Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

ĐỌC THƠ HẠT CÁT, HÁT BÙI CỬU TRƯỜNG, GẶP DIỆU SINH


Sách thơ VƯỜN NĂM NHÀ

Tủ sách THƠ BẠN THƠ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
( CHỦ BIÊN)
Thơ
nguyễn nguyên bảy/HẠT CÁT/hoàng xuân họa/LÝ PHƯƠNG LIÊN/mai an nguyễn anh tuấn 

NXB HỘI NHÀ VĂN

Kết quả hình ảnh cho SÁCH THƠ VƯỜN NĂM NHÀ


Trước mặt tôi, lúc này là tập thơ nhiều trăm trang Hạt Cát, của nữ thơ Diệu Sinh/ Bùi Cửu Trường, với lời tựa của Nguyễn Thế Kiên, lời Đọc Thơ Hạt Cát của Nhã My-Sương Lam và lời thu hoạch của Lý Phương Liên. Xin chép trích lại, cả ba khúc giao duyên nhắc trên, trước một hoan hỷ đò đưa.

Nguyễn Thế Kiên: Mấy mươi năm cống hiến cho nghề thuốc, nghiệp binh, ngoại lục tuần, chị mới chạm cái mênh mông của cõi ảo internet, những tưởng chỉ để khuây khỏa tuổi hoàng hôn. Nào ngờ, cứ sau mỗi bình minh lại thấy một vài bài thơ xuất hiện trên trang blog Hạt Cát của chị. Chỉ sau 24 tháng, chị đã viết hơn một ngàn bài thơ trên blog của mình. Đọc những bài thơ ấy, khiến tôi ngạc nhiên bởi sự lấp lánh của ngôn ngữ, sự độc đáo của ý tưởng… Đọc Hạt Cát tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: Phải chăng, để có hai bốn tháng viết được hơn ngàn bài thơ đầy ám ảnh kia, là năng lượng từ một cõi siêu nhiên nào đó đã tích tụ trong chị suốt mấy chục năm qua? Hay cái duyên thơ từ trời xanh đã nhập vào đời chị sau tuổi lục tuần? Thơ của Diệu Sinh Bùi Cửu Trường – Sợi chỉ căng ngang giữa đời và đạo.”(Sách thơ Hạt Cát, đã dẫn)

Nhã My- Sương Lam: Tôi có một nguyên tắc là không (dám) bình thơ của tác giả đương thời. Điều này cũng dễ hiều vì thứ nhứt sợ cảm nhận của mình cũng không đúng sẽ làm người đó buồn, khó chịu (vì không ai hiều thơ mình bằng chính tác giả). Điều thứ hai là muốn phê bình nhận xét một tác giả thì phải qua một quá trình theo giõi sáng tác, tức những đứa con tinh thần của tác giả đó. Thường thì việc này được kết thúc khi sự nghiệp văn chương của tác giả đó đã hoàn tất. Nhưng hôm nay tôi mạo muội giới thiệu thơ của một người bạn ( đúng ra là một người chị vì so với tuổi đời chị lớn hơn nhiều), bởi vì tôi bị người đó – Hạt Cát “thôi miên” đã khiến bị cuốn hút vào những dòng thơ tuyệt vời. vào những dòng chữ đầy “ma thuật” với sức hút vô cùng quyến rũ !..”(Sách đã dẫn)

Lý Phương Liên: “ Mình làm thơ đã dễ, Cát làm thơ còn dễ hơn, hai đứa đều như thấy cái gì, thích cái gì, viết ra cái đó, viết không kịp nghĩ và đôi khi thực chẳng biết viết những dòng đó ý nghĩa gì, mục đích gì. Cái đó các ông thầy thơ gọi là ngẫu hứng? Còn mình thì cho đó là thú chơi thơ, chẳng biết Cát có nghĩ thế? Chỉ có điều mình chơi thơ trong không gian hẹp hơn, Cát chơi thơ trong không gian rộng hơn. Không gian của mình chỉ đơn thuần khu vực cuộc sống gia đình hàng ngày. Không gian của Cát mênh mang hơn gấp nhiểu phần, nào đời, nào đạo, nào tình, nào tu thân, nào ta - bà, nào nam mô.. nào..đủ thứ.. mà Cát gặp, Cát thấy trong vườn thơ. Thế nên chỉ trong hai năm Cát đã hái được cả ngàn hoa cỏ thơ, còn mình, cũng trong hai năm (lúc 18 tuổi) chỉ viết được vài chục bông thơ. Bái phục sức viết của Cát. Càng bái phục hơn khi Cát năm nay gần bảy chục ( Cát và mình đồng tuế, 1948), mình viết dễ lúc mười tám, đôi mươi, bây giờ tắc tị, còn Cát thì bắt đầu, ai khỏe hơn ai cứ thế suy ra mà rõ. 
Này Cát, mình cho rằng, vấn đề không chỉ ở số lượng bài viết, mà vấn đề là những bài viết đó “thơ” mức nào. Thơ Cát ( tất nhiên mình chưa thể đọc hết, nhưng hứa là sẽ đọc hết, đọc nhiều lần sau này) đều ở mức từ đọc được đến hay, nhưng hơi mệt. Thế là mừng quá rồi. Ai chưa khen hay chưa thích mình không biết, nhưng những câu thơ như dẫn dưới đây, mình chịu, mình thích,
(Chủ ý không dẫn xuất xứ..) dẫn chép 5 câu:

/ Em về/Ứ nhé/ Em về/ Cơn giông đã hẹn bên kia mố cầu../
/ Cõi tạm này chỉ ngắn một gang/ Hai chúng mình chắp vào không đầy nửa/ Đống củi cuối, cành sau cùng cháy dở/ Thu sắp qua/ Đông buốt gió heo may../
/Tôi về nhặt lại ngày xưa/ Chuồn chuồn cõng hạt nắng trưa ngoài vườn../
/ Bao ngày…/ Mẹ đã xa rồi/ Mẹ đi trống cả đất trời quanh con../

/ Trời mùa đông vẫn như ngàn năm cũ/ Rét thủy tinh dòn tí tách sớm Hố Tây../ 

Thơ Cát hồn nhiên kiểu này, đèm đẹp kiều này, gợi cảnh, gợi việc, gợi tình kiểu này..nhiều lắm. Đó là một thành công của Hạt Cát - người chơi thơ. Và nếu chỉ trong ý muốn này của Cát (Cát thường lập ngôn với bạn thơ như thế !) thì cuộc chơi của Cát đã là quá mãn, xin phục tài. 
Tuy nhiên, nói tuy nhiên là lẽ tiếc sự quá “lãng phí tài thơ “ của Cát. Cát đang ngẫu hứng thơ từ một cái tựa đề, sau đó dùng điệu vần ru đẩy ra thơ, ngắn, dài, cổ, tân tùy muốn. Sao Cát không nén lại chút, cho cái ngẫu hứng “chín” mà thành sự, thành truyện, thành “tứ” để nâng cao tầm thơ, để chẳng những người tung thơ thỏa sướng hơn, mà bạn thơ thưởng lãm cũng được đẫm lòng yêu nhớ thơ Cát hơn?”

Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa thơ Hạt Cát.

1/Hạt Cát, thông tin từ Lý Phương Liên, sinh năm 1948.
Người sinh năm 1948, tuổi Mậu Tí, chữ Mậu hàng can, thuộc dương thổ, chữ Tí hàng chi, thuộc dương thủy, can thổ khắc chi thủy, khắc nhập thổ thủy, toán số bậc 4, cuộc đời gói gọn trong bốn chữ: Vất/Vả/Tranh/Đấu/Thành/Tựu. 

Người sinh năm 1948, tuổi Mậu Tí, tên hành Tích Lịch Hỏa. Tích lịch hỏa là lửa sấm sét, nghĩa nôm na: Sấm có tiếng nhưng không có lực/ Ai cũng sợ nhưng không giết ai bao giờ. 
Từ ý nghĩa Can Chi đến ý nghĩa hành, chọn nghệ danh Hạt Cát thật đắt trong cả nghĩa thực và nghĩa ảo, ắt tất được viên mãn như nguyện trong ý nghĩa Hạt Cát. Thành thực chúc mừng. 

2/Tôi lục đọc trong bốn tập thơ, dầy ngang nhau, đều nhiều trăm trang, ba tập tự in, một tập do NXB Văn Học ấn hành và lục đọc trang blog Hạt Cát mà gặp người thật ngoài đời, tên Bùi Cửu Trường, một người con hiếu thảo, một người lính quân y gần như nghiệp cả đời, một người bạn và một nhà thơ.
Tôi đọc thơ Hạt Cát bằng thuật dịch học, và chỉ có pháp đọc này mới trợ giúp tôi đọc nhanh lướt cả ngàn bài thơ trong kiệm ngặt thời gian và sự thích thú giới hạn của mình. Thuật dịch đọc này có ba pháp: Lý/Tượng/Số. Nôm na là: Bài thơ này nói cái Lý gì, câu chuyện gì ? Lý thuận hay nghịch? Lý mới hay cũ? Cái Lý thường xuất hiện ngay từ cái tựa bài, hoặc xuất hiện từ một hoặc hai câu mở đầu.. Lý là điều quan trọng nhất của bài thơ. Phần lớn những bài thơ đọc hết khổ thơ đầu hoặc 4,5 câu thơ đầu mà chưa thấy hiện lên cái lý gì, tức là không nên tiếp tục đọc nữa, vì hình như nó không phải là thơ. Trường hợp nên tiếp tục đọc, là trường hợp trong bốn, năm câu này phảng phất xuất hiện Tượng, tức là một biểu tượng, một lập ngôn, hoặc lấp lóa một bất ngờ kỳ lạ. Và đôi khi, không thấy xuất hiện Tượng, mà lại xuất hiện Số, tức là xuất hiện các hình ảnh phối nhau bằng âm thanh, mầu sắc, tâm trạng, các số này thuận nghịch, đối lưu nhau, tương phản nhau, giãi bầy cảm xúc, tâm trạng hoặc gợi sự tò mò thích thú bất ngờ. Dẫn một câu thơ ví dụ về ba pháp Lý/ Tượng/ Số cho lời nôm na, dễ hiểu hơn: Sắc đỏ của máu và mầu vàng của da/ Mỗi chúng ta là một ngọn cờ..(NNB). Lý là lòng yêu nước. Tượng là ngọn cờ. Số là sự cân bằng giữa máu và da thịt, cân bằng thành con người. 

Thật may mắn là Blog Hạt Cát đã nén cả ngàn bài thơ của mình theo phân loại: Thơ ba câu/ Thơ bốn câu/ Thơ năm câu/ Thơ sáu câu/ Thơ bảy câu/ thơ lục bát/ Thơ song thất lục bát/ thơ Đường luật/ Thơ tự do/ Thơ văn xuôi..Mỗi nhãn dung lượng vài chục bài đến cả trăm bài. Sự sắp xếp này chứng tỏ tác giả là người rất tự tin và chấp nhận những thách đố, phẩm bình, lượng gía thơ của bạn đọc. Đó cũng chính là đức chân thành của người chơi thơ. Đồng thời, sự sắp xếp này đã thật lợi lạc cho người đọc thơ, vì được thỏa mãn đối chứng, đón nhận và tôn vinh khi đọc gặp câu thơ thích, bài thơ thích và lẳng lặng lướt qua những câu thơ vu vơ, những bài thơ nhạt. 

Xin hãy hoan nghênh tinh thần yêu thơ của tôi, vì tôi đã đọc hết theo cách Lý/Tượng/Số khối lượng thơ “khủng “ của Hát Cát. 

Tôi xin gửi những lời tôi xin bầu bạn hoan nghênh tôi, đến Bùi Cửu Trường, danh khai sinh của nghệ danh thơ Hạt Cát, thay lời khích lệ tôn vinh và biết ơn vì đã cho tôi đọc gặp cuộc đời thường tình của Bùi nữ sĩ. Không hẳn bài thơ nào của Bùi Cửu Trường cũng đẹp đủ “tam thức” Lý/Tượng/Số, nhưng đã đọc gặp nhiều Lý thuận, Lý sáng, nhiều Tượng đẹp, Tượng hay và nhiều Số lung linh huyền ảo..Đọc thơ Hạt Cát, cảm xúc trong tôi như gặp một người thơ múa hát, hát thơ, tên là Bùi Cửu Trường…
Và cũng đồng cảm xúc với Lý Phương Liên: "Tuy nhiên, nói tuy nhiên là lẽ tiếc sự quá “lãng phí tài thơ “ của Cát. Cát đang ngẫu hứng thơ từ một cái tựa đề, sau đó dùng điệu vần ru đẩy ra thơ, ngắn, dài, cổ, tân tùy muốn. Sao Cát không nén lại chút, cho cái ngẫu hứng “chín” mà thành sự, thành truyện, thành “tứ” để nâng cao tầm thơ, để chẳng những người tung thơ thỏa sướng hơn, mà bạn thơ thưởng lãm cũng được đẫm lòng yêu nhớ thơ Cát hơn?” 

3/ Đọc tìm trong ngàn bài thơ Hạt Cát, tôi đã đọc thích nhiều bài, đơn cử: /Đêm, chuyện của một người/ Chỉ còn/ Ngôi sao lẻ loi/ Thử một lần say/ Buồn ơi/ Ma trận/ Nồng oi tháng Sáu/ Âm thầm cuối năm/ Có ai về cùng tôi ngày xa cũ../ 
Không thể dẫn hết những bài đọc thích thơ Hạt Cát. Xin cùng tôi đọc trọn một bài, nhấn mạnh: một bài, một trong số hơn ngàn bài thơ Hạt Cát đã viết tặng đời mới hổi hai năm nay. Bài Đêm, chuyện của một người

ĐÊM, CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI

/ Mảng đêm đen ngọn đèn mờ tỏ/ Cửa sổ lùa cơn gió vu vơ/ Trăng suông sáng sáng vườn chùa/ Nâu sồng lất phất, song thưa đổ dài./
/Cởi mũ ni, vành tai lành lạnh/ Mồ hôi nồng dính dính ngón tay/ Tường khuya hắt bóng lắt lay/ Cửa Thiền vóc hạc hao gầy bao đông?/
/Soi ao chùa má hồng nhàn nhạt/ Dõi sương chùa hạt hạt tong tong/ Rấp lòng về với cửa Không/ Nào hay bập bập bùng bùng lửa đêm?
/Dưa muối chốn gác Thiền đắp đổi/ Nguyện kệ kinh sớm tối Phật đài./ Ngân nga chuông thỉnh hồn ai/ Mõ chiều lốc cốc lọt ngoài tam quan./
/Ngấn mắt ướt lòng tan dạ nát/ Hoen má đào muối xát tâm can/ Thơ ngây chút phận hồng nhan/ Mà ngang trái, mà đa đoan tội tình!/
/Buông gió mây nương mình bóng Phật/ Rũ bụi trần chật vật bấy nay/ Tóc xanh quấn mấy vòng dây/ Vẫn như níu chặt tháng ngày gai chông./
/Ai nỡ lòng ăn không nói nói có?/ Ai rắp tâm mượn gió bẻ măng?/ Nén lòng răng cắn chặt răng/ Cởi duyên oan nghiệt sâu nông bấy chầy.
/ Chiều hoàng hôn trời Tây ác ngả/ Trăng khuya loang mặt lá nhạt tênh/ Cõi lòng ngỡ đã lạnh tanh/ Vẫn khi quặn thắt tim mình đớn đau/
/Đêm hoang vắng nhàu nhàu cây lá / Ngày nóng nung ủ rũ búp non/ Bao lần nước mắt chứa chan/ Bao lần nhòa bước tam quan ngập ngừng./
/Ngào ngạt sen thơm hồng dẫn lối/ Nước Cam Lồ mát rượi liễu xanh.../ Ngộ tâm thành, Sáng tâm minh / Phật Thiêng Liêng giữa lòng mình đâu xa.
/Đường Thiền ngàn muôn hoa đua nở/ Cõi Phật Đài lộng gió thênh thênh./ Hỡi ai phận bạc nổi nênh/ Nương làn hương khói bồng bềnh bay xa .../


Bạn đọc ơi, khúc Đò đưa của tôi đến đây là hết. Ồ, không, khoan, nghe như ai đang gọi, đang thơ, đang hát: /Hỡi ai phận bạc nổi nênh/ Nương làm sương khói bồng bềnh bay xa../ Hình như thơ Hạt Cát, hình như tiếng hát Bùi Cửu Trường, cùng là một người đấy thôi, có điều bây giờ người thơ ấy hát bằng giọng Diệu Sinh trên con đường người ấy đang đi về (hay đi tới) nơi người ấy muốn. 
Nơi mà như Nguyễn Thế Kiên nói: “Thơ của Diệu Sinh Bùi Cửu Trường – Sợi chỉ căng ngang giữa đời và đạo.”


1 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

" Thấy người xang Mắt quàng làm họ "
Ui. Bạn tui giỏi quá. Khen thật đấy