Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

CẢM NGHĨ của ORCHID KHI ĐỌC BÀI THƠ “NÕN NÀ ƠI” của Hat Cat Diệu Sinh


        Tình yêu đôi lứa là
 đề tài phổ biến trong thơ, hầu như nhà thơ nào cũng có làm thơ về chủ đề này. Thơ giúp con người diễn tả mọi cảm xúc trong yêu đương như nhớ thương, đợi chờ hò hẹn, hờn dỗi, hạnh phúc, khổ đau, chia ly… nhưng cảm xúc của những phút thăng hoa trong tình yêu vợ chồng thì rất ít nhà thơ chạm tới, bởi đó là một chủ đề khó. Cái khó ở chỗ người ta thường định kiến về chuyện chăn gối là thô, là tục, là thấp kém, là cần che đậy dấu diếm,… Vậy mà nhà thơ Hạt Cát đã làm thơ về chủ đề ấy, bài NÕN NÀ ƠI vượt qua được định kiến khi nói về cái tình chăn gối vợ chồng, mang đến cho ta những ý thơ đẹp đẽ chân thực và đầy chất thi ca.

       Vào một buổi sáng lang thang Facebook trong khi đợi đến tiết dạy, tôi đọc bài thơ NÕN NÀ ƠI của Hạt Cát và cảm thấy rất thú vị.  Hôm nay ngày hè rảnh rỗi, tôi chia sẻ điều thú vị đó cùng các bạn. Trước hết giới thiệu với các bạn nội dung bài thơ NÕN NÀ ƠI (Xem ở link: https://www.facebook.com/hat.cat.92/posts/626099877525140?comment_id=626596477475480&notif_t=like)
        Ở khổ thơ đầu:  “Nõn nà là nõn nà ơi!
                                   Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?
                                   Khum tay nhẹ vợt hương hoa
                                   Trái là mật ngọt, phải là nhuỵ thơm.
                                   Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn
                                   Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn.
        Tác giả chẳng nói đến một nhân vật nào, tuy nhiên chỉ qua câu cảm thán, nhẹ nhàng như hơi thở “Nõn nà là nõn nà ơi!”, liền sau đó là câu hỏi dịu dàng: “Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?” ta thấy có hai người nam nữ đang yêu, rất dịu dàng thì thầm cùng nhau. Trong khung cảnh khuya đêm, sương rơi nhẹ trên búp hoa trà tỏa hương thanh khiết, hai người yêu nhau đến bên nhau thật là tự nhiên, trao cho nhau những nồng nàn, dịu ngọt của tình yêu: “Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn - Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn”. Lối ẩn dụ tu từ trong hai câu này thật đặc sắc, rõ ràng chẳng phải mùa xuân đang “khẽ khàng hôn” và “nồng nàn ôm” một ai, hiểu như thế ta thấy ngay sự vô lí. Ở đây từ “xuân” là chỉ hai người yêu bên nhau, tình yêu đã làm cho họ thành mùa xuân của nhau trong đêm yêu. Cỏ cây dâng hương thơm vị ngọt cho đêm tình yêu, hay tình yêu của họ mang hương thơm vị ngọt cho cỏ cây thì không thể phân biệt được nữa, chỉ còn lại: “nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn”.
       Hai câu thơ tiếp theo là lời thủ thỉ trao gửi yêu đương, tâm tình nhớ thương của người nam nói với người nữ:
                                 “Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn
                                 Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai”
      Tác giả đã rất khéo léo khi diễn tả sự tinh tế của người phụ nữ ở chỗ nàng đền đáp lại tâm tình của chàng trai không bằng lời nói, mà bằng dáng vẻ yêu kiều, quyến rũ, trẻ trung, gợi tình: 
                                  “Mịn mềm buông lọn tóc mai
                                  Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê”
      Trong bốn câu trên, cũng vẫn với biện pháp ẩn dụ tác giả dùng từ “xuân” lúc là chàng, lúc lại là nàng rất tài tình. Tác giả cho nhân vật nam dùng từ “xuân” để xưng hô với người yêu: “Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn. Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai”nghĩa là chàng nói với nàng: “ngày tháng trôi qua anh vẫn hoài yêu và nhớ em”, còn câu: “Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê” thì đích thị là cử chỉ dáng diệu của nàng, không thể lẫn lộn.
      Tác giả diễn tả cuộc yêu đương mê đắm, cuồng si chỉ có hai người biết:
                                  Nụ yêu đắm đuối đê mê
                                 Chốn đào nguyên má môi kề má môi! 
                                  Yêu cho lật đất, sụt giời
                                 Cho tương tư rối bời bời áo khăn.
      Bằng lời thơ tự nhiên phóng khoáng, tả thực nhưng không thô bởi cách dùng từ độc đáo, biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng tinh tế, những “nụ yêu”, “má môi kề má môi”, hoặc cho đến đỉnh cao của các cung bậc cảm xúc yêu đương: “ Yêu cho lật đất, sụt giời, Cho tương tư rối bời bời áo khăn”, làm cho người đọc sẽ liên tưởng chuyện gối chăn, tác giả tả rất thật nhưng vẫn cứ tự nhiên, cứ đẹp đẽ ngời ngời vẻ đẹp phồn sinh mà tạo hóa đã đem đến cho cuộc sống lứa đôi. Hạt Cát đã rất tài tình viết những vần thơ vượt qua được định kiến mà người đời vẫn thường nhìn nhận về cuộc yêu là thú vui xác thịt, là thô tục. Hạt Cát phải có tài thơ thiên phú mới xử lí được tình huống này hay đến vậy, vẻ đẹp phồn thực được khắc họa thanh thoát bởi ngôn từ đặc sắc, nâng cánh cho cảm xúc thăng hoa đến vậy. Đọc thơ Hạt Cát tả vợ chồng chăn gối, tôi bất giác nhớ đến nữ thi nhân Hồ Xuân Hương, bà cũng có những tuyệt bút khiến người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp phồn thực của Thiếu nữ ngủ ngày: “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm. Một lạch đào nguyên suối chửa thông”.
    Người ta thường nói đến vẻ đẹp trong quan hệ tình cảm là: “ sống có tình, có nghĩa”.  Sau khi “yêu cho lật đất, sụt giời”, hai người nam nữ đã nghĩ gì về nhau, ta hãy đọc tiếp bốn câu thơ tiếp theo để thấy nét đẹp nhân văn trong đoạn kết. Ân tình hẹn thề thủy chung họ giành cho nhau, hứa hẹn mở ra cái kết có hậu, tình nghĩa bền lâu : 
                                        Là duyên là nợ vạn năm,
                                        Là tơ vương rút ruột tằm chuốt tơ.
                                        Là xưa đợi, là mai chờ...
                                        Là muôn kiếp dệt áng thơ tặng tình.
     Dư vị của cuộc yêu còn theo mãi trong kí ức:
                                      Nõn nà dáng, nõn nà hình
                                      Xuân tình trong vắt ngọt lành hương mây
                                      Nõn nà tỉnh, nõn nà say 
                                     Vòng tay bỏng rát vòng tay lửa bồng.
                                      Khát khao tình ém đáy lòng...
                                      Nõn nà nhé! 
                                      Đợi tương phùng một mai!
     Một điều độc đáo phải nói đến trong bài thơ là tác giả cho người nam gọi người nữ bằng từ NÕN NÀ, như người ta hay gọi người yêu âu yếm là “mèo con”, “honey”….. Ta hãy tìm hiểu về “nõn nà” trong dân gian Việt Nam. Tôi đã đọc được bài “Nõ (nõn) nường _ An Chi (KTNN 224, ngày 10-10-1996)” – link http://tunguyenhoc.blogspot.com/2012/01/no-non-nuong-chi-ktnn-224-ngay-10-10.html, xin trích nội dung sau “Trong tiếng Việt, âm xưa của noãn là nõn. Nghĩa gốc của từ này trong tiếng Việt có xê dịch một tí so với nghĩa của nguyên từ trong tiếng Hán; nõn là dương vật như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tại mục “nõn nường”: “Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng cho dương vật (nõn) và âm hộ (nường) do nhân dân ở miền Dị-nậu và Khúc-lạc (Phú-thọ) xưa làm ra để rước thần; khi rước, những người khiêng kiệu vừa đi vừa hát: Ba mươi sáu cái nõn nường, Cái để đầu giường cái để đầu tay. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõn và nường cho mọi người cướp; con trai cướp được nường, con gái cướp được nõn là điềm tốt”.  Do vậy khi ghép chung thành NÕN NÀ để gọi người yêu trong cuộc yêu thì thật là thông minh, gợi tình, quyến rũ.
     Đọc đến đây ta cảm nhận được một tứ thơ độc đáo: hai người nam nữ trao gửi yêu thương, cả hai cùng toát lên vẻ nồng nàn dâng hiến, mỗi giới một vẻ, tuy hai mà một, tuy một mà hai, người nam chủ động, người nữ giấu vẻ quyến rũ trong cái e lệ kín đáo. Đó là VẺ ĐẸP XƯA trong thể hiện tình yêu trai gái của người Việt ta, đặc biệt là ở người nữ, nàng yêu đó, thương đó, say đắm đó, mà lại e ấp thẹn thùng, vẻ quyến rũ rất đàn bà Việt Nam. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát gần gũi, nhịp thơ linh hoạt để diễn tả tình cảm phù hợp với phát triển tâm lí tình cảm nhân vật, khi  chậm rãi theo nhịp 2-2-2: “Khuya đêm/ ai hứng/ sương lơi/ búp trà?. Khum tay/  nhẹ vợt/ hương hoa. Trái là/  mật ngọt, phải là/ nhuỵ thơm”; lúc nhanh câu 6 chữ nhịp 2-4, câu tám chữ nhịp 2-2-4: “Mùa tàn/ Tình vẫn chửa tàn; Mộng mơ/  xuân vẫn/  bàn hoàn bóng ai”; hoặc “Mịn mềm/  buông lọn tóc mai; Mọng xuân/  yếm thắm/ hoa cài tuyết lê”….
       Ngoài nghệ thuật dùng ngôn ngữ rất tài tình trong thơ tình của Hạt Cát như đã minh họa qua 2 bài thơ “Bến song xưa” và “Nõn nà ơi”, ta có thể thấy Hạt Cát đã cho nhân vật trữ tình trong thơ của mình dù chia xa hay mãi bên nhau đều hướng tới tính nhân văn, chan chứa tình người.


Tác giả Đỗ Thị Xuân Lan ( Lúa Bông ) gửi bài

NÕN NÀ ƠI

Nõn nà là nõn nà ơi!|
Khuya đêm ai hứng sương lơi búp trà?
Khum tay nhẹ vợt hương hoa
Trái là mật ngọt, phải là nhuỵ thơm.
Khẽ khàng xuân ấp nụ hôn
Nồng nàn xuân riết vòng ôm nồng nàn.
Mùa tàn. Tình vẫn chửa tàn 
Mộng mơ xuân vẫn bàn hoàn bóng ai
Mịn mềm buông lọn tóc mai
Mọng xuân yếm thắm hoa cài tuyết lê.
Nụ yêu đắm đuối đê mê
Chốn đào nguyên má môi kề má môi! 
Yêu cho lật đất, sụt giời 
Cho tương tư rối bời bời áo khăn. 
Là duyên là nợ vạn năm
Là tơ vương rút ruột tằm chuốt tơ
Là xưa đợi, là mai chờ
Là muôn kiếp dệt áng thơ tặng tình. 

Nõn nà dáng, nõn nà hình
Xuân tình trong vắt ngọt lành hương mây
Nõn nà tỉnh, nõn nà say 
Vòng tay bỏng rát vòng tay lửa bồng.
Khát khao tình ém đáy lòng
..Nõn nà nhé!
Đợi tương phùng một mai!


Không có nhận xét nào: