Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

NHÂN NGÀY 08-03 CHINH PHỤ NGÂM VÀ CHINH PHU NGÂM

NHÂN NGÀY 08-03
CHINH PHỤ NGÂM VÀ CHINH PHU NGÂM
(Bài chuyển từ blog NoiLieuhaha, quà tặng Hạt Cát ngày 08-03)
         
A. XUẤT XỨ HAI BẢN DIỄN NÔM 
1) Chinh phụ ngâm (Khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến)        Chinh phụ ngâm là một tập thơ có giá trị về văn học cổ của Việt Nam. Bản diễn nôm CHINH PHỤ NGÂM hiện hành được coi là áng văn cổ được lưu truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân ta, về mặt này chỉ thua Truyện Kiều của Nguyễn Du.       Chinh phụ ngâm bản chữ Hán là của Đặng Trần Côn, không cần bàn cãi, nhưng bản diễn nôm hiện hành của ai thì có nhiều nghi vấn ngay từ năm 1926 khi ông Phan Huy Chiêm có phát thư với báo Nam Phong rằng bản Chinh phụ ngâm đang được lưu hành rộng rãi trong dân chúng là của cụ Phan Huy Ích mà gia tộc họ Phan Huy còn giữ được cả bản chính chữ (Hán) và chữ Nôm. Tiếc là ông Chiêm không đưa ra công chúng bản đó. Đến năm 1953, Cụ Hoàng Xuân Hãn cho ra mắt công chúng tập CHINH PHỤ NGÂM BỊ KHẢO, có tập diễn Nôm Chinh phụ ngâm của Phan Huy Ích được gia tộc Phan Huy cung cấp nhưng chỉ là bản viết tay. Cụ Hoàng đã chứng minh rằng Bản diễn nôm Chinh phụ ngâm hay nhất, phổ biến nhất trong dân chúng là của Phan Huy Ích chứ không phải của nữ sỹ Đoàn thị Điểm như mọi người vẫn tưởng. Tiếc là cụ Hoàng Xuân Hãn nhầm lẫn một chút nhỏ nhưng quan trọng trong chứng minh này nên nhiều học giả cả ngoài Bắc và trong Nam không chấp nhận. Các trường Phổ thông và Đại Học ở Việt Nam vẫn dạy Học sinh Sinh viên rằng: Bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm hiện hành là của Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Bằng các nghiên cứu sâu sắc của mình, năm 1963 Nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm Lại Ngọc Cang cho ra đời tập sách nghiên cứu về Chinh phụ ngâm cả Hán văn và Diễn Nôm, chứng minh chặt chẽ, khoa học ý kiến của cụ Hoàng Xuân Hãn rằng Chinh phụ ngâm diễn Nôm hiện hành là của Phan Huy Ích và đăng tải nhiều tập diễn nôm Chinh Phụ Ngâm trong đó có tập của Phan Huy Ích và tập của Đoàn Thị Điểm do cụ Hoàng Xuân Hãn sưu tầm và đã đăng trong “Chinh phụ ngâm bị khảo” trước đây. Tập diễn Nôm được cho là của Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm có nhiều từ cổ hơn bản hiện hành và cách ngắt đoạn trong các câu song thất lục bát cũng cổ hơn, trục trặc hơn bản của cụ Phan Huy Ích. (Nữ sỹ họ Đoàn sinh trước cụ Phan và cho ra đời tác phẩm diễn Nôm trước cụ Phan nhiều chục năm).
2) Chinh phu ngâm (Khúc ngâm của người chồng đi chinh chiến)        Cùng giới thiệu với Chinh phụ ngâm bản chữ Hán trong “Chinh phụ ngâm bị khảo” cụ Hoàng Xuân Hãn cũng công bố một bản Chinh phu ngâm (征夫吟)((Khúc ngâm của người chồng đi chinh chiến).Chinh phu ngâm được cụ Hoàng giới thiệu là tác phẩm của Hồng Liệt bá (洪烈伯) (Không rõ tên thật). Đã có nhiều người cất công nghiên cứu tìm hiểu tên thật của tác giả nhưng đến nay cũng chưa rõ thân thế của vị bá tước này. Chỉ có một thông tin ngắn trong công văn ngoại giao giữa nhà Thanh (TQ) và nhà Tây Sơn ghi hai lần nhắc tới chức quan Thị lang bộ Hình, tước Hồng Liệt bá đi cùng đoàn ngoại giao do Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm phụ trách.
     Cụ Bùi Hạnh Cẩn đã Diễn Nôm bản Chinh phu ngâm này theo thể thơ “song thất lục bát” có cải biên và được cơ quan Văn Hoá Hà Nội in cách đây hơn 10 năm, cũng hy vọng qua bản dịch được lưu hành mà tìm được tên họ và quê quán của tác giả tập thơ này. Thế nhưng đã hơn 10 năm : “Thư thường tới mà tin không tới”. Khi nhờ tôi đưa tập thơ này lên mạng, cụ Bùi hy vọng một ai đó có biết chút thông tin về Thị Lang Hồng Liệt bá, khi đọc bản gốc (Hán Việt) và diễn Nôm Chinh phu ngâm có thể liên lạc với cụ hoặc cơ quan văn hoá nào đó cung cấp thông tin để góp phần làm rõ tên tuổi quê quán của tác giả Chinh phu ngâm, đó cũng là công việc bảo tồn di sản văn hoá của đất nước. Xin thay mặt cụ Bùi trân trọng cám ơn trước những thông tin quý giá mà người đọc gửi đến.
B. NỘI DUNG CHINH PHU NGÂM
     Trong tập Chinh phụ ngâm chúng ta đã học hồi cấp II, khúc ngâm của người chinh phụ, trong 405 câu song thất lục bát có diễn tả đủ cả những diễn biến tình cảm của người đàn bà có chồng đi chinh chiến xa, đó là sự từ hào khi tiễn chồng lên đường:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in…
Nhưng rồi cuộc sống thực tế vắng chồng lẻ loi, nhọc nhằn:
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mẻ xiết bao
đã khiến nàng buồn nhớ, tủi thân đến tột độ, biếng nhác trong trang điểm, trong công việc nữ công gia chánh. Khi không còn nhận được thư chồng thì nuối tiếc, hối hận vì đã để chồng ra đi
Khi tỉnh lại ngắm màu dương liễu

Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
      Sự nuối tiếc tuổi xuân và buồn vì lỡ hẹn nhiều lần khiến người chinh phụ trở thành nghi ngờ chồng nơi chiến trường xa:
Chẳng hay muôn dặm ruổi rong
Lòng chàng có được như lòng thiếp chăng?
Rồi ao ước được sum họp:
“Thiếp xin về kiếp sau này

Như chim liền cánh như cây liền cành
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau”
Cuối cùng là mong ước chàng chiến thắng trở về, lúc ấy
Ơn trên tử ấm, thê phong
Phần vinh, thiếp cũng đượm chung hương trời
Rồi vợ chồng đoàn viên, cùng nhau
“Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời”…
    Trong Chinh phu ngâm, tôi cứ nghĩ: là khúc ngâm của người lính ra trận thì diễn tả cái gì nhỉ? Có diễn tiến tình cảm từ “tự hào” khi khoác chiếc áo lính cầm gươm ra trận rồi nhớ nhung, buồn rầu, nuối tiếc, nghi ngờ vợ ở nhà không giữ được chung thuỷ với mình hay không? Buồn rầu và nhớ nhung thì nhớ khi nào, nhớ thế nào? Tất nhiên là người lính giữa cái sống và cái chết thì không thể lười biếng chiến đấu như vợ mình ở nhà:
Biếng cầm kim, biếng đưa thoi
Oanh đội ngại dệt, bướm đôi ngại thùa
Mà cũng không thể ăn mặc xộc xệch tuỳ tiện như người chinh phụ:
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng
Lệch vòng tóc rối, lỏng vòng lưng eo
Vì đã là lính thì trang bị phải gọn gàng, dung quang phải tươi tình. Khi tôi là lính, lúc đã tập hợp thành đội ngũ luôn bị hô “Nghiêm! Chỉnh đốn trang bị! Nghỉ!” .  Xin cho tôi được miễn dẫn chứng những câu thơ về diễn tiến tình cảm rất phong phú ở tập diễn nôm CHINH PHU NGÂM của cụ Bùi Hạnh Cẩn. Bạn đọc có thể đọc toàn tập thơ cả âm Hán Việt và Bản Nôm của cụ Bùi kèm theo ngay dưới đây. Bí mật nhé: Có đủ cả buồn thương nhớ nhung trách móc, nghi ngờ, ghen tuông, hối hận vì đã ra đi chinh chiến và ước vọng ngày chiến thắng trở về, vợ chồng sum họp như trong Diễn nôm Chinh phụ ngâm của cụ Phan Huy Ích. Để viết được bản diễn nôm có nội dung ý tứ gần gần với Chinh phụ ngâm nhưng khác chỗ đứng (một bên là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến xa, một bên là khúc ngâm của người chồng đi chinh chiến) tôi chắc rằng cụ Bùi đã phải “Vận hết mười thành công lực" để quên đi Chinh phụ ngâm” thì mới khỏi bị nhầm lẫn và cảm ứng với bản diễn nôm nổi tiếng này. Chắc cũng giống như Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên, Đồ Long Ký khi luyện Thái cực kiếm theo diễn mẫu của Thái sư tổ Trương Tam Phong đã phải cố gắng trong chốc lát quên hẳn kiếm pháp mà Trương tổ sư vừa diễn để tạo dựng được những đường kiếm kiểu Thái cực kiếm nhưng mang cá tính sâu sắc của chính mình. Cụ Bùi biên soạn Chinh phu ngâm theo thể song thất lục bát vừa có tính truyền thống, tiên tiến, đó là việc ngắt nhịp những câu bảy chữ theo luật 3+4 khá chặt chẽ, khác với các câu thơ 7 chữ của thơ Đường luật (ngắt câu theo luật 4+3), điều này tạo cho khúc ngâm có nhạc điệu, nhạc thanh êm đềm, ngay hai câu bảy chữ đầu tiên đã quán triệt cách ngắt vần này:
Thủa mưa gió/ bốn phương mù mịt
Khách anh hào/ chưa hết đua ganh
       Trong 467 câu song thất lục bát của bản diễn nôm của cụ Bùi Hạnh Cẩn, diễn dịch 477 câu Chinh phu ngâm của Hồng Liệt bá việc dịch thật sát với bản gốc là không thể (cũng như 408 câu Chinh Phụ Ngâm của cụ Phan Huy Ích diễn dịch 483 câu nguyên tác của Đặng Trần Côn), ấy vì bản chữ Hán là bản “Ngâm” kiểu của người Hán, lúc thì câu có 4 chữ, lúc thì câu có tới 10 chữ. Ở Diễn nôm của cụ Phan, cụ đã phải tăng câu, gộp câu, tách câu để diễn đạt được đầy đủ cái thần của tập thơ của cụ Đặng nhưng lại tạo được nhạc điệu và nhạc thanh êm đềm. Cụ Bùi Hạnh Cẩn lại theo một hướng khác, bởi từ trước đến nay khi dịch thơ chữ Hán, cụ luôn theo cách “thôi xao” chọn từ một cách công phu để đảm bảo sự trung thành với nguyên bản. Áp dụng cách dịch thuật trung thành với nguyên tác ở đây khiến cụ không thể thay đổi số câu, vị trí câu một cách thoải mái như cụ Phan Huy Ích đã làm, nhưng cụ đã thực hiện theo một cách khác: Đổi kết cấu của song thất lục bát. Nếu song thất lục bát truyền thống gồm 2 câu bảy chữ tiếp đến hai câu lục bát thì trong bản Nôm Chinh phu ngâm của cụ Bùi, ta có thể thấy được tới 18 tiểu đoạn cụ đã phá luật song thất bằng cách tiếp sau hai câu lục bát không phải là hai câu 7 chữ mà lại là hai câu lục bát nữa nhưng diễn đạt ngắt khác hai câu lục bát trước để người đọc khỏi ngỡ ngàng so với cách truyền thống:
Ải bắc có/ sông đầy ngựa tắm [câu 7]
Biển nam không /chốn lặng sóng kình [câu 7]
Lầu rồng /nghĩ chuyện/ giáp binh [Câu 6]
Nửa đêm dồn dập/ quân dinh hịch truyền [Câu 8]
Núi sông rộng/trải tám miền [Câu 6]
Gỉáo khua bãi biếc/gươm chen ao vàng [câu 8]
Tôi nghĩ đây là một giải pháp độc đáo của cụ Bùi. Giải pháp có hay hay không cũng còn chờ ý kiến của người đọc. Vài lời vụng dại, có gì sơ suất xin cụ Bùi Hạnh Cẩn và bạn đọc lượng thứ.

    Đọc Chinh phu ngâm bạn có thể phóng to trang bằng cách nhấn vào nút thứ 2 (có hai mũi tên chéo từ bên trái màn hình) 

Không có nhận xét nào: