Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP TRONG THƠ HẠT CAT

XUÂN LAN - ORCHID KHÁM PHÁ TỨ THƠ HAY & ĐẸP của HAT CAT

I
Xuân Lan 
    1 * --  Mùa hè năm nay (2016), với tình cảm quý mến thi sĩ Hạt Cát, quý mến bạn bè và yêu thích Thơ, tôi viết những dòng chia sẻ về cảm nghĩ của mình khi đọc thơ của thi sĩ Hạt Cát như chia sẻ chén rượu nồng, cay, ngọt say cùng các bạn.


Xuất phát từ đặc điểm sau: khi làm thơ có thể có nhiều người cùng có những ý thơ tương tự nhau, nhưng tứ thơ là cái rất riêng của thi sĩ. Tứ thơ bao gồm trong đó cảm xúc, ngôn từ, nhạc điệu thơ, hình tượng thơ từ cái nhìn rất riêng của thi sĩ,được thi sĩ chuyển tải cùng ý thơ qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ, qua năng khiếu và cảm xúc của riêng thi sĩ đó. Có những bài thơ của Hạt Cát ý tứ hay và đẹp, đọc lên làm ta xúc động đến thẳm sâu trái tim. Cho nên bài viết lần này tôi sẽ chia sẻ cùng bạn bè theo chủ đề: “Xuân Lan – orchid khám phá những tứ thơ hay và đẹp của thi sĩ Hạt Cát”, trong khuôn khổ bài viết này tôi chọn bốn bài thơ: “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”, “Chuyện tầm phào”; “Chỉ khi chạm đến đáy đắng nỗi buồn”, “Sắc không an lành” bàn luận cùng các bạn.

Trước hết ta hãy đến với bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này” để khởi động hành trình khám phá các thi tứ độc đáo của nhà thơ Hạt Cát. Với thể thơ tự do, mở đầu bài thơ là những câu thơ với nhịp điệu chậm rãi, cách gieo vần đọc lên nghe ở những âm trầm, câu chữ ngôn từ nhẹ nhàng. Cùng với âm điệu đó, Hạt Cát đã tinh tế chọn đại từ nhân xưng “tôi và mình”; hình ảnh “dựa vào vai”, “nắm chặt tay”của hai nhân vật trữ tình trong bài thơ cho chúng ta nhận ra những lời âu yếm là của người chồng giành cho người vợ, mà cả hai đã vào tuổi hạc tóc nhuốm màu sương, vẫn tâm thái an nhiên, tình cảm yêu thương trìu mến:

“Dựa vào vai tôi, mình ạ.
Nắm chặt tay tôi, mình ạ.
nào cùng đi, mình nhé!
như ngày nào ta dung dẻ, dung dăng...”


Trong cả bài thơ nếu ta thay cặp đại từ nhân xưng “mình và tôi” hoán chuyển thành cặp đại từ “anh và em” rồi so sánh, thì bài thơ cũng có ý hay nhưng không đặc sắc. Bởi vì những cặp vợ chồng sồn sồn độ tuổi 5X trở lại đây chỉ còn xưng hô “anh anh, em em”, việc còn tán tỉnh nhau, hâm nóng tình yêu là chuyện thường có. Ở đây, ta hãy lắng nghe cụ ông âu yếm nói với cụ bà bằng lời chân thành, ân cần; để rồi mặc dù ta không phải là bà cụ ấy, vẫn xao xuyến xúc động và lặng đi ngẫm nghĩ bài học cho bản thân về cách ứng xử trong đời sống vợ chồng:

“Mình nhìn xem:
lá lúa trăng
đậu trên mái tóc mình óng bạc.
Kìa kìa:
lưng trời cánh hạc
rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay”
Mình ơi,
sáng nay
nắng hồng đọng trên môi mình.
Thật đó!
cặp môi ngày nào mọng đỏ
cả đời tôi trộm khát khao.

Mình ơi, ngàn vì sao
không có ngôi nào trong như mắt mình đâu nhé!
không có ngôi sao nào nồng nàn như thế!
như đôi mắt đen tròn sưởi ấm suốt đời tôi”.


Không chỉ dừng ở lời nói, cụ ông còn rủ cụ bà dạo phố chiều Tết và chăm sóc cho nhau từ chiếc áo ấm: 

“Nào mình ơi, khoác tay tôi
mang thêm chiếc áo dài ấm mỏng
chiều Tết này người vắng
tôi đưa mình dạo phố xá thân quen”


Hạt Cát thật xuất sắc khi chọn thi tứ như đã nêu ở trên để khắc họa nên hình tượng một cặp đôi hạnh phúc, không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài. Hãy đọc những câu thơ tiếp theo để thấy hai cụ già tinh thần trẻ trung, yêu đời và độ lượng với cháu con. 

Ta thấy họ nghĩ về những kỉ niệm đẹp thời son trẻ để lòng thêm vui qua khổ thơ:

“tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên
kỷ niệm thời cắp sách
ta nghịch đùa nơi vườn hoa bóng mát
nhặt búp đa, ngắm lá hoa bay
ngắm Cột cờ* vòi vọi trong mây.
cười nắc nẻ đuổi hoa bắt bướm...”


Đọc tới đây thơ thay đổi từ nhịp chậm, âm trầm sang nhịp nhanh hơn, thanh âm cao hơn, khi càng xuống các câu dưới của khổ thơ. Phải chăng trái tim hai cụ đang cùng rộn ràng đập khi nghĩ về những kỉ niệm đẹp khắc ghi trong tâm khảm, trải dài theo năm tháng sống bên nhau.
Ta thấy họ coi những gian lao, đói khổ từng trải là chuyện đã qua, không còn gì để bận lòng. Hạt Cát đã cho nhịp thơ nhanh, câu thơ ngắn đơn giản:

“Qua rồi, mình ơi
chộn rộn
tháng ngày đói khổ
tháng ngày gian lao
qua máu đào
qua lửa đỏ...”


Họ nghĩ về cháu con thì hài lòng, thanh thản, họ sống cùng nhau hạnh phúc viên mãn, nghĩa tình vẹn nguyên:

“.... Đủ cánh lông
chim ra ràng
rời tổ.

Còn lại mình và tôi.

....
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”


Nhà thơ Hạt Cát rất tinh tế khi chọn cho bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này” tiết tấu chậm rãi hay nhanh lên, âm điệu trầm ấm hay tươi vui đều rất hữu ý, ngôn từ giản dị tường minh, chú trọng xây dựng hình tượng thơ “hai vợ chồng tuổi hạc tóc nhuốm màu sương” đẹp từ vẻ bề ngoài đến nội tâm. Hạt Cát thiên về sử dụng nhịp điệu, không dùng quá nhiều thủ pháp tu từ trong bài thơ, tô điểm cho bức thi họa những đường nét duyên dáng hợp lí, tất cả những điều này đã làm thành một tứ thơ hay và đẹp. Ý thơ hòa quyện cùng tứ thơ rất đẹp xuyên suốt bài thơ, truyền cho ta tình cảm mến phục, ý nguyện sẽ noi theo gương thế hệ đi trước giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của gia đình Vi

2*-- Ta hãy đặt bài thơ: “Chuyện tầm phào” cạnh bài thơ “Ta dìu nhau đi hết cõi đời này”, đọc và ngẫm để thấy Hạt Cát rất khéo léo khi chọn tứ thơ song hành với ý thơ, nhà thơ rất tinh ý khi quan sát đời sống hàng ngày và tài tình dùng ngôn từ để diễn tả lại bằng câu chuyện bằng thơ như sau:

Một Ai: ngồi đuổi gió ngày
Ngất ngư dở dở ngây ngây... mặc đời.
Che nón rách dấu miệng cười
Vươn dài cổ nghé cậu giời gọi mưa.

Một Tôi: ngồi gói nắng trưa
Chia làm đôi ngọn cỏ lùa ngách hang
Xắn quần đi bắt cua càng
Vơ ào rác rến ném sang láng giềng.

Một Em: hai lúm đồng tiền
Chân mày lá liễu, lưỡi liềm mi cong
Môi thắm đỏ, má ửng hồng
Tôi và Ai... ngả nghiêng lòng đắm mê.

Một hôm gió lộng bờ đê
Mặc Ai, tôi rủ em về ...nhà tôi!


Đây là bài thơ kể “chuyện ba người”, một kiểu cốt truyện phổ biến được các nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc hay dùng. Việt Nam ta có bài thơ nổi tiếng “Hai sắc hoa Ti-gôn” được cho là của TTKh, nhân vật “tôi” kể chuyện là người con gái;hoặc trong âm nhạc thì có bài hát một thời vang bóng: “Đập vỡ cây đàn” của nhóm nhạc Lê Minh Bằng, nhân vật “tôi” kể chuyện là người nam thất tình. Bài thơ “Chuyện tầm phào” của Hạt Cát cũng có cốt truyện như thế, nhưng mang sắc thái riêng của Hạt Cát, đó là một bài thơ vui, có một chút ý nhắn nhe đến các cậu trai trẻ đang tán gái.

Ta thấy ở đây có một anh chàng ở vùng thôn quê vừa cưới vợ xong và tâm trạng vui sướng đang kể lại kết quả, kinh nghiệm tán gái. Do đó tác giả đã chọn thể thơ lục bát dân dã, lời thơ hóm hỉnh, nhịp điệu tươi vui, thủ pháp nghệ thuật tu từ phong phú và hình ảnh chọn lọc lột tả tính cách từng nhân vật. (Bài viết dài nên tôi không dẫn chứng minh họa kĩ cho các nhận xét này)
Rất độc đáo khi Hạt Cát cho nhân vật Tôi kể lại “câu chuyện ba người” với giọng điệu của kẻ đắc thắng, một tâm thế của kẻ thắng cuộc rất hay xảy ra trong đời thường. Tôi kể rằng cả hai Tôi và Ai đều làm những chuyện không đâu vào đâu vì tương tư Em: “ngồi đuổi gió ngày”, “ngồi gói nắng trưa”, vì“ngả nghiêng lòng đắm mê” Em.
Ở vị thế của kẻ thắng Tôi rất coi thường và chê Ai nhút nhát đến độ nhìn con cóc mà cũng chỉ dám “vươn dài cổ” để “nghé”, chứ không phải là “đến tận nơi” để “nhìn”, hình ảnh này làm rõ cái vẻ “dở dở ngây ngây” của Ai. 

Còn khi Tôi kể về bản thân qua hình ảnh: “Chia làm đôi ngọn cỏ lùa ngách hang./Xắn quần đi bắt cua càng. /Vơ ào rác rến ném sang láng giềng”, ta thấy chàng Tôi tính tình táo bạo, khôn ngoan láu lỉnh, có chút ít liều lĩnh: “Vơ ào rác rến ném sang láng giềng”
Tôi càng tăng giá trị bản thân khi kể rằng Em rất xinh: “Một Em: hai lúm đồng tiền./Chân mày lá liễu, lưỡi liềm mi cong. Môi thắm đỏ, má ửng hồng” 
Câu chuyện được kể ngắn gọn mà cuốn hút bởi các tình tiết chọn lọc đối ngẫu, sinh động, lời thơ dí dỏm, nhip điệu tươi vui tung hứng làm thành tứ thơ độc đáo.

Hạt Cát chỉ cần hai câu thơ để kết lại câu chuyện với đầy đủ “thành tích và kinh nghiệm tán gái” của nhân vật Tôi: “Một hôm gió lộng bờ đê. Mặc Ai, tôi rủ em về ...nhà tôi!” Thành tích đã quá rõ thể hiện qua từ “rủ” mà không phải là các từ “đón”, “đưa” hay “rước”; cho thấy Em đồng ý về cùng Tôi mà không miễn cưỡng. Kinh nghiệm tán gái trong cụm từ “mặc Ai”, có lẽ nhân vật Tôi muốn nói: khi tán gái không nên nhút nhát, chùn bước.

Đọc xong bài thơ ta không khỏi bật cười thú vị. Ngoài việc bài thơ đem lại giá trịgiải trí qua câu chuyện kể bằng thơ, còn phản ánh được quy luật cuộc sống: trai gái đến tuổi đem lòng tương tư nhau là chuyện thường tình, nhưng nhắn nhe đến các cậu con trai muốn được vợ thì đừng quá kém cỏi, thắng cuộc thì chớ quá ba hoa,thấy xấu!  

Bài viết đến đây đã dài, xin hẹn các bạn bài viết sau cũng nói về chủ đề: “bàn luận về một số bài thơ có ý tứ đẹp và độc đáo của thi sĩ Hạt Cát” qua hai bài thơ: “Chỉ khi chạm đến đáy đắng nỗi buồn”, “Sắc không an lành”.  

Không có nhận xét nào: