HÃY ĐỌC KỸ & SUY NGẪM --- VỀ CÕI Ý THỨC SỐNG & CHẾT...
Ý thức dấy sinh, thế giới dấy sinh
.....*******++*++********
Hỏi: Điều gì xảy ra khi một người bình thường chết đi?
Maharaj: Điều ấy sẽ xảy ra theo những gì người đó tin tưởng. Cuộc đời trước khi chết chỉ là tưởng tượng thì cuộc đời sau khi chết cũng vậy. Giấc chiêm bao vẫn tiếp tục.
H: Thế còn bậc gnani (bậc giác ngộ) thì sao?
M: Bậc gnani không chết vì chưa từng được sinh ra.
H: Đối với người khác, gnani có vẻ cũng như thế.
M: Nhưng với bậc gnani thì không. Trong chính mình, bậc giác ngộ tự do đối với tất cả - cả vật lý lẫn tâm lý.
H: Nhưng ông ắt phải biết trạng thái của người chết. Ít ra là từ những tiền kiếp của ông.
M: Trước khi gặp Tôn sư, Tôi biết rất nhiều thứ. Bây giờ Tôi không biết gì cả, vì tất cả mọi kiến thức chỉ có trong chiêm bao và chẳng có giá trị gì. Tôi biết chính mình, Tôi không tìm thấy sinh hay tử trong Tôi, mà chỉ có hiện hữu thuần túy - không phải hiện hữu như thế này hay thế nọ, mà chỉ hiện hữu thôi. Nhưng ngay khi tâm trí, dựa vào kho ký ức và bắt đầu tưởng tượng thì nó bèn đem các vật thể vào không gian, và các sự việc vào thời gian. Ngay cả lần sinh ra đời này Tôi còn không biết thì làm sao Tôi có thể biết được những lần sinh ra đời trong quá khứ? Chính do vì tâm trí động đậy nên thấy mọi thứ đều động đậy, và do vì đã tạo ra thời gian nên mới lo âu về quá khứ và tương lai. Toàn thể vũ trụ được đặt trong chiếc nôi của ý thức (Maha Tattva) dấy sinh khi có sự ổn định và hài hòa tuyệt đối (Maha Sattva). Cũng như tất cả làn sóng đều ở trong biển thì tất cả mọi thứ - vật lý và tâm lý - đều ở trong minh giác. Vì thế tự thân minh giác - không phải nội dung của nó - quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Hãy đào sâu và khơi rộng sự thấy biết về chính ông thì mọi ân phước sẽ tuôn trào. Ông không cần phải tìm kiếm vì tất cả sẽ đến với ông một cách tự nhiên nhất và dễ dàng nhất. Năm giác quan, bốn chức năng của tâm trí: ký ức, tư duy, hiểu và ý thức về cái ngã; ngũ đại: đất, nước, gió, lửa và không; và hai phương diện của sáng tạo: vật chất và tinh thần – thảy đều ở trong minh giác.
H: Nhưng ông phải tin rằng có tiền kiếp.
M: Kinh điển nói như thế, nhưng Tôi không biết chi về điều đó cả. Tôi biết chính Tôi như Tôi là, vì trong kinh nghiệm của Tôi không hề có chuyện Tôi đã xuất hiện hay Tôi sẽ xuất hiện. Không phải vì Tôi không nhớ, mà thật ra không có gì để nhớ. Luân hồi hàm ngụ một cái ngã đi luân hồi. Không hề có chuyện nào như thế cả. Một mớ ký ức và hy vọng, được gọi là “ngã ” tưởng tượng chính mình tồn tại mãi mãi, và tạo ra thời gian để dung chứa sự trường tồn hư ảo của nó. Để hiện hữu, Tôi không cần quá khứ hay tương lai. Tất cả kinh nghiệm đều do tưởng tượng mà có; Tôi không tưởng tượng nên sinh và tử không xảy ra đối với Tôi. Chỉ những ai nghĩ rằng mình được sinh ra nên mới nghĩ rằng mình được tái sinh. Ông buộc tội Tôi đã được sinh ra. Tôi tự biện hộ rằng mình vô tội!
Tất cả đều tồn tại trong minh giác và minh giác không chết mà cũng chẳng tái sinh. Nó chính là thực tại bất biến.
Toàn thể vũ trụ kinh nghiệm được sinh ra với thân thể và sẽ chết đi cùng với thân thể; nó có sự khởi đầu và chấm dứt trong minh giác, nhưng minh giác thì không có khởi đầu hay chấm dứt. Nếu suy nghĩ đến nơi đến chốn và nghiền ngẫm thật lâu thì ông sẽ nhận ra ánh sáng của minh giác với tất cả sự trong sáng của nó, và thế giới sẽ mờ dần rồi biến mất trong tầm nhìn của ông. Cũng như nhìn một cây nhang đang cháy, ông thấy cây nhang và khói trước; khi để ý kỹ lưỡng đốm lửa thì ông sẽ nhận ra nó có năng lực đốt hết hàng núi cây nhang và tỏa đầy khói vào vũ trụ. Một cách phi thời gian cái ngã hiện thực hóa chính nó mà không hề làm cạn kiệt các khả năng vô biên của nó. Trong trường hợp cây nhang đang cháy, cây nhang là thân thể, còn khói là tâm trí. Chừng nào tâm trí còn bận rộn với những nghi ngút của nó thì nó không nhận ra nguồn gốc của chính nó. Đạo sư xuất hiện và xoay sự chú ý của ông vào đốm sáng bên trong. Do bản chất của nó, tâm trí luôn luôn hướng ngoại, nó có khuynh hướng tìm kiếm nguồn gốc của sự vật trong chính sự vật. Lúc được bảo tìm kiếm nguồn gốc bên trong thì về một phương diện nào đó đấy là lúc bắt đầu một cuộc sống mới. Minh giác thay chỗ cho ý thức; trong ý thức có cái “tôi ” là người có khả năng ý thức, còn trong minh giác thì không có phân chia: minh giác biết chính nó. Cái “Ta đương tại” là một ý nghĩ, còn minh giác không phải là một ý nghĩ; không hề có chuyện “Tôi biết”trong minh giác. Ý thức là một thuộc tính còn minh giác thì không phải là một thuộc tính; con người có thể biết mình đang ý thức, nhưng không ý thức được minh giác. Thượng Đế là tổng thể của ý thức, còn minh giác thì siêu vượt tất cả hiện hữu lẫn phi hiện hữu.
H: Tôi bắt đầu với câu hỏi về trạng thái của một người sau khi chết. Khi thân thể hư hoại, chuyện gì xảy ra với ý thức của người đó? Liệu người đó có mang theo hay để lại các quan năng như thấy, nghe vân vân? Và, nếu người chết không còn các quan năng đó thì ý thức của người đó trở thành cái gì?
M: Các quan năng chỉ là những hình thái của nhận thức. Khi các hình thái thô trọng biến mất thì các trạng thái vi tế hơn của ý thức xuất hiện.
H: Sau khi chết không có sự chuyển tiếp sang minh giác sao?
M: Không thể có sự chuyển tiếp từ ý thức sang minh giác, vì minh giác không phải là một hình thái của ý thức. Ý thức chỉ có thể trở nên vi tế và tinh túy hơn, đó là những gì xảy ra sau khi chết. Khi các phương tiện biểu hiện của con người chết dần thì các hình thái của ý thức do chúng tạo ra cũng từ từ mờ nhạt.
H: Cho đến khi chỉ còn lại vô thức ư?
M: Hãy nhìn chính ông đang nói về vô thức như một cái gì đến rồi đi! Ai ở đó để biết vô thức? Bao giờ cửa sổ còn mở thì trong căn phòng còn có ánh sáng. Khi cửa sổ đóng lại, mặt trời vẫn còn đó, nhưng liệu mặt trời có thấy bóng tối trong căn phòng không? Có cái gì như là bóng tối đối với mặt trời không? Không hề có cái gì như là vô thức, vì không thể kinh nghiệm vô thức được. Chúng ta phỏng đoán về vô thức khi có sự ngắt quãng trong ký ức hay truyền đạt. Nếu Tôi ngưng phản ứng, ông sẽ cho rằng Tôi vô thức. Thực ra vào lúc đó có lẽ Tôi ý thức rất bén nhạy nhưng chỉ có điều là không thể truyền đạt hay ghi nhớ được.
H: Tôi hỏi một câu rất đơn giản: Trên thế giới có khoảng bốn tỉ người và tất cả họ chắc chắn sẽ chết. Trạng thái của họ - không phải về mặt vật lý mà về mặt tâm lý – sẽ như thế nào sau khi chết? Ý thức của họ có tiếp tục không? Nếu tiếp tục, thì dưới hình thái nào? Đừng bảo là tôi đặt câu hỏi sai, hay ông không biết câu trả lời, hay là trong thế giới của ông câu hỏi của tôi vô nghĩa. Ngay khi nói rằng thế giới của ông và thế giới của tôi hoàn toàn khác biệt, không tương hợp thì ông đã dựng lên một bức tường giữa ông và tôi. Hoặc là chúng ta sống trong cùng một thế giới, hoặc là kinh nghiệm của ông chẳng ích lợi gì cho chúng tôi.
M: Dĩ nhiên ông và Tôi sống trong cùng một thế giới. Chỉ có điều là Tôi thấy nó như nó là, còn ông thì không. Ông thấy chính ông trong thế giới, còn Tôi thấy thế giới trong chính Tôi. Với ông thì ông được sinh ra và chết đi, còn với Tôi thì thế giới xuất hiện rồi biến mất. Thế giới của chúng ta là thật, nhưng cái nhìn của ông về thế giới thì không thật. Chẳng có bức tường nào giữa ông và Tôi, ngoại trừ bức tường được ông dựng lên. Không có gì sai với các nhận thức, chỉ có sự tưởng tượng của ông mới làm cho ông sai lầm. Sự mê lầm của ông khuất lấp thế giới như chính nó là bằng cái mà ông tưởng tưởng nó là - một cái gì đó tồn tại độc lập với ông nhưng lại rập khuôn những khuôn thức được thừa hưởng, hay thụ đắc của ông. Có một mâu thuẫn sâu sắc trong thái độ của ông mà ông không thấy, và đó chính là nguyên nhân gây ra phiền não. Ông khăng khăng bám chấp cái ý tưởng ông được sinh vào một thế giới đầy đau khổ và phiền lụy. Tôi biết rằng thế giới là một đứa trẻ của tình thương yêu, có sự khởi đầu, trưởng thành và thỏa mãn trong tình thương yêu. Nhưng Tôi thì ở ngoài tình thương yêu.
H: Nếu ông tạo ra thế giới bằng tình thương, tại sao nó lại đầy đau khổ?
M: Ông nói đúng - từ quan điểm của thân thể. Nhưng ông không phải thân thể. Ông là sự bao la vô tận của ý thức. Đừng chấp nhận những gì không thật thì ông sẽ thấy sự vật như Tôi thấy. Đau khổ và lạc thú, tốt và xấu, đúng và sai chỉ là những điều kiện tương đối và không thể được xem như là tuyệt đối. Chúng đều hữu hạn và vô thường.
H: Trong truyền thống Phật giáo, một Nirvani, tức một vị đạt được Niết Bàn, thì hoàn toàn tự do đối với vũ trụ. Vị đó có thể tỏ biết và chứng nghiệm tất cả những gì tồn tại. Vị đó có thể điều khiển, can thiệp vào thiên nhiên, vào chuỗi tương quan nhân quả, thay đổi trình tự các diễn tiến, và thậm chí có thể hóa giải quá khứ! Thế giới vẫn có với vị đó nhưng vị đó hoàn toàn tự do tự tại trong thế giới.
M: Những gì ông mô tả là Thượng Đế. Dĩ nhiên, hễ khi nào có thế giới thì đều có cái đối ứng của nó là Thượng Đế. Nhưng Tôi siêu vượt cả hai. Có một vương quốc nọ đi tìm một vị vua. Họ tìm ra đúng người và tôn lên làm vua. Người được tôn vương đó chưa từng thay đổi. Người đó đơn thuần chỉ được ban cho một tước vị, uy quyền và trách nhiệm của một ông vua. Bản chất của người đó không hề bị ảnh hưởng, ngoại trừ các hành động của mình. Tương tự như thế với người giác ngộ, nội dung ý thức của vị này trải qua một sự chuyển hóa căn bản. Nhưng vị này không lầm lẫn vì tỏ biết cái bất biến.
H: Không thể ý thức cái bất biến. Ý thức luôn luôn thay đổi. Cái bất biến không lưu lại dấu vết nào trong ý thức.
