Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

CHUYỆN RÙA THIÊNG HỒ GƯƠM RA ĐI..

Nguyễn Thái Nguyên
Xin kính lạy vong linh cụ Rùa!
Xin dâng lên vong linh Cụ nén hương lòng để cụ tha tội cho con cháu muôn đời sau của nước Đại Việt đã thất lễ với đấng tiên linh, không lo làm tang tế xứng đáng với tôn linh mà còn bàn tán điềm triệu cát hung lung tung làm kinh động đến vong linh cụ.
Tôi định không viết gì về trường hợp này nhưng nhân anh Tô Văn Trường viết qua về quẻ Dịch của các người bạn đưa ra khi Cụ Rùa ra đi về cõi vĩnh hằng nên dù không hiểu biết nhiều về Dịch học hay Lý học nhưng tôi cũng xin góp thêm đôi lời bàn ngắn.
Trước hết, chúng ta không có những thông tin cơ bản, cụ thể gì về cụ thì việc dùng Chu Dịch để lập quẻ là rất khó. Không nói về tuổi của cụ mà ngày giờ ra đi của cụ cũng đã rất khó xác định. Đương nhiên không thể khẳng định 16 gời 30 ngày 19/1/2016 như một số bản tin đã đưa được, đó là giờ thân xác cụ đã nổi lên, nghĩa là phải trước đó khoảng vài ba ngày. Vậy ngày giờ mất của cụ còn không thể biết chính xác thì nói gì đến tuổi... Chỉ những ai thông thạo Mai hoa Dịch số do Thiệu Ung sáng tác ra từ thời nhà Tống thì có thể lập quẻ dễ hơn chăng. Hơn nữa, đây là những điềm triệu về cát hung đối với quốc vận, nhiều lắm là đối với vua chúa mà thôi chứ không thể vận vào ai khác được. Giả sử rằng các vị nào đó đã lập được quẻ Thủy Sơn Kiển như anh Tô Văn Trường nói thì câu chuyện cũng không đơn giản. 
Hãy gác lại 2 quẻ: Hỗ là Hỏa Thủy vị tế. Vị tế là chưa xong, chưa đâu vào đâu cả thì “hỗ” được bao nhiêu. Nghĩa là thế nước vẫn còn trong mớ bùng nhùng, có thể là với cả Trung Quốc và các nước khác. Và quẻ Biến là Thủy Địa tỷ. Tỷ là hòa, cũng có cơ may phát triển lên nhưng chưa đủ sức tạo biến. Nước ở trên đất đấy là Tỷ. Khảm thủy phương Bắc chỉ thấm dần dần thôi chứ cũng chưa thể “tràn ngập lãnh thổ” của chúng ta được đâu. Nhưng để tạo chuyển biến thật sự thì không gì hơn là “kết bạn” với những nước không có lòng tham thôn tính nước ta. Không dứt khoát và chân thành kết bạn với người ta (kể cả ASEAN và TPP) mà chỉ quan hệ để lấy danh thì chẳng ai giúp mình “biến” khi có thời cơ được.
Ta xét riêng quẻ chính là Thủy Sơn Kiển. Trước hết phải thấy rằng đây là một trong 3 quẻ hung hiểm nhất trong 64 quẻ Dịchgồm Kiển, Truân, Khốn. Cụ Phan Bội Châu giảng rất hay về bộ ba này như sau: Truân là bắt đầu vào nạn, khốn khó đấy nhưng chỉ mới bắt đầu thôi chứ chưa phải là khổ nạn nhất. Khốn là thời đoạn cuối của thời nạn nên ráng chịu đựng, ráng giữ mình là qua khỏi. Kiển là ở giữa thời nạn, là đỉnh cao của sự khốn khó nguy nan. Vận nước cũng là vậy mà vận vua chúa cũng là vậy. Muốn tiến lên thì bị Khảm Thủy (phương Bắc) đón trước mặt, mà muốn thoái lui thì bị Cấn Sơn  (phương Đông Bắc) chặn phía sau lưng. Vì thế mà lời Thoán mới giảng rằng: “Đi về Tây nam thì lợi, Về Đông Bắc thì không lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi. Bền giữ đạo chính thì mới tốt”. Nguyễn Hiến Lê giải thích thêm: Phải bỏ đường hiểm trở (đường cũ) để kiếm đường bằng phẳng, hướng Tây Nam (quẻ Khôn) mà đi, đừng theo hướng Đông Bắc (quẻ Cấn). Riêng tôi hiểu, “hướng Tây Nam” đối với nước ta đã rõ rồi, đó là cộng đồng ASEAN và TPP. Còn hướng Đông Bắc và hướng Bắc thì ai cũng biết, đất nước ta đã dan díu với hướng này đã quá đủ dài, đủ khốn nạn rồi.
Gặp Đại nhân giúp cho thì lơi” nên hiểu thế nào? Với đất nước thì có thể hiểu “Đại nhân” ở đây là những nước lớn, là các định chế tài chính quốc tế đang giúp chúng ta thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương bắc, thoát khỏi Khảm Thủy hết sức hung hiểm đó thôi. Vấn đề là làm sao để người ta giúp hết lòng mới có hiệu quả chứ không phải giúp để duy trì sự khốn khổ của một nước nghèo mãi mãi. Còn đối với cá nhân bậc quân vương thì “đại nhân” có thể hiểu là các nguyên thủ trong các cộng đồng kinh tế nói trên. Hoặc như người quân tử được các bậc trưởng thượng trợ giúp cho thì cũng là ý này. Nếu ai đó cầm quyền mà làm cho những “người bạn” ngãng ra, không nhiệt tình giúp sức thì vận nước sẽ lao đao là lẽ dĩ nhiên.
Còn “Đạo chính” là đạo gì vậy? Chắc chắn không phải ý thức hệ cộng sản hay chử nghĩa Mác- Lê nin bởi những lời bàn trong Kinh Dịch có từ rất lâu trước khi có những thứ đạo ấy. Những kẻ làm vua chúa chỉ có một thứ “Đạo chính” duy nhất là đạo vì nước vì dân. Kể từ các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến nay, thời đoạn nào vua biết giữ đạo chính ấy thì thịnh trị, xa lìa đạo chính ấy thì muôn dân trăn họ điêu linh, triều chính nát bét, thậm chí mất nước.
Còn như làm vua chúa mà gặp thời này thì phải ứng xử ra sao? Quẻ khuyên rằng phải giữ Đức. Theo cụ Phan thì chữ Đức trong quẻ này là Nhân, Trí, Dũng. Đức nhân có được thì được nhân dân tin yêu; Đức Trí có được thì dù lòng người hung hiểm mình cũng không sợ; Đức Dũng có được thì dù đường đời hiểm nạn đấy nhưng mình cũng không lùi bước. Đó là ĐẠO VÀ ĐỨC CỦA BẬC QUÂN VƯƠNG TRONG THỜI KIỂN.
Nếu Đại hội XII chọn được những người như thế hay chí ít cũng được dăm ba chục phần trăm như lời khuyên dạy của cổ nhân theo thiên vận thì vạn phúc cho dân tộc và sự ra đi của cụ Rùa là sự “thăng thiên hiển Thánh” chứ không có điều gì phải luyến tiếc hay lo sợ cả. Nếu ngược lại thì họa “chư hầu đời mới” theo giặc phương Bắc là nhãn tiền chứ không xa xôi gì nữa cả. Ai chọn và chọn ai là như thế. Nếu nói mệnh vận thông qua quẻ Kiển là như thế. Vấn đề còn lại là liệu thời vận của đất nước ta chính xác đang ở thời Kiển hay không thì tôi chưa dám chắc. Nhưng xem ra, niềm tin của tôi cũng đặt nhiều vào quẻ Dịch ấy. 
Mấy lời nhàn đàm gửi quý anh chị và bạn hữu tham khảo vậy, cũng là để thư giãn trong môi trường chính trị căng thẳng, thậm chí còn “nóng” vào những ngày Đông.
Hà Nội, 20/1/2016.

Không có nhận xét nào: