Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Bài nên đọc VỀ LỄ HỘI CHÉM LỢN :ĐOÀN THƯỢNG LÀ TÊN TƯỚNG CƯỚP

Bài cóp tù blog NÓI LIỀU :
TƯỚNG QUÂN ĐOÀN THƯỢNG LÀ AI?


(Tài liệu sưu tầm từ Tintuc 24h và ĐVSKTT)
1. THÀNH HOÀNG LÀNG NÉM THƯỢNG LÀ TƯỚNG CƯỚP
Hàng năm vào ngày 05 và 06 tháng giêng, làng Ném Thượng (bây giờ là Phường Khắc Niệm) diễn hội CHÉM LỢN “nhằm tưởng nhớ công ơn ngài Đoàn Thượng sau khi đánh thắng giặc, ngài đã về đây giết lợn khao quân. Người dân làng đã vinh danh ngài là thành hoàng làng và lễ hội là để tưởng nhớ vị thành hoàng làng này”.
Theo cuốn sách HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM của nhà nghiên cứu Văn hóa Toan Ánh (in tại nhà in Sao Mai, Thủ Đức, phát hành ngày 1/11/1974) viết rằng: “Thành hoàng làng Ném Thượng là một tên tướng cướp có tên Lý Công. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng ẩn núp, dân chúng tìm không ra. Nhưng biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.


Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới. Tướng cướp sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong y lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống. Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”…. 




2. THÀNH HOÀNG LÀNG NÉM THƯỢNG LÀ ĐOÀN THƯỢNG
Ông Nguyễn Văn Chương – Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm (LÀNG NÉM THƯỢNG cũ) cho hay, các thế hệ đi trước trong tổ dân phố Thượng đều truyền lại rằng, đình làng thờ vị tướng quân Đoàn Thượng chứ không hề có tích nào nhắc đến thờ tướng cướp.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đoàn Thượng là người cùng bú bà vú với vua Lý Huệ Tông lúc ông vua này còn nhỏ (có lẽ vì thế được coi như anh em nuôi với vị vua này. NL bình luận). Năm 1212, giặc cướp nổi lên khắp nơi, Huệ Tông sai Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng (nay là các huyện Tứ Lộc, Ninh Thanh, Cẩm Bình, Hương Yên và một phần đất thuộc huyện Mỹ Văn thuộc tỉnh Hải Dương) đi bắt giặc cướp.

3. TƯỚNG QUÂN ĐOÀN THƯỢNG CŨNG LÀ TƯỚNG CƯỚP.
Được sắc chỉ vua ban, mang danh chịu mệnh vua đi bắt cướp, Đoàn Thượng thừa thế tự tiện làm oai làm phách, không ai dám nói gì, Sau tội trạng đã rõ, bị bắt về kinh (?) giam vào ngục để hỏi tội. Thượng rút gươm, cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đàng, đắp thành xưng vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn nổi.
Năm 1220, Nguyễn Nộn được sai đi bắt giặc cướp ở châu Quảng Oai, y chiếm hương Phù Đổng, tự xưng Hoài Đạo Vương cướp bóc dân mấy châu phía bắc kinh thành.
Năm 12 24, Lý Huệ Tông bị bệnh điên chữa mãi không khỏi, phải nhường ngôi cho Công chúa Thuận Thiên. Công chúa lên ngôi lấy hiệu là Chiêu Hoàng, mọi quyền hành rơi vào tay Trần Thủ Độ lúc ấy là Điện tiền chỉ huy sứ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình. Trần Thủ Độ dùng mưu ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình Trần Cảnh. Nhà nước vào tay họ Trần. Trần Cảnh lên làm vua xưng là Thiện Hoàng (Trần Thái Tông) nhưng buổi đầu đất nước vẫn loạn lạc lớn: Đoàn Thượng giữ mạn Đông (Hưng Yên, Hải Dương), Nguyễn Nộn giữ mạn Bắc, các châu Quảng Oai (vùng Chương Mỹ Hà Nội), Đại Hoàng (vùng Hoàng Long Ninh Bình ngày nay) vẫn chưa được dẹp yên. Tháng 2 Năm 1226, Trần Thủ Độ đem quân đi dẹp hai tướng cướp này nhưng không dẹp được, vua Trần đành phải phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, cũng hẹn phong vương cho Đoàn Thượng, định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến.
Tháng 12, Nguyễn Nộn đem quân đánh Đoàn Thượng, giết được Thượng, gộp quân sý và tài sản, trâu ngựa của Thượng ở Hồng Châu vào tạo thanh thế rất lớn. Từ đó y ăn chơi chè chén bừa bãi, đến tháng 3 năm 1229 thì ốm chết, từ đấy Đất Đại Việt được bình yên, nhà Trần bắt đầu các công việc phục hưng đất nước. (trích từ ĐVSKTT)
Như vậy Nộn và Thượng đếu là giặc của Triều Lý và Triều Trần. Giặc cướp Thượng bị giặc Nộn giết chứ chẳng phải anh hùng cứu quốc gì.

4. VIỆC HỘI HÈ CÚNG BÁI DÂM THẦN BỊ CẤM TỪ THỜI MINH MẠNG.
Dân Việt ta xưa nay thờ cúng Phúc Thần (là những người có công với nước với dân nhưng đã qua đời) và cũng thờ cả Dâm Thần là những thần nhảm nhí do mê tín dị đoan sinh ra, những ác thần làm nhiều hại cho dân như giặc cướp, ác thần gây lụt lộị, hoả hoạn, hạn hán, dịch bệnh…. Đến thời Minh Mạng Triều Nguyễn, nhà vua có chiếu chỉ cấm ngặt thờ cúng dâm thần. Tất cả đình miếu thờ dâm thần đều phải phá bỏ hoặc trục xuất dâm thần khỏi những nơi thờ cúng đó. Không thờ cúng hội hè lễ bái các dâm thần thì tầng lớp cường hào nông thôn không có cớ để bóp nặn dân đánh chén, Các sỹ phu Bắc Hà bèn nghĩ ra kế hối lộ quan huyện, lập khống thần tích các lễ hội và đền miếu thờ dâm thần. Những Nam Dâm Thần biến thành các tướng của Vua Hùng, các tướng quân đánh quân Nguyên của Triều Trần; Các nữ dâm thần thì biến thành nữ tướng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Triều đình ở xa không đủ lực lượng đi kiểm tra xác minh, dựa theo sớ tâu của các huyện quan mà phong thần cho các nơi. Thế nên người ta thấy khắp vùng đồng bằng trung du Bắc Hà nườm nượp các đền miếu thờ Vua Hùng, tướng của Vua Hùng, nữ tướng của Hai Bà Trưng mà gốc gác của nó là đền miếu thờ dâm thần như con giải thành tinh, thờ Phạm Nhan, thờ tướng giặc không đầu… Làng Ném Thượng trước đây là thờ tướng cướp họ Lý (Lý Công) nhưng đến thời Minh Mạng phải tâu khai là thờ Đoàn Thượng là thành hoàng làng để nhà vua phong Thần cho, nhưng cả làng và vua quan Triều Nguyễn cũng không phát giác ra một điều là Đoàn Thượng cũng là giặc cướp thời nhà Lý – Trần. 
Nhà nước VN bây giờ định đến năm 2030 xây dựng VIỆT NAM thành quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến nhưng về văn hoá cứ để lễ hội tào lao diễn hoài thì văn hoá Việt Nam chắc chắn thụt lùi tới 200 năm, không bằng triều vua Minh Mạng.

Bài coppy từ Blog NÓILIỀU

Không có nhận xét nào: