(Cập nhật lúc : Thứ sáu 14/08/2015 10:32- HANOITV)
(HanoiTV) - Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn là mẫu người tài hoa, khiêm tốn, thâm sâu trong ý tưởng và đặc biệt hóm hỉnh trong giao tiếp. Ông nức tiếng với tác phẩm cổ điển “Kí sự lên kinh” từ đầu thập niên 70.
Nếu lướt qua lượng đầu sách dịch và sáng tác của ông, hẳn ai cũng thán phục: “Chinh phụ ngâm”, “5000 thành ngữ Hán-Việt” (1993), “Tổng tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du” (1996), hoặc “Hồ Xuân Hương”, hay “Từ vựng chữ số và số lượng” (1994), kể cả tập sách tự thuật: “Nguyễn Bính và tôi” (1996)... Hàng chục tập sách đủ các thể loại, nhưng nổi bật nhất là các tác phẩm dịch và biên soạn chữ Hán. Chính vì thế, không ai thấy lạ khi hàng năm ông vẫn ra chùa Quán Sứ hay Văn Miếu viết thư pháp, tặng chữ cho mọi người.
Nhưng chuyện về thư pháp của ông trở nên độc đáo hơn, không chỉ dừng lại ở những nét chữ tài hoa, phấn khích cho người xin chữ, mà xa hơn nữa đó là chuyện “Chữ hóa hình” và ngược lại “Hình hóa chữ”. Tư duy về ngôn ngữ hội họa dào dạt trong tâm hồn người thi sĩ này. Khi ông đưa cho tôi xem hình con ngựa được cách điệu từ những nét của chữ “Mã”, hay hình tượng một phần khỏa thân của người con gái được “vẽ” qua nét chữ “Đạo” mới thấy ý tưởng thâm sâu của một họa sĩ tạo hình từ nguyên một con chữ.
Chả thế mà, khi cuộc triển lãm về thư pháp của ông tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2013 và 2014 lại có sức thu hút rất đặc biệt. Bao nhiêu những triết lí nảy sinh từ sự sống được mọc lên từ những con chữ, toát lên từ những nét hình đã làm người xem đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cùng với các cuộc triển lãm thư pháp, ông còn xuất bản một cuốn sách tranh chữ để tặng bạn bè. Ông coi đó là cuộc giao lưu cuối cùng với mọi người, khi đã ở tuổi ngoài 90...
Với nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, chữ là lẽ đời đã trải nghiệm, là sự dằn vặt tu thân và cũng còn là nỗi niềm tâm sự, chia sẻ với con người...
Vậy là ông vẫn vẽ chữ và chơi những trò thâm sâu của nghĩa nằm sau những tượng hình. Ông kể, để cho cuộc dạo chơi quanh nhà cho có ích với đời, và để chứng minh cho “kẻ giang hồ vặt” là ông, không tốn cơm tốn gạo, liền đưa ra cho chúng tôi xem cuốn sách tuyển chọn những bài thơ chữ Hán hay nhất thế kỉ. Ngỡ là cuốn sách mới in với sắc màu còn tươi và sạch sẽ, nhưng thực ra đó là cuốn sách ông tự in màu và đóng thành tuyển tập. Ông coi đó là cuốn sách cuối đời của mình vào tuổi 96, với những bài thơ dịch tâm đắc nhất tích lũy được sau gần một thế kỉ.
3 nhận xét:
Từ khi còn nhỏ đã hâm mộ nhà thơ , nhà văn hóa này . Qua bài viết , biết thêm một vài tiểu tiết nữa , càng thêm kính trọng Người ! Cảm ơn tác giả và chủ nhà !
Chúc cụ sức khỏe diệu kỳ để cùng con cháu, cùng đất nước hát khúc khải hoàn ca Cát iêu nhỉ ? Tuần mới tràn niềm vui nhé Cát iêu (~_~)
Hạt Cát có thể giới thiệu thêm về mối quan hệ giữa hình với chữ,với nghĩa của một số chữ trong tranh chữ của cụ cho mọi người cùng thưởng lãm được không. Có sách nhưng không phải ai cũng mua được đâu Cát ạ!
TRÂN TRỌNG
Đăng nhận xét