M: Có và không. Tờ giấy không phải là chữ viết nhưng nó chứa đựng chữ viết. Mực không phải là thông điệp được viết ra, và thông điệp không phải là tâm trí của người đọc - nhưng tất cả những thứ này làm cho thông điệp khả hữu.
H: Ý thức xuất phát từ thực tại hay là một thuộc tính của vật chất?
M: Ý thức xét như là ý thức là một đối tác vi tế của vật chất. Cũng như tamas (quán tính hay sức ì) và năng lượng là những thuộc tính của vật chất, thì sattva (sự hài hòa) thể hiện chính nó thành ý thức. Ông có thể xem nó như là một hình thái năng lượng vô cùng vi tế. Bất cứ nơi nào vật chất tự tổ chức thành một cơ thể ổn định thì ý thức xuất hiện một cách tự phát. Khi cơ thể hư hoại thì ý thức biến mất.
H: Thế thì cái gì còn lại?
M: Cái còn lại là cái mà vật chất và ý thức là những phương diện của nó. Nó bất sinh bất diệt.
H: Nếu nó ở ngoài cả ý thức lẫn vật chất thì làm thế nào có thể kinh nghiệm nó?
M: Nó có thể được biết qua những tác động của nó lên cả hai; hãy tìm nó trong cái đẹp và trong chơn lạc. Nhưng ông chỉ có thể hiểu được thân thể và ý thức là gì khi nào ông vượt ra ngoài cả hai.
H: Xin vui lòng cho chúng tôi biết một cách huỵch toẹt: Ông ý thức hay vô thức?
M: Người giác ngộ (gnani) không ý thức mà cũng chẳng vô thức. Nhưng tất cả đều được dung chứa trong sự giác ngộ (gnana) của người đó. Minh giác dung chứa mọi kinh nghiệm. Nhưng người tỏ biết thì ở ngoài mọi kinh nghiệm. Người đó ở ngoài chính cái minh giác.
H: Có hậu trường của kinh nghiệm, hãy gọi đó là vật chất. Có người kinh nghiệm, gọi đó là tâm trí. Cái gì là cầu nối giữa hai cái này?
M: Chính khoảng trống giữa hai cái này là cầu nối. Cái mà một đầu trông như vật chất, còn một đầu giống như tâm trí, là cây cầu trong chính nó. Nếu không phân chia thực tại thành tâm trí và thân thể thì sẽ không cần có cầu.
Ý thức dấy sinh thì thế giới dấy sinh. Khi chiêm ngưỡng trí tuệ và cái đẹp của thế giới, ông gọi đó là Thượng Đế. Khi biết rõ nguồn gốc của tất cả - ở ngay trong chính ông - ông sẽ nhận ra mọi câu hỏi của ông đều đã được giải đáp.
H: Người thấy và cái bị thấy là hai hay là một?
M: Chỉ có sự thấy; cả người thấy và cái bị thấy đều ở trong sự thấy. Đừng tạo ra khác biệt khi không có khác biệt nào cả.
H: Tôi bắt đầu với câu hỏi về người đã chết. Ông bảo rằng kinh nghiệm của người đó sẽ hình thành chính nó tùy theo sự mong đợi và tin tưởng của người đó.
M: Trước khi được sinh ra, ông đã mong mình sẽ sống theo một phương án nào đó mà chính ông đã lập ra. Chính ý chí của ông đã là xương sống của định mệnh của ông.
H: Nhưng chắc chắn karma (nghiệp) đã xen vào.
M: Karma định hình hoàn cảnh, còn thái độ là của chính ông. Xét cho cùng, cá tính (character) của ông định hình cuộc đời ông, và chỉ ông mới có thể định hình cá tính của ông.
H: Con người định hình cá tính của mình như thế nào?
M: Bằng cách thấy nó như nó là, và bằng sự chân thành hối lỗi. Sự thấy biết cảm xúc toàn vẹn này có thể làm phép lạ. Giống như việc đúc một ảnh tượng bằng đồng; nếu chỉ có kim loại hay lửa thôi thì vẫn chưa đủ, mà ngay cả có khuôn đúc thì cũng vô dụng. Ông phải nấu chảy kim loại trong sức nóng của lửa rồi đổ nó vào khuôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét