Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

HOÀNG DÂN đọc KÍNH VIẾNG LINH HỒN LIỆT SĨ SỐT RÉT của Hat Cat


KÍNH VIẾNG LINH HỒN LIỆT SĨ SỐT RÉT
Hat Cat Diệu Sinh
- Người chết thì không về nữa
Sao ngày nào anh cũng đây?
Mắt đờ người run ngộp thở
Quân trang rách túm khíu dây.

Anh cười... răng vàng cáu xỉn
(Tiếng cười run lá khô cây)
Lưng khòm như con tôm luộc
Xương nhô nhọn bả vai gầy

Anh lại cười... không ra tiếng
Sốt cơn rút kiệt sức trai
Tóc bết bụi lầm đóng mảng
Cáu đen mười móng tay dài.

Nhếch mép... nét cười như khóc
Chúi đầu vào gốc cây già
Lá rừng dâng ngang lút mặt
Đất mùn vương vãi thịt da.
Há miệng cố... không cố được...
Hạt khí cuối cùng hắt ra.
Cơn sốt bỗng dưng tắc nghẹt.
Hình... hình như... hình như là...?..!

Vẫn co như con tôm luộc
Anh lùi vào chốn bao la
Sốt rét dứt cơn đầy đoạ
Anh tan cùng với hương hoa...
Vút lên bầu trời xa thẳm
Về phía mênh mông chói loà.

Hat Cat 20.12.2016

Đã là con người thì ai cũng có những khoảnh khắc xúc động trước thiên nhiên và cuộc sống, nhưng rồi, vì cuộc sống luôn hối hả bận rộn với bao nhiêu mối quan hệ xã hội, bao nhiêu công việc mưu sinh và cả bao nhiêu ham hố khác… đã khiến cho những khoảnh khắc xúc động hiếm hoi ấy đôi khi cũng chỉ thoáng qua như một cơn gió nhẹ vu vơ rồi mất hút. Chỉ khi nào những khoảnh khắc xúc động ấy trở thành nỗi ám ảnh đeo bám dai dẳng trong tâm hồn như một món nợ tình cảm không thể chối bỏ thì con người mới có nhu cầu giãi bày nó bằng các sáng tác nghệ thuật. Rất có lí khi ai đó nói rằng: “Tôi viết, trước hết là cho chính… mình!”. Thế nên, đôi khi, mọi sự khen chê và cả cái việc “đánh hội đồng” một tác phẩm nào đó xem ra chỉ có thể ít nhiều làm tổn thương tác giả của nó mà thôi, chứ còn tác phẩm khi đã trở thành “tài sản của công chúng” thì đã có công chúng và thời gian phán xét, một sự phán xét nghiệt ngã, công bằng và đầy trí tuệ. Người nghệ sĩ thường sống trong hai thế giới, đó là thế giới hiện thực - bản năng và thế giới của các biểu tượng, các hoài niệm, các kí ức... Quá trình hình tượng hoá cái thế giới của các hoài niệm chính là quá trình sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, còn giá trị của các tác phẩm nghệ thuật lại phụ thuộc vào tài năng của họ. Mà đã là hoài niệm tức là nỗi nhớ tiếc. Nhớ những cái đã qua và tiếc những gì đã mất. Nói như vậy để thấy rằng, bài thơ “Kính viếng linh hồn liệt sĩ sốt rét” trước hết là những hoài niệm sâu sắc và cảm động về một thời bi tráng còn hằn sâu trong tâm tưởng của những người trong cuộc.
Ai đã trải qua đời lính ở Trường Sơn thời chống Mĩ năm xưa hẳn đều bị ám ảnh bởi những cái chết “lãng xẹt” của đồng đội. Chết vì ốm đau bệnh tật, vì tai nạn, vì rắn độc cắn, vì lũ cuốn… và chết vì sốt rét ác tính!
Có thể coi bài thơ “Kính viếng linh hồn liệt sĩ sốt rét” của Hạt Cat là một khúc tưởng niệm bi tráng thấm đẫm nỗi xót thương những đồng đội đã phải chết một cách  tức tưởi và vô lí vì căn bệnh sốt rét.
Có người nói vui rằng, muốn đồng cảm với tâm trạng “Cô đơn thay là cảnh thân tù” thì trong đời ít nhất cũng phải có một lần nếm mùi nhà tù để làm... vốn! Tương tự như vậy, để có thể hiểu được cảm giác sốt rét rừng thì trong đời ít nhất cũng phải có một lần gục ngã vì sốt rét! Đầu óc trống rỗng, ầm ào, âm u. Mồm miệng đắng ngắt, nhạt thếch. Rét đến nỗi hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, nhưng thân nhiệt lại rất cao. Nếu là sốt rét ác tính thì người lính chỉ cần tạt vào rừng khoảng vài mét, nằm xuống và lịm đi. Một số lượng lớn hồng cầu bị đột ngột huỷ diệt, gan thận “bại liệt”, huyết áp tụt nhanh khủng khiếp và… chết! Đồng đội quay lại tìm thì chỉ còn cái xác lạnh ngắt, cứng đờ!... Đó là sốt rét rừng!
Thế nên trong khổ thơ:
Vẫn co như con tôm luộc
Anh lùi vào chốn bao la
Sốt rét dứt cơn đầy đoạ
Anh tan cùng với hương hoa...
Vút lên bầu trời xa thẳm
Về phía mênh mông chói loà.
Dường như chỉ có câu đầu là tả thực, mà tả thực một cách lạnh lùng tàn nhẫn:
Vẫn co như con tôm luộc
Đây là một “tư thế điển hình” cho cái chết vì bệnh sốt rét. Nhưng thực ra cái chết chỉ là sự “hóa thạch” của tư thế khi sống mà thôi! Chẳng có người lính sốt rét nào lại không “co như con tôm luộc”! Cứ co quắp chịu đựng như vậy cho tới khi “Hạt khí cuối cùng hắt ra”! Điều đau xót là, cái “tư thế” này cứ lặp đi lặp lại suốt cả chiều dài cuộc chiến tranh. Nó không chỉ là món nợ xương máu, mà còn là món nợ liêm sỉ đòi hỏi những người đang sống hôm nay phải nghiêm khắc tự vấn lương tâm mình!
Theo tôi, hai câu thơ “Vẫn co như con tôm luộc/Anh lùi vào chốn bao la” có thể “ngồi cùng chiếu” với “Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng vì đó đều là những mảnh hiện thực trần trụi đã được lãng mạn hóa tuyệt đối – một sự lãng mạn thấm đầy máu và nước mắt!
Những câu thơ tiếp theo mang âm điệu du dương như một khúc thánh ca:
Anh lùi vào chốn bao la
Sốt rét dứt cơn đầy đoạ
Anh tan cùng với hương hoa...
Vút lên bầu trời xa thẳm
Về phía mênh mông chói loà.
Người lính không chết mà là “lùi vào chốn bao la” và “tan cùng với hương hoa”! Thật mĩ lệ và cảm động! Đây đâu phải là một cái chết bình thường? Đó là sự hóa thân vào cõi bất tử “bao la” và ngào ngạt “hương hoa”!
Nhưng đến hai câu cuối của khổ thơ thì cái chết vì sốt rét rừng của người lính hình như không còn chút dấu vết nào của sự thương cảm ngậm ngùi nữa, bởi cái chết ấy đã trở thành biểu tượng cho sự bất tử:
Vút lên bầu trời xa thẳm
Về phía mênh mông chói loà.
Linh hồn của người lính đã hóa thân vào “bầu trời xa thẳm” vĩnh hằng để trở thành một nguồn ánh sáng “chói lòa”! Đó là thứ ánh sáng tâm linh kì diệu có thể vỗ về an ủi những tâm trạng mệt mỏi, buồn nản và cũng có thể soi thấu vào lương tri, lương năng của những kẻ đang ngụp lặn trong đầm lầy dục vọng tầm thường ô trọc!
Chiến tranh là hủy diệt! Chết là hết! Nhưng với linh hồn của những chàng trai trẻ đã bỏ mình vì nước thì cái chết sẽ là khởi đầu cho sự THỨC TỈNH LƯƠNG TÂM  của đồng loại! Hi vọng thế! Nếu không được như thế, dân tộc sẽ có nguy cơ tha hóa, thậm chí diệt vong…

Thạch Bàn, tối 23.6.2017
Nhà giáo Hoàng Dân
copy tù trang fb

1 nhận xét:

Đỗ Văn nói...

DVD sang thăm nhà, được thưởng thức và cảm nhận bài thơ hay của nữ sỹ qua bài viết của nhà giáo Hoàng Dân!
DVD rất cảm ơn và chúc nữ sỹ an lành!

https://static.panoramio.com.storage.googleapis.com/photos/large/12513164.jpg