Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

BÀ TÔI VÀ KHÓM BÍ NGÔ TRONG VƯỜN


BÀ TÔI VÀ KHÓM BÍ NGÔ TRONG VƯỜN
 
   

Tôi nhớ vườn nhà tôi rất rộng, có cây ăn quả bốn mùa, có hoa nở quanh năm, có nhiều loại rau như rau ngót, rau muống rau cải và có cả những gốc bí ngô dây bò ngang dọc, quả xanh, hồng vàng lăn lóc...Mỗi khi bí ngô có quả chín (tôi gọi thế khi thấy vỏ quả cứng chuyển từ màu xanh tía sang hồng vàng) là bà lại cắt về, bôi vôi vào cuống và xếp nằm trên những thanh tre được kê cao.

Từ khóm bí ngô ngoài vườn, bà tôi còn hái lá và ngọn non về nấu canh thịt, luộc và nhiều khi bà còn xào tỏi rất thơm ngon. Những ngày nghỉ rỗi rãi hoặc khi có khách, bà hái bông hoa bí ngô đực về. Bà băm thịt với nấm hương, mộc nhĩ, trộn ít hạt tiêu cho vào trong hoa hấp chín. Có lúc bà hái bớt quả non bé xíu trên những nhánh chi chít quả về xào nấm... Bây giờ vào nhà hàng thấy món rau bí ngô xào tỏi lại thấy nhớ bà thật nhiều !

Bà hay xào bí ngô non với thịt hoặc tỏi và bảo rằng: Ai bị bệnh“ buốt óc”( đau đầu) cứ ăn vài ngày một bữa sẽ khỏi ngay. Bà còn lấy bí ngô già thái miếng, nấu với đậu trắng bóc vỏ hay đậu xanh xay, rồi cho vào vài thìa đường thành chè. Chè này ăn no mà không ngấy, không chán. Bà bảo nó bổ tỳ, bổ vị, bổ khí bổ huyết, không nóng không lạnh, ăn vừa ngon vừa làm sáng mắt, tinh tai...Cả đời, bà chẳng thuốc men gì, cứ quẩn quanh trong vườn chăm bẵm rau, khoai, nhất là mấy khóm bí ngô: lá làm rau, quả làm thuốc...Có lẽ tới 90 tuổi mà bà vẫn sáng mắt, tinh tai và minh mẫn nhờ một phần nào khóm bí ngô vườn nhà chăng?

Hồi chúng tôi còn bé, mỗi lần thấy bà bổ bí ngô  là mấy anh chị em  bốc trộm cả nắm hạt ăn ngấu nghiến. Các anh chị lớn thì bóc vỏ, còn tôi và em gái thì nhai tuốt cả vỏ rồi không nuốt được lại nhè ra...
Mẹ tôi thấy thế, mắng chúng tôi thì bà bảo: “Thuốc đấy con ạ, chúng nó lê la đất cát, cho ăn hạt bí sống là tiệt cái nòi giun”.
Mẹ tôi thưa: “Thế bà cứ cất đi, bao giờ khô con rang cho chúng ăn. Còn sống sít thế này, ăn vào...”
Bà tôi cười, nhẩn nha: “ Rõ chán cái nhà chị, ăn chín còn thuốc thang nỗi gì. Phải là hạt bí sống mới tẩy được giun. Có điều là bọn trẻ không nên bốc trộm”...

Cho tới ngày khôn lớn học nghề thuốc, dùng bao loại thuốc, tôi vẫn không bỏ được hạt bí ngô truyền thống, nhất là với bộ đội chúng tôi những năm tháng chiến tranh, xa thành phố, gần nhà dân thì hạt bí ngô là thứ “thuốc”dùng tẩy sán không thể thiếu được.
 Theo Y HỌC CỔ TRUYỀN: Hạt bí có vị ngọt, tính bình.
Tác dụng: tẩy giun đũa, giun móc nhất là với sán xơ mít thì tẩy được gần như tuyệt đối, khi tẩy sán thì nên kết hợp với hạt cau (quả cau để ăn trầu).

Một vài bài thuốc có hạt bí:

Tẩy sán xơ mít

1. Hạt bí sống(bỏ vỏ) 30g. Vỏ rễ cây lựu 30g, sắc đại lấy 200ml chia làm ba lần uống trong ngày. Uống liên tục hai ngày

2. Hạt bí sống 60g-120g bỏ vỏ( tùy theo cân nặng) ăn vào sáng sớm lúc đói.

Sau 30 phút uống nước sắc: Hạt cau 60g-120g;

Vỏ rễ cây lựu 30g.

Nếu sau 2h chưa đi ngoài được thì uống Magie Sunphat 10g. Khi đi ngoài nhớ ngâm hậu môn vào nước ấm cho sán ra hết.

Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, có thể dùng hạt bí ngô để tẩy giun sán theo cách sau:

Hạt bí ngô bỏ vỏ cứng, giữ màng xanh 100g giã nhỏ mịn, thêm 50ml nước tráng sạch cối. 50-100g mật hay siro hoặc đường trộn đều ăn một lần vào lúc đói (khoảng trong vòng 1h) nằm nghỉ, 3h sau uống thuốc tẩy ( Magie Sunphat), đi ngoài trong chậu nước ấm.

Trẻem: 3-4 tuổi: ăn 30g

5-7 tuổi: 50g

7-10 tuổi: 75g

Về kết hợp với hạt cau.
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt sán bò và sán lợn nhưng chỉ mạnh với đầu sán, còn hạt bí ngô làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán. Vì vậy hạt cau và hạt bí ngô là sự kết hợp rất hoàn hảo để có một thuốc tẩy sán an toàn, không độc hại.

Tất nhiên hiện nay có rất nhiều thuốc tây y tẩy giun sán có hiệu quả, nhưng những bài thuốc này chắc chắn vẫn chưa hết tác dụng. 
Hạt bí sống có tác dụng giảm béo. Ai muốn giảm béo thì nên ăn hạt bí tự nhiên, chưa qua chế biến.

Ăn mà không béo, Làm đẹp,

Không có nhận xét nào: