi như chúng tôi - những người đang mang trái tim già nua, yếu mỏi mà vẫn cố gắngvà quyết tâm nâng niu, ôm ấp mối tình già, đà đưa cùng bà lão  em yêu nhà tôi, dù cho con mắt đã đục mờ và chẳng còn có đuôi! (Tình già – Phan Khôi)./. 

Trèm – Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Hạ tuần tháng  10 năm Đinh Dậu (2017). ĐV
Tác giả gửi bài

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

BẺ ĐÔI

BẺ

Bẻ gió chia thành hai nửa
Nửa này em cất phần anh
Nửa kia thổi nùn nhóm lửa
Nấu cơm canh thật ngon lành.
Ngậy thơm tương bần quê mẹ
Xanh non rau muống ao nhà
Tranh nhau giòn tan cà pháo
Thèm thuồng cá lẹp khế kho...

Bẻ mưa chia thành hai nửa
Một nửa dành để cho anh
Hãm nước chè tươi chát ngọt
Bát sứ lồng khuôn trăng xinh
Mủm mỉm môi hồng hé nụ
Trộm nhìn...mắt ánh long lanh
Một nửa ngược về ngọn suối
Mịn mềm rêu rong thanh bình.
*
Em muốn bẻ đôi quen lạ
...
Hình như chả được đâu, Anh!
Tình mình không chia hai được
Ngập tràn như biển biếc xanh
Đời mình không chia hai được
Thân thương như mặt đất lành.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

LẠI XA

LẠI XA

Lại xa mút cánh chim bay
Lại vò nát vụn gió ngày, mưa đêm
Lặng chiều giông chợt nín im
Mịt mù đêm đắm vạn niềm xôi xa...

Chợt nghe run rẩy tiếng gà
Trăng thượng tuần chợt nhoà nhoà vòm sao
Chợt thu vàng lá xạc xào
Khuya mang mang chợt cồn cào nỗi khuya.

Ai trống tênh nỗi đi về? 
Cánh mây ai quẩn bốn bề hư không? 
Thắt lòng ai những ngóng trông? 
Bồn chồn ai những chờ mong đêm ngày? 
Tình ai mỏng, nghĩa ai dày? 
 Khát khao ai lạnh vòng tay đợi chờ? 

... Lô xô con sóng giả vờ
Xui thu vàng nhặt nắng tơ nhen tình.

Hat Cat 
27/10/2017

THU ĐÊM

THU ĐÊM

Ngồi buồn vợt đốm sao sa
Hay... cùng bơi ngược Ngân Hà.
Nhé ai!

... Toé tung sáng, vệt ngắn dài
Vịt khuya vẫy sóng mé ngoài bến đêm.

Về đi, về nhé! Cùng em
Hái trăng vàng ngoắc ngoài thềm chơi chung
Thả hồn vút chốn mông lung 
Vơi đầy nghiêng chén rượu hồng ngất ngây
Thung thăng tay lại nắm tay
Tình muôn năm chuốc tỉnh say cõi người...

Loay hoay ngọn gió rối bời 
Gom ngàn sao thắp lửa soi đuốc vàng.

Hat Cat
28/10

THƠ TÌNH VIẾT GIỮA BÃO GIÔNG

( Lời cáo lỗi : Suốt mật thời gian chạy “ sô” giữa các nơi có người bệnh... khi có mạng thì không đủ sức post bài. Các bạn thứ lỗi ) 
Giờ điwx rồi, Cat lại về 

THƠ  TÌNH VIẾT GIỮA BÃO GIÔNG

Thơ tình viết giữa bão giông
Gửi giằng giật những thẳng cong, vơi đầy
Đất đêm trộn lẫn trời ngày
Ngắn dài kiếp kiến, mỏng dầy phận ong.

Thơ tình viết giữa bão giông
Gom cuồng phong cuộn vòng vòng cõi mơ

... Đã bao giờ, có bao giờ? 
Ai vùi sấm chớp vào thơ gửi tình
Ai neo  nước cả, sóng duềnh
Cho thẳm sâu phút yên bình trả vay.
Cho vàng trăng tựa gối mây
Cho tàn đông chút cuối mày, đầu môi?
...
Dịu xuân, nồng hạ.
Rồi thôi!
Tình bão giông
 trả 
cho đời bão giông.

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

THU

THU VU VƠ

 Rớt giọt thu vô thanh
 trên vu vơ tâm tưởng
lặng lẽ khắc hình anh
vào ngọn nguồn gió chướng

Thu hỏi em đi đâu?
Em về miền vô định
mang theo mối tình đầu
đến thẳm sâu định mệnh.

Thu em về chơi vơi
 xạc xào vàng thảm lá
Thu anh về cuối trời
đượm hương tinh thắp lửa.

Tình ngàn trùng đôi ta
lối khuya - trăng bóng lẻ
vương sương hạt nhạt nhòa
bờ cỏ - sao mặt lá 

Thu côi cút heo may
Se se chiều đôi ngả.

Mai ai về xứ lạ
Đừng quên bóng sầu thu!

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

LẶNG LỄ THU ĐI

LẶNG LẼ THU ĐI

Rồi mai thu lặng lẽ đi
Chiều vàng võ...
Liệu còn gì trong nhau? 
Nghĩa tình dầy mỏng nông sâu
Cớ sao vò đến nát nhàu mới cam? 

Rồi mai thu cũng úa tàn
Nụ heo may rớt toạc bàn tay đau
Lần hồi gom chút xưa sau.
Nào ngờ sóng cả, nhịp cầu chia hai.

Thu mưa trộn lẫn sương mai
Trong veo dòng lệ... Ngắn dài sợi mây
Bờ môi chợt đắng chợt cay
Chớp mi từ tạ mỏng dầy sắc thu.

Nghẹn ngào lòng bặt lời ru...

VU VƠ THU

VU VƠ THU 

Ta mượn trăng về treo gác thu
Gác thu mơ màng
Hồn thu ánh.

Ta mượn heo may gió lạnh
hững hờ
đỏng đảnh 
Thu 
Nghiêng chao.

Ta mượn mưa về tắm thu trăng đào
Mưa như thạch 
Hằng Nga run lạnh
trong veo
 mướt rêu
bộn bề thu xiêm áo.

 Chợt 
Tình trăng dòn pháo.
Rộn thu .






Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

NỖI NHỚ TRÒN TRĂNG

NỖI NHỚ TRÒN TRĂNG

Tròn trăng ta lại nhớ mình
Biền biệt nghĩa.
Xôi xa tình.
Tình ơi! 
Chiều quơ sợi nắng cuối giời
Vét tà dương lửa hà hơi sưởi tình...

Gói trăng, ta gửi cho  mình! 
Kết mây, ta thả thuyền tình ta chơi
Tấc gang ngược, vạn dặm xuôi
Ngọt ngào sông gọi biển khơi nước về.

Heo may thu đắm giấc mê
Tròn trăng.
Đêm tãi vào khuya nỗi niềm.

TRÀ NGUỘI

TRÀ NGUỘI

Trà nguội rồi 
lạnh ngắt
Uống hay là... ?
Chén trà hanh màu mật 
vẫn trà.

Trà nguội rồi
hương  mất
Chén trà vẫn hanh vàng sắc mật
vẫn trà.

Uống hay là...?
Ta.