Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

" MÉP NƯỚC HỒ TÂY " VÀ CẢM NHẬN CỦA HUỲNH XUÂN SƠN

Ảnh đại diện của Xuân Sơn Huỳnh, Trong hình ảnh có thể có: 2 người, pháo hoa

Năm Mươi Năm Trở lại Mép Nước Hồ Tây... 
Chị Tìm gì?
 Huỳnh Xuân Sơn

Năm Mươi Năm, một nửa thế kỷ, hơn nửa đời người…Liệu thời gian ấy có quá dài hay quá ngắn với bạn, với tôi, và với những người hay hoài niệm? Khi nâng niu cất giữ những kỷ niệm bên mình như những báu vật. Vậy mà Năm mươi năm về trước. Có một người phải xa một người... để rồi năm mươi năm sau ta được chiêm nghiệm một tác phẩm mang tên:
MÉP NƯỚC HỒ TÂY 
   Năm mươi năm ...
mép nước Tây Hồ
thơ ấu một thời hiển hiện
Nhớ ngụp lặn bùn lầy ốc hến
Bê rổ đầy Trùng trục
cùng
Lem luốc trùng trục anh.
Nhớ rón rén mép nước xanh
Đám cỏ gà hẫng tụt
Hì hóp nhìn cá cua chạy mất
Nhếch nhác hình hài... mếu cười
Quần áo rong rêu... xước cẳng, vều môi
Mắt vẫn dõi cá ve cờ xanh đỏ
Thò tay chộp ngoé con ôm lá cỏ
Chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe

...Rồi chiến tranh.
Anh đi / nghẹn Tây Hồ 
mưa gió ngày về vùi trong lửa đỏ. 
Biền biệt niềm thương nối nhớ
biền biệt mùa sấu non
biền biệt phượng già hoa đỏ như son
biền biệt bằng lăng lối về tím lịm.
 Ngày cũ tháng xưa... 
Biền biệt 
Ta thành xa lạ trong nhau 
Hai ngả đi về không nhau.
...Chiều Hồ Tây năm tháng thay màu
Năm mươi năm
Lại về Hồ Tây -
mép nước…
****************
LỜI BÌNH CỦA nhà thơ Xuân Sơn Huỳnh
Hạt Cát _ Diệu Sinh chính là tác giả bài thơ ấy. Với một mệnh phụ bước vào tuổi gần thất thập, sẽ có bao nhiêu điều muốn nhắc nhớ, muốn hoài niệm. Nhưng nhắc ai? nhớ điều gì? hẳn mỗi người, mỗi tuổi mỗi khác nhau. Nữ sĩ Hạt Cát Diệu Sinh dù hiện tại đang sống ở Hà Nội vậy mà cũng phải:
Năm mươi năm
Lại trở về Hồ Tây

Mép Nước…
Thắng cảnh Hồ Tây nên thơ, đẹp như tranh vậy. Sao chỉ có “mép nước..” hồ làm tác giả bâng khuâng “Chiều Hồ Tây năm tháng thay màu”. Màu chiều chẳng thể thay đổi dẫu bao lâu. Ráng chiều đổ xuống bốn mùa có màu sắc riêng của mình. Dáng nữ sĩ hôm nay thả bộ tới “mép nước” có khác và hẳn là khác nhiều so với Năm mươi năm trước. Tóc đã phai màu, làn da nay đã có mấy chị em đám đồi mồi thăm viếng rồi chẳng chịu dời đi cứ bám riết.
Ven hồ năm mươi năm trước là những “đám cỏ gà” dập dềnh theo mặt nước. Những hang cua, hang ếch ăn nham nhở bờ đất. Giờ đây là bờ kè lát đá một màu xám ngoét.
Duy chỉ có mặt nước hồ là luôn xao động bất kể nắng mưa, sáng lên hay chiều xuống. Tác giả dạo bước trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng liệu có ước ao mình có tâm trạng giống nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Phong cảnh Hồ Tây chẳng khác xưa
Người đồng châu trước biết bao giờ 
.(Nhớ Bạn Chiều Hồ Tây)
Hồ Tây nay đã thay đổi hẳn nhiên rồi. Nhưng có những cảnh vật nơi đây đã biến mất mà kỷ niệm gắn liền với nó thì vẫn còn nguyên trong góc khuất trái tim tác giả. Nhiều lúc cứ tưởng như nó đã ngủ yên suốt mấy chục năm qua, giờ đây bỗng trở dậy xô bật cửa trái tim vùng ra. Tất cả bắt nguồn cũng từ“mép nước” Hồ Tây cách đây nửa thế kỷ
Năm mươi năm ...
mép nước Tây Hồ
thơ ấu một thời hiển hiện
Nhớ ngụp lặn bùn lầy ốc hến
Bê rổ đầy Trùng trục
cùng
Lem luốc trùng trục anh.
Cái “mép nước” của Hồ Tây thơ mộng này,cũng chính là nơi lưu giữ kỷ niệm của tác giả để giờ đây trái tim người thiếu phụ đập rộn ràng khi thấy“hiển hiện” những buổi “ngụp lặn..” mò trong “bùn lầy” để mà bắt “ốc hến”.Có những hôm (có lẽ) tác giả là người “bê rổ đầy Trùng trục” ( một loài ăn thịt họ nhà trai nhưng nhỏ hơn, dài hơn và nhiều thịt hơn..) Cùng với “ người ấy” cũng đang “lem luốc…” nhưng lại trần “trùng trục”. Hai từ trùng trục đi liền trong hai câu thơ mang hai nghĩa hoàn toàn khác nhau có tác dụng nhấn mạnh đặc biệt. Mà với riêng tôi thì “trùng trục anh” thật ấn tượng. Mà nghĩ cho cùng, dẫu chẳng còn thời “cởi truồng tắm mưa” với nhau nữa. Nhưng làm con trai ai lại mặc áo đi mò ốc, bắt cua bao giờ. Có lẽ nhờ “lấm lem” và “trùng trục” nên mới có “rổ đầy Trùng trục” cho tác giả bê. Để hôm nay đứng ngây ra mà nhớ, nhớ tới cồn cào… Kỷ niệm còn vương nơi “mép nước” đâu chỉ có vậy…
Nhớ rón rén mép nước xanh
Đám cỏ gà hẫng tụt
Hì hóp nhìn cá cua chạy mất
Nhếch nhác hình hài... mếu cười
Quần áo rong rêu... Xước cẳng, vều môi
Mắt vẫn dõi cá ve cờ xanh đỏ
Thò tay chộp ngoé con ôm lá cỏ
Chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe...

Ai bị “hẫng tụt” bởi “đám cỏ gà” lừa bên “mép nước xanh” tác giả không nói rõ. Có lẽ là tác giả hay là “trùng trục anh”, có khi là cả hai cùng “hẫng tụt một lúc”. Để rồi khi leo lên được thì hỡi ơi, miệng cười, miệng mếu với bộ dạng nhếch nhác. Quần áo rong rêu mắc đã đành. Còn thêm bị “xước cẳng vều môi”. Nhưng vẫn chẳng chừa tội “mê cá ve cá cờ” mấy con cá hay chúi trong hang khi trời nắng ấy…Ôi! Tác giả nghịch có lẽ cũng nhất trong số những cô cậu đứng “thứ ba” thì phải. Ai đời con gái đi “chộp ngoé con ôm lá cỏ” bao giờ. Nghịch thì nghịch vậy đấy nhưng chỉ phút chốc thôi lại trở về bản chất nhát như cáy của mấy cô gái “ chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe”. Bao nhiêu hồi ức ùa về bên mép nước để cho kỷ niệm chất chồng lên kỷ niệm thuở ấu thơ với “trùng trục anh”.

..Thời gian lặng lẽ trôi, Đất nước vừa khai sinh lại phải chia đôi rồi bùng nổ chiến tranh…nếu không nhầm thì cột mốc Năm mươi năm bắt đầu từ lúc“trùng trục anh” lên đường ra trận.
Khổ thơ được ngăn cách bằng một khoảng lặng đủ cho dòng cảm xúc lắng lại:
Rồi chiến tranh.
Anh đi / nghẹn Tây Hồ
mưa gió ngày về vùi trong lửa đỏ.
Biền biệt niềm thương nỗi nhớ
biền biệt mùa sấu non
biền biệt phượng già hoa đỏ như son
biền biệt bằng lăng lối về tím lịm

Ngày cũ tháng xưa
 Biền biệt
Ta thành xa lạ trong nhau
hai ngả đi về không nhau.
Nhịp thơ trầm trầm khắc khoải như nỗi lòng người đợi trông. Đợi trông mà không biết ngày trở lại… Năm từ biền biệt trong một khổ thơ có là quá nhiều? không! có lẽ còn chưa đủ. Anh đi là biền biệt. Hồ Tây còn nghẹn, huống chi lòng người ở lại. Anh đi biền biệt lúc sấu mới vừa đậu trái nghĩa là đầu hạ…những tưởng nhanh thôi! để rồi hạ ùa về hoa phượng nở mang theo nỗi lòng kẻ đợi người đi biền biệt…”Phượng già hoa đỏ như son”? hay lòng người chờ đợi sắt son?
Biền biệt mùa bằng lăng mới tràn đầy khắc khoải…Màu hoa ấy khiến cho “lối về tím lịm” hay nỗi nhớ thương chìm đắm nỗi buồn vương theo màu tím. Những biền biệt ấy còn chưa đáng sợ bằng “ngày cũ tháng xưa biền biệt”. Viết tới đây bỗng nhiên tôi nhớ tới ca khúc “Mùa hoa cải ven sông” và tôi cũng muốn tác giả và bạn đọc cùng nghe một đoạn ca từ “Chiến tranh không ước hẹn./ Sợ làm con bướm trắng./ Thẫn thờ chiều bên sông./…Thế rồi thế rồi em…./ Đợi anh mặc hoa trôi./ Đợi anh trong khắc khoải..” Để rồi người con gái trong ca khúc ấy “buồn thương hoa héo hắt” và nghe “ai cũng bảo phải quên./ Em đành bước sang ngang./ Gửi mùa xuân ở lại./ Gửi con tim cháy mãi./ Cho người mình chờ mong”… Người con gái trong "Mùa hoa cải ven sông" của nhạc sĩ Lê Vinh có bao nhiêu nét tương đồng và tâm trạng giống tác giả của chúng ta? Câu hỏi này có lẽ Hạt Cát Diệu Sinh là người trả lời đúng nhất. Tôi và bạn đọc chỉ có quyền phỏng đoán mà thôi…
Hai câu thơ cuối khổ tác giả đã viết “ta thành xa lạ trong nhau..." và “hai ngả đi về không nhau”. Với riêng tôi sau khi đã đi suốt chuyến đò ký ức để về bên “mép nước” Hồ Tây cùng tác giả. Tôi nghĩ "hai ngả đi về không nhau” là sự thật. Nhưng ít nhất là từ phía tác giả, trong trái tim luôn có bóng dáng một người… người mà năm mươi năm trước đã Ra đi bởi chiến tranh…Tôi khẳng định vậy bởi tôi cũng là phụ nữ và không thể nào có bài thơ Năm Mươi Năm nếu tác giả quên phéng “trùng trục anh” ngày nào?

Cám ơn tác giả Hạt Cát Diệu Sinh đã cho tôi có dịp đồng hành với những kỷ niệm ngọt ngào thủa ấu thơ, cho đến tuổi cập kê vẫn vô tư trong sáng và đẹp lấp lánh như bình minh chiếu tia nắng trải mặt hồ phẳng lặng… Năm mươi năm không là dài nhưng cũng chẳng phải ngắn để mà nâng niu gìn giữ những kỷ niệm ấy…

Sài Gòn 3/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn _
(ĐT 0989393528)

1 nhận xét:

Ngựa Mỏi Chân Rồi nói...

Một người giỏi thơ
Một người giỏi bình
Gặp nhau tài tình
Thành cặp trọn vẹn